Hôn nhân

Câu truyện sáng thế trong Sách Sáng Thế chương 1 và chương 2 cho thấy mẫu mực của hôn nhân: nhất phu nhất phụ suốt đời do chính Thiên Chúa dự tính từ thuở ban đầu. Nhưng chẳng bao lâu sau, cả một bộ luật phải được đưa ra vì tiêu chuẩn đã sa sút.

Luật lệ và phong tục: bộ luật của vua Ba-by-lon Hammurabi (khoảng năm 1700 trước CN) dạy rằng:

Người đàn ông không được lấy người vợ thứ hai ngoại trừ khi người vợ thứ nhất không thể sinh con.

Người chồng được phép lấy vợ hai (nàng hầu) hay vợ ông có thể cho ông đứa tớ gái của mình, để ông có con với nàng. Không được xua đuổi con cái của tớ gái.

Từ câu truyện của Áp-ra-ham, người ta thấy rõ ông cũng đã giữ các phong tục trên. Bởi thế, ông rất lo lắng khi Xa-ra nằng nặc đòi đuổi đứa tớ gái Ha-ga và đứa con trai của nàng (St 16:1-6; 21:10-12).

Các phong tục thời Gia-cóp và Ê-xau ít nghiêm ngặt hơn và cho phép được lấy nhiều vợ. Thói quen này phát triển đến nỗi đến thời Thủ Lãnh và Các Vua, người ta muốn lấy bao nhiêu vợ cũng được, miễn là có khả năng tài chánh. Nhưng có nhiều vợ sẽ dẫn đến đủ mọi thứ phiền phức. Người ta rất dễ tỏ ra thiên lệch.

Đệ nhị luật 21:15 xem chừng đã nhận ra vấn đề trên khi nói rằng người đàn ông không được lấy phần gia tài của đứa con trai đầu lòng mà trao cho đứa con trai của người vợ mình sủng ái. Đã đành, thoạt đầu lấy nhiều vợ có vẻ như có lợi về phương diện kinh tế, vì nhiều con thì càng nhiều người để làm việc. Nhưng sẽ đến lúc người ta thấy ra rằng phí tổn giữ nhiều bà vợ tốn phí hơn là cái lợi do nhiều con mang lại cho gia đình.

Đến thời Tân Ước, phong tục bình thường lại trở về việc chỉ có một vợ (dù Vua Hê-rô-đê có đến 9 bà). Về phương diện này, người ta đã quay về với tiêu chuẩn do Mô-sê và các tiên tri đưa ra.

Rất ít khi thấy một người đàn ông không lấy vợ: trong tiếng Hi-bá-lai, không có danh từ ‘trai độc thân’ (bachelor), và dân Ít-ra-en lập gia đình rất sớm. Tuổi hợp pháp để kết hôn là 13 trở lên đối với con trai và 12 trở lên đối với con gái. Có lẽ vì sớm như thế, nên hôn nhân phần lớn do cha mẹ xếp đặt, mà vào thời Cựu Ước thường là giữa người trong cùng một dòng họ, lý tưởng hơn nữa giữa anh chị em họ. Hôn nhân với người nước ngoài thờ một vị thần khác là điều bị ngăn cấm. Luật cũng cấm việc lấy nhau giữa họ hàng gần (Lv 18:6ff). Hôn nhân sắp đặt không có nghĩa là con trẻ không có tiếng nói. Si-khem (St 34:4) và Sam-sôn (Tl 14:2) đều đã yêu cầu cha mẹ sắp xếp việc hôn nhân với cô gái mình ưa. Người ta cũng được phép cưới một nô lệ hay một tù binh chiến tranh.

