Tư Liệu Thánh Kinh: Việc Xây Cất Thời Thánh Kinh

Kỹ thuật xây cất phát triển khá chậm tại Ít-ra-en. Khi còn làm nô lệ bên Ai Cập, người Do Thái đã làm gạch để xây những tòa dinh thự đồ sộ. Nhưng khi vào đất Ca-na-an, họ không tha thiết đến chuyện xây cất nữa. Những người đi do thám trở về báo cáo đã thấy những thành thị ‘lớn và được phòng thủ kỹ càng’ tại đất Ca-na-an (Ds 13:28). Nhiều thành ấy đã bị người Do Thái hủy diệt và để thay thế, họ xây những thành kém kiên cố nhiều lắm.

Phải đợi đến thời Đa-vít và Sa-lô-môn, kỹ thuật xây cất mới thực sự được sử dụng, nhưng phần lớn nhờ sự giúp đỡ và chỉ vẽ của những tay thợ nề và thợ mộc người Phê-ni-xi do Vua Khi-ram của Tia phái đến (xem 1 Sb 14:1). Các dinh thự xây sau này khi không còn liên minh với Phe-ni-xi nữa, có phẩm chất tệ hơn nhiều. Những dinh thự kỳ công của những thời kỳ mãi sau này phần lớn chịu ảnh hưởng của Ba Tư, Hy Lạp, và La Mã.

Các vật liệu xây cất thường là đất bùn, đá tảng, đá vôi và gỗ.

Gạch được sử dụng nhiều ở những nơi đá hiếm. Ðất bùn trộn với rơm rạ rồi lên khuôn bằng tay hay bằng khuôn gỗ thành những viên hình vuông hay chữ nhật, và phơi khô dưới nắng. Bùn cũng được sử dụng như là vữa để giữ cho những viên đá rời dính lại với nhau thành những bức tường đá vụn.

Ðá vôi vùng Pa-lét-tin khá mềm và dễ cắt, nhưng người ta không dùng nhiều trong việc xây cất bình thường. Người ta đã tìm ra nhiều địa điểm hầm đá xưa với những vết búa bổ và nhiều tảng đá chưa bể. Búa, cưa, cuốc chim và rìu đã được dùng làm dụng cụ. Ðể có được những tảng lớn, búa được dùng để chẻ đá nương theo những đường nứt tự nhiên và những chiếc nêm gỗ được đóng vào và được tẩm ướt. Khi gỗ nở ra, đá sẽ nứt.

Ðá chỉ được đẽo qua loa tại hầm rồi được chuyển tới địa điểm xây cất để gọt dũa lần chót. Ðiều ấy thấy rõ nơi những đống đá được đào xới lên tại lâu đài La-khít và tại nhiều thành quách Giê-ru-sa-lem. Tuy nhiên, theo Sách Các Vua quyển 1, câu 6:7, đối với đền thờ do Sa-lô-môn xây, các phiến đá đã được gọt đẽo cẩn thận ngay tại hầm, để không một tiếng búa, tiếng rìu hay dụng cụ bằng kim khí nào được phép vang lên nơi cực thánh.

Vào thời đó, tại Ít-ra-en, có rất nhiều rừng, nhất là tại Ga-li-lê. Ðôi khi, gỗ thông cũng được dùng cho việc xây cất.

Các công thự xây cất thường được hiểu là nhà cửa, tường thành, giếng, bể nước, đường dẫn nước và vựa ngũ cốc. Các công trình ấy thường là những cố gắng của cá nhân hay cộng đồng làng xóm. Chứ không phải chỉ là việc của các tay thợ chuyên nghiệp mà thôi.

Nhà cửa thường xây trên nền đá, nhưng tường thì bằng gạch, được trát bùn hai bên. Ðôi khi những tảng đá dài được sử dụng thêm cho vững và những chiếc cột gỗ được dựng lên dọc theo nền đá để tăng cường độ cao căn nhà. Tường đá vụn sau đó được xây giữa những hàng cột này, tạo nên những căn phòng nhỏ dẫn ra chiếc sân rộng. Nhưng thường nhà chỉ có một phòng. Những chiếc xà bằng gỗ được đặt trên các bờ tường và mái được lợp bằng những tấm phên làm bằng rơm trộn lẫn với bùn và vôi. Nhà thường chỉ có một tầng, nhưng đôi khi mái được dùng làm nơi làm việc, có cầu thang ngoài nhà hay một chiếc thang trong nhà để leo lên. Chung quanh mái vì vậy có hàng lan can bao quanh để tránh tai nạn.

Tường thành thường được xây bằng đá vụn hay đá đảng được gọt đẽo, đôi khi được trát vữa và được tăng cường bằng những tháp canh. Những đá tảng này chỉ được gọt đẽo sơ sài, nhưng phải ăn rất khớp với nhau. Nhà cửa được xây bên trong những tường thành này, nhưng không có bất cứ một thứ kế hoạch hóa đô thị nào, ai muốn xây đâu thì xây, miễn có chỗ trống.

