BÀI 5: NGHỆ THUẬT TRANG TRÍ TẠI LĂNG ÔNG BÀ CHIỂU



Từ lâu, Lăng Ông Bà Chiểu đã thu hút biết bao khách thập phương, chẳng những vì nơi đây là một trung tâm thờ cúng sầm uất với ngôi mộ ‘Song Hồn’và những công trình kiến trúc cổ kính truyền thống mà còn vì nơi đây là một tổng hợp những đồ án trang trí nổi tiếng, thực hiện do tài năng điêu luyện độc đáo của các nghệ nhân Việt Nam.

Quan sát nghệ thuật trang trí tại một số ngôi đình trong vùng Sài Gòn như Đình Phú Nhuận, Đình Phú Hòa (đường Trần Quang Khải), Đình Phú An (Thị Nghè)…, ta thấy nghệ nhân đã xử dụng nhiều đồ án trang trí mĩ thuật của Việt Nam pha trộn với những đồ án trang trí mĩ thuật quen thuộc nổi tiếng thuộc vùng ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa. Nếu chiêm ngưỡng các chùa chiền, bảo tháp khác, ta còn thấy nghệ nhân phối hợp xử dụng cả những đồ án trang trí mĩ thuật của những vùng ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ. Có thể nói, nghệ thuật trang trí tại các nơi thờ cúng Việt Nam thể hiện rõ nét quy luật giao thoa giữa văn hóa dân tộc với văn hóa các lân quốc, với mục đích vừa để trang trí, vừa để biểu lộ niềm tin, vừa có ý nghĩa chúc tụng, và cầu phúc.

Nghệ thuật trang trí tại Lăng Ông Bà Chiểu, là một trung tâm thờ cúng, cũng nằm trong thông lệ ấy.

I. ĐỒ ÁN TRANG TRÍ BẰNG CHỮ NHO:

Ở nước ta cũng như bên Trung Hoa, trong một số trường hợp, chữ nho được coi như hình ảnh của người thật. Chẳng hạn như các bài vị đặt trên bàn thờ Thần hay bàn thờ tổ tiên. Đó là hình ảnh của các ngài chứ không còn là văn tự thuần túy nữa. Người xưa còn tìm kiếm giá trị nghệ thuật trong thủ bút ‘hoa tay thảo những nét như phượng múa rồng bay’. Nhưng thông thường, chủ đích chính của việc dùng chữ nho để trang trí tại các nơi thờ cúng vẫn là để diễn tả ý nghĩa suy tôn, cảm tạ và tin tưởng.

Tại Lăng Ông Bà Chiểu, đồ án trang trí bằng chữ nho thể hiện dưới hai hình thức: viết chân phương và viết triện: Cách viết chân phương đuợc dùng để thực hiện các hoành phi, câu đối tại Nhà Hương, Trung Điện, Chánh Điện, Tây Lang, Phòng Khánh Tiết. Tất cả được khắc sâu trong gỗ, sơn vàng hoặc cẩn miểng kiểu. Cách viết triện được dùng để trang trí các cánh cửa. Thường dùng nhất là chữ Thọ và Song Hỉ. Các đồ án này thực hiện bằng gỗ hay bằng sắt, chạm nổi (phù điêu) hay chạm thủng (chạm lộng). Riêng hai chữ Thọ trên nóc Cổng Tam Quan được đúc bằng xi măng theo lối chạm thủng.

II. ĐỒ ÁN TRANG TRÍ BẰNG ĐỒ VẬT:

Các đồ vật thường dùng để trang trí là Bát Bửu và Lỗ Bộ.

Bát Bửu: Là 8 đồ vật thường dùng của các bậc tao nhân mặc khách hay các vị tiên, như: pho sách (tượng trưng kiến thức), cuốn thơ (tượng trưng thú tao nhã), bầu rượu (tượng trưng sự phong lưu), cái quạt (tượng trưng thần tiên, thoát tục), lẵng hoa( tượng trưng sự phong lưu), đàn tì bà (tượng trưng thú tao nhã), cây phất trấn (vật của người đạo đức), gậy như ý (tượng trưng quyền phép).

Lỗ Bộ: Là tên của 18 thứ võ khí, gồm có: chùy, trái đấm, búa, kích, kiếm, song kiếm, trường thương, đại đao, đoản đao, siêu, roi, xà mâu, mác, khiên, giáo, cung tên, rìu, côn. Các võ khí được cắm trong giá gỗ để làm đồ trang trí, và để tỏ ra uy quyền. Thực ra ít khi người ta trưng đầy đủ 18 món võ khí, thường chỉ 6 hoặc 8, nhiều lắm là 14 món mà thôi.

