Tư Liệu Thánh Kinh: May Mặc và Áo Quần

Các vật liệu chính để may quần áo là lanh (linen, chế tạo từ cây lanh), len (lông chiên, lông cừu) và da thú. Bông sợi chỉ được sử dụng tại Ít-ra-en mãi sau này khi nhập từ ngoại quốc, có thể sau thời lưu đầy. Người Ít-ra-en thích trang trí quần áo của họ bằng những mép, những viền và những tua mầu sắc sáng chói. Chỉ vàng được dùng để thêu những quần áo rất đặc biệt, như phẩm phục các thầy cả thượng phẩm (Xh 39:3).

Lanh: Tại Ít-ra-en, cây lanh (flax) chỉ mọc ở bình nguyên dọc theo duyên hải miền nam, gần Giê-ri-khô và Ga-li-lê, dù thời Tân Ước, số lượng trồng ở Ga-li-lê có tăng lên nhiều. Người Ai Cập trồng khá nhiều cây lanh và khi nhúng nó vào nước chẩy, đã có thể sản xuất ra hàng lanh hết sức mịn. Thánh kinh gọi loại này là loại ‘lanh mịn’. Pha-ra-ô đã ban ‘quần áo bằng lanh mịn’ cho Giu-se khi đề cử ông làm thống đốc (St 41:42). Vải lanh dùng may quần áo và buồm cho thuyền bè. Tại Giê-ri-khô, Ra-kháp dấu các do thám viên dưới đống lanh phủ lên mái nhà cô.

Sau khi lanh được chặt và phơi khô, hột của nó được loại bỏ. Sau đó, nó được nhúng nước và phơi khô lần nữa trong lò. Sợi sau đó được tách ra và sẵn sàng được xe và dệt. Vải lanh thường không được nhuộm, dù đôi khi những sợi chỉ xanh được dệt vào. (Áo lanh xanh được thầy cả thượng phẩm mặc là loại hết sức đặc biệt, xem St 28:31). Bởi thế, khi Thánh Kinh nói đến quần áo có mầu sắc, thường thường có ý nói đến quần áo bằng len.

Len: Sau khi nhúng nước, chiên được xén lông vào mùa Xuân. Len mới được giặt sạch hay gửi tới thợ nện để được tẩy sạch bằng dầu thiên nhiên. Người thợ này thường để len trên đá rồi đạp lên trong nước. Sau đó len được trải ra phơi khô và được hồ dưới nắng mặt trời. Ta đọc thấy ‘cánh đồng thợ nện’ trong sách Các Vua, quyển 2 câu 18:17, bên cạnh một kênh nước, bên ngoài thành phố vì mùi hôi của nó. Thợ nện cũng còn phải xử lý vải dệt bằng len mới để làm nó co lại, và đôi khi ông ta cũng có trách nhiệm nhuộm vải len nữa.

Nhuộm: Trong Sáng Thế 30:32, đoàn vật của La-ban gồm cả cừu đen lẫn cừu trắng, cừu vằn lẫn cừu đốm! Ðiều này cho thấy len có thể có nhiều mầu tự nhiên. Cho nên những chất nhuộm căn bản sẽ tạo ra một loạt các sắc thái khác nhau. Những màu được Thánh Kinh nhắc đến nhiều hơn cả là dương, đỏ tươi và tía. Ðó có thể là những mầu nhuộm căn bản. Quần áo mầu tía thường là biểu hiệu của vua chúa và giầu sang. Phẩm chất tía nghèo nàn hơn có thể tạo ra bằng cách nhuộm, trước nhất với mầu dương, sau đó với mầu đỏ. Chất nhuộm mầu tía tốt nhất là của Tia, giá rất đắt. Nó được chế tạo từ vỏ sên biển sống ở các bờ biển phía đông Ðịa Trung Hải. Kỹ nghệ này là độc quyền của người Phê-ni-xi, nên chắc chắn người Ít-ra-en đã phải nhập cảng mọi thứ vải mầu tía của họ.

