Hôn Nhân, Đức Tin Và Tình Yêu (5)

PHẦN II: GẶP GỠ BẢN THÂN

CHƯƠNG BỐN: NÂNG ÐỠ NHAU

Những năm thơ ấu, sự tăng trưởng xúc cảm, vốn đi song hành với sự tăng trưởng thể lý, xã hội và tri thức, cần có được một môi trường nâng đỡ của cha mẹ. Môi trường này bao gồm các nâng đỡ về vật chất, xã hội, tri thức và xúc cảm. Trong liên hệ thân mật thứ hai nơi hôn nhân, hai vợ chồng cũng chờ mong ở nhau không những nâng đỡ vật chất, mà cả nâng đỡ về xúc cảm nữa.

NÂNG ÐỠ VẬT CHẤT

Sự nâng đỡ kinh tế của chồng đối với vợ con là một phần trong kiểu mẫu cổ truyền của hôn nhân. Ðây là một trong những trách nhiệm mà xã hội từng phân bố cho người chồng. Ngày nay, khi các cuộc hôn nhân dần dần biến thể từ các vai tuồng cố định có tính cổ truyền thành các thực tại có tính đồng chí đồng hành, thì sự nâng đỡ vật chất là trách nhiệm chia sẻ chung. Các bà vợ làm việc cho đến lúc các con chào đời và thường trở lại làm việc sau khi chúng đã lớn đủ để không còn cần đến sự chăm sóc tức thời và liên tục nữa. Sự độc lập kinh tế ngày càng gia tăng của người vợ đã thay đổi bầu khí tài chánh của gia đình. Người vợ ngày nay đã quen với ý niệm độc lập về kinh tế, nên không còn coi mình là người tiếp nhận một cách lệ thuộc sự ban bố của chồng nữa. Việc chu cấp cho nàng và cho con cái được nhìn như một quyền lợi và nghĩa vụ, qua đó, nàng có thể tiếp nhận được trợ giúp về tài chánh một cách đều đặn và không có điều kiện ràng buộc đính kèm.

Ðiều này càng ngày càng có nghĩa là đang có sự thay đổi về giá trị. Ngày nay, người vợ cảm thấy nàng có quyền được biết chồng kiếm được bao nhiêu và có quyền đòi chồng phải sử lý lợi tức một cách hữu hiệu, trả các khoản chi, và hành động cách có trách nhiệm trong việc quản lý tiền bạc của gia đình, còn trách nhiệm của vợ là lo việc tề gia. Trên thực tế, có thể có khó khăn khi người chồng không có công ăn việc làm thường xuyên, hoặc có việc làm nhưng không đối phó được với các giấy đòi trả tiền gửi đến cho gia đình, hoặc tệ hơn, tỏ ra vô trách nhiệm trong việc tiêu tiền bừa bãi vào những việc không cần thiết. Tệ hơn hết, khi tiền bạc bị phung phí vào rượu chè bài bạc. Người vợ cũng có thể tỏ ra bất lực trong việc quản lý tiền bạc và do đó càng nhân bội những căng thẳng của gia đình.