Tại Miếu Ông, có 2 giá cắm Bát Bửu bằng gỗ, sơn son thiếp vàng để ở hai bên Ngũ linh kì (cờ ngũ hành) tại Trung Điện.

Lỗ Bộ: Lỗ Bộ được dùng ở nhiều chỗ:

Tại lòng háng ngoài cửa Chánh Điện cũ có 2 giá cắm Lỗ Bộ, mỗi giá có 6 món võ khí bằng kim loại màu đen.

Hai bên giường thờ tại Chánh Điện cũ có 2 giá, mỗi giá cắm 8 món võ khí bằng gỗ sơn son thiếp vàng.

Sau giường thờ tại Chánh Điện cũ có 1 giá cắm 8 món võ khí bằng đồng sáng chói. Hai bên tả hữu phiá sau giường thờ cũng có 2 giá, mỗi giá cắm 6 món võ khí bằng gỗ sơn son thiếp vàng.

Tại chính giữa hàng rào ngăn Chánh Điện cũ với Sân Thiên Tỉnh có một giá hình vòng cung cắm 8 món võ khí bằng đồng.

III. ĐỒ ÁN TRANG TRÍ BẰNG THẢO MỘC:

Các đồ án trang trí bằng thảo mộc thông dụng hơn cả là Tứ Hữu, Tứ Thời hay là Tứ Qúy.

Tứ Hữu: tức mai, lan, cúc, trúc. Mai nở vào mùa Xuân, lan nở nhiều trong mùa Hạ, cúc nở vào mùa Thu, trúc vẫn xanh trong mùa Đông. Trúc biểu trưng người quân tử, đức tính cương trực.

Tứ Thời: cũng tượng trưng 4 mùa. Trong đồ án này, hoa sen được dùng thay thế hoa lan để chỉ mùa Hạ. Đôi khi cây tùng được dùng thay thế cho cây trúc để chỉ mùa Đông.

Trong khi thực hiện các đồ án thảo mộc, nghệ nhân thường sáng tạo phối trí thêm các con vật thích hợp để làm tăng thêm vẻ sinh động, như các đồ án: Mai Điểu (cành mai và chim sâu), Liên Áp (sen và vịt), Cúc Điệp (cúc và bươm bướm), Tùng Hạc (tùng và hạc), hoặc Tùng Lộc (tùng và hươu), Trúc Tước (trúc và chim sẻ), Trúc Yến (trúc và chim yến).

Các đồ án trang trí bằng thảo mộc còn gồm cả đồ án Bát Quả (đào, lựu, mận, lê, phật thủ, nho, bầu, bí). Trong đó, đào và lựu được các nghệ nhân ưa thích hơn cả, vì đào biểu tượng sự trường thọ (đào tiên), còn lựu có nhiều hạt chỉ đông con nhiều cháu (đa tử đa tôn đa phú qúy).

Tại Lăng Ông, một số đồ án thảo mộc được các nghệ nhân thực hiện theo quy ước, một số khác lại được thực hiện rất sáng tạo theo cảm cảm hứng của những nghệ sĩ:

Tứ Thời: được thể hiện bằng cách chạm thủng trên các cửa sổ bằng sắt tại Tây Điện, Phòng Khánh Tiết, Chánh Điện Nới Rộng và Lầu Nhà Kho.

Bông sen: đồ án bông sen được thực hiện bằng cách uốn các chỉ sắt màu vàng thành hình bông ‘sen hóa’ (sen biến thành những đường nét nghệ thuật) tại các cánh cửa ra vào hai hành lang, cửa Tây Điện, cửa Phòng Ban Quản Trị, Phòng Khánh Tiết và cửa Sân Thiên Tỉnh. Hoa sen đúc bằng xi măng theo lối chạm thủng ở cửa sổ hoa viên và đắp theo lối chạm nổi (phù điêu) trên 2 trụ cửa Mộ Ông.

Trái Đào: đồ án trái đào được chạm thủng ở 2 bàn tại Nhà Hương, sơn màu vàng.

Tùng Hạc: đồ án hạc tùng được chạm nổi ở 2 cái bàn đặt hai bên tại Trung Điện.

Bách Hoa và Điểu: đồ án này được dùng để trang trí các khánh thờ, bàn thờ, bàn nghi bằng cách chạm thủng, chạm nổi hoặc khảm xà cừ. Đặc biệt, đồ án Hoa Điểu còn được dùng để trang trí mặt tiền Miếu Ông, cổ lầu và trên sườn nóc Tây Điện, Tây Lang, Đông Lang và Phòng Khánh Tiết với phong cách tự do theo cảm hứng của nghệ nhân.

