Tư Liệu Thánh Kinh: Ðời Sống Hằng Ngày thời Thánh Kinh

Nơi các lãnh thổ Thánh Kinh, luôn có những người du cư cũng như những người định cư.

Áp-ra-ham đổi cuộc sống an cư lạc nghiệp và văn minh đô thị của Ua tại Lưỡng Hà lấy cuộc sống bán du cư khi Thiên Chúa mời gọi ông rời bỏ quê hương. Giống như người du-mục Ả-rập tân thời, ông sống trong căn lều lông dê. Cái thứ vật liệu đen và nâu có sọc ấy được dệt bằng lông dê sau mùa sén lông, trên khung cửi đóng chặt xuống đất. Những chiếc khoen gỗ được khâu quanh mép và ở giữa để giữ chín chiếc cọc đóng thành ba rẫy. Rẫy cọc giữa cao chừng 1 mét 8, còn hai rẫy ngoài ngắn hơn. Căn lều được lợp bằng tấm vải lông dê khổ chừng 1 mét 8. Phụ nữ thường phải làm những công việc nặng như dựng lều lên và cột lều bằng cách xiết những sợi dây thừng lớn. Khu vực bên dưới chiếc màn thường được đóng kín ở phía sau bằng một tấm sáo lông dê, hay cói hoặc rơm bện lại với nhau. Khu vực còn lại chia thành hai ‘phòng’. Một phòng tạo thành cửa trống làm nơi tiếp khách. Phòng kia vây kín dành cho phụ nữ và nơi chứa đồ. Người đàn ông duy nhất được quyền vào khu vực này là chủ gia đình. Ðôi khi, khu vực bên dưới lều được phủ bằng tấm đan, nhưng thường là để đất trần. Lều được dựng thành từng nhóm để dễ phòng thủ. Phụ nữ ít khi có lều riêng, ngoại trừ các gia đình rất giầu có.

Hàng mấy trăm năm, con cháu Áp-ra-ham phải sống trong lều: đầu tiên trên đất Ca-na-an, sau đó bên Ai Cập, và trong sa-mạc. Khi chinh phục được người Ca-na-an, họ mới chiếm các đô thị của sắc dân này, chấp vá các phế tích và sao y lối xây cất của họ.

Xây Nhà: Thời Cựu Ước, người nghèo sống trong những căn nhà rất nhỏ. Chỉ có một phòng vuông với một sân nhỏ bên ngoài. Các căn nhà được xây bởi chòm xóm lân bang hay bởi các tay thợ chuyên môn thường làm ăn từ nơi này tới nơi nọ. Nếu nhà được xây trong đồng bằng hay trong thung lũng, tường thường làm bằng gạch đất bùn. Các căn phòng thường được thêm vào dọc theo bờ tường hay được cơi lên thành lầu khác khi họ có của hơn trước. Nhờ thế kỹ năng xây cất mỗi ngày một tiến bộ. Gạch đất bùn khá lớn khoảng 53cm x 25cm x 10cm và được chế tạo bằng những chiếc khuôn gỗ.

Cha ông người Ít-ra-en đến định cư tại Ca-na-an đã có nhiều kinh nghiệm làm thứ gạch này khi còn là nô lệ bên Ai Cập. Họ bắt đầu bằng đào một chiếc lỗ dưới đất, rồi đổ đầy với nước, rơm chặt, sợi cây dừa và một ít vỏ sò cũng như than củi. Sau đó, những người làm công đạp hỗn chất ấy cho đến khi chúng trở thành một chất bùn mềm và có thể nặn được. Phần lớn loại gạch này được phơi khô dưới nắng. Các lò nung sản xuất ra loại gạch cứng hơn dùng làm chân móng. Ðất bùn cũng được dùng để dính các viên gạch lại với nhau và để tô áo. Chẳng lạ gì khi gặp thời tiết ẩm ướt, nhà thường bị dột. Nó không chắc chắn lắm, rất dễ bị cướp xâm nhập bằng cách đào một lỗ hổng xuyên qua tường. Ở vùng núi, nơi có sẵn đá vôi cũng như đá đen (basalt), và tại những vùng duyên hải, nơi sẵn có đá cát (sandstone), những viên đá đẽo tương đối vuông được dùng làm chân móng, trên đó là bức tường bằng đá xù xì hơn hay bằng gạch dầy đến 91cm. Những bức tường này có thể được làm rỗng hay tạo thành khung vòm để chứa đồ. Trong những buổi đầu, tường thường được xây bằng đá vụn xù xì (rubble). Nhưng về sau khi đã chế được những dụng cụ bằng sắt để có thể đẽo đá dễ dàng hơn, các viên đá trở thành vuông vức hơn trước nhiều.