Cũng có khi, các khó khăn xảy đến từ khía cạnh khác, như người chồng quá bủn xỉn về tiền bạc. Từ đó, có thể xẩy ra việc cung ứng tiền bạc không đáp ứng đủ các yêu cầu của gia đình. Người chồng có thể gây ấn tượng là người vợ không biết quán xuyến, lúc nào cũng đòi hỏi thêm, và lần nào lời đòi hỏi ấy cũng bị cật vấn đại loại như: Gì nữa đây? Em làm chi mà cần nhiều tiền dữ vậy? Nếu người vợ bước vào hôn nhân vốn có cái hoài nghi bẩm sinh về khả năng tề gia nội trợ của mình, thì cái phong thái trên đây của chồng chắc chắn sẽ dần dần tận diệt luôn lòng tự tin của nàng. Nó cũng có thể gợi lên một phản ứng nghịch nơi nàng. Nàng sẽ cảm thấy mình bị đối sử bất công và sẽ nổi loạn chống lại. Tiền bạc lúc đó sẽ trở thành đầu đề không ngừng cho những cuộc đấu võ miệng. Ðiều trầm trọng là phía sau những tranh luận về các khoản tiền ít tiền nhiều ấy là những trao đổi nặng nề liên quan đến cảm quan của người vợ. Một cách tiệm tiến, nàng có thể kết luận rằng chồng độc đoán, bần tiện, bất công, chơi không đẹp, hạ nhục vợ và sẽ có lúc nàng từ chối nhất định không chịu đựng hơn nữa. Trong những hoàn cảnh cực đoan, nàng có thể từ chối không chịu tề gia nội trợ, và yêu cầu chồng làm thế, điều chàng có thể nhận. Có thể vì vậy chồng sẽ thấy ra sự thực và bằng lòng thỏa thuận theo yêu cầu tiền bạc của vợ. Ðôi khi, thực sự người chồng có khả năng hơn và nếu thế đi chăng nữa, chàng cũng nên ân cần cố vấn cho vợ hơn là làm giảm lòng tự tin của nàng.

Như vậy tiền bạc không đơn thuần chỉ là một thực tại kinh tế. Cách thế nó được trao cho người vợ biểu tượng cho tin tưởng, cho ân cần săn sóc và cho tình âu yếm. Tin tưởng có nghĩa là trong hôn nhân đồng hành, không được bí ẩn về các tài nguyên của gia đình, những gì có phải được chia sẻ tuỳ theo nhu cầu. Ân cần săn sóc có nghĩa là trong các vấn đề tài chánh, cần có sự uyển chuyển theo hoàn cảnh cá biệt của mỗi cá nhân, nên, nếu ngân sách thiếu hụt, phải du di để thỏa mãn các nhu cầu cá biệt. Tiền bạc thường được nhìn như là phần sinh tử của bản thân và không phải số lượng nhưng là cách thế trao đổi mới là điều quan trọng. Vợ chồng cảm nhận mình được săn sóc về phương diện tài chánh khi tiền bạc được trao đổi trên căn bản thực tế và rộng rãi. Tình âu yếm được thể hiện qua việc chăm chỉ làm ăn để nâng cao vị thế tài chánh của gia đình, qua việc rộng rãi dành tiền cho việc nội trợ, qua việc dự chi bất thường dưới hình thức quà tặng, không cần nhiều cho bằng để chứng tỏ rằng vợ hoặc chồng mình là người đáng quan tâm chăm sóc. Cho và nhận là những kinh nghiệm sớm nhất về tình yêu giữa mẹ và con, và những kinh nghiệm ấy tiếp diễn suốt cả cuộc đời để diễn đạt sự quan tâm và tình yêu lẫn nhau. Sự quan tâm này rất khác xa với sự mua chuộc, ép uổng hoặc mưu đồ ảnh hưởng trên người khác bằng tiền bạc. Ðúng hơn, nó là một vươn dài tự phát của bản thân ta qua các đồ vật vật chất chuyên chở theo tình âu yếm thân thương.

Ta mới chỉ đề cập đến việc cho. Nghệ thuật nhận cũng quan trọng không kém. Khả năng tiếp nhận và cảm nhận ra ý định yêu đương của người cho là một phần quan yếu trong sự trao tặng. Phần lớn chúng ta tiếp nhận qùa tặng một cách hân hoan và biết ơn, nhưng không phải ai ai cũng làm được như vậy. Có những người tự cảm thấy không xứng hoặc không có công để nhận quà tặng, có những người thấy khó mà nhận lãnh một cách vô điều kiện. Lại có những người cảm thấy không được yêu đủ vì chỉ nhận được quà tặng tương xứng với những trách nhiệm và những thành quả của họ mà thôi, chứ không có mảy may gì hơn. Những người đàn ông và đàn bà này là những người chỉ biết cho chứ không biết nhận hoặc không bao giờ chi tiêu cái gì cho bản thân mình. Nếu họ không nhận được quà tặng, họ sẽ cảm thấy điều ấy một cách thấm thía, nhưng một khi nhận được quà tặng, họ lại thường nói: Ðể làm chi đây? Anh (em) tặng quà chi vậy? Chỉ bày vẽ tốn tiền! Những người này thường thiếu ý thức về giá trị của mình, thiếu cảm quan về chính bản thân mình, thiếu một tình yêu không điều kiện, nên bao giờ cũng thấy khó tiếp nhận tình yêu và chỉ chịu nhận những cái mà họ nghĩ là họ có công hoặc đáng được mà thôi.

