Tư Liệu Thánh Kinh: Việc Phiên Dịch Thánh Kinh

Đối với nhiều Ki-tô hữu thế kỷ thứ nhất, ‘Thánh Kinh’ có nghĩa là bản dịch Hy Lạp bộ Cựu Ước [tức bản Bẩy Mươi] đã khởi sự trong thế kỷ thứ 3 trước CN. Việc dịch thuật Tân Ước đã khởi đầu ngay sau khi bộ này được hoàn tất. Dịch bản đầu hết có lẽ là bản La-tinh. Vì đó là ngôn ngữ chính thức của Đế quốc Rô-ma, dù tiếng Hy Lạp là ngôn ngữ được nhiều người sử dụng nhất trong các cộng đoàn Ki-tô hữu, kể cả tại Ý Đại Lợi. Tiếng Hy Lạp là tiếng được sử dụng tại hầu hết các giáo hội.

Từ thế kỷ thứ hai trở đi, có khá nhiều bản dịch địa phương. Nhưng tín hữu cảm thấy cần phải có bản văn tiêu chuẩn được mọi người nhìn nhận và sử dụng. Bởi thế, vào khoảng năm 384, Đức GH Đa-ma-sô chỉ thị cho thư ký của mình phải duyệt lại bản Tân Ước bằng tiếng La-tinh. Vị thư ký đó chính là thánh Giê-rôm. Ngài là dịch giả Thánh Kinh đầu tiên mà tên tuổi được truyền đến chúng ta [ta cũng biết một số học giả Do Thái trước đó vốn duyệt lại bản dịch Thánh Kinh qua tiếng Hy Lạp]. Bản dịch La-tinh của ngài, gọi là Bản Phổ Thông [Vulgate], được coi là bản tiêu chuẩn được sử dụng trong Giáo hội Công giáo La Mã từ đó. Một số khá đông các bản dịch khác đã căn cứ vào bản dịch của ngài, trong đó có cả những bản dịch đầu tiên qua tiếng Anh.

Thánh Giê-rôm là một học giả đứng đắn và ngài đã thực hiện tốt bản dịch của mình. Để dịch Cựu Ước, ngài đã học tiếng Hi-bá-lai, sống nhiều năm tại Bê-lem. Nhờ công trình của ngài, được sao chép bằng tay tại nhiều phần đất, lời Chúa đã đem hy vọng và sự sống mới đến rất nhiều người không thể kể hết được.

Thế kỷ thứ hai, các dịch giả bắt đầu dịch ra tiếng Xi-ri-ác, một thổ ngữ thuộc ngôn ngữ A-ram, là ngôn ngữ của chính Chúa Giê-su. Dù tiếng Xi-ri-ác cổ không còn ai nói nữa, nhưng ngày nay, bản dịch thế kỷ thứ tư [biết dưới tên Peshitta] vẫn còn được sử dụng trong phụng vụ nơi các giáo hội Ki-tô giáo thuộc hệ phái Nét-tô-ri-ô và Xy-ri tại Xy-ri, I-ran, Ấn Độ và nhiều nơi khác.

Tại Ai Cập, khởi đầu Giáo hội sử dụng tiếng Hy Lạp. Nhưng khi Ki-tô giáo phát triển xuống phía nam, người ta cần một bản dịch Ai Cập. Việc dịch thuật ấy khởi sự trong thế kỷ thứ ba. Ngày nay, bản dịch Cốp-tíc vẫn còn được dùng trong phụng vụ.

Sau khi Hoàng đế Rô-ma là Công-tăng-ti-nô trở lại [năm 312], Ki-tô giáo phát triển rất nhanh, do đó nhiều bản dịch mới được cần tới. Người Gốt (Goths), những kẻ xâm lăng Đế Quốc tại đồng bằng Sông Danube, nhận được gần như toàn bộ Thánh Kinh bằng ngôn ngữ của họ qua công trình dịch thuật của nhà truyền giáo Ulfilas. Phần lớn bản văn vẫn tồn tại dưới dạng thủ bản dù ngôn ngữ này đã thành tử ngữ từ lâu. Thánh Mesrop đã tạo ra mẫu tự cho người Ác-mê-ni, nước Ki-tô giáo đầu tiên trên thế giới, và cho họ bản Thánh Kinh bằng ngôn ngữ của họ trong thế kỷ thứ 5. Bản này vẫn còn là bản tiêu chuẩn của Giáo Hội Cổ Ác-mê-ni, cả tại chính cộng hòa Ác-mê-ni lẫn tại các nơi khác có người Ác-mê-ni cư ngụ. Các bản dịch Thánh Kinh của người Ge’ez và Georgia, vẫn còn được các giáo hội tại Ethiopia và Georgia sử dụng ngày nay, có thể cũng đã có từ thế kỷ thứ 5. Sau đó, có bản dịch sang tiếng Slavonic Cổ, là ngôn ngữ của Bulgaria, Serbia và miền nam nước Nga trong thế kỷ thứ 9, khi các bộ lạc Slavic trở lại Ki-tô giáo nhờ công trình của Thánh Cyril. Ngài tạo ra mẫu tự Cyrillic và chẳng bao lâu sau Thánh Kinh được dịch ra ngôn ngữ ấy. Bản dịch này vẫn còn là bản chính thức của Giáo Hội Chính Thống Nga. Ngoài các bản dịch này, ta còn biết ít nhất có một bản dịch ‘truyền giáo’ được hoàn tất trước khi một giáo hội được thiết lập. Vào khoảng năm 640 CN, một nhà truyền giáo Nét-tô-ri-ô nói tiếng Xi-ri-ác, đã dịch các Phúc Âm sang tiếng Trung Hoa cho hoàng đế Tai Tsung.

