Tư Liệu Thánh Kinh: Thủ Công và Tay Nghề

Thời Cựu Ước, Ít-ra-en ít có, nếu không muốn nói là không có, thợ thủ công nào biết làm những đồ mỹ thuật tự nó có giá trị. Ngay cả khi phải dựng xây những nơi thờ phượng, họ cũng phải mời các nghệ nhân nước ngoài vào hoàn tất việc trang trí. Ít-ra-en là một xứ nghèo, nên chỉ có những kỹ năng chế tạo những vật dụng cần thiết mà thôi. Tuy nhiên, có những nghề được coi là tài nghệ ngay từ thời xa xưa. Ðó là tay nghề của một số gia đình, có lẽ được bí truyền từ đời cha đến đời con.

Một số vùng đặc biệt được liên kết với một tay nghề nào đó, có lẽ vì vật liệu cần cho tay nghề ấy chỉ tìm thấy tại những vùng đó. Bởi thế Xúc-cốt trở thành nổi tiếng về nghề đúc các vật dụng kim khí; Đê-bia nổi tiếng về dệt và nhuộm. Xem ra đã có những hình thức hiệp hội tay nghề ngay từ những thời xa xưa, nhất là các các thành thị, vì tại các nơi ấy thường các tay nghề đều tập trung tại những khu chuyên biệt. Thánh Kinh có nhắc đến phường thợ mộc, phường thợ vải, phường thợ gốm, phường thợ vàng và phường nước hoa.

Thời Tân Ước, các hiệp hội tay nghề khá nổi tiếng trong Ðế Quốc La Mã. Nhưng họ phải có giấy phép của hoàng đế để tránh không trở thành những hình thức tổ chức chính trị trá hình.

Các tay nghề được người Do Thái thời đó coi trọng. Các tay thợ chuyên nghiệp miễn luật mà mọi người khác phải làm là đứng dậy mỗi khi một học giả tới gần. Phần lớn các ký lục đều có một tay nghề chuyên môn. Trước tác của các giáo sĩ có nhắc đến thợ làm đinh, thợ nướng bánh, thợ làm dép, thợ xây, thợ may. Nhưng cũng có một số tay nghề bị khinh khi, như thuộc da vì ‘dơ bẩn’, thu thuế vì dễ đưa đến lừa đảo, dệt vì là việc của đàn bà. Các tay thợ dệt phải làm việc trong những khu nghèo nàn nhất của Giê-ru-sa-lem, gần Cửa Phân (Dung Gate).

Nghề Da (Leatherwork): Thánh kinh nhắc đến những món đồ làm bằng da (da chiên hay da dê) bao gồm quần áo, thắt lưng và giầy dép.Trọn bộ da thú nhỏ được khâu lại với nhau làm vò rượu, vò nước và vò sữa. Lều khởi đầu được làm bằng da, nhưng sau đó làm bằng nỉ, hay lông dê dệt, giống như người Ả-rập du cư (Bedouin) ngày nay. Da cũng được dùng làm giấy viết. Bản chép tay sách I-sai-a thuộc bộ Sách Cuộn Biển Chết, được định niên biểu năm 150 trước CN, đã được viết trên 17 miếng da. Chi tiết về việc da đã được chế biến ra sao không ai biết, nhưng có thể hai ba ngành nghề chuyên môn khác nhau đã phải can dự vào.

Có nghề lột da thú. Người ta đã khám phá ra những con dao có lẽ đã được dùng vào việc này. Rồi đến việc thuộc da. Thời xa xưa, việc này có thể đơn giản chỉ là phơi da cho khô dưới nắng, hay xử lý nó với nước cốt của một vài loại cây cỏ. Nhưng thợ thuộc da buộc phải sống ở ngoài thành phố vì công việc họ làm rất hôi.

Sau cùng, có việc lên khuôn và khâu da thuộc. Thánh Phao-lô, A-qui-la và Po92-rít-ki-a được tường thuật là làm nghề ‘dệt lều’, nhưng một số người cho rằng từ này rất có thể có nghĩa ‘thợ đồ da’. St 3:21; 2V 1:8; Ed 16:10; Xh 26:14; Cv 18:3.