Thường những người ấy bị ám ảnh bởi sự bất an. Họ luôn lo tích lũy tiền bạc hoặc tài sản, chứ không chịu tiêu dùng, và làm như thế họ cảm thấy an tâm vững bụng. Họ chi tiêu rất ít cho bản thân, chỉ những ngày đêm nghĩ cách tích lũy như một phương thế đề phòng một tai ương tưởng tượng nào đó sẽ mang lại cho họ đói kém thiếu thốn cùng cực. Sợ đói, sợ thiếu, sợ rách và cứ thế mà tích lũy để tích lũy. Nếu một người phối ngẫu có cái tác phong đó, còn người kia nghĩ ngược lại, thì sẽ không ngừng có những tranh chấp gắt gao về cái thói quen tiêu tiền nhu nước của người phối ngẫu bất cần đời kia.

Từ những khuôn mẫu trên, ta thấy trong phương thức hôn nhân đồng hành hiện nay, càng ngày các cặp vợ chồng càng độc lập với nhau về phương diện tài chánh, nhưng đồng thời thỏa thuận gom chung tài nguyên lại để cùng điều hành cuộc sống hôn nhân chung. Ðây là một nối dài bình đẳng giữa hai vợ chồng. Khi con cái còn nhỏ, người vợ tạm thời lệ thuộc chồng về kinh tế, nhưng nàng có quyền đòi hỏi được đối xử như lúc nàng kiếm ra tiền. Sự nâng đỡ của người chồng không những chỉ là bổn phận mà còn là một phần của sự đồng trách nhiệm giữa những người trưởng thành vẫn giữ được giá trị và phẩm giá mình ngay cả khi không kiếm ra tiền. Nhìn nhận sự bình đẳng trao đổi, một bình đẳng biết tôn trọng sự độc lập về kinh tế đồng thời biết đóng góp vào ngân khỏan chi dùng chung của gia đình, ta thấy trong cái chiều sâu của hiện tượng cho và nhận có những vọng hưởng tình cảm từng làm cho tiền bạc trở thành lãnh vực nhạy cảm nhất trong đời sống lứa đôi.

NÂNG ÐỞ TÌNH CẢM

(i)Thể Lý: Các cuộc hôn nhân hiện đại đặt nặng giá trị của tình cảm trong liên hệ. Nâng đỡ tình cảm là lập lại kinh nghiệm thiếu thời trong việc cảm nhận được an ổn về thể lý, được nhìn nhận, được ước muốn và được qúy trọng.Vợ chồng thỉnh thỏang cảm thấy cần được ôm ấp. Ôm ấp thường là bước đi trước của giao hợp thể xác, nhưng trước khi sự mơn trớn có được sắc thái cuả một ý định giao hợp, thì ôm ấp là một phương thế thông đạt cho nhau cảm quan về an tòan thanh thản, và điều này cần trong suốt cuộc sống trưởng thành. Việc này có thể được diễn đạt bằng cách ôm người phối ngẫu bất cứ cách nào họ cảm thấy thanh thản. Ôm ấp để diễn đạt sự an ổn an toàn có nhau này cần được phân biệt với những mơn trớn gợi tình. Những hoàn cảnh cần đến loại ôm ấp này có nhiều, tỷ dụ giữa đêm thức giấc vì một cơn ác mộng hoặc khi người phối ngẫu đột nhiên cảm thấy một nỗi sợ rờn rợn xâm lấn cuộc sống mình. Ðôi lúc hai vợ chồng ôm nhau để cùng chống lại một nỗi sợ chung.