Thời Đen Tối [Dark Ages]: Trong những thế kỷ tiếp theo sự tan vỡ của Đế Quốc Rô-ma tại Phương Tây, Ki-tô giáo càng phát triển nhanh chóng, nhất là tại Bắc và Đông Âu. Giáo hội càng tăng triển, càng có nhiều bản dịch Thánh Kinh sang nhiều ngôn ngữ mới. Bản dịch thực sự xưa nhất tại Anh là bản dịch Thánh Vịnh của Aldhelm. Ngài là giám mục của Sherborne, thuộc miền Nam nước Anh, vào năm 700 CN. Cũng vào thời gian này, tại phía Bắc nước Anh, nhà sử học vĩ đại là Bede đang ưu tư về khả năng học vấn của hàng linh mục là những người biết rất ít, thậm chí còn không biết chút gì, về tiếng La-tinh và do đó không đọc được Thánh Kinh. Bởi thế ông bắt đầu dịch toàn bộ Thánh Kinh sang tiếng Anglo-Saxon. Chẳng may ông qua đời năm 735 CN, lúc còn đang dịch Phúc Âm Gio-an. Điều đáng tiếc hơn nữa là cả hai thủ bản của Aldhem lẫn Bede đều mất tích. Vua Alfred của Anh [871-901 CN] cũng là một dịch giả Thánh Kinh, đem lại cho dân ông bản dịch sách Xuất Hành, sách Thánh Vịnh và Tông Đồ Công Vụ bằng ngôn ngữ riêng của họ. Các linh mục có học cũng thực hiện những công trình dịch thuật riêng. Sau cuộc chinh phục của người Norman, một số sách Thánh Kinh đã được dịch sang Anh ngữ và một số thổ ngữ địa phương.

Những bản dịch không chính thức khác, phần lớn dành riêng cho các nhà lãnh đạo giáo hội và thường là bằng văn vần, được thực hiện bằng các ngôn ngữ khác. Bản dịch Phúc Âm Mát-thiêu qua tiếng Frank [tiếng Đức sơ khởi], thực hiện năm 758 CN, nay vẫn còn. Những bản dịch xưa nhất sang tiếng Pháp có niên biểu từ thế kỷ 12; sang tiếng Ý từ thế kỷ 14. Bản dịch đầu hết sang tiếng Ả-rập có lẽ đã xuất hiện từ thế kỷ thứ 8, dù từ thế kỷ thứ 4, đã có những Ki-tô hữu sống trong thế giới Ả-rập.

Tiền phong của Cải Cách: Cuối thời Trung Cổ, một số bản dịch mới xuất hiện. Đó là những bản dịch nhằm phục vụ các Ki-tô hữu tầm thường và là công trình được phe chỉ trích các nhà lãnh đạo chính thức của Giáo hội. Khoảng năm 1170, một thương gia tại Lyons, tên là Peter Waldo, khám phá ra mục tiêu mới cho cuộc sống qua việc đọc Tân Ước. Ông sắp xếp để Thánh Kinh được dịch ra tiếng Provencal [tiếng miền nam nước Pháp]. Những người theo ông lập thành Giáo Hội Waldensian, từng bị bách hại trong nhiều thế kỷ.

Gần 200 năm sau, một nhà thần học của Oxford là John Wycliffe cũng nghiên cứu Thánh Kinh. Ông xác tín rằng Thánh Kinh cần có trong tay mọi người. Bởi thế, đến năm 1384, bản Phổ Thông La-tinh đã được dịch sang tiếng Anh. Nicholas quê Hereford, John Purvey và một số người khác là dịch giả thực sự của hầu hết bộ Thánh Kinh này. Họ theo xát bản La-tinh, ngay cả trong thứ tự các chữ dù chẳng hợp chút nào với tiếng Anh! Tới năm 1395, Purvey mới duyệt lại công trình trên bằng một thứ tiếng Anh tốt và rõ ràng hơn.

Một số bản chép chứa những ghi chú nói lên quan điểm bất đồng của nhóm Lollards [tên gọi những người theo Wycliffe]. Năm 1408, một công đồng của giáo hội họp tại Oxford đã cấm không cho sao chép, lưu hành hay học hỏi các bản dịch tiếng Anh này. Nhưng sự hấp dẫn của các bản dịch này quá lớn. Hàng trăm bản dịch vẫn tiếp tục được lưu hành mãi cho đến thời những cuốn Thánh Kinh đầu tiên được in ra khoảng một trăm năm sau. Một phong trào tương tự xẩy ra tại Bohemia [Tiệp Khắc]. Jan Hus, Viện trưởng Đại học Prague, chịu ảnh hưởng giáo huấn của Wycliffe. Năm 1415, ông bị thiêu sống, nhưng các người theo ông khởi diễn việc dịch Thánh Kinh. Tân Ước bằng tiếng Tiệp, in năm 1475, chính là kết quả cố gắng trên.