Cửa sổ rất ít và nhỏ xíu, đặt cao trên tường cho mát về mùa Hạ, ấm về mùa Đông. Không có khung kính. Thay vào đó, có chắn song. Màn dầy bằng len được sử dụng vào mùa lạnh và ẩm ướt để chống thời tiết. Cửa khởi đầu được làm bằng cành cây đan lại. Sau nhờ kỹ thuật cao hơn, đã được làm bằng gỗ và kim loại.

Mái được xây bằng cách đặt những chiếc xà suốt chiều ngang các tường, và những xà nhỏ hơn thẳng góc với chúng. Dùng loại gỗ nào thì tùy theo mức giầu nghèo của gia chủ: người nghèo thường dùng gỗ sung, giầu có hơn dùng gỗ bách hay tuyết tùng. Sau đó thêm những lớp cây vụn (brushwood), đất và đất sét và toàn bộ trên được kiên cố hoá bằng cách sử dụng chiếc xe lăn bằng đá dài chừng 60cm để sẵn trên mái.

Sau cơn mưa, mái thường có cỏ mọc và phải cho những con vật nhỏ lên đó gặm cho hết! Các ống máng thường nhận nước mưa qúy giá nhưng không được sạch sẽ lắm để dẫn xuống bể chứa. Bể này được chét vữa cho khỏi rỉ. Vữa thì làm bằng tro, vôi, cát và nước. Chứa được nước riêng là một cái gì chứng tỏ địa vị của mình trong thời Cựu Ước. Nhưng thứ nước ấy hiển nhiên không giúp nhiều cho sức khỏe.

Mái là phần rất quan trọng của căn nhà. Nhà nghèo thường phải leo lên đó bằng thang. Nhà khá giả hơn, có thể có cầu thang xây vào tường bắt từ ngoài vườn lên đỉnh mái. Mái được dùng làm nơi phơi trái cây và thóc lúa (Ra-kháp dấu các do thám viên Ít-ra-en dưới đống cây lanh phơi khô trên mái nhà nàng. Gs 2:6), cũng như nơi hóng mát vào những buổi chiều nóng bức. Ðôi khi các gia đình còn dựng lều lá trên đó để ngủ qua đêm.

Khi kỹ thuật xây cất đã tiến bộ, những nhà có lầu trở thành thông thường hơn. Người đàn bà giầu có tại Su-nêm xây hẳn một phòng khách đặc biệt cho tiên tri Ê-li-sa (2V 4:10). Ðôi khi, người ta đặt dàn mắt cáo (trellis) trên mái và uốn cây leo trên đó. Nếu nhà xây trên sườn đồi dốc, mái có thể được dùng làm nơi đập lúa. Các chủ hộ có thể truyền tin tức từ mái nhà này qua mái nhà nọ (‘trên các mái nhà’) tránh những tiếng ồn ào từ dưới phố. Mái nhà trở thành phần quan trọng trong sinh hoạt gia đình đến độ luật pháp nhấn mạnh phải có lan can chạy chung quanh cho an toàn (Ðnl 22:8). Mái ngói và mái dốc bắt đầu được xây trước thời Tân Ước không lâu.

Bên trong nhà, khu vực có sàn được chia thành hai, giống như căn lều của du cư. Xúc vật được giữ ở khu vực thấp hơn, gần cửa ra vào về mùa Đông. Khu vực có sàn này làm bằng đất nện. Gia đình sinh hoạt ở phần sàn cao, xa hẳn khỏi cửa ra vào. Khỏang trống bên dưới có thể dùng để chứa dụng cụ hay bình lọ, có khi cả xúc vật nữa. Vật dụng nấu nướng, quần áo cũng như chăn màn được giữ trên giá cao.