Hôn nhân là việc dân chính hơn là việc tôn giáo. Lúc đính hôn, một khế ước được soạn thảo trước hai nhân chứng. Đôi khi cặp đính hôn trao cho nhau một chiếc nhẫn hay một vòng đeo tay. Việc đính hôn cũng có tính trói buộc như chính cuộc hôn nhân vậy. Trong thời gian chờ đợi đến ngày hôn lễ, khi người con gái còn sống với cha mẹ, người đàn ông được miễn nghĩa vụ quân sự (Đnl 20:7). Một món tiền, giá mua cô dâu (gọi là mohar), phải được trả cho người cha cô gái. Đôi khi có thể trả một phần bằng việc làm. Xem ra người cha cô gái có thể sử dụng tiền lời do món mohar mang lại, nhưng không được đụng tới chính món mohar. Ngày cha mẹ hay chồng nàng qua đời, món tiền ấy phải được hoàn lại cho cô gái. Cha vợ của Gia-cóp là La-ban, xem ra đã không giữ phong tục ấy, nên đã tiêu mất cả tiền giá cô dâu của con gái mình (St 31:15).

Ngược lại, người cha cô gái phải cho nàng hay cho chồng nàng một của hồi môn (dowry). Của hồi môn này có thể là một đầy tớ (như trường hợp Rê-béc-ca và Lê-a), hay một miếng đất hoặc một tài sản gì đó.

Đám Cưới: Đám cưới xẩy ra khi chú rể có nhà mới sẵn sàng. Cùng với bạn hữu, chú tới nhà cô dâu vào buổi tối. Cô dâu chờ sẵn, mặt phủ khăn và mang áo cưới. Nàng đeo nữ trang mà chú rể đã trao cho. Đôi khi, chú trao cho cô cả một xâu tiền cắc. (Rất có thể một trong những đồng tiền này bị mất trong câu truyện ‘mất tiền’ được Chúa Giê-su kể trong Lu-ca 15:8). Trong nghi thức đơn giản, khăn phủ được lấy khỏi mặt cô dâu và đặt lên vai chú rể. Chú rể, người phù rể và các bạn chú rể, sau đó đón cô dâu về nhà mình hay về nhà cha mẹ chú để dự tiệc cưới trong đó thân bằng quyến thuộc được mời. Bạn bè đứng hai bên đường chờ đợi trong bộ áo đẹp nhất của họ rồi cùng đốt đuốc rước cô dâu về nhà mới, vừa đi vừa đàn hát vui vẻ. Luật Mô-sê cho phép người đàn ông ly dị vợ. Nhưng anh ta phải viết giấy tờ ly dị, cho phép người đàn bà được tự do trước khi bỏ nàng. Thời Tân Ước, các bậc thầy Do Thái thường tranh luận về các lý do ly dị. Một số vị cho phép ly dị vì bất cứ điều gì làm người chồng không vui, ngay cả chuyện không biết nấu nướng! Các vị khác cho rằng cần phải có những sa sẩy nghiêm trọng về luân lý, như ngoại tình chẳng hạn. Nhưng một cách đặc trưng, đối với phụ nữ thì tiêu chuẩn lại khác hẳn. Người vợ không bao giờ được ly dị chồng, dù trong một số hoàn cảnh, nàng có thể buộc anh ta phải ly dị mình. Khi được hỏi về ly dị, Chúa Giê-su đã mạnh mẽ lặp lại nguyên tắc trong ý định nguyên thủy của Thiên Chúa dành cho hôn nhân. Thánh Phao-lô cũng nhấn mạnh cùng một điểm ấy rằng trong hôn nhân, hai con người đã trở nên ‘một thân xác’. (Xem St 1:26-31; 2:7, 18-25; Đnl 24:1-4 và Mt 19:3-12; Cn 5:15-20; 12:4; 18:22; 19:13-14; 21:9, 19; 25:24; 31:10-31; 1Cr 7; Eph 5:22-33; 1Pr 3:1-7; Các đoạn phản ảnh phong tục đám cưới: St 24; 29; Tl 14; Mt 22:2-14; 25:1-12; Lc 14:7-14; Ga 3:1-10; Kh 21:2).