Việc in ấn và phong trào Cải Cách: Khỏang năm 1450, tại Mainz, thuộc Đức, Johann Gutenberg đã sáng chế ra kỹ thuật in bằng kiểu chữ rời kim loại. Công trình của ông đã mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử sách vở, và với chúng, là Thánh Kinh. Thực thế, công trình ấn loát quan trọng đầu tiên chính là bộ Thánh Kinh bằng tiếng La-tinh, thực hiện năm 1456. Mười năm sau, nó được in tại Strasburg, bằng tiếng Đức, từ một bản dịch thế kỷ thứ 14, không rõ tác giả. Năm 1471, Thánh kinh lần đầu được in bằng tiếng Ý, và sau đó không lâu, bộ Tân Ước được in bằng tiếng Pháp. Bộ Thánh Kinh bằng tiếng Hòa Lan được in lần đầu năm 1477, sau đó là bộ bằng tiếng Catalan [Tây Ban Nha], được in năm 1478.

Tất cả các ấn bản trên đều dựa theo các bản chép tay hiện có lúc đó và đều được dịch từ tiếng La-tinh. Nhưng với việc phục hưng việc học, các bản văn bằng nguyên ngữ bắt đầu được nghiên cứu. Các học giả Do Thái vốn gìn giữ được bộ Thánh Kinh bằng tiếng Hi-bá-lai, nên đã cho in nó tại Ý năm 1488. Nhà bác học Hoà Lan, Erasmus, đã cho in bộ Tân Ước bằng tiếng Hy Lạp năm 1516. Dù không phải là một dịch giả, Erasmus thích Thánh Kinh được dịch ra ngôn ngữ bình dân. Ông viết như sau: “Tôi muốn Thánh Kinh được dịch ra mọi ngôn ngữ để không những chỉ người Tô Cách Lan và người Ái Nhĩ Lan, mà cả người Thổ Nhĩ Kỳ và người Hồi Giáo cũng có thể đọc và hiểu được. Tôi mong sao người dân cầy cũng có thể ngâm ngợi được Thánh Kinh khi đang cầy bừa, người dệt cửi cũng âm ê được khi đưa thoi, người lữ hành cũng qua được cơn buồn chán của chuyến đi nhờ những sự tích trong đó”.

Trong khí đó, tại Đức, một thầy dòng trẻ tuổi là Martin Luther cũng đang nghiên cứu bộ Thánh Kinh bằng tiếng La-tinh. Trong khi đang nghiên cứu như thế, ông bị thu hút bởi lời Thánh Phao-lô trong thư Rô-ma 1:17: “Phúc Âm cho thấy Chúa đã làm con người ra công chính ra sao đối với Ngài. Đó là nhờ đức tin từ đầu đến cuối”. Ông kể lại sự nhẹ nhõm và tự do xiết bao khi đọc những lời trên. “Tôi thấy mình được tái sinh hoàn toàn… Tình yêu của tôi dành cho thuật ngữ dịu ngọt ‘sự công chính của Thiên Chúa’ từ đây trở đi cũng lớn như lòng thù ghét của tôi dành cho nó từ trước đến nay. Bởi thế, đoạn văn trên đây của Thánh Phao-lô thực sự là cánh cửa đưa tôi vào Thiên Đàng…”.

Luther lúc ấy là một giảng sư tại đại học Wittenberg. Ông tuyên xưng đoạn văn trên và chuyên tâm nghiên cứu bộ Cựu Ước bằng tiếng Hi-bá-lai và bộ Tân Ước bằng tiếng Hy Lạp của Erasmus. Rồi ông tự đặt cho mình nhiệm vụ dịch toàn bộ Thánh Kinh sang tiếng Đức, một thứ tiếng Đức thật rõ ràng sáng sủa. Bộ Tân Ứơc ra đời năm 1522, và toàn bộ Thánh Kinh được hoàn thành năm 1532. Nó trở thành bộ Thánh Kinh bằng tiếng Đức thời danh nhất từ đó.

Thánh Kinh bằng Tiếng Anh: Cũng cùng thời gian này, William Tyndale, một học giả tại Cambridge sau Erasmus không bao lâu và chịu ảnh hưởng của ông này, bắt đầu dịch Tân Ước sang tiếng Anh. Giáo quyền lúc đó không hề khuyến khích việc này. Nên ông phải qua Đức để hoàn tất công việc của mình. Bộ Tân Ước bằng tiếng Anh đầu tiên được xuất bản tại Worms năm 1526. Một số bản được phổ biến tại Anh ngay sau đó và được học hỏi say mê. Tuy nhiên chúng bị giới chức trách lên án và Giám mục Luân Đôn ra lệnh thu mua một số lớn và đốt đi. Phản ứng của Tyndale là cho công bố một bản dịch tốt hơn! Ông duyệt lại bản dịch hai lần và cho đến năm 1566, nó được in đi in lại 40 lần. Ông còn viết nhiều sách khác và bắt đầu dịch một phần Cựu Ước. Nhưng Tân Ước là gia bảo lớn nhất của ông đối với thế giới nói tiếng Anh, vì bản dịch của Vua James, xuất hiện năm 1611, theo chân bản dịch của ông rất xát.

