Lễ và Hội Thời Thánh Kinh

Ngày Sa-bát và phần lớn các ngày lễ lớn của Do Thái giáo đã được tuân giữ rất sớm trong lịch sử Ít-ra-en. Nhưng hai ngày lễ nói ở đây được bắt đầu tuân giữ mãi sau này. Đó là lễ Purim (từ thời Đế quốc Ba-tư, tức thế kỷ thứ 5 trước CN) và lễ Đèn (Dedication/Lights, từ thời Ma-ca-bê, thế kỷ thứ 2 trước CN). Các ngày hội chính của Do Thái giáo có liên quan đến các mùa và năm canh tác tại Ca-na-an. Chúng xẩy ra trong mùa Xuân, đầu mùa Hạ và trong mùa Thu. Mỗi dịp này, người ta có bổn phận phải tới đền thờ tại địa phương để dâng hy lễ lên Thiên Chúa. Sau thế kỷ thứ 7 trước CN, những ngày hội “hành hương” này chỉ được tổ chức tại Giê-ru-sa-lem. Đến thời Chúa Giê-su, dân số của thành này thường thường chỉ là 40,000 đã tăng lên đến 150,000, do khách hành hương đổ dồn vào thành phố nhân dịp Lễ Vượt Qua. Hội lễ là dịp để cảm tạ Chúa đã cho mùa màng, hay để tưởng niệm những biến cố lớn trong lịch sử Dân Tộc, hoặc để vui chơi ăn uống.

Lễ Vượt Qua và Lễ Bánh Không Men (Passover and Unleavened Bread): Lễ Vượt Qua là một trong những hội lễ quan trọng nhất trong năm. Lễ đó được tổ chức chiều tối vọng ngày 14 tháng Pisa. Đêm đó, mỗi gia đình phải tế lễ một con chiên, để tưởng nhớ hy lễ đầu tiên xẩy ra trước ngày Thiên Chúa giải thoát người Do Thái khỏi đất Ai Cập. Hôm đó, Thiên Chúa “vượt qua” các nhà người Do Thái có rẩy máu chiên lên trên cửa và tha không giết con trai đầu lòng của họ. Trong bữa tiệc Vượt Qua, người ta ăn bánh mì làm vội và không có bột nổi (bánh không men). Việc này nhắc nhớ những chuẩn bị ra đi vội vã khi Pha-ra-ô cho phép người Do Thái rời khỏi Ai Cập. Nó cũng nhắc nhớ mẩu bánh đầu tiên được nướng bằng lúa mới, bốn ngày sau khi người Do Thái tiến vào Ca-na-an. Thoạt đầu, Lễ Vượt Qua được tổ chức tại các tư gia, nhưng đến thời Tân Ước, nó trở thành ngày hội “hành hương” chính tại Giê-ru-sa-lem. Ngày nay, nó vẫn còn là ngày lễ hội quan trọng nhất của người Do Thái. (Xh 12; Giosuê 5:10-12; Mc 14: 1-2). Lễ Đầu Mùa (First fruits): Nghi lễ này được tổ chức vào ngày sau cùng của tuần Lễ Bánh Không Men. Những nhánh lúa mạch đầu tiên của vụ gặt được dâng lên Thiên Chúa. Còn chính hội lễ gặt hái thì xẩy ra muộn hơn trong năm (Lêvi 23:9-14).

Lễ Tuần (Weeks) sau này đổi thành Lễ Ngũ Tuần (Pentecost): Cuối mùa gặt hái, thầy cả dâng hai ổ bánh mì làm bằng bột mới cùng với những hy lễ súc vật. Lễ này được mừng 50 ngày (tức 7 tuần và 1 ngày) sau lễ Vượt Qua và khởi đầu mùa gặt. Lễ này sau đó được đặt tên lại là “Ngũ Tuần”. Đây là một dịp vui mừng và cảm tạ Chúa về các ơn lành và mùa gặt Ngài ban. Xh 23:16; Lv 23:15-21; Đnl 16:9-12.