Ðôi khi, đá sỏi được nện vào nền đất. Nhưng chỉ đến khi chịu ảnh hưởng của Hy Lạp, nghĩa là sau năm 300 trước CN, kỹ thuật làm sàn ghép mảnh (mosaic floor) mới phát triển. Ngay cả đến lúc đó, kỹ thuật này vẫn bị dè bỉu vì lý do tôn giáo. Cho nên trong suốt thời Thánh Kinh, tại Ít-ra-en, loại sàn này chỉ thấy có trong cung điện Vua Hê-rô-đê tại Masada và những nhà giầu tại Giê-ru-sa-lem.

Cuộc Sống trong Nhà: Cuộc sống của một gia đình sống trong căn nhà nhỏ bình thường là như thế nào? Mùa Hè nóng nực, nhà có nhiều ruồi muỗi. Mùa Đông lạnh lẽo, nhà lại đầy khói lửa. Không có lò sưởi. Lửa âm ỉ cháy trong một cái lỗ đào dưới sàn đất. Nếu là nhà giầu, họ có thể sưởi quanh một lò than. Nhưng không nhà nào có ống khói.

Khi trời mưa nặng và liên tục, mái và tường bị dột nước. Soạn giả sách Châm Ngôn của Cựu Ước biết rõ cái khổ tâm của tình trạng ấy, ông viết: ‘Ðàn bà lắm điều như nhà dột ngày mưa’ (Cn 27:15). Không có phòng dành cho việc tắm rửa, và căn nhà bình dân rất tối đến độ luôn luôn phải đốt đèn, đặt trên giá cao, hay trong hóc tường, ở chỗ cách cửa xa nhất.

Tuy nhiên, từ thời Sa-lô-môn, giai cấp phong lưu bắt đầu xuất hiện, và cuộc sống trở nên rất khác đối với họ. Phòng được nới rộng quanh sân vườn, đủ bóng râm và luồng gió mát về mùa Hè. Trong mùa Đông, các căn phòng lại được sử dụng theo hướng ấm áp, nhiều ánh nắng hơn. Toàn bộ căn nhà được xây trên qui mô lớn hơn, với những trụ lớn chống đỡ hệ thống mái. Nhờ những trụ này, người ta có thể xây những cổng vòm hay những hàng cột (colonnades). Tiên tri A-mốt nói đến ‘nhà mùa Đông và nhà mùa Hè’ của người giầu (Am 3:15).

Giữa hai thời Cựu và Tân Ước, nhà giầu có khi còn xây thêm những phòng tắm đặc biệt, có bể tắm gắn xuống sàn. (Có người cho rằng Sergius Orata đã sáng chế ra phòng tắm với hệ thống sưởi trung ương, và vòi cung cấp nước nóng, khoảng năm 70 trước CN!). Ðến thời Tân Ước, nhà giầu tại Pa-lét-tin đã xây được những căn nhà theo lối kiến trúc La Mã, với hai sân hình chữ nhật, một trước một sau, mỗi sân có phòng bao quanh.

Ðồ Ðạc: Các dân tộc Đông Phương, ngay cả bây giờ, thường ít đồ đạc hơn các dân tộc Tây Phương. Kiểu thì thuờng vụ mát mẻ, đơn giản và không hỗn tạp, ngay đối với nhà giầu cũng thế. Chỉ một ít chiếu trải trên đất, một ít ghế ngồi, vài chiếc bàn nhỏ và một vài thứ dùng để sưởi trong mùa Đông.

Suốt thời Thánh Kinh, nhà nghèo nói chung có rất ít đồ đạc và trang trí. ‘Giường’ thường chỉ là chiếc nệm tộng vỏ cây, được trải ra mỗi đêm ở phía nền cao. Cả gia đình ngủ trên đó, đắp những chiếc chăn lông dê. Sáng dậy, lại xếp cái nệm và chăn mền ấy lại và cất đi. Đồ đạc mà người đàn bà Su-nêm dành cho Ê-li-sa tốt hơn trung bình nhiều: một chiếc giường, một cái bàn, một chiếc ghế và một cây đèn [2V 4:10]. Bàn thường chỉ là tấm nệm rơm trải trên nền cao. Trong một số nhà, nhưng nhất định không phải là tất cả, có khi có ghế đẩu để ngồi.

Nhà nào cũng có những thùng bằng đá hay đất sét chứa thức ăn cho gia súc cũng như thực phẩm cho gia đình. Có những lọ riêng để đựng bột và dầu ô-liu. Lại có những bình đất để kín và chứa nước. Ngoài ra còn có nồi niêu chén bát để ăn nữa.