Năm 1535, Myles Coverdale cho công bố bản Thánh Kinh toàn bộ đầu tiên bằng tiếng Anh. Bộ này được in ở ngoại quốc, nhưng sau đó không lâu, đã tìm được đường nhập vào Anh. Năm 1533, các giáo sĩ thuộc tỉnh hạt Canterbury đã xin Vua Henry VIII công bố một bản dịch chính thức cho Thánh Kinh. Họ muốn bản dịch đó ‘được trao tận tay dân chúng để giáo huấn họ’. Chính vì thế lời dâng tặng nhà vua đã được thêm vào bộ Thánh Kinh của Coverdale. Hình như vì các học giả đảm bảo với nhà vua là bộ này không có điểm gì lạc giáo cả, nên Henry mới cho phép nó được phổ biến rộng rãi.

Coverdale không dựa vào nguyên bản Hy Lạp và Hi-bá-lai, mà dựa vào công trình của Tyndale, của Martin Luther và bản La-tinh. Bản dịch của ông ngày nay vẫn còn được sử dụng, trong phần Thánh Vịnh của Sách Cầu Nguyện Chung. Ông là người đầu tiên đưa vào các phần tóm lược mỗi chương, giống như Bản Vua James, và tách phần Ngụy Thư ra khỏi các sách Cựu Ước. Trong các dịch bản có trước, ngụy thư được trình bày y hệt như bản Bẩy Mươi bằng tiếng Hy Lạp.

Năm 1537, lần đầu tiên Thánh Kinh được in ngay tại Anh, do Thomas Matthew thực hiện. Đây là bút hiệu của John Rogers, người cùng làm việc với Tyndale. Phần lớn bộ này bao gồm bản dịch của Tyndale, kể cả các sách từ Giô-suê tới Sử Biên, trước đây chưa được công bố, và rất nhiều các tài liệu phụ dưới hình thức thư mục và ghi chú. Nó cũng là bộ Thánh Kinh đầu tiên được công bố ‘Với phép lớn của Vua’, một đặc ân sau đó cũng đã được ban cho bộ của Coverdale, trong cùng một năm.

Năm 1538, một pháp lệnh được công bố dưới thẩm quyền của nhà Vua truyền cho các giáo sĩ phải trưng bày ‘một cuốn sách toàn bộ Thánh Kinh, có khổ lớn nhất tại Anh, ở một nơi thuận tiện trong nhà thờ để giáo dân trong xứ có thể chạy tới mà đọc được… Nó chính là Lời hằng sống của Thiên Chúa mà mỗi Ki-tô hữu buộc phải chấp nhận, tin tưởng và tuân theo nếu muốn được cứu độ’.

Sách mà Nhà Vua muốn ám chỉ chính là Thánh Kinh Vĩ Đại, bản của Coverdale hiệu chính bản của Matthew. Nó được công bố năm 1539. Trong lần tái bản, nó được Tổng Giám Mục Cranmer đặt lời nói đầu. Ông khuyến khích mọi người đọc Thánh Kinh. Nó có lời ghi chú như sau: ‘Đây là bộ Thánh Kinh được ấn định dùng trong Giáo hội’. Một trong hai giám mục từng thay mặt Nhà Vua khảo sát bộ này chính là Tonstall, giám mục Luân Đôn, người từng đốt bộ Tân Ước của Tyndale. Mọi ghi chú xem ra có thể gây tranh cãi đều bị loại bỏ. Trước khi Henry qua đời năm 1547, các bản dịch của Tyndale và Coverdale đều bị cấm và một số lớn bị tiêu hủy. Nhưng cuốn Thánh Kinh Vĩ Đại tiếp tục được giáo hội sử dụng suốt thời Edward VI và ngay cả dưới thời Nữ Hoàng Công Giáo Mary [1553-1558], mặc dù phụng vụ của giáo hội đã dùng tiếng La-tinh trở lại.

Trong khi đó, tại Geneva, các học giả Anh sống ở đất khách bắt tay vào việc hiệu đính. Và công trình của họ được công bố năm 1560 và được đề tặng Nữ Hoàng Elizabeth I. Nó bao gồm bản dịch đầu tiên các sách từ Ezra đến Malachi trực tiếp từ tiếng Hi-bá-lai. Nếu có thể, các thành ngữ Hi-bá-lai được giữ nguyên cả trong Tân Ước lẫn Cựu Ước. Phần ngụy thư cũng được giữ lại với các ghi chú cho biết giá trị của nó. Bộ này cũng gồm một ít ghi chú về ý nghĩa. Nó trở thành bộ Thánh Kinh rất phổ thông. Dưới triều Elizabeth I, nó được in đi in lại 70 lần cả ở Anh lẫn Geneva. Tại Tô-Cách-Lan, nó được chính thức đọc trong các nhà thờ và tiếp tục được sử dụng trong một thời gian sau khi bộ Thánh Kinh Vua James đã được công bố. Đôi khi người ta gọi nó là bộ Thánh Kinh Quần Ống Túm [Breeches Bible] vì trong bản dịch sách Sáng Thế, có nói rằng A-đam và Evà tự tạo cho mình quần ống túm để che thân.

Trong khi ấy, bộ Thánh Kinh Vĩ Đại vẫn đang được hiệu đính. Phần lớn là công trình của các giám mục, dưới sự lãnh đạo của Tổng giám mục Parker. Vì vậy mà bản dịch mới, xuất hiện năm 1568, được gọi là Thánh Kinh Của Các Giám Mục. Các hiệu đính viên cố gắng cải tiến sự chính xác của bản văn, thay đổi các lối nói không phù hợp với sự thưởng ngoạn của công chúng và tránh các ghi chú và giải thích gây tranh cãi. Nhưng kết quả không được tốt như bộ Geneva. Dù được dùng trong các nhà thờ, nó bị coi là kém phổ thông.

Bản Vua James: Khi lên ngôi năm 1603, James I của Anh [Đệ Tứ đối với Tô Cách Lan] chấp nhận một cuộc hiệu đính mới. Chính ông tham dự vào việc tổ chức công việc, vốn được giao phó cho 6 nhóm học giả. Khi các nhóm hoàn tất công việc của nhóm mình, hai học giả của mỗi nhóm duyệt lại toàn bộ Thánh Kinh trước khi cho in. Công việc của họ dựa trên bộ Thánh Kinh Của Các Giám Mục, nhưng sử dụng nguyên ngữ Hy Lạp và Hi-bá-lai. Các tên được gọi theo lối đã quen thuộc và các từ ngữ quen thuộc chỉ về giáo hội như ‘church’, ‘bishop’ được giữ lại. Các ghi chú bên lề được dùng để cắt nghĩa các từ Hy Lạp và Hi-bá-lai cũng như liên kết với các đoạn văn song hành. Các chữ được thêm vào cho đầy đủ nghĩa được in bằng kiểu chữ khác. Bản tóm tắt chương mới được đưa vào. Bản dịch này được hết sức đề cao suốt hơn 350 năm qua. Lý do chính có lẽ vì vẻ đẹp và nhịp điệu trong ngôn ngữ của nó.

Bản Dịch Douai: Một năm trước bản Vua James, bản dịch tiêu chuẩn của Giáo Hội Công giáo Rô-ma, tức bộ Thánh Kinh Douai, được công bố. Đây là công trình của Gregory Martin và một số người khác thuộc Học Viện Anh Quốc tại Douai, bên Pháp. Bộ Tân Ước của ông được ra đời năm 1582 khi học viện còn ở Rheims. Ông ráng dịch bộ Phổ Thông từng chữ, đôi khi thật tối nghĩa đối với tiếng Anh. Một vài từ lấy nguyên văn từ tiếng La-tinh được giải thích trong phần ngữ vựng. Nhiều ghi chú đầy đủ được dùng để giải thích bản văn và các điểm học lý.

Nhiều người thấy các từ ngữ trong bộ này rất khó hiểu, nên đến năm 1772, giám mục Chalonner đã thực hiện hai cuộc hiệu đính cho bộ Cựu Ước và năm cuộc hiệu đính cho bộ Tân Ước, dựa nhiều vào bản Vua James. Bản hiệu đính cuối cùng của ngài được chính thức nhìn nhận là bản tiêu chuẩn của Công giáo, thay thế cho bản Douai.

Những Bản Dịch Truyền Giáo Tiên Phong: Khi việc truyền giáo được tái tục vào thời Trung Cổ, người Công giáo Rô-ma là những người đầu tiên phiên dịch sách đạo sang tiếng địa phương. Thường là họ bắt đầu với Mười Giới Răn, Kinh Lạy Cha và những phần chọn lọc của Phúc Âm cũng như các sách sử ký của Thánh Kinh và sách giáo lý. Nhưng đến năm 1613, các nhà truyền giáo Dòng Tên đã cho công bố toàn bộ Tân Ước bằng tiếng Nhật.

Bản dịch đầu tiên của Tin Lành là bản Mã Lai, do các công nhân của Công Ty Đông Ấn Hòa Lan thực hiện. Toàn bộ Thánh Kinh được dịch ra tiếng bản quốc lần đầu tiên là bản của John Eliot công bố năm 1663 tại Massachusetts. Nó là bản tiếng Người Da Đỏ Mỹ hết sức phức tạp, có những từ dài đến 15-20 mẫu tự. Tại Ấn Độ, việc dịch Thánh Kinh được các nhà truyền giáo Lutherô người Đan Mạch đảm nhiệm. Bộ Tân Ước bằng tiếng Tamil của Ziegenbalg xuất hiện năm 1711, còn bộ Cựu Ước được Schultze thêm vào năm 1728. Nhưng một thời đại mới đã bắt đầu khi nhà truyền giáo đầu tiên người Anh là William Carey qua Ấn Ðộ năm 1793. Ông dành 40 năm làm việc tại Serampore, bang Bengal, với hai cộng sự viên và nhiều người Ấn giúp việc. Khi ông qua đời, nhà in của ông đã xuất bản các bản dịch toàn bộ Thánh Kinh hay Tân Ước bằng 37 thứ tiếng hay thổ ngữ khác nhau, trong đó có tiếng Miến Ðiện và Trung Hoa. Ông cũng còn sưu tầm nhiều sách văn phạm và từ điển. Quả là một thành tựu kỳ diệu.