Lễ Kèn (Trumpets) (sau thành Tân Niên): Đầu mỗi tháng, cũng mỗi ngày lễ, đều được báo hiệu bằng một hồi kèn. Nhưng vào ngày đầu tháng 7, kèn được thổi một cách đặc biệt. Đó là ngày nghỉ ngơi và thờ phượng, quan trọng hơn cả ngày Sa-bát, xét theo của lễ dâng hiến. Nó đánh dấu tháng 7 là tháng quan trọng nhất trong năm. Sau thời lưu đầy, nó được coi như Lễ Đầu Năm trong đạo (Rosh Hashanah), nhưng các tháng vẫn được tính bắt đầu từ tháng Nisan (tháng 3, tháng 4). Ds 10:10; 28:9; 29:1-2.

Lễ Xá Tội (Atonement, Yom Kippur): Trong ngày lễ này, toàn dân Ít-ra-en thú hết tội lỗi mình và cầu xin Thiên Chúa tha thứ và xoá hết tội lỗi ấy. Thầy cả thượng phẩm, mặc đồ trắng, trước hết dâng hy lễ xin tha tội cho mình và cho các thầy cả, rồi dâng hy lễ khác xin tha tội cho toàn dân. Ngày này là ngày duy nhất trong năm, thầy cả thượng phẩm bước vào nơi “cực thánh” trong đền thờ. Tại đây, ông rẩy máu lấy từ hy lễ. Rồi ông lấy một con dê, tục gọi là con dê thế tội (scapegoat), và sau khi đặt tay lên đầu nó, ông đuổi nó vào sa mạc như dấu chỉ tội của dân đã được xua đi. Xem thêm Atonement, Priests and Levites, Sacrifices. Lv 16.

Lễ Hội Họp/Lễ Lều (Ingathering/Tabernacles/Booths/Shelters): Đây là lễ phổ thông nhất và cũng vui nhất trong tất cả các ngày lễ. Nó được cử hành trong mùa Thu khi các trái cây đã được hái lượm xong xuôi. Việc cử hành bao gồm việc dựng trại ngoài vườn và trên nóc nhà với những chiếc lều hay túp lều làm bằng lá cây. Những chiếc lều (hay “nhà tạm”) này là để tưởng nhớ thời gian khi dân Ít-ra-en còn sống dưới lều trong sa mạc.

Trong lễ hội này, ta thấy có nghi thức đổ nước và cầu cho mưa thuận gió hòa cho mùa sắp đến. Có lẽ trong lễ này, Chúa Giê-su đã đứng dậy và công bố: “Ai khát, hãy đến với ta mà uống. Như Thánh Kinh đã phán, ‘ai tin ta, giòng suối nước hằng sống sẽ tuôn ra từ trái tim họ’”. Xh 34:22; Tl 21:19-21; Ncây số 8:14-16; Lv 23:39-43; Ga 7:37-38. Lễ Thánh Hiến/Lễ Thắp Sáng (Dedication/Lights): Lễ này kỷ niệm việc tẩy uế và tái thánh hiến đệ nhị đền thờ do Giu-đa Ma-ca-bê xây năm 165 trước CN, sau khi đền thờ bị vua Xi-ri là Antochius IV Epiphanes làm ô uế. Lễ này cũng gọi là Lễ Thắp Sáng bởi mỗi buổi tối, đèn được thắp sáng trong mọi căn hộ và nguyện đường. Trong Ga 10:22, lễ này được gọi là Lễ Thánh Hiến, nhưng nay được gọi là Lễ Hanukkah. 1Mcb 4:52-59.

Lễ Purim: Một cử hành hết sức phấn chấn và huyên náo, có nguồn gốc từ thời Ét-te lúc bà cùng người anh em họ là Moóc-đo-khai cứu dân Ít-ra-en khỏi bị thảm sát thời vua Xéc-xét (‘Ahasuerus’) của Ba-tư. Purim có nghĩa là ‘rút thăm’ để nhắc nhớ việc Ha-man, tể tướng của nhà vua, rút thăm để quyết định ngày nào thảm sát người Do Thái. Et 3:7; 9:24,26.