Công và Loan-Phụng: Hai bên cửa vào Trung Điện và Phòng Khánh Tiết là hai ô hình chữ nhật 1m40 x 0m70. Trên khung phía Tây đắp nổi 2 con công cẩn miểng kiểu màu sắc rực rỡ. Trên khung phía Đông, đắp nổi 2 con loan phụng đậu trên cành, cũng cẩn miểng kiểu muôn màu.

Hoa Điểu: Trên sườn nóc Tây Lang và Đông Lang là một giải hoa ngũ sắc và chim đắp bằng xi măng theo lối chạm thủng và cẩn miểng kiểu, dài tới 34m, cao 0m50.

Đồ án phức hợp: Trên sườn nóc Tây Điện và Phòng Khánh Tiết được trang trí bằng cách đắp các khung hình chữ nhật theo lối chạm thủng, cẩn miểng kiểu. Trên các khung hình thực hiện các chủ đề hổ, hươu, voi, ngựa, hoa trái, sách…Trên cổ lầu Tây Điện, Đông Lang, Tây Lang và Phòng Khánh Tiết là những khung hình chữ nhật hoặc hình vuông đắp nổi và cẩn miểng kiểu các chủ đề thú, điểu, mai điểu, hoa lá, cổ đồ, hồi văn, có khi lại thực hiện đồ án phối hợp như tiêu tượng (cây chuối và voi), cua cọp, liên áp (sen và vịt), nho sóc…Nghệ nhân còn chạm nổi cả những trái cây phổ biến trong dân gian như trái mãng cầu, trái măng cụt làm đồ án trang trí cho những hòn đá tảng kê trụ cột ở Trung Điện.

IV. ĐỒ ÁN TỨ LINH:

Đây là đồ án trang trí thông dụng nhất trong nghệ thuật trang trí ở Việt Nam. Tứ Linh là 4 con vật long, lân, quy, phụng.

Long Ly Quy Phụng
Long là con rồng, tượng trưng cho đức độ. Thời quân chủ, rồng là vật dành riêng làm biểu hiệu của nhà vua. Rồng được dùng làm đồ án trang trí tại hoàng cung và các đền thờ có 5 móng. Rồng dùng để trang trí các nơi khác chỉ có 4 móng. Trong điêu khắc, ta thường gặp rồng trong các đồ án Long Hàm Thọ (rồng ngậm chữ Thọ), Lưỡng Long Tranh Châu (2 con rồng tranh khối ngọc), Lưỡng Long Triều Nguyệt (2 con rồng chầu mặt trăng) và Long Tranh Hổ Đấu. Còn trong hội họa, rồng thường được vẽ theo chủ đề Long Ẩn (rồng ẩn hiện giữa sóng biển hoặc mây) và Ngư Long Hí Thủy (rồng và cá đùa giỡn dưới nước).

Lân tượng trưng cho thái bình. Trong nghệ thuật trang trí, có khi nghệ nhân thực hiện con li, tức con long mã, là con vật có thân ngựa, đầu rồng, lưng mang cuộn giấy gọi là cổ đồ. Đó là đồ án Long Mã Phụ Đồ.

Quy tức là con rùa, tượng trưng sự bền vững, trường thọ. Do đó rùa thường được tạc để làm bệ cho các văn bia, có khi phối hợp thành đồ án Quy Hạc (hạc đứng trên mai con rùa) và được đặt trước bàn thờ.

Phụng tượng trưng cho thái bình. Đồ án thường thấy là Phượng Hàm Thư (chim phụng ngậm cuốn sách).

Tại Miếu Ông, đồ án Tứ Linh đuợc chạm nổi trên 5 cái lư hương bằng sành để tại Sân Nhang Đèn, trên tiền bàn của bàn vọng, trên 6 cánh cửa chính và 4 cánh cửa phụ của Trung Điện. Đồ án Tứ Linh còn được chạm thủng trên cửa võng tại Trung Điện.

Mỗi con vật trong đồ án Tứ Linh còn được nghệ nhân thể hiện riêng rẽ tại đây.

Đặc biệt là con rồng được xử dụng nhiều nhất, như đồ án Lưỡng Long Triều Nguyệt được đúc xi măng, cẩn miểng kiểu trên nóc các nhà Bi Đình, Nhà Hương, Trung Điện, Chánh Điện Cũ và Chánh Điện Nới Rộng; được chạm nổi trên mặt văn bia, trên bàn vọng tại Nhà Hương, trên các bàn nghi, bàn hội đồng và các lư hương, chiêng (minh chinh); được chạm thủng tại các giường thờ, các khánh thờ.