Các Hội Thánh Kinh: Năm 1804, Hội Thánh Kinh Anh và ngoại quốc được thành lập ‘cho Wales, cho vương quốc, cho thế giới’. Khởi đầu, nó cho phổ biến các bản dịch Thánh Kinh hiện có. Nhưng không bao lâu sau, các thành viên của Hội lưu ý đến việc đưa ra các bản dịch mới. Họ cho ra đời bản Tân Ước bằng tiếng Hindustan (Urdu), do nhà truyền giáo tiên phong Henry Martyn thực hiện năm 1812 và bản dịch đầu tiên sang tiếng Bullom, dành cho Sierra Leone (Phi Châu), năm 1816. Từ đó trở đi, đã có tới 480 bản dịch sang các tiếng Phi Châu. Ki-tô hữu là những người đầu tiên sử dụng chữ viết của các ngôn ngữ này, dựa vào vần La-tinh. Bản Tân Ước trọn bộ đầu tiên cho Phi Châu là bằng tiếng Amharic, dành cho Ethiopia, năm 1829. Thánh Kinh toàn bộ đầu tiên bằng ngôn ngữ Phi Châu là tiếng Malagasy xuất hiện năm 1835.

Một diễn trình tương tự xẩy ra tại Thái Bình Dương ( với bản Tahiti năm 1818) và tại Châu Mỹ La-tinh (với bản bằng tiếng Aymara cho người Bolivia năm 1829).

Ðến lúc đó, các hội khác bắt đầu hoạt động. Hội Thánh Kinh Hoà Lan, Hội Thánh Kinh Mỹ và Hội Thánh Kinh Quốc Gia Tô-cách-lan đều khởi công dịch Thánh Kinh. Tại Ấn Ðộ, Phi Châu và các xứ Ả Rập, các nhà Truyền giáo Công Giáo Rô-ma cũng bắt tay dịch Thánh Kinh.

Phong trào truyền giáo lên cao suốt thế kỷ 19, và đến năm 1939, việc phiên dịch đạt được những bước tiến lớn lao. Trên thực tế, mọi hiệp hội truyền giáo đều có phần trong đó. Những nhà dịch thuật chính phần lớn là các nhà truyền giáo, dù vẫn có những người địa phương tham dự vào. Một số đóng những vai trò quan yếu. Như giám mục Samuel Crowther, sinh trưởng tại Nigeria, đã dịch Thánh Kinh ra tiếng Yoruba năm 1862, và Pandita Ramabai dịch Thánh Kinh sang tiếng Marathi năm 1912. Các Hội Thánh Kinh giúp tổ chức việc phiên dịch, cung cấp tiền bạc khi cần, in và phân phối các bản dịch cũng như giúp đỡ các vấn đề cần thiết khác. Duy nhất chỉ có Hội Thánh Kinh Hòa Lan là huấn luyện các nhà ngôn ngữ riêng của mình rồi phái đi làm thông dịch viên.

Việc Phiên Dịch Thánh Kinh Truyền Giáo Ngày Nay: Từ Thế Chiến II, có nhiều thay đổi lớn trong việc phiên dịch Thánh Kinh.

Hội Các Nhà Phiên Dịch Thánh Kinh Wycliffe được thành lập năm 1934 nhằm đem đến cho người ta Thánh Kinh bằng chính ngôn ngữ của họ. Hàng ngàn ngôn ngữ vẫn chưa có Thánh Kinh. Nhóm này nay đã phát triển thành một hội truyền giáo lớn nhất thế giới với hơn 3000 nhà truyền giáo, thực hiện những chương trình được tổ chức cẩn thận bằng 700 ngôn ngữ khác nhau.

Mỗi nhà phiên dịch trước hết được huấn luyện thành nhà ngữ học. Vì thường thường họ có nhiệm vụ phải đem lại chữ viết cho một ngôn ngữ. Nhiệm vụ này không dễ chút nào, nhất là khi ngôn ngữ ấy có những âm lạ đối với người Âu Châu. Sau đó, nhà phiên dịch còn phải soạn văn phạm và danh sách các chữ được dùng. Thường thường họ được sự giúp đỡ của một người bản xứ cùng biết chung một ngôn ngữ. Nhiều khi cả mấy năm trường trôi qua, mà đến những dòng đầu của phiên dịch cũng chưa bắt đầu được. Bởi phiên dịch làm chi trước khi dân bộ lạc được học để biết đọc! Rồi bản dịch còn phải được thử đi thử lại xem dân bộ lạc có hiểu hay không.

