Thiên Chúa: Chân lý tối thượng!

(Johannes Duns Scotus: Tractatus de primo principio)


Johannes Duns Scotus, nhà triết học và thần học thời danh thuộc Dòng Thánh Phan-xi-cô, sinh vào khoảng năm 1265 hoặc 1266 tại xứ Tô-cách-lan (Scotland). Từ năm 1300, ông dạy tại đại học Paris và Oxford mãi cho tới năm 1308, tức năm ông qua đời một cách đột ngột và quá sớm tại Köln/Đức quốc. Tuy tuổi đời chưa được cao khi ông phải ra đi vào cõi vĩnh cửu, nhưng Duns Scotus đã để lại cho nhân loại một kho tàng triết học đồ sộ và quý giá. Ngoài hai tác phẩm vĩ đại «Bình luận sách tổng luận về các vấn đề thần học của Lombardus»«Bình luận các tác phẩm của Aristote (Metaphysica, De anima)», còn có các tác phẩm thần học như «Opus Oxoniense», «Reportata Parisiensia»«Quodlibetum», nhưng đặc biệt nhất là tác phẩm sau cùng thuộc siêu hình học «Tractatus de primo principio» (Khảo luận về nguyên lý đệ nhất). Đây là một tác phẩm tóm tắt tất cả những sắp xếp lại các phần chính của giáo trình bình giải của ông về các vấn đề thần học thành một học thuyết về Thiên Chúa thuộc lãnh vực siêu hình học.

Triết và thần học gia thời danh: Johannes Duns Scotus
Vì những công trình khảo cứu và những luận lý sâu sắc uyên bác trong lãnh vực triết học, nhất là giáo trình thần học thời danh của ông về đặc sủng Vô Nhiễm Thai của Đức Maria, nên ngay khi còn sinh thời, Duns Scotus đã được ban tặng tước hiệu «Doctor subtilissimus et marianus» (Vị Tiến sĩ sâu sắc tột bực, vị Tiến sĩ của Mẹ Maria). Án phong chân phước cho ông đã được khởi sự từ năm 1706 và năm 1905. Trong những cuộc tranh luận sôi nổi giữa các trường phái thần học thuộc Dòng Phan-xi-cô và trường phái Tôma Aquinô, Duns Scotus đã đóng một vai trò rất quan trọng và có một ảnh hưởng mang tầm quyết định, đến nỗi các dư âm của những cuộc tranh luận đó vẫn âm ỉ kéo dài trong bao thế kỷ, mãi cho đến ngay nay.

Sự xác tín của Duns Scotus trong những điểm được đưa ra tranh luận về siêu hình học đáng ghi nhận nhất, người ta có thể nêu ra đây như sau:

• Tất cả mọi hữu thể (kể cả các Thiên thần) đều do chất thể (materia) và mô thể (forma) hợp thành;

• mô thể được coi như là nguyên lý của cá thể hóa, điều mà Duns Scotus gọi là «haecceitas» (cái-đang-thực-hữu);

• sự hiện hữu (Existentia) và hiện hữu tính (Entitas) không tách biệt khỏi nhau một cách thực tiễn;

• đồng nhất tính (Identitas) của yếu tính linh hồn với các khả năng của nó;

• vai trò ưu tiên của ý chí trên trí năng (Voluntarismus);

• thần học là môn khoa học thực hành.

Dĩ nhiên, ở đây người ta cũng có thể nhận thấy rằng điểm bất đồng – mà chính Duns Scotus cũng không nhấn mạnh – với học phái Tôma Aquinô (Thomismus) xem ra không quá to lớn, nếu người ta ghi nhận rằng, chất thể nơi học thuyết phái Tôma cũng có thể mang một ý nghĩa khả tri; hơn nữa ở đây, nguyên lý cá biệt (principe de l’individuation) được áp dụng cho một chất thể không phải chất thể theo đúng nghĩa, nhưng cho «chất thể được chỉ định» (materia signata), tức một chất thể do mô thể cấu thành. Ngoài ra, có sự phân biệt giữa sự hiện hữu của chính hữu thể tính hay yếu tính - tức nguyên nhân chất thể và nguyên nhân mô thể cấu tạo nên sự vật cụ thể - và sự hiện hữu của sự vật cụ thế đó. Tiếp đến, ba khả năng của linh hồn (khả năng sinh trưởng, khả năng cảm giác và khả năng tri thức) có thể mang hai ý nghĩa:

• như là khả năng trong những chức năng nhất định, tức những chức năng đạt tới tác động hữu thể của linh hồn;

• như là những nguyên lý của chính hữu thể hiện thể của con người, chủ thể của mọi chức năng.