Đồ Dùng Nấu Nướng: Một trong những vật dụng quan trọng nhất trong nhà là cối xay bột. Đó là một dụng cụ làm bằng hai phiến đá vành tròn. Phiến lớn hơn ở phía dưới có một chiếc trục xuyên thủng qua giữa phiến đá trên là phiến sẽ quay tròn trên nó. Gạo bắp được đổ vào chiếc lỗ ở giữa và khi hai người đàn bà dùng cán quay phiến đá trên, bột chẩy xuống qua mép giữa hai phiến đá. Một công việc thật cực nhọc.

Lò lửa để nấu thường chỉ là chiếc lỗ đào ngay xuống nền đất, nhưng đôi khi cũng là một chiếc lò bằng đất đàng hoàng. Nhiên liệu thường là than củi, cành cây hay phân thú vật phơi khô. Đồ nấu nướng khác nữa là chiếc chảo hay chiếc nồi.

Đèn Đóm: Vì nhà cửa rất tối tăm, nên vật dụng hết sức quan trọng nữa là cây đèn. Suốt thời Cựu Ước, đèn chỉ là chiếc bình bằng đất có miệng một bên. Dầu được đổ vào bình và chiếc bấc được dẫn từ đáy lên miệng. Một bình dầu như thế có thể đốt được hai, ba tiếng đồng hồ mới cần chêm dầu mới. Đến thời Tân Ước, các tay đồ gốm đã biết chế tạo đèn bằng khuôn, hoàn toàn kín, với một chiếc lỗ nhỏ cho dầu và một cái vòi cho bấc. Đèn này an toàn và hiệu nghiệm hơn. Bấc thường là giải lanh hay vải. Dầu ôliu hay mỡ động vật thường được dùng cho đèn hơn hết, còn dầu làm bằng những hạt cây và rau cỏ khác mãi thời Tân Ước mới có. Đèn thường nhỏ để tiện mang theo khi đi đây đi đó. Đây có thể là hình ảnh trong tâm trí tác giả Thánh Vịnh khi ông viết: ‘Lời Ngài là đèn hướng dẫn con và là ánh sáng soi đường con đi’ [Tv 119: 105].

Các Gia Dụng Khác: Chổi quét được làm bằng cọng lúa và thường được giữ cùng với đồ nghề của người cha khi ông cần đến lúc hành nghề. Phần lớn chén lọ dùng hằng ngày đều do thợ gốm chế tạo. Nhưng những nhà khá giả hơn có thể có những thứ ấy bằng kim loại. Đến thời Tân Ước, đồ bằng thủy tinh chế tạo tại Ai Cập đã bắt đầu được sử dụng. Khoảng năm 50 trước CN, tại Xi-ri, người ta đã biết cách thổi thủy tinh. Nhưng dù việc ấy có giúp thủy tinh rẻ ra, nó vẫn ở ngoài tầm tay rất nhiều người. Trong những căn nhà bình thường, không làm chi có ‘bày biện trang trí’ đúng ý. Họ ráng dùng các kỹ năng ít ỏi của mình để vẽ vời trên những vật dụng hằng ngày mà thôi.

Nhà Giầu: Nhà giầu dĩ nhiên có nhiều tiện nghi thoải mái: giường cao, bàn ghế, tràng kỷ. Những món này thường làm bằng gỗ hiếm, trạm trổ khẩn xà cừ ngà voi. Gối ấm nệm êm. Quần áo chăn màn dư được cất kỹ trong rương hòm. Thời Tân Ước, nhà giầu ăn theo lối La Mã, nằm soài trên đi-văng ba cạnh [triclinium] đặt quanh một bàn vuông. Xa hoa nhất phải là cung điện hoàng gia từ thời Sa-lô-môn người đã xây cung điện ấy bằng những viên đá vuông vức và lát tường bằng gỗ tuyết tùng qúy giá, qua A-kháp, người đã trang trí điện Sa-ma-ri bằng cẩn ngà voi và bày biện toàn đồ đạc đắt tiền, rồi tới Hê-rô-đê Đại Đế. Ông sau cùng này có điện mùa Hè với những mảnh vườn rất đẹp tại Giê-ru-sa-lem, và điện mùa Đông tại Giê-ri-khô lịch sử.