Có những người đàn ông và đàn bà, nhất là đàn ông, cảm thấy khó khăn trong việc ôm ấp mơn trớn. Sự tiếp xúc thể lý làm họ phát khiếp, đó là những người được xếp là dửng dưng. Ðiều ấy có thể đúng, nhưng thường là do tổng hợp của căng thẳng và sự thiếu được nâng niu lúc thiếu thời, khiến họ thấy khó khăn trong việc diễn đạt âu yếm về phương diện thể lý. Nếu người chồng thuộc loại thiếu diễn đạt này, thì người vợ có thể cảm nhận là chồng mình chỉ đến gần mình để làm tình mà thôi. Và cho dù ông hay làm tình, không bao giờ ông bày tỏ sự âu yếm bên ngòai những cuộc làm tình ấy. Lâu dần, người vợ sẽ có cảm quan là mình được dùng hơn là được yêu, và do đó, có thể thoái lui không sẵn sàng chơi cái trò làm tình ấy nữa. Nếu ta quan sát kỹ một người chồng như thế, ta sẽ thấy tự sâu thẳm, ông ta thiếu khả năng biểu lộ tình âu yếm thể lý, không phải vì dửng dưng, cho bằng vì khó khăn trong các biểu lộ thể lý nói chung. Việc làm tình mà người vợ coi là có tính cách ích kỷ, chỉ biết thỏa mãn lấy một mình ấy, thực tế ra là phương thế duy nhất ông ta có được để diễn đạt sự gần gũi với vợ về thể lý. Việc năng làm tình là cách để tránh cô lập và được thực hiện vừa như phương thế hợp pháp để thể hiện sự gần gũi nhau về phương diện thể xác vừa để có được khóai cảm tính dục. Về phía phụ nữ, ít thấy trường hợp người vợ nào nồng nàn và săn sóc chồng mà lại thiếu khả năng biểu lộ âu yếm thể xác.

Ðôi khi người chồng hoặc người vợ dù không thể biểu lộ âu yếm bằng thân xác hoặc bằng lời nói, nhưng lại biết làm những việc cụ thể cho người bạn đời của mình. Tỷ dụ mua bông, đồ dùng trong nhà, nữ trang và các vật dụng khác, như phương tiện biểu lộ tình cảm của mình. Hoặc lo giúp việc trong nhà, sửa cái này, làm cái kia để chiều ý vợ. Người vợ nào cần các biểu lộ âu yếm thể xác có thể thấy cách biểu lộ gián tiếp đó không đủ hoặc không chấp nhận được, vẫn có thể ta thán: "Nếu anh yêu em, thì phải ôm em đi chứ, nói chuyện với em đi chứ! nói rằng anh yêu em đi!". Tuy nhiên, người vợ càng đòi hỏi sự âu yếm bao nhiêu, người chồng có thể lại càng thu mình lại bấy nhiêu và do đó ta thấy khởi đầu một chu trình tha hóa.

Ðôi khi những khó khăn bắt đầu sớm ở những năm đầu lấy nhau, sau một thời gian làm quen trong đó, đầy dẫy những âu yếm tỏ tình. Nhưng lấy nhau rồi, bỗng dưng người chồng, có khi người vợ nữa nhưng hoạ hiếm hơn, thay đổi đột ngột khiến người phối ngẫu chưng hửng. "Bây giờ mình đã là vợ chồng rồi, đâu cần những trò ấy nữa!" Sự biến đổi này quả là khó hiểu. Có thể trong thời gian quen nhau, người ít biểu lộ đã phải cố gắng ghê gớm lắm mới biểu lộ được tình âu yếm và sự săn đón của mình. Nhưng khi đã lấy được rồi, anh ta lại trở về với con người ít biểu lộ cố hữu của mình.

Ðôi khi người phối ngẫu ít biểu lộ đã được chọn vì người bạn đời của họ thấy chính họ cũng không dễ nhận ra và duy trì được các biểu lộ âu yếm. Họ đi chọn những người e lệ để giảm thiểu hóa các cố gắng trong việc phải đáp lễ các biểu lộ âu yếm. Nhưng nhu cầu muốn được an toàn an ổn thì vẫn có đó, và rồi ra trong cuộc sống hôn nhân, một trong hai người có thể trở nên cần đến cái nhu cầu ấy một cách khẩn thiết, lúc ấy chắc chắn họ sẽ cảm thấy sự im lặng của người kia là điều không chấp nhận được. Ðó là một mẫu mực khác rất thường có trong các tranh chấp hôn nhân.