Một chương trình còn lớn hơn nữa bao trùm những ngôn ngữ chính trên thế giới (Ấn, Trung Hoa, Ả Rập) hiện đã và đang được thực hiện bởi Hiệp Hội Thống Nhất Thánh Kinh (the United Bible Societies). Tổ chức này thống nhất khoảng 60 hội Thánh Kinh quốc gia trên khắp thế giới. Cả Công giáo lẫn Thệ phản đều cộng tác vào chương trình này. Công đồng Vatican II khuyến khích người Công Giáo Rô-ma cung cấp Thánh Kinh bằng chính ngôn ngữ người đọc.

Những cuộc tham khảo rộng rãi đang được tổ chức để ủng hộ những công trình phiên dịch mới. Nhiều người có khuynh hướng ghét bất cứ sự thay đổi nào đối với cuốn Thánh Kinh đã trở thành quen thuộc với họ ngay từ thời ấu thơ, nên quan điểm của họ cần được xem sét. Nếu một quyết định phải có một bản dịch mới đã đạt được, thì phải chọn các nhà phiên dịch và huấn luyện họ. Họ sẽ soạn ra một bản nháp, trao đổi quan điểm giữa họ với nhau và ghi nhận các lời phê bình. Rồi bản nháp đã được nhất trí kia phải được đệ trình lên một nhóm chuyên gia về Thánh Kinh và ngôn ngữ. Các chuyên gia này sẽ phúc đáp cho biết các nhận định của họ. Nếu các nhà phiên dịch không chấp nhận, các nhận định này sẽ được đem ra tranh luận trong một cuộc họp của các nhà chuyên môn. Các vị lãnh đạo giáo hội cũng nhận được các bản nháp kia, để khi công trình hoàn tất, các ngài sẽ ủng hộ nó và giúp giáo hội tiếp nhận nó. Một viên chức phụ trách việc phiên dịch của Hội Thánh Kinh có nhiệm vụ liên lạc thường xuyên với những dự án như thế. Ông sẽ thực hiện những cuộc thăm viếng thường xuyên, đưa ra các ý kiến và đề nghị và đôi lúc phải giàn xếp các vụ tranh luận.

Ngày nay, hàng ngàn người đang cố gắng làm việc giúp cho Thánh Kinh trở nên rõ nghĩa đối với những người tầm thường. Hiện vẫn còn rất nhiều nhóm ngôn ngữ chưa có bản dịch Thánh Kinh để đáp ứng nhu cầu của họ. Vả lại ngôn ngữ luôn thay đổi. Bởi thế các học giả của Hiệp Hội Thống Nhất Thánh Kinh tin rằng, để đương đầu với những thay đổi này, cứ 30 năm, các bản dịch Thánh Kinh phải được hiệu đính một lần, nếu không muốn nói là cần phải có một bản dịch mới. Chắc chắn một điều, còn rất nhiều công việc phải làm và các nhà phiên dịch Thánh Kinh sẽ còn phải bận bịu rất nhiều trong việc đem Lời Chúa đến với mọi người trong chính ngôn ngữ của họ.

Những Bản Dịch Anh Ngữ Hiện Ðại: Trước nhất là Bản Hiệu Ðính (Revised Version). Năm 1870, Giáo Hội Anh đưa ra nghị quyết lịch sử chuẩn bị cho việc hiệu đính Bản Dịch Vua James, với đường hướng chỉ thực hiện những thay đổi cần thiết mà thôi. Các nhóm học giả về Cựu và Tân Ước được cử nhiệm, và các học giả thuộc Giáo Hội Tô-Cách-Lan cũng như thuộc Giáo hội Tự Do (Free Church) cũng được mời tham gia. Họ có nhiệm vụ thực hiện ‘càng ít thay đổi càng hay’ trong ‘ngôn ngữ Bản Vua James’. Không một thay đổi nào trong bản văn Hy Lạp và Hi-bá-lai sẽ được chấp thuận nếu không hội đủ đa số 2/3 ủng hộ. Hai nhóm song song được thành lập tại Mỹ để đưa ra các đề nghị cũng như phê bình.

Bản Hiệu Ðính Tân Ước, in năm 1881 và được điện tín qua Chicago, đã tạo nên chú ý lớn. Nó được dựa trên bản văn Hy Lạp xưa hơn bản Vua James, chủ yếu căn cứ vào hai qui điển Vatican và Xi-nai có từ thế kỷ thứ tư. Nhiều ghi chú bên lề nhắc đến nguồn gốc bản văn gốc. Khá nhiều từ ngữ và nhóm câu quen thuộc của Bản Vua James bị loại trừ vì không có trong các bản chép tay nổi danh. Ðiều ấy khiến nhiều người phản đối kịch liệt, dù chẳng có lý do chính đáng. Tuy nhiên bản dịch này nhiều chỗ quá chiểu tự hay mô phạm. Nhưng bản dịch Cựu Ước (1885) thì tiến bộ nhiều so với Bản Vua James. Nhiều đoạn tối nghĩa nay đã trở nên trong sáng nhờ kiến thức mới về tiếng Hi-bá-lai; những đoạn thi ca được trình bầy như những bài thơ; các phân đoạn được sử dụng; và một hệ thống tham chiếu được đưa vào năm 1898.