Nghề Ðá Quí (Gem-cutting): Người Ít-ra-en dùng những loại đá quí vừa phải như mã não (agate), ngọc thạch anh (jasper), hồng mã não (carnelian) và thạch anh trong suốt (rock-crystal). Những loại đá này được cắt rồi đánh bóng thành chuỗi hay được khắc hình này hình nọ, có khi cả tên chủ nhân nữa, làm con dấu. Thánh Kinh nhắc đến nhiều loại đá qúi, mặc dù nhiều loại không nhận diện được. Khắc đá và cẩn chúng vào vàng làm phẩm phục trước ngực của thầy cả thượng phẩm là điều đã được nhắc trong Xuất Hành 28:9-14.

Nghề Kiếng (Glass-making): Nghệ thuật chế tạo những món đồ bằng thủy tinh chưa bao giờ phổ biến tại Ít-ra-en. Trước khi dân Ít-ra-en vào đất Ca-na-an, người Ai Cập và người Ba-by-lon đã khám phá ra cách chế tạo thủy tinh mờ và đổ khuôn nó lên lõi bằng cát. Ðến thời Tân Ước, người La Mã chế tạo ra loại thủy tinh trong và ‘thổi’ nó thành những hình thù khác nhau. Cho nên nhiều món đồ bằng thủy tinh tìm thấy tại Ít-ra-en chắc chắn là hàng nhập cảng.

Nghề Khắc Ngà Voi (Ivory carving): Bảng liệt kê các tay nghề tại Ít-ra-en sẽ không đầy đủ nếu quên không nhắc đến nghề khắc ngà voi, mặc dù, có lẽ rất ít nghệ nhân sống nghề này, và những người sống nghề này, phần nhiều là người nước ngoài. Ngà voi rất hiếm. Nó được nhập cảng từ Phi Châu (hay từ Xi-ri vào thời xa xưa). Nó là món hàng ưa thích của nhà vua, nhưng các tiên tri kết án vì nó là biểu tượng của hoang phí thái quá và của lối sống nhàn cư vi bất thiện. Vua Sa-lô-môn có lẽ đã sử dụng những bức khắc ngà voi và cẩn chúng vào những trang trí trong đền thờ. Tuy nhiên Cựu Ước chỉ nhắc đến chiếc ngai bằng ngà voi của ông mà thôi. Vua A-kháp của Ít-ra-en đã xây ‘ngà ốc’ tại Sa-ma-ri, thủ đô của ông. Chính tại Sa-ma-ri, người ta đã tìm lại bộ sưu tầm ngà voi lớn nhất của Do Thái. Các cuộc khai quật cho thấy nghệ thuật này phát triển rực rỡ ở hầu hết các quốc gia Cận Ðông. Các món đồ khai quật gồm những bức khắc nhỏ, những bức cẩn và điêu khắc. 1V 10:22; Ed 27:15; Am 3:15; 1V 22:39.

Nghề đồ gốm

So với sản phẩm của các lân bang, đồ gốm Do Thái xem ra nghèo nàn và không được nghệ thuật lắm. Có một khác biệt một trời một vực giữa đồ gốm bông của người Ca-na-an và người Phi-li-tinh so với những kiểu có giới hạn của người Do Thái vào lúc họ chiếm cứ lãnh thổ này. Nhưng điều đó chỉ vì nguyên do người Do Thái đặt nặng tính hữu dụng hơn là trang trí. Các hình thức đều tốt và được chế tạo cẩn thận. Vào thời Vua Đa-vít, tay nghề được cải thiện nhiều. Có những khuôn hình mới và bắt đầu được trang trí. Tiến bộ ấy cứ thế tiến triển và dưới thời các vua, việc làm ra các đồ gốm đã trở thành một kỹ nghệ nhỏ với những ‘nhà máy’, sản xuất hàng loạt, có hình thù tiêu chuẩn, và có nhãn hiệu thương trường. Nhiều bình lọ nữa được sản xuất, nhưng tiêu chuẩn khá cao. Vào thời Tân Ước, xem ra người ta đã nhập cảng phần lớn các loại đồ gốm. Thợ Gốm: Hình như đã có một số thợ gốm cùng làm việc với nhau, có các thợ học nghề giúp việc (đôi khi là chính các con trai của họ), nhất là thời các vua về sau. Có bằng chứng cho thấy các thợ gốm đã cung cấp cho người đến thờ phượng tại đền thờ các loại nồi niêu thích hợp dùng để nấu các bữa ăn tế lễ tại tiền đình.