(ii). Ðược Nhìn Nhận: Ðứa trẻ thơ và các trẻ em còn nhỏ lần đầu tiên cảm thấy được nhìn nhận qua việc chúng thấy nét mặt tươi cười của mẹ; điều ấy xẩy ra trước khả năng ngôn ngữ. Người ta làm việc đó qua cái ta gọi là ngôn ngữ thân xác. Trước sự hiện diện của cha mẹ, đứa trẻ cảm nghiệm nó hiện hữu và có ý nghĩa. Sự nhìn nhận này không hẳn vì đứa nhỏ có công lênh gì; mà chỉ vì sự liên hệ giữa cha mẹ và đứa trẻ và sự nhìn nhận này nội tại ngay trong liên hệ ấy.

Sự nhìn nhận này là một phần quan trọng trong bất cứ liên hệ thân mật nào, đặc biệt trong hôn nhân. Một cái nhìn, một nụ cười, một cái chạm vào nhau đều có thể chuyên chở cả một luồng thừa nhận. Khi sự trao đổi kia không xảy ra, người phối ngẫu sẽ dần dần thấy họ như không còn hiện hữu, không có mặt nữa. Sự cô đơn khốn cùng trước mặt một người vợ hoặc một người chồng không biết biểu lộ nhìn nhận là một lặp lại khôn nguôi những vấn đề lớn trong các cuộc hôn nhân gặp trở ngại.

Sự nhìn nhận không lời sẽ được tiếp nối với việc trao đổi những câu khẳng nhận lúc đứa trẻ lớn hơn chút nữa. Nhưng điều đó không loại trừ những biểu lộ không lời, là những biểu lộ nay được phong phú hóa hơn nữa qua lời nói. Người phối ngẫu im lặng có thể được chấp nhận bởi một người ít đòi hỏi sự an ổn thanh thản, nhưng nếu sự nhìn nhận luôn được đòi hỏi, thì việc thiếu các nhìn nhận có lời hay không lời có thể làm cho người kia cảm thấy họ không hiện hữu. Thiếu nhìn nhận sẽ tiêu diệt con người về mặt hiện sinh. Sự tiêu diệt về mặt hiện sinh có thể chẳng thành vấn đề trong một hôn nhân người ta không chờ mong được nhìn nhận. Tuy thế, trong xã hội ngày nay, không còn một hôn nhân như vậy nữa, và người ta luôn đòi hỏi nhìn nhận như là một phần của bất cứ liên hệ nào, do đó sự thiếu vắng nó là một hiện tượng thiếu thốn hiện đại.

(iii). Ðược Ước Muốn: Chúng ta nhìn nhận đủ mọi hạng người trong các mối liên hệ tạm thời hay vĩnh viễn. Ðó là đòi hỏi có tính xã hội trong cuộc sống hằng ngày, nhưng ta không bắt buộc phải làm cho những người bạn gặp qua đường hoặc cùng làm một sở cảm nhận là họ được ước muốn. Do lòng tốt, ta có thể bảo đảm là không loại trừ họ, vì mỗi người đều có cái phẩm giá Chúa ban như nhau, nhưng ta giới hạn sự chấp nhận đối với những người gần gũi ta. Người phối ngẫu là nhân vật chủ yếu cần nhận được từ ta cảm quan là, trên cả sự chấp nhận, ta thực sự cần đến họ, ước muốn họ. Sự cần này không phải theo nghĩa thực dụng. Ta cần đủ mọi loại người đang phục vụ và đang đáp ứng các nhu cầu thực dụng hằng ngày của ta. Ta cần người phối ngẫu là cần cả con người họ. Sự chấp nhận ấy vượt lên trên cả việc thỏa mãn các nhu cầu, cho dù các nhu cầu ấy rất quan trọng. Ta làm cho người bạn đời của ta cảm nhận họ được ước muốn, được cần đến qua việc đánh giá các tài năng của họ, nhưng còn hơn thế nữa, qua việc chấp nhận vô điều kiện sự hiện diện của họ như là một thực tại yêu đương.