Đồ án Long Hàm Thọ được đắp nổi, cẩn miểng kiểu tại nóc Bi Đình, tại đốc Nhà Hương, đốc Chánh Điện Nới Rộng, ở mặt tiền Tây Lang và Đông Lang, trên giữa nóc Tây Điện và Phòng Khánh Tiết, ở bình phong hậu của Mộ Ông và ở đế văn bia.

Đồ án rồng
Đồ án Rồng riêng rẽ được thực hiện trên các con lươn mái Nhà Hương, mái Chánh Điện, trên nóc Tây Điện, nóc Phòng Khánh Tiết. Riêng rồng tại các đuôi mái Chánh Điện Nới Rồng được thể hiện theo đồ án Long Hồi Thủ, thân rồng xuôi xuống theo độ dốc của mái, nhưng đầu ngoảnh lại tạo cảm tưởng như là mái cong uyển chuyển. Tất cả đắp bằng xi măng, cẩn miểng kiểu. Đồ án Rồng Lá được thực hiện tại các đuôi mái phụ của Chánh Điện Nới Rộng. Rồng còn được chạm nổi trên 4 long trụ của Chánh Điện Cũ, đắp nổi trên 4 long trụ bằng xi măng của Chánh Điện Nới Rộng và chạm nổi trên long trụ tiền đường Tây Điện.

Đồ án Lân riêng lẻ được thực hiện bằng cách đắp và cẩn miểng kiểu trên con lươn mái Nhà Hương, được chạm nổi trên mặt sau của văn bia và được khắc thành tượng đá ở bái đình trước ngôi mộ ‘song hồn’. Đồ án Long Mã Phụ Đồ, tức con li đầu rồng mình ngựa được chạm nổi và cẩn miểng kiểu vô cùng rực rỡ trong khung 2m x 1m50 trang trí cho mặt tiền đầu hồi Đông Lang I và Tây Lang I.

Đồ án Quy tức con rùa được thể hiện bằng cách đắp nổi và cẩn miểng kiểu trên các con lươn mái Nhà Hương và tạc thành bệ đứng cho 2 con hạc tại Chánh Điện cũ.

Riêng con Phụng không được dùng làm đồ án trang trí riêng rẽ tại đây mà chỉ thấy được phối trí chung trong đồ án Tứ Linh.

V. ĐỒ ÁN TRANG TRÍ LÀ CÁC CON VẬT KHÁC:

Con Hổ: được chạm nổi thành hổ mẹ và hổ con trên bình phong tiền trước mộ ‘song hồn’.

Con Nghê Bắc Kinh: Nghê là con vật thần thoại, hình thù giống con mèo, trên lưng có 2 cánh, thường được người Trung Hoa dùng làm chủ đề trang trí. Tại Lăng Ông, tượng các con nghê bằng sành màu xanh được đặt trên các trụ cột cổng ra vào, trên các trụ bức tường vây quanh Sân Nhang Đèn và khu Mộ Ông

Con Hạc: tượng trưng phong thái cao siêu thoát tục (cỡi hạc quy tiên). Tại đây hạc được tạc tượng lớn đứng trên lưng rùa trước giường thờ ở Chánh Điện cũ. Trước khánh thờ ở Chánh Điện Nới Rộng cũng có con hạc sơn son thiếp vàng. Còn đồ án Hạc Tùng thì được thể hiện bằng cách chạm nổi để trang trí cho hai cái bàn ở Trung Điện.

Con Dơi: Có lẽ vì chữ nho viết chữ Bức (con dơi) gần giống chữ Phúc (chỉ khác về bộ, bức viết bộ trùng, phúc viết bộ kì) cho nên dùng con dơi làm đồ án trang trí vừa mĩ thuật vừa có ý nghĩa chúc phúc. Tại Lăng Ông đồ án Ngũ Phúc (5 con dơi) được thể hiện bằng cách chạm nổi trên góc 6 cánh cửa chính và 4 cánh cửa phụ của Nhà Hương.

Ngư: Đồ án Ngư Long Biến Hóa (cá hóa rồng) được thể hiện bằng cách đúc sành màu xanh đặt trên các con lươn của mái Nhà Hương, trên các trụ cột các cổng ra vào và trên nóc Nhà Hóa Mã.