Xem ra cũng đã có những nghiệp đoàn thợ gồm hoàng gia chuyên ‘phục vụ nhà vua’ (1Sb 4:23). Có lẽ họ đã làm ra các chum lớn để đựng nông phẩm từ các nông trại tư của nhà vua. Nhiều chiếc chum đã được tìm ra (chứa chừng 45 lít) với con dấu đóng vào cán: ‘Của Đức Vua’. Bên dưới là tên của một trong bốn thành phố: Khép-rôn, Díp, Sô-cốt và Mem-sát. Đây có thể là địa điểm các vườn nho của nhà vua, hay các trung tâm để người dân đóng thuế bằng nông phẩm.

Xưởng Thợ Gốm:: Trọn bộ diễn trình làm đồ gốm có lẽ được thực hiện tại cùng một địa điểm. Ở đấy phải có nguồn cung cấp nước dồi dào (suối hay giếng), các bánh xe để tạo hình cho đất sét, và lò nung để nung. Sân nhà hay xưởng thợ gốm có lẽ đã được dùng để chuẩn bị đất sét và chắc chắn cũng trở thành nơi chứa các đồ gốm bể hay do các lò nung phế thải.

Sách Giê-rê-mia 19:2 nói đến ‘Cửa Gốm’ gần Thung Lũng Hin-nôm. Người ta thường giả thiết có nhà thợ gốm ở đấy. Trong sách Nơ-khe-mi-a 3:11 và 12:38, ta đọc thấy ‘Tháp Lò’, có thể là kiểu nói chỉ các lò nung của thợ gốm tại Giê-ru-sa-lem.

Chuẩn bị đất sét: Đồ gốm được làm từ đất sét mầu đỏ của địa phương. Thợ gốm không thay đổi phẩm chất của đất sét, ngoại trừ thình thoảng trộn nó với đá vôi đã xay nhuyễn, là thứ có sẵn. Điều ấy làm chiếc bình chịu đựng được sức nóng (hữu dụng khi làm nồi nấu), nhưng điều ấy đòi thợ gốm phải nung đất sét ở nhiệt độ thấp, nếu không đá vôi sẽ tan ra.

Đất sét thô được đặt ngoài nắng, mưa và sương để nó vữa ra và loại bỏ các chất dơ. Rồi người ta đổ nước vào và đạp thành bùn (xem Is 41:25). Việc này đòi có kỹ năng. Nước cần được cân đo và đổ thật đều khắp và không khí phải được loại bỏ.

Làm việc với đất sét: Khi đã chuẩn bị xong đất sét, thợ gốm có ba phương pháp để làm việc với đất sét ấy:

1. Đất sét có thể được ép xuống một chiếc khuôn. Các tấm biển của người Ca-na-an được làm kiểu này, cũng như hầu hết các chiếc đèn thời Tân Ước. Sách Gióp 38:14 nhắc đến việc đóng dấu trên đất sét.

2. Đất sét được tạo thành khuôn bằng tay. Tại Ít-ra-en, các đồ vật được làm kiểu này xem ra chỉ là đồ chơi, lò đun và một ít đồ đựng.

3. Đất sét được tạo thành khuôn dạng trên một bánh xe, và đây là phương pháp thông thường nhất.

Các bánh xe kiểu xưa nhất của thợ gốm là đĩa tròn quay quanh chiếc trục thẳng đứng. Nhưng khoảng thời Xuất Hành, một kiểu khác đã được sử dụng. Kiểu này có thêm một đĩa thứ hai, lớn hơn, gắn bên dưới đĩa kia. Đĩa này tăng tốc độ vòng quay và có thể giữ tiếp tục quay nhờ các phụ tá của thợ gốm. Bánh xe thợ gốm có lẽ được dùng ở khắp nơi, nhưng Thánh Kinh chỉ nhắc đến nó một lần (khi Giê-rê-mi-a đến thăm nhà một thợ gốm: Gr 18:3), và các bánh xe ít khi được tìm lại. Có lẽ vì chúng thường được chế bằng gỗ hay bằng chính đất sét và do đó không tồn tại lâu. Các bánh xe bằng đá đã được tìm thấy ở Mơ-gít-đô, La-khít và Kha-do. Không có bằng chứng nào cho thấy loại bánh xe do chân đạp trước năm 200 trước CN, mặc dù đến thời Tân Ước, nó được dùng khá phổ quát. Khi sản phẩm đã thành hình, người ta để cho nó cứng. Rồi sau đó có thể cho trở lại bánh xe và quay cho có hình thù mịn màng hơn. Thời các vua sau này, sản lượng đã được gia tăng rất nhiều do nhiều cách. Đôi khi, một số lượng đất sét lớn được đặt trên bánh xe rồi sản phẩm được lên khuôn từ đỉnh khối đất ấy và từng sản phẩm được bứng ra khi đã hoàn tất. Đôi khi, thợ không lành nghề tạo khuôn đất sét qua loa trên bánh xe. Họ dùng loại đất sét rẻ tiền để làm nên những sản phẩm thật dầy, sau đó mới được các tay thợ lành nghề chỉnh lại thành hình thù và độ dầy mong muốn.