Cũng vậy, một trong các nhu cầu của ta là cảm thấy được cần đến. Nhu cầu này không thể được biện minh bằng những kết quả theo sản lượng. Ta cần được cảm nhận mình được cần đến một cách vô điều kiện như là một nhân vị, một con người, vượt quá và bên trên sự kiện ta thỏa mãn các nhu cầu của người phối ngẫu.

Cảm quan được ước muốn này là sự an ổn về phương diện tình cảm cho thấy ta quan trọng chỉ vì ta hiện hữu, trước khi ta chứng tỏ giá trị của ta. Cuộc sống được chấm phá bằng những thiếu sót, thất bại lầm lỗi. Trong bối cảnh thăng trầm ấy, vợ chồng luôn được nhìn nhận và ước muốn. Rất nhiều khó khăn trong hôn nhân đã phát sinh do cái cảm quan vô tích sự trước mắt người phối ngẫu mình, một cảm quan mà người phối ngẫu kia đã tạo ra khiến người bạn đời của mình cảm thấy họ thừa thãi, vô nghĩa trong cuộc sống của mình.

(iv) Ðược Qúy Trọng: Cảm thấy được nhìn nhận và được ước muốn sẽ được bổ túc bằng việc được qúy trọng, vốn là một biểu tượng khác của an toàn xúc cảm. Trong diễn trình lớn lên, đứa trẻ không ngừng nhận được những dấu chỉ nó được nhìn nhận, ước muốn và qúy trọng. Sự hiện hữu của nó được trân trọng và các thành đạt của nó được khen ngợi. Cũng thế, trong liên hệ thân mật thứ hai, vợ chồng cần cảm nhận là họ được qúy trọng như những chủ thể yêu đương. Một lần nữa, điều đó có thể được biểu lộ qua đụng chạm thân xác, qua cái nhìn, qua lời nói. Ðó không phải là đánh gía những phản chiếu vinh quang. Nhưng là việc thông truyền đích thực sự trân trọng yêu đương.

Trân trọng có nghĩa là khẳng quyết người bạn đời có giá trị, một giá trị vì là một con người. Một khẳng quyết đến trước và sau khi có khẳng định về thành tích. Nó là một quà tặng hỗ tương nhằm công chính hóa vô điều kiện trước mặt nhau. Sự đánh giá này được diễn đạt bằng rất nhiều cách thế khác nhau: biết ơn, cảm ơn, khen ngợi, hoặc mơn trớn âu yếm. Trong mọi hòan cảnh, điều quan trọng là phải hân hoan vì sự hiện diện của nhau.

Cảm quan được nhìn nhận, được ước muốn và được qúy trọng có thể bị cùn nhụt trong diễn trình tiếp xúc bình thường. Ðôi khi nó có thể được tái tạo tự nhiên nhờ những biến cố như một người đi xa, đau bệnh hoặc gặp khủng hoảng. Phần lớn muốn nó bền vững, ta cần phải cố gắng nuôi dưỡng và canh tân nó hàng ngày.

(v) Sửa Trị Nhau: Nhiều cha mẹ quên lãng mất con cái cho đến lúc họ thấy cần phải sửa dạy chúng. Riết rồi đứa trẻ học được là nó chỉ trở nên sống động khi nó làm một điều không hay hoặc bỏ sót không làm điều gì đó. Nó sẽ lớn lên với cảm nhận là nó chỉ hiện hữu thực sự khi nó bị quở mắng hoặc trừng phạt. Cái thế giới bên trong của nó bỗng nhảy vọt ra để được chú ý khi người ta tìm ra lỗi lầm trong cách sống của nó.