VI. ĐỒ ÁN TRANG TRÍ BẰNG HÌNH NGƯỜI:

Phúc Lộc Thọ
Nghệ thuật trang trí Cổ Việt trên trống đồng dùng hoạt cảnh người nhảy múa, thổi kèn, đánh trống, giã gạo, chèo thuyền, các chiến sĩ mang rìu, cung tên và lao…Đến thời Lí (1010-1225), Trần (1226-1400), nghệ thuật trang trí Đại Việt chịu ảnh hưởng Phật giáo nên hình người cũng thường được dùng làm chủ đề trang trí. Từ thời hậu Lê trở đi (1428), Nho giáo cực thịnh, hình người ít được xử dụng làm đồ án trang trí hơn, nhưng một số đồ án vẫn còn thông dụng, như Âm Dương Xang Nhật Nguyệt, Phúc Lộc Thọ, Bát Tiên…

Đồ án Âm Dương Xang Nhật Nguyệt: Theo Thái Cực Đồ Thuyết thì Thái Cực (Đạo) sinh Lưỡng Nghi (Âm Dương). Âm Dương là cặp phạm trù căn bản, có thể áp dụng vào mọi ngóc ngách của cõi nhân sinh và vũ trụ vạn vật. Nhờ Âm Dương giao hòa mà tạo sinh ra vạn vật. Lưỡng Nghi sinh Tứ Tượng, Tứ Tượng sinh Bát Quái…, từ đó chẻ ra các Quẻ các Hào lập một vòng sinh hóa vô tận phát sinh vạn vật. Với Thái Cực Đồ Thuyết, người Việt tin rằng muôn người, muôn vật, muôn sự bắt nguồn từ Đạo và sẽ trở về với Đạo. Vì vậy, bất luận thế nào, người mình vẫn mong sao cho được ‘An Đạo Trời, vuông Đạo đất, sáng Đạo người’ (Tam tài: Thiên, Địa, Nhân). Trời đất mà giao hòa, con người mà an Đạo thì mọi người được hưởng thái bình, vạn vật được phồn thịnh.

Tại Miếu Ông, trên con lươn mái Nhà Hương, nghệ nhân đắp tượng một nam nhân tay cầm mặt trời màu đỏ đối diện một nữ nhân tay cầm mặt trăng màu trắng. Thể hiện đồ án này biểu tỏ ý nguyện cầu chúc thái bình thịnh vượng cho sơn hà xã tắc.

Đồ án Phúc Lộc Thọ hay Tam Đa: là 3 danh từ trừu tượng có ý nghĩa chúc tụng phúc đức, tài lộc và tuổi thọ, thường cụ thể hóa bằng 3 lão nhân, tuy trường thọ nhưng vẫn hồng hào tráng kiện.

Tại Miếu Ông, đồ án Phúc Lộc Thọ được thể hiện bằng cách chạm nổi trên tiền bàn của bàn hội đồng.

Đồ án Bát Tiên: Đồ án này mang ý nghĩa chúc tụng nhân sinh quan cao siêu thoát tục của các bậc trích tiên gồm có: Chung Li Quyền cầm quạt, Lữ Đồng Tân cầm đôi xếnh, Lí Thiết Quài cầm bầu rượu, Tào Quốc Cựu cầm thanh gươm, Lâm Thái Hòa cầm lẵng hoa, Trương Quả Lão cầm gậy, Hàn Tương Tử cầm ống tiêu, Hà Tiên Cô cầm hoa sen.

Tại Miếu Ông, đồ án Bát Tiên được chạm nổi trên tiền bàn của bàn hội đồng và được đắp tượng đúng trên mặt tiền Đông Lang và Tây Lang.

Ngoài ra, trên bàn thờ Chánh Điện và Tây Điện, có hình Đức Thượng Công vẽ theo nghệ thuật hội họa ngày nay.

VII. ĐỒ ÁN TRANG ĐƯỜNG HỒI VĂN (en forme de grecque):

Đường hồi văn là đường thẳng uốn thành các góc vuông biến thái ra muôn hình dáng đẹp mắt và hài hòa với bộ phận kiến trúc mà nghệ nhân muốn trang trí. Theo từ ngữ, có lẽ lối trang trí này phát xuất từ Hi Lạp.

Tại Lăng Ông Bà Chiểu, đường hối văn được xử dụng để trang trí đuôi mái Cổng Tam Quan, đuôi mái Nhà Hóa Mã, Đông Lang, Tây Lang. Tùy theo độ dốc hoặc độ cong của bộ phận kiến trúc, nghệ nhân đã biến hóa các đường hồi văn sao cho hài hòa, tao nