Tư Liệu Thánh Kinh: Nghề Nông Thời Thánh Kinh

Nói chung, dân sống tại Pa-lét-tin thường làm nghề nông, mặc dù bản chất đất đai, khí hậu, và nhiều yếu tố khác làm cho nghề này luôn vất vả nặng nhọc. Phần lớn đất đai là hoang địa và đá cát, do đó cày cấy không được. Khi dân Ít-ra-en bắt đầu định cư tại Đất Hứa, mỗi hộ được cấp một mảnh đất và có lẽ cả quyền cho chiên dê ăn cỏ trên đất chung. Nhưng rồi với thời gian, những người khá giả tìm cách ‘mua đứng’ những nông trại nhỏ (xem Is 5:8) và những nông dân nghèo luôn luôn phải tranh đấu cam go mới giữ được miếng đất nhỏ nhoi của mình.

Người nông phu tiêu biểu của Ít-ra-en không sống tại nông trại của mình, nhưng tại một làng hay một thị trấn gần đó. Làng và thị trấn này thường gần những thành kiên cố. Vì điều quan trọng là phải ở gần nguồn cung cấp nước và được bảo vệ, đề phòng những cuộc xâm lấn của quân thù. Ông ta chỉ được sở hữu số đất đai ông ta tự làm ăn được trên đó, với sự giúp tay của một hai người làm thuê. Mọi người trong gia đình người nông dân đều chia nhau làm việc. Ông có thể trồng những vụ có thể trồng được, cũng như nho và ô-liu. Ông cũng có thể sở hữu ít cừu và dê do các con trai hay một vài người làm thuê chăm sóc. Người nông dân cũng có thể chuyên canh.

Ông ta có 4 mối lo chính: hạn hán, cuồng phong từ hướng đông (gọi là ‘sirocco’=gió nóng và ẩm) có thể cuốn đi đất mầu, châu chấu, và quân xâm lăng. Những vụ mùa chính là lúa, nho (làm rượu), và ô-liu (ép dầu). Cả ba vụ mùa này được nhắc đi nhắc lại rất nhiều trong Thánh Kinh (Thí dụ Đnl 7:13; Ncây số 5:11; Hs 2:8). Nhưng danh sách các vụ mùa này có thể mở rộng thêm.

Lúa: Ở một số ít thung lũng phì nhiêu, đồng bằng Phi-lít-tin, Thung Lũng Gio-đan, và Đồng Bằng Gít-rơ-en, người ta trồng những vụ mùa lúa mì qúi giá. Lúa mạch được trồng ở nhiều nơi hơn vì loại lúa này cần ít thời gian và có thể trồng trên đất kém mầu mỡ hơn. Người ta cũng trồng loại lúa mì spelt và kê. Bánh mì là thực phẩm căn bản hàng ngày, nên bất cứ thung lũng hay hạ nguyên nào có thể sử dụng được đều trồng loại lúa này. Bất cứ loại đá nào nằm ngổn ngang đây đó cũng được dùng để xây những bờ thành trên sườn đồi ngăn cho đất mầu khỏi bị mất đi.

Các Thứ Rau: Có những mùa rau như đậu nâu, đậu Hà-Lan, đậu, hành, dưa leo, tỏi và các cây gia vị. Những loại này được trồng gần nhà hay giữa các hàng nho.

Trái Cây: Nho được dùng làm bánh ngọt. Các thứ trái cây khác gồm có dưa, vả, chà là, lựu và các thứ hạt. Một số loại trái cây trên dùng làm đồ uống cho sáu tháng Hè hạn hán từ Tháng Năm tới Tháng Mười. Dầu từ ô-liu dùng để nấu ăn, thắp đèn, y tế và giặt giũ.Cây nho và cây ô-liu trồng trên sườn đồi.

Cây Lanh (Flax): Một ít cây lanh được trồng để chế ra vải vóc.

Lịch Nhà Nông: Gần đây, người ta tìm ra một mảnh đá vôi được định niên biểu khoảng thời Vua Sa-lô-môn, trên đó có viết một bài vè kiểu học trò. Người ta đặt tên bài vè ấy là Lịch Ghe-dê:

Hai tháng thu hoạch (ô-liu).

Hai tháng trồng (lúa).

Hai tháng muộn trồng.

Một tháng cuốc xới cây lanh,

Một tháng thu lúa mạch nhanh về nhà,

Một tháng mùa hội đăng hoa,

Hai tháng chăm sóc qua loa nho cành,

Một tháng trái hạ thơm lành.


Đó quả là bản tóm lược lịch nhà nông cả năm.

Mùa Ô-Liu: Từ Tháng 9 hay Tháng 10 tới Tháng 11 là mùa hái ô-liu và ép lấy dầu. Cây ô-liu có thể chịu được nhiều tháng không mưa và có thể sống trên đất rất nông. Nó cần hai năm để chín và, vì cây chín từ từ, nên nhà nông có thể hái nó bất cứ lúc nào ông có thì giờ. Trái ô-liu được chở trong thúng tới các bể chứa và thời xa xưa, dầu được ép bằng cách lấy chân đạp hay dùng chày giã những trái ô-liu ấy. Sau này, người ta chế ra cối xay để làm việc đó. Trái ô-liu được đổ trên một phiến đá có rãnh và một phiến đá khác xoay trên những trái ô-liu kia nhờ một trục ngang. Chất nghiền từ trái ô-liu nhờ sức nặng của cối được ép mạnh. Những máy ép ô-liu lớn đã được tìm thấy từ thời Vua Đa-vít, gồm một trục ngang sẽ ép xuống mớ ô-liu. Đầu trên có đeo những quả nặng, trong khi đầu dưới được giữ cố định trong một chiếc lỗ trên tường. Dầu sẽ chẩy vào bể chứa bằng đá, và sẽ lưu lại đó một thời gia lâu cho lóng và trong.

Cày và Trồng: Tháng 10/11 là mưa đầu ‘qúi giá’ sau những ngày nắng hạ hạn hán. Từ đó đến tháng Giêng là lúc cày đất và trồng lúa. Chiếc cày thường là một cây gỗ thông thường có cán và đầu nhọn bằng sắt (bằng đồng trước thời Vua Đa-vít). Nó được cột vào một cái ách và được một hay hai con bò đực kéo. Nông phu có thể một tay giữ cày, tay kia cầm một chiếc que để đánh giục bò. Vì cầy tương đối nhẹ, nên nông phu có thể nâng nó qua bất cứ tảng đá lớn nào. Nó để lại phía sau những đường cày sâu chừng 80 đến 100cm. Hạt giống (lúa mì, lúa mạch và cả lanh nữa) được vãi bằng tay rồi sau đó nông phu có khi lại dùng cày để phủ đất lên những hạt đó. Lắm khi người ta cũng kéo theo các cành cây để làm mịn đất, và dùng cuốc để phá cỏ dại.

Trồng Trễ: Từ tháng Giêng tới tháng Ba, các trận mưa Đông bắt đầu và việc trồng tỉa lại tiếp diễn: người ta có thể trồng kê, đậu, đậu nâu, dưa và dưa leo.

Mùa Gặt Lanh và Lúa: Trong hai tháng Ba và Tư, các trận mưa trễ bắt đầu. Những trận mưa này giúp lúa hạt phát triển đến độ việc hái gặt có thể bắt đầu được. Lanh được thu hoạch trước nhất, trong hai tháng trên. Người ta dùng cuốc cuốc các cây lanh lên ở chỗ gần gốc rồi phơi khô các thân lanh này để chuẩn bị làm thành thừng hay vải vóc. Qua các tháng Tư, Năm và Sáu, là mùa gặt lúa mạch và lúa mì. Thân lúa được cắt bằng liềm (một tay cầm nhỏ bằng gỗ với lưỡi sắc cong bằng sắt hay đồng) và các nhánh lúa được liềm cắt ấy được cột lại thành bó. Các bó lúa ấy được chất lên lưng lừa hay xe kéo và chở về các ‘sàn đập’. Sàn này dường như là tài sản chung và là trung tâm sinh hoạt của cả làng vào mùa gặt. Nó thường là một mảnh đất lộ thiên nhiều đá hay phủ đất sét, tại một địa điểm gió lộng ở ngoài làng. Người ta vây nó bằng các tảng đá rồi trải các bó lúa xuống sàn cao chừng một bộ. Người ta đập lúa bằng cách lấy gập đập lên nó hay lái một con vật nào đó đi chung quanh dẵm lên. Cũng có khi dùng cả dụng cụ đập lúa nữa. Dụng cụ này thường là một tấm ván, hay một tấm ván đặt trên bánh xe, có gắn những viên đá hay miếng sắt nhỏ. Các thân lúa bị chặt và hạt lúa rơi ra. Sau đó, người nhà nông sẽ sẩy lúa, nghĩa là lấy cào gỗ tung những thân lúa lên không khí, rơm sẽ được thổi qua một bên, dùng để nuôi gia súc vào mùa Đông; còn hạt, vì nặng hơn, sẽ rơi xuống sàn trở lại. Người ta sẽ sàng chúng rồi chứa trong những chiếc vại lớn bằng đất, trong các bể chứa khô ráo đào dưới đất, hay trong những vựa lúa lớn hơn. Dường như có khá nhiều vựa lúa rất lớn của cả nước để chứa lúa các nông phu đóng thuế vào dịp này.