Một vài địa danh tại Ít-ra-en, nơi có nhiều nguồn cung cấp nước và cỏ tươi cho chiên cừu, đã trở thành những trung tâm nhuộm có tiếng. Trong số ấy có Ghe-dê, Bết-se-mét, Bết-xua và Đê-bia. Những cuộc khai quật tại Đê-bia cho thấy khoảng 30 căn nhà có phòng đặc biệt trang bị cho việc nhuộm. Mỗi phòng có hai bể chứa bằng đá với những miệng nhỏ trên đỉnh. Bồ-tạt (potash) và vôi tôi có lẽ đã có sẵn trong bể chứa sau đó mới thêm chất nhuộm, và càng thêm chất nhuộm nhiều hơn vào bể thứ hai. Len được nhuộm hai lần. Bồ-tạt và vôi tôi làm cho chất nhuộm cố định, và len được đem ra phơi khô. Sau đó được xe thành sợi và dệt thành tấm. Hầu như nhà nào tại Đê-bia cũng có một khung dệt.

Xe và Dệt: Sau khi đã chải, len được xe thành sợi. Xe chỉ thường là việc của phụ nữ, có lẽ trên những chiếc khung quay một tay, mặc dù chỉ những khung xoắn ốc bằng đá, đất sét và xương đã được tìm lại. Hai loại khung dệt chính đã được sử dụng tại Ít-ra-en: khung thẳng và khung ngang.

Thợ dệt đứng trước khung thẳng, với những sợi dọc (warps) của khung chạy xuống phía dưới, được cột vào chiếc trục ngang trên đỉnh (cán giáo của Go-li-át được kể là dầy bằng trục ngang của khung dệt: 1Sm 17:7) và được giữ yên nhờ các cục chặn. Khi thợ dệt dệt, các sợi ngang được đánh từ dưới đánh lên. Một lúc có thể dệt sáu sợi, giúp có thể tạo ra những mẫu rất đẹp. Nhờ có thể di động dễ dàng, nên thợ có thể sản xuất được những khổ len khá rộng. Sau này, lọai trục xoay tròn (rotating beam) được sáng chế để gắn vào cuối khung dệt, nên mạng dệt có thể bắt đầu từ dưới khung và tấm dệt xong được cuộn lên phía trước. Nhờ thế có thể sản xuất được những cuộn vải len thật dài.

Khung ngang được làm thành bởi hai trục, được giữ yên vị nhờ bốn chiếc cọc đóng xuống đất. Thợ ngồi trước khung dệt. Khung không được rộng quá sải tay người dệt, mặc dù hình như người Ai Cập có hệ thống gồm hai thợ dệt cùng dệt hai bên. Cả len lẫn vải lanh đều được dệt trên loại khung này, và đôi khi cả loại vải thô hơn làm bằng lông dê và lông lạc đà để may áo tơi cho thợ chăn chiên hay làm lều.

Khi Thánh Kinh nói đến vải thêu (Tl 5:30; Ed 26:16) có thể có ý nói đến nhiều loại hàng khác nhau được khâu vào với nhau, hay những mẫu dệt, mặc dù người Ít-ra-en cũng có hàng thêu và thảm dệt.

Khuôn áo: Có hai cách chính lên khuôn áo. Nếu khung dệt đủ rộng, toàn diện một chiếc áo được làm bằng một mảnh vải duy nhất (Chúa Giê-su đã mặc chiếc áo không đường khâu, xem Ga 19:23). Thợ dệt bắt đầu ở ống tay áo này chạy xuyên qua tay áo bên kia, chừa lỗ cho cổ áo.

Tay áo dài ngắn tùy theo người mặc, và những mẫu có sọc rất dễ thực hiện. Khi cắt bỏ, những sợi chỉ lỏng được quấn thành dây để tăng cường hai bên. Ðôi khi chúng được để yên đó, tạo thành những chiếc tua dưới một bên đuôi áo.