Với thời gian, nhiều nhà đào bể chứa ngay bên dưới để đựng nước mưa. Ðó là những chiếc bể chứa đục ngay vào đá, nhưng cần phải trám chung quanh bằng vôi tôi để giữ cho nước khỏi thoát đi. Những hồ chứa nước cũng thường được đào vào đá và tại nhiều thành phố, các cuộc khai quật cho thấy có những đường mương dẫn nước đi khắp nơi. Một hệ thống đường mương ấy tại Mơ-gít-đô có từ thời dân It-ra-en mới lập nghiệp.

Thợ nề và thợ mộc cũng chế biến nhiều dụng cụ cho sinh hoạt hàng ngày, chậu đá, bình nuớc, đồ chặn khung dệt, thớt cối, ách gỗ, cày, khung đập lúa, xe đẩy và bàn ghế.

Những công trình đặc biệt: Những công trình xây dựng đặc biệt thời Cựu Ước bao gồm cung điện vua Đa-vít; thành lũy Sa-lô-môn; đền thờ và các dinh thự bao quanh tại Giê-ru-sa-lem; cung điện A-kháp tại Sa-ma-ri; hệ thống hầm dẫn nước của Khít-ki-gia tại Giê-ru-sa-lem; việc tái kiến thiết Giê-ru-sa-lem sau thời lưu lạc; và rất nhiều công trình dưới thời Hê-rô-đê đại đế cũng như các người kế vị (đền thờ, cung Hê-rô-đê, pháo đài Machaerus, cung Hê-rô-đêium, Massada, và hải cảng Xê-da-rê). Dưới thời tổng trấn Philatô, một thệ thống dẫn thủy (aquaduct) đã được xây để cung cấp nước cho Giê-ru-sa-lem.

Trong số những công trình đầu tiên, đền thờ do Sa-lô-môn xây tại Giê-ru-sa-lem là hùng vĩ hơn hết. Những cây tuyết tùng được Khi-ram, vua Tia, một đồng minh của Sa-lô-môn, cung cấp. Khi-ram cũng gửi những tay thợ thiện nghệ sang giúp. Lần đầu tiên, từ ngày dân Ít-ra-en chiếm cứ đất này, ta mới thấy những viên đá được đẽo gọt đẹp đẽ mịn màng mà sau này người ta gọi là ashlar. Góc của chúng được ăn khớp và nối với nhau rất khéo; từng khối liên kết với nhau thẳng băng mà không cần đến vữa; kỹ thuật ‘đầu’ và ‘ngang’ (headers and stretchers) được sử dụng lần đầu (đá được ghép lần lượt theo chiều dọc và chiều dài cho vững thêm).

Các tường của đền thờ Sa-lô-môn có ba lớp đá được phủ gạch trên những chiếc xà bằng gỗ tuyết tùng. Gỗ này giúp giảm tác động khi bị động đất. Mái và cửa làm bằng gỗ; sàn, tường và trần được ghép bằng ván gỗ thông hay tuyết tùng, được trạm trổ tinh vi. (Xem 1V 6).

Những thành lũy của Sa-lô-môn tại Kha-do, Mơ-gít-đô và Ghe-dê có những tường thành xây theo kiểu hầm trú (với hai bức tường được ngăn ra và khoảng trống được đổ đá vụn hay để trống làm kho chứa) và cửa thành có ba vọng gác mỗi bên. Dưới sàn cổng lát đá là đường thoát nước.

Ðường hầm Khít-ki-gia được xây để đem nước từ suối Ghi-khôn vào thành Giê-ru-sa-lem. Năm 1880, người ta tìm thấy một bản khắc do các công nhân thời ấy thực hiện. Nó thuật lại hai nhóm thợ hầm làm việc ở độ sâu 45 mét dưới mặt đất sắp sửa gặp nhau ở giữa chừng sau một đoạn đường khúc khủy dài 530 mét từ hai phía tính lại. Họ có thể nghe tiếng búa chim của nhau. ‘Ngày xuyên thủng, các tay đục đá đã đục thủng để gặp nhau, rìu gặp rìu. Và nước từ suối tràn vào hồ...’

Nhờ chương trình xây cất của Hê-rô-đê, kỹ nghệ xây dựng thời Chúa Giê-su có được một thế đứng khá quan trọng tại Giê-ru-sa-lem. Người ta cho rằng Hê-rô-đê đã chuẩn bị 1,000 cỗ xe để chở đá, mà một số có thể đã được khai thác ngay tại các hầm trong thành phố. Những khối đá nặng từ 5 đến 10 tấn đã được khai thác và chuyên chở tới các địa điểm xây cất, có thể bằng những xe lăn (rollers). Các khung và vòm đã được dựng lên theo khuôn mẫu La Mã. Giê-ru-sa-lem thời Hê-rô-đê cũng là một thành phố tiêu biểu của Ðế quốc La Mã. Những cuộc khai quật về Giê-ru-sa-lem thuộc thế kỷ thứ nhất cho thấy nhiều ngôi nhà lớn được xây cất với tiện nghi đáng kể, có cả hệ thống sưởi dưới sàn và ống dẫn nước. Con đường lát gạch theo kiểu La Mã tại một ngôi làng bên cạnh còn có những giá bằng đá dọc hai bên để cắm đuốc làm đèn đường. Tuy nhiên nhà cửa dân nghèo vẫn chỉ đơn giản, nhưng đa số rất có thể có hơn một lầu.