Nho: Trong các tháng Sáu, Bẩy và Tám, cây nho được tỉa và làm cho gọn gàng. I-sai-a 5 và Mác-cô 12 cho ta một số hình ảnh về việc người ta sửa soạn các vườn nho mới ra sao. Họ đào một giao thông hào làm biên giới, rồi dựng cột lên để giữ một bờ dậu hay một hàng rào. Các cây nho mới được trồng thành hàng và cành lá chúng mọc trên những dàn chống đỡ. Sau đó người ta bắt đầu tỉa những cây nho này. Khi trái bắt đầu xuất hiện, người ta cho dựng một cái chòi bằng lá hay một cái tháp bằng đá để canh chừng kẻ trộm, hay xua đuổi chó sói, chó rừng.

Mùa Trái Cây: Trong các tháng Tám và Chín, người ta thu hoạch trái cây mùa Hè: vả, sung, lựu, nho. Các rổ nho được đem tới những bể chứa nhỏ có sàn dốc xuống những chiếc lọ. Các trái nho ấy được đạp lên để nước cốt tiết ra. Người ta đã khám phá rất nhiều bể chứa loại này tại ‘Shephelah’ (Chân đồi Giuđa). Việc hái và đạp nho được diễn ra trong không khí lễ hội. Người ta có thể ăn trái nho cùng một lúc. Đệ nhị luật 23:25 cho hay: ‘khi vào vườn nho của người đồng loại của anh em, thì anh em có thể ăn nho tùy thích, ăn cho đến no, nhưng không được bỏ vào giỏ của mình’. Các chất cặn cần 40 ngày mới lắng. Rồi người ta chứa rượu nho đã lên men trong những bình chứa bằng da hay bằng sành. Ở một số nơi, việc làm rượu trở thành gần như một kỹ nghệ. Tại Ghíp-ôn, 56 chiếc cán bình đã được tìm ra trên đó có khắc tên thị trấn và tên người chủ vườn nho. Ngoài ra còn có 63 bể chứa hình chuông dùng để trữ rượu thời các vua cùng với các bể lên men rượu cũng như các máy ép nho.

Thú Vật: Trong tiếng Hi-bá-lai, ‘trâu bò’ (cattle) bao gồm chiên, dê, bò và lừa, nhưng không kể heo. Lừa được nuôi để chở hàng. Bò để cày bừa, chỉ giết thịt trong những dịp đặc biệt. Chiên và dê luôn được nuôi chung. Chiên phần lớn để cho len may quần áo, thỉnh thoảng lắm mới bị làm thịt: tại Do Thái, mỡ đuôi chiên được coi là món hảo hạng hiếm có. Chúng cũng cung cấp sữa dưới hình thức đông (curds) cho dân nghèo ‘mạt rệp’. Dê rất qúy về phương diện ăn thịt và cung cấp sữa. Lông nó dùng làm vải thô và da chúng dùng làm bình chứa. Cuộc sống của người chăn chiên xem ra thay đổi rất ít từ thời Áp-ra-ham đến thời Chúa Giê-su. Họ chăn dắt đoàn chiên, biết từng con, và canh giữ chúng ngày đêm (xem Ga 10:1-6). Dù có những hàng rào bằng đá vây kín, vẫn có những nguy cơ như trộm đạo và thú dữ: sư tử, báo và gấu (cho đến lúc bị diệt chủng), sói và linh cẩu (hyenas), chó rừng, rắn rết và bò cạp. Người chăn chiên mang theo cây gậy để giữ cho chiên khỏi ngã hoặc cũng có thể tự trang bị cho mình một cây chùy bằng gỗ. Nếu chiên bị đánh cắp, ông ta phải bồi thường cho chủ. Nếu chiên bị thú dữ tấn công, ông ta phải đem được bằng chứng về trại (xem Xh 22:12-13).

Thời Tân Ước: Tại lãnh thổ Do Thái, việc làm nông thay đổi rất ít suốt thời Thánh Kinh, dù tại các nước khác ở vùng Địa Trung Hải, nhiều tiến bộ đã đạt được. Phe Biệt Phái thường hay gọi những người không hiểu biết về tôn giáo là ‘bọn nhà quê’. Điều này cho thấy các nông phu không được tôn trọng bao nhiêu. Tuy nhiên, đất nước này từng được thâm canh rất nhiều. Một văn sĩ đương thời đã miêu tả hoa trái của Ít-ra-en tốt hơn bất cứ hoa trái nào của nước khác. Vùng Ga-li-lê mầu mỡ đã sản xuất nhiều lanh hơn, và có lẽ đã đưa ra nhiều dự án dẫn thủy nhập điền. Ngay thời đó, người dân đã có thói quen nuôi nhiều gà vịt.