Bản Hiệu Ðính Tiêu Chuẩn (Revised Standard Version): Năm 1901, các học giả Mỹ từng tham dự công trình hoàn thành Bản Hiệu Ðính trên đã cho ra đời Bản Tiêu Chuẩn Mỹ (the American Standard Version). Năm 1937, Hội đồng giữ bản quyền của Bản này quyết định hiệu đính nó. Phần Tân Ước xuất hiện năm 1946, và phần Cựu Ước xuất hiện năm 1952. Ngôn ngữ của bản này là một thoả hiệp giữa ngôn ngữ lỗi thời nhưng đã trở thành quen thuộc của Bản Vua James, và ngôn ngữ hiện đại của tiếng Anh. Phần lớn, nhưng không phải tất cả, các kiểu nói lỗi thời đã được thay thế. Các dấu trích dẫn được dùng khi nhắc lại các lời nói trực thoại. Riêng sách I-sai-a đã có nhiều thay đổi do kết quả từ các Sách Cuộn Biển Chết (Dea Sea Scrolls) đưa lại. Năm 1973, một ấn bản mới, được mọi người biết đến dưới tên Thánh Kinh Chung (the Common Bible) đã được phát hành. Nó được cả Giáo quyền Công giáo Rô-ma lẫn Ủy ban Hiệu Ðính Tiêu Chuẩn phê chuẩn.

Các Bản Thánh Kinh Mới Bằng Tiếng Anh: Năm 1946, Giáo Hội Tô Cách Lan liên lạc với các giáo hội chính tại Anh và đề nghị ra một bản dịch hoàn toàn mới. Ý kiến này được hoan nghênh và lập tức ba ủy ban học giả được thành lập. Sau đó thêm ủy ban thứ bốn lo cố vấn về văn phong. Tiến sĩ C.H. Dodd là tổng giám đốc của dự án này. Phần Tân Ước ra đời năm 1961, còn phần Cựu Ước phải chờ đến năm 1970. Ðấy là bản dịch liên giáo hội đầu tiên xẩy ra tại Anh và là bản dịch quan trọng thứ nhất thoát khỏi truyền thống của hai bản Tyndale và Vua James.

Bản Tân Thánh Kinh Anh Ngữ đã tiếp nhận các khảo cứu mới nhất. Ai cũng biết thời đó, các Sách Cuộn Biển Chết đang đưa lại nhiều soi sáng mới cho các bản văn Cựu Ước. Nhiều tài liệu mới tìm ra viết bằng những ngôn ngữ có liên hệ đến Hi-bá-lai đã đem lại những ý nghĩa mới cho các từ ngữ khó hiểu. Chúng được dịch sang thứ tiếng Anh hiện đại, thay thế hẳn các từ người ta vốn cho là có giọng Thánh Kinh nay đã lỗi thời của bản Vua James. Tuy nhiên vẫn còn vang vọng những thứ từ lỗi thời kia vì nhiều từ dài và khó hiểu không tìm được đối tác trong các thành ngữ hiện đại.

Bộ Thánh Kinh Giê-ru-sa-lem (the Jerusalem Bible): Năm 1966, các dịch giả Công giáo Rô-ma cho công bố bộ Thánh Kinh Giê-ru-sa-lem. Ðây là bản dịch mới dựa vào các bản nguyên ngữ. Nó tương tự như bản Bible de Jérusalem của Pháp, và bao gồm các phần dẫn nhập và ghi chú lấy từ bản tiếng Pháp. Bản dịch này được cả các giới Tin Lành cũng như Công Giáo sử dụng rộng rãi. Nhờ ngôn ngữ của nó sinh động và hiện đại hơn bản Bản Hiệu Ðính Tiêu Chuẩn.

Bộ Thánh Kinh Tin Mừng (the Good News Bible) hay còn gọi là Bản Thánh Kinh Tiếng Anh Ngày Nay (Today’s English Version): được Hội Thánh Kinh Mỹ xuất bản (Tân Ước năm 1966, Cựu Ước năm 1976), Bộ này có nhiều tiến bộ. Mục tiêu của nó là đem lại một bản dịch đáng tin cậy và chính xác, sử dụng một thứ ngôn ngữ trong sáng ai cũng hiểu được, kể cả những người không có một chút quá trình Ki-tô giáo nào, hay không có học vấn hoặc nói tiếng Anh như ngôn ngữ phụ. Nó dựa vào việc thận trọng nghiên cứu ngữ học và đưa ra một khuôn thước cho việc dịch thuật trong nhiều ngôn ngữ khác trên thế giới. Nó nhắm cung cấp bằng tiếng Anh cái nghĩa tự nhiên gần gũi nhất từ các nguyên ngữ. Mục đích thứ hai cũng quan trọng là trình độ ngôn ngữ. Những từ có tính bác học, thi ca hay chuyên môn tôn giáo đều không được sử dụng. Các cụm từ nói lóng cũng thế. Kết quả là một thứ “ngôn ngữ đại chúng”, rõ ràng và được mọi người nói tiếng Anh chấp nhận.

( Về các bản dịch Thánh Kinh qua tiếng Việt, xin xem 90 NĂM DỊCH THÁNH KINH SANG TIẾNG VIỆT, VietCatholic News - 19/12/2003, Lm. A.Trần Phúc Nhân)