Vợ chồng có thể nối tiếp mẫu tác phong này. Họ xưa nay vốn không thông đạt với nhau cho đến lúc họ chú ý đến một lỗi lầm nào đó của người bạn đời. Thế là họ tìm cách sửa chữa lỗi lầm đó, và làm thế để "Anh (em) tốt hơn". Một liên hệ như thế có thể chỉ sống bằng việc thu nhặt xem vợ hoặc chồng mình mắc bao nhiêu lỗi lầm. Việc sửa lỗi và xuống cấp người này có thể trở thành việc tự đánh giá cao cho người kia. Tuy không nói ra, nhưng họ ganh đua nhau để chứng tỏ mình hoàn hảo hơn người kia. Vợ chồng có thể không đến nỗi đi quá xa như vậy, nhưng rõ ràng ta thấy một trong khía cạnh chính của tình thân mật có thể là việc họ cùng thăm dò về những giới hạn của nhau. Một liên hệ như thế quả khác xa với phương thức nhìn nhận, chấp nhận và quý trọng nhau. Họ thay thế nhìn nhận bằng lãng quên, chấp nhận bằng khước từ và quý trọng bằng sửa trị. Nói như thế không có nghĩa là trong hôn nhân không có phê phán, mà chỉ có nghĩa là, ta cần tích cực hơn tiêu cực và đả phá.

Trước đây, có thể phương thức trao đổi tình cảm tiêu cực trên được dung túng không lẩm bẩm phản đối. Ngày nay thì không còn như vậy nữa. Phẩm giá con người đòi hỏi cao hơn và các cặp vợ chồng cảm thấy họ có quyền thóat khỏi cái lối hành tội có tính cách loại trừ ấy. Hàng ngàn và hàng ngàn những cuộc hôn nhân đã sụp đổ hoặc ra què quặt chỉ vì vắng bóng những nâng đỡ nhau về phương diện tình cảm, một nhu cầu nằm rất sâu trong bản ngã ta.

NÂNG ÐỠ NHAU VÀ TÌNH YÊU CỦA CHÚA:

Trong liên hệ giao ước giữa Chúa và con người, ta cảm nhận được sự hiện diện của Chúa qua cảm quan được nhìn nhận, được ước muốn và được quý trọng như là những nhân vị. Tình yêu của Chúa đã được diễn đạt một cách mạnh mẽ qua những mạch kinh nghiệm ấy. Chúng ta đáp trả tình yêu ấy bằng việc nhìn nhận và vươn cao tới Ngài, qúy trọng sự hiện hữu của Ngài, đặc biệt sự hiện hữu nhập thể của Chúa Kitô trong thế giới. Màu nhiệm giao ước của Chúa một phần được điễn đạt qua tình yêu vợ chồng, nơi đó, trong cái chiều sâu của việc hiến thân cho nhau, vợ chồng thoáng nhận ra thế nào là nhìn nhận nhau, là chấp nhận nhau và quý trọng nhau vô điều kiện, nói tóm lại là tình yêu hỗ tương. Cũng thế, cái hoả ngục của cảnh chân không, của trống rỗng, của bất hữu (non-being) sẽ được vợ chồng cảm nhận qua việc bị bỏ rơi, bị khước từ và bị coi như chuyện đương nhiên phải có thế thôi, tóm lại, khi họ cảm thấy họ trở thành bất toại trong tư cách là những con người. Sự nâng đỡ về tình cảm là điểm gặp gỡ chính giữa tình yêu con người và tình yêu của Chúa, và đó là cái máng chuyển qua đó hôn nhân điều hướng hai vợ chồng tới Chúa.

TÓM LƯỢC

Khi lớn lên, ta cảm thấy mình được nhìn nhận, được ước muốn và được qúy trọng, trước nhất vì cái giá trị nội tại trong tư cách con cái đối với cha mẹ, và sau đó vì những thành tích của ta. Trong các cuộc hôn nhân hiện đại, cái tầng tình cảm ẩn sâu này đã trở thành một giá trị mới và hai vợ chồng chờ mong được cảm nhận mình có ý nghĩa đối với nhau trước khi và cùng một lúc với việc tạo được sự nhìn nhận về thành tích. Thiếu sự nhìn nhận này thường được coi là một thiếu sót căn bản trong hôn nhân.