Nếu khung dệt hẹp, áo sẽ được làm bằng ba mảnh; vạt chính và hai tay áo; thân trước; và thân sau. Cổ áo được một đường dệt viền làm cho cứng.

Ðôi khi, người ta còn thực hiện kiểu áo tròn. Thợ dệt bắt đầu ở giữa và đường dệt lan rộng từng sợi hay hai một lúc.

Áo Quần

Thánh Kinh bao trùm khoảng 2000 năm lịch sử. Nhưng vì khí hậu nóng và vải vóc ít ỏi, nên áo quần tại Ít-ra-en chỉ vừa phải theo tiêu chuẩn mà thôi, trong hầu hết khoảng thời gian dài ấy.

Những khác biệt chính trong áo quần là giữa giầu và nghèo. Nông dân nghèo chỉ chuyên mặc áo quần bằng len hay lông dê. Nhà giầu thì đủ áo đông, áo hè; quần làm, quần chơi; áo lụa, áo nhung. Một số dành quá nhiều thì giờ và tiền bạc cho áo quần đến độ Chúa Giê-su phải cảnh giác họ nhớ đến những điều thực sự quan yếu ở đời. Ngài cho hay: ‘Còn về áo mặc, lo lắng làm gì? Hãy xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thế nào… Nếu hoa cỏ ngoài đồng… được Thiên Chúa mặc cho như thế, thì huống hồ là anh em!’ (Mt 6:28-30).

Vì các tên đã thay đổi hết, nên ngày nay ta không biết một số từ ngữ Hi-bá-lai chỉ loại áo quần nào. Ta chỉ có thể dò đoán mà thôi.

Mảnh đầu tiên nam giới mặc hoặc là cái khố hoặc chiếc váy ngắn từ thắt lưng xuống đầu gối. Anh ta chỉ cần có thế khi làm những việc nặng.

Phủ trên mảnh đó, là chiếc sơ-mi hay chiếc áo dài bằng len hay sợi. Áo này giống như chiếc bị lớn: khổ vải dài được gấp đôi ở giữa và hai bên được khâu lại, chừa lỗ cho cánh tay và khoảng trống ở giữa cho đầu. Sơ-mi đàn ông dài đến bắp chân và nhuộm mầu, thường là đỏ, vàng, đen và có sọc. Áo dài phụ nữ phủ cả mắt cá chân và thường có mầu dương. Áo ấy thường được thêu với những mẫu thêu đẹp đẽ. Mỗi làng đều có mẫu thêu cổ truyền riêng. Ngoài những nét ấy, áo dài phụ nữ cũng giống áo dài nam giới mà thôi. Áo dài được cột chặt quanh thắt lưng bằng một sợi nịt hay dây lưng. Dây lưng này làm bằng một miếng vải gấp lại thành một giải dài, còn dùng làm túi đựng tiền và các vật dụng lỉnh kỉnh khác. Nhà giầu có thể đeo dây lưng da có dao găm hay bình mực sừng gắn vào đó. Khi đàn ông cần cử động tự do hơn như để làm việc, anh ta có thể vén gấu áo lên và cài nó vào dây lưng cho ngắn lại. Việc này gọi là ‘sắn tới háng’, có nghĩa là sẵn sàng hành động. Phụ nữ có thể nâng vạt áo dài của mình lên thành cái túi sách lớn để vận chuyển cả những thứ như lúa gạo.