Ở đây, tác động sinh trưởng và tác động thuộc cảm tính của hữu thể con người thâm nhập vào trong tác động hữu thể tri thức của con người (tác động tri thức chỉ duy con người mới có) như là một tác động tiềm thể. Hơn nữa, cả đối với Tôma Aquinô, trong phạm vi thực hành, tức khuynh hướng hướng về sự thiện hảo (theo nghĩa tổng quát), ý chí đóng vai trò ưu tiên hơn trí năng. Trong trường hợp này trí năng đóng vai trò trợ giúp ý chí, khi nó giới thiệu cho ý chí sự thiện hảo phải thực hiện bằng hành động. Chỉ trong phạm vi lý thuyết, trí năng mới nắm vai trò chủ động, bởi vì ở đây ý chí trợ giúp cho trí năng, tức khi ý chí mong muốn nhận thức. Nói cách khác, không phải tự bản chất sự thiện hảo, nhưng sự thiện hảo nằm trong sự nhận thức, được hiện thực bởi trí năng.

Trong khoa thần học thực hành, một khoa học nhằm tới Thiên Chúa như là sự thiện hảo tối thượng, ý chí vươn tới sự thiện hảo hay là tình yêu đối với Thiên Chúa, nắm vai trò ưu tiên trước trí năng. Nhưng ngược lại, trong khoa thần học suy lý, tức thần học lý thuyết, và khoa siêu hình học, thì mục đích nhằm tới là Thiên Chúa như là chân lý tối thượng (verum esse, totum esse), do đó trong trường hợp này trí năng nắm vai trò chủ động. Dĩ nhiên, như đã nói, trí năng cũng được động viên bởi tình yêu Thiên Chúa. Trong thực tế, Duns Scotus thực hiện tất cả sự nhận thức do tình yêu sâu đậm đối với Thiên Chúa. Nhưng nơi ông người ta có thể khẳng định được rằng, trong khoa thần bí học, nơi mà sự nhận thức đổi thành sự chiêm ngắm Thiên Chúa trong chân lý và trong sự thiện hảo của Người - và sự nhận thức đó trở nên hình thức cao nhất của «sự thực hành» - trí năng và ý chí cùng đồng hành với nhau như chúng là một trên nền tảng chung của chúng là linh hồn, đến nỗi người ta không thể nói được khả năng nào trổi vượt hơn và có ưu tiên hơn khả năng còn lại.

Một điều không ai phủ nhận được rằng tác phẩm «Khảo luận về nguyên lý đệ nhất» đã chứng minh cho thấy Duns Scotus có một lối suy tư riêng biệt hết sức độc đáo, sâu sắc và tinh tế. Tác phẩm được chia làm bốn chương:

• Trong chương 1-2: trình bày về trật tự của hiện hữu tính. Đây là trật tự tác động trong tất cả mọi hữu thể và tuỳ thuộc vào Thiên Chúa, nguyên lý đệ nhất; nói cách khác, đó là trật tự theo đẳng cấp: trước và sau, nguyên nhân và hậu quả, cũng như sự ưu tiên hay thứ bậc cao hơn hoặc thấp hơn.

• Trong chương 3-4: từ trật tự hiện hữu tính được trình bày trong chương 1-2, Duns Scotus tìm cách chứng minh trong chương 3-4 về sự hiện hữu, sự duy nhất tính, sự tuyệt hảo và sự vô biên của Thiên Chúa.

Từ quan điểm về nguyên nhân người ta nêu ra nguyên nhân tác động và nguyên nhân mục đích để chứng minh rằng hai nguyên nhân đó thực sự tuỳ thuộc vào nguyên lý đệ nhất và đồng thời cũng chứng minh rằng trong sự vô tận của những nguyên nhân đó thì không hề có sự đi thụt lùi lại từ hậu quả trở về nguyên nhân được, vì đã có sẵn một «trật tự của các nguyên nhân» (ordo causarum). Luận cứ tuyệt vời này mở đầu cho song quan luận, điều mà sau này học thuyết của triết gia Kant sẽ đạt tới, khi ông chấp nhận một chuỗi vô tận các nguyên nhân (các điều kiện đặt ra các điều kiện) trong lãnh vực duy nghiệm. Tuy nhiên, nếu người ta quan sát kỹ thì sẽ thấy rằng chúng chỉ là những sự vật đang chuyển động thông qua nhau (tương tự như những hòn bi của trò chơi Billard), chứ không phải là chuỗi các nguyên nhân của các nguyên nhân, tức chuỗi sẽ rất mau chóng đi đến kết thúc, nghĩa là từ nguyên nhân đệ nhị tiến tới nguyên nhân đệ nhất, như nơi Duns Scotus. Còn nơi Kant, sự vô hạn chỉ thuộc về phạm vi những ý tưởng mà thôi.