Ngày Sa-bát (The sabbath): Sa-bát là ngày lễ đặc trưng nhất của Ít-ra-en. Các dân tộc khác thẩy đều có ngày hội gặt hái và nghi thức đầu trăng. Chỉ Ít-ra-en có ngày Sa-bát, giữ nhịp điệu cho mọi mùa. Mỗi ngày thứ bẩy được dành riêng ra cho việc nghỉ ngơi. Đó là ngày Sa-bát và ngày đó là ngày của Chúa. Điều răn thứ ba dạy dân Ít-ra-en phải nghỉ làm ngày đó. Cái mẫu mực cứ làm việc sáu ngày lại nghỉ một ngày cũng có nguồn gốc từ thuở sáng thế, lúc Thiên Chúa ‘nghỉ ngơi’ vào ngày thứ bẩy. Trong ngày Sa-bát, dân Ít-ra-en tưởng nhớ mọi điều Thiên Chúa đã làm cho họ, đặc biệt là việc Người cứu họ cảnh nô lệ bên đất Ai Cập.

Thiên Chúa phán qua tiên tri I-sai-a rằng “nếu ngươi coi Sa-bát là ngày thánh, và không tìm lợi nhuận riêng trong ngày đó; nếu ngươi qúi trọng ngày thánh của ta và tôn trọng nó bằng cách không du hành, không làm việc và nói nhảm trong ngày ấy, ngươi sẽ tìm được niềm vui do việc phục vụ ta”.

Đến thời Tân Ước, việc giữ ngày Sa-bát trở nên phức tạp, với nhiều luật lệ, đến nỗi Chúa Giê-su phải nhắc cho dân hay “ngày Sa-bát được làm nên cho con người, chứ không phải con người được làm nên cho ngày Sa-bát”. St 2:2-3; Xh 20:8-10; 31:12-17; Đnl 5:12; Is 56; 58:13-14; Mt 12:1-14; Mc 2:23-27.

Lễ Đầu Trăng (New Moon): Ngày trăng mới là ngày đầu tháng. Người ta thổi kèn và dâng hy lễ đặc biệt. Việc xuất hiện trăng mới được hiểu là để nhắc người ta nhớ đến công trình sáng tạo thế giới trong trật tự của Chúa. Không được làm việc ngày này, nhưng người ta tổ chức những bữa ăn đặc biệt và những buổi giảng dạy về tôn giáo. St 1:16; Ds 10:10; 28:11-15; Tv 104:19; 1Sm 20:5,24; 2V 4:23.

Năm Sa-bát (sabbatical Year): Cũng như mỗi ngày thứ bẩy, người ta phải nghỉ ngơi thế nào, thì mỗi năm thứ bẩy cũng là “là năm toàn bộ đất đai phải nghỉ ngơi như thế, một năm hoàn toàn hiến dâng cho Chúa”. Dĩ nhiên không có chuyện cả lãnh thổ nghỉ ngơi cùng một lúc. Có lẽ mỗi thửa ruộng phải ngưng canh vào năm thứ bẩy kể từ ngày khởi canh lần đầu. Bất cứ hoa mầu nào có trong năm này, người nghèo tự do thu lượm. Sự sắp xếp này là dấu chỉ cho người Do Thái thấy rằng đất đai không thuộc riêng họ. Nó ‘thánh thiêng’ theo nghĩa thuộc về Thiên Chúa. Mỗi năm thứ bẩy, mọi nô lệ người Do Thái cũng được thả tự do và mọi khỏan nợ đều được hủy bỏ. Lv 25:1-7; Xh 23:10-11; 21: 2-6; Đnl 15:1-6.

Năm Hồng Ân (Jubilee): Luật định rằng cứ mỗi 50 năm, tức năm sau 7 năm Sa-bát, đất đai và tài sản (ngoại trừ các nhà trong phố) phải được hoàn lại cho chủ nhân nguyên thủy, mọi nô lệ Do Thái phải được trả tự do, nợ nần được hủy bỏ và đất đai được phép để không. Luật Năm Hồng Ân tỏ ra khó có thể thi hành được, nên nó được chờ mong như ngày chỉ có Chúa mới có thể mang đến được. Nó là ‘năm’ I-sai-a đã hứa, và Chúa Giê-su đã loan báo. Lv 25:8-17, 23-55; Is 61:1-2; Lc 4:16-21.