Nung: nung các sản phẩm đồ gốm trong lò nung là chứng minh cuối cùng về tài nghệ của thợ gốm. Vì mỗi loại đất sét đòi một cách nung khác nhau. Nhưng không ai biết phương pháp nung của họ. Một số lò nung đã được tìm ra. Một số có hình chữ U, nhưng không dễ gì nói được liệu chúng được dùng cho đồ gốm hay cho đồng đỏ.

Trang Trí: Người Do Thái không tráng men đồ gốm của họ nhưng họ có ba cách trang trí chúng:

1. Họ có thể dùng một thứ ‘nước áo’ nghĩa là một thứ đất sét mịn có nhiều chất sắt được hòa vào nước cho lỏng rồi phết lên phần đồ gốm người ta muốn trang trí.

2. Đôi khi họ vẽ một đường mầu đỏ hay mầu đen chung quanh vai hay ở giữa chiếc đồ gốm.

3. Họ có thể đánh bóng đồ gốm bằng tay hay trên bánh xe. Để làm việc này, một dụng cụ bằng đá, bằng xương hay bằng gỗ được chà lên đất sét sau khi đã phơi khô nhưng trước khi nung. Khu vực đánh bóng ấy sẽ sáng lên sau khi nung.

Đôi khi người ta phối hợp cả phương pháp nước áo lẫn phương pháp đánh bóng. Một vài chiếc bình đựng nước hoa được tìm ra gần đây có mầu đen. Người ta không rõ chúng đã được chế tạo ra sao. Người ta có thể nhúng chúng vào sữa hay dầu ô-liu trước khi nung rồi nhẹ nhàng đánh bóng. Người Hy Lạp và người La Mã quen tráng men đồ gốm của họ. Các mặt hàng do thợ gốm làm: Các mặt hàng do thợ gốm làm có thể chia thành 2 loại chính:

Chén bát: Loại này thay đổi từ các tô thật lớn dùng trong tiệc tùng, có bốn tay cầm, tới những chiếc tách nhỏ (hoạ huần mới có cán). Chén bát dùng pha rượu, dọn thực phẩm, giữ than hồng, nấu nướng, và vân vân. Các lò nấu của gia đình thường là những chiếc tô lật ngược mà không có đáy. Đất sét được đơn giản tạo thành khuôn hình. Nó cứng lên khi được dùng như lò nấu. Những mảnh bình vụn vỡ được gắn quanh bên ngoài để điều hòa sức nóng. Các cây đèn cũng được làm giống như làm chén bát, và miệng của chúng được nắn vào khi đất sét còn mềm. Các kiểu cách của chúng thay đổi rất đáng kể trong lịch sử Ít-ra-en, nhưng thiết kế căn bản thì vẫn như nhau. Các thay đổi tiệm tiến, trong các giai đoạn khác nhau, giúp các chuyên viên có thể dùng chúng mà đoán ra được niên biểu.

Bình Lọ hay Vò: Có bình đựng rượu, đựng nước và đựng dầu. Bình cũng dùng để chứa tài liệu. Và những chiếc bình nhỏ cũng được đặc biệt chế tạo để đựng nước hoa (dầu thơm).

Các đồ vật khác do thợ gốm chế gồm bình đựng nước để đi đường; các món đồ dùng cho kỹ nghệ (nồi nấu kim loại, khuôn đất sét, con suốt hình xoắn ốc, quả nặng dùng cho khung dệt); đồ chơi (búp bê, ngựa, lạc đà), và các đồ bằng đất sét dùng trong tôn giáo Ca-na-an. Khi bình gốm bị bể, người ta thường sửa lại bằng đinh tán hay dây kẽm. Đôi khi người ta ghi lời nhắn hay thư từ trên những miếng đồ gốm bể. Thí dụ, ta biết một số các lá thư (Thư La-khít) được viết trên các mảnh đồ gốm bể (gọi là ostraca) do viên chỉ huy một doanh trại nhỏ gửi cho cấp trên ông ta tại La-khít trong cuộc tấn công cuối cùng vào Giu-đa của Vua Na-bu-cô-đô-nô-xo.