Ra ngoài, đàn ông giầu thường mặc một áo khoác nhẹ bên ngoài áo dài của mình. Áo khoác này dài đến đầu gối và đôi khi kẻ sọc vui mắt hay được dệt theo kiểu ô vuông. Nhà giầu cũng mặc áo khoác nhẹ bằng lụa ngay trong nhà. Thời ông Giu-se, áo khoác dài tay gồm nhiều mảnh vải được lãnh tụ tương lai của dòng họ mặc (xem truyện Giu-se, St 37:3). Cũng có loại áo khoác len dầy mặc mùa Đông cho ấm, thời Tân Ước gọi là áo himation (theo Hy Lạp). Áo này làm bằng hai tấm len, thường có sọc mầu nâu lạt và thẫm, được khâu lại với nhau. Hai tấm khâu lại như thế được quấn quanh mình, rồi khâu ở vai và khoét lỗ hai bên để thọc cánh tay. Các mục đồng dùng nó trong mọi sinh hoạt: làm mền khi ngủ đêm ngoài trời. Nó cũng dầy đủ để làm nệm ngồi thoải mái. Chiếc áo khoác của nhà nghèo quan trọng đến nỗi tuy được dùng làm bảo đảm cho việc trả nợ, nhưng phải được hoàn lại cho anh lúc mặt trời lặn.

Đồ Đội Đầu: Bên Ít-ra-en, mặt trời nóng đến nỗi cần cần phải có đồ che đầu, gáy và mắt. Đồ này thường là một vuông vải xếp chéo rồi thắt quanh trán, một dây cột bằng len giữ nó yên vị trên đầu và nếp gấp giữ cho gáy mát. Cũng có khi người ta đội mũ có khăn quàng bằng len phủ lên trên, nhất là khi cầu nguyện. Phụ nữ thì đặt những miếng lót trên đầu để giữ cho những bình nước hay những thứ khác họ đội yên vị trên đó.

Dầy Dép: Dù nhiều nhà nghèo đi chân đất, nhưng dép là đồ mang chân bình thường. Kiểu thông thường nhất là miếng da thú vừa cỡ chân, có giải dài bằng da chạy giữa hai ngón cái và ngón bên cạnh rồi cột quanh mắt cá. Dép này mang rất mát, nhưng không giữ cho chân được sạch lắm. Chúng luôn được cởi ra lúc vào nhà người ta. Các đầy tớ hèn hạ nhất có nhiệm vụ cởi dép cho khách và rửa chân cho họ. Dép cũng đuợc cởi ra lúc bước vào những nơi thánh. Theo tục lệ, dép bên phải luôn được mang và cởi ra trước rồi mới đến dép bên trái. Người bán cởi dép mình ra và trao cho người mua như dấu chỉ họ không còn quyền sở hữu trên vật đã bán nữa (như thân nhân ông Boaz đã làm trong truyện bà Rút: R 4:7).

Có điều đáng lưu ý là mặc dù luật cấm tuyệt đối không được làm gì trong ngày sa-bát, nhưng vẫn cho phép người ta được lấy một số quần áo khỏi căn nhà đang cháy trong ngày sa-bát. Phần lớn người ta có rất ít quần áo, nên họ phải giữ cho chúng lâu bền. Họ giặt chúng cẩn thận bằng thuốc giặt làm từ dầu ô-liu rồi giũ chúng trong nước chẩy xiết cho thật hết chất bẩn. Ai xé áo mình như biểu hiệu khóc than, thì quả anh ta khóc than thật tình!

Không có đồ mặc đêm. Về đêm, người ta thường nằm xuống rồi cởi bỏ áo ban ngày.

Những áo quần căn bản này cũng có chịu ảnh hưởng kiểu cách từ nước ngoài. Nhưng những kiểu cách ấy không thay đổi nhiều lắm. Một bức tranh vẽ những người du mục Á Châu đến thăm Ai Cập có thể tìm thấy trên tường một ngôi mộ tại Beni-Hasan (khoảng năm 1890 trước CN). Họ mang áo khóac bằng len mầu thả xuống tận đầu gối, với vạt rời từ dưới vắt lên vai. Đó có thể là loại áo đã được Áp-ra-ham mặc.