Tính cách đặc thù của tác phẩm «Khảo luận về nguyên lý đệ nhất» của Duns Scotus là ở chỗ nó đã được viết ra trong một tâm tình tôn giáo đầy tình yêu mến đối với Thiên Chúa đang hiện diện sống động. Vì thế mỗi chương trong bốn chương đều được bắt đầu bằng một lời cầu nguyện. Chương thứ nhất có liên quan đến một chỗ trong sách Xuất Hành (33,14), nơi Thiên Chúa tự mặc khải tên của Người: «sum qui sum» (Ta là Ta, hay: Ta là Đấng Hiện Hữu). Chương này đã gây ra tranh luận sôi nổi, mặc dù tác phẩm là siêu hình học suy lý, hay đúng hơn là thần học huyền nhiệm (Theologia mystica). Tuy nhiên, đây là một khoa thần bí học được trình bày không quá 50 lập luận minh chứng, vì thế phải gọi là khoa siêu hình học mới đúng; nhưng như đã nói trên, đây là một siêu hình học được thấm đậm tâm tình tôn giáo sâu sắc, tức tình yêu thắm thiết đối với Thiên Chúa. Đàng khác, trong thời trung cồ, người ta đã hiểu câu trong sách Xuất Hành nói trên không có tính cách siêu hình học, hay nói cách khác, Thiên Chúa đã được hiểu như là chính Hữu Thể vậy (Duns Scotus: Tu es verum esse, tu es totum esse).

Tuy vậy, điều đó đã cho thấy một khoa siêu hình học theo kiểu mới; bởi vì cũng giống như đối với tâm tình tôn giáo, Thiên Chúa là đối tượng trực tiếp mà mọi kinh nguyện và sự tôn thờ phải qui hướng về. Do đó, siêu hình học đậm màu sắc tôn giáo của Scotus coi Thiên Chúa là đối tượng xuất phát trực tiếp, chứ không phải là hữu thể như là hữu thể như nơi Tôma Aquinô. Đó cũng là quan điểm của Hồng Y triết gia Nikolaus von Kues, tên thật là Nikolaus Chryffs hay Krebs, (1401-1464). Như thế, không chỉ sự hiện hữu của Thiên Chúa được minh chứng, nhưng còn trình bày việc chấp nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa như một điều nhất thiết do bản thể của Người. Duns Scotus chọn lựa sự chứng minh về Thiên Chúa theo cách diễn dịch của Anselm và vượt lên trên sự phê bình của Tôma chống lại ông. Hơn nữa, bản thể Thiên Chúa, đơn thuần tính, sự trọn hảo tuyệt đối và vô biên tính của Người, được trình bày diễn dịch từ «tính chất đệ nhất» của Người trong trật tự bản thể của tất cả mọi hữu thể qua những dẫn chứng. Mặc dầu, xét về mặt nội dung thì có nhiều điểm hoàn toàn trùng hợp với tác phẩm «Tổng luận thần học» của Tôma Aquinô (phần I, Quaestio 3-14), nhưng sự trình bày lại rất khác biệt trong cách thức hành động như đã ghi nhận. Nơi trường phái Thomisten, việc trình bày lại áp dụng phương pháp qui nạp, nghĩa là đi từ những kinh nghiệm về các sự vật và từ trí năng con người để tiến lên cùng Thiên Chúa, nguyên lý đệ nhất, qua những loại suy, với sự loại suy (tương tự) về hữu thể như là nền tảng. Một phản hưởng khác còn tìm gặp nơi Duns Scotus trong ý niệm về «ưu việt tính» (eminentia). Ý niệm này thuộc về lý thuyết loại suy, nhưng Scotus đã loại bỏ lý thuyết loại suy, do đó cả ý niệm về hữu thể cũng mất ý nghĩa tương tự của nó, để nhường chỗ cho một ý nghĩa đồng nghĩa, với những hậu quả tiếp theo cho môn siêu hình học trong thời đại mới.

__________________

Sách tham khảo:

Johannes Duns Scotus: Abhandlung über das erste Princip (Tratatus de primo principio) Herausgegeben und übersetzt von Wolfgang Kluxen. Wissenschaftliche Buchgesellschaft, Damstadt 1974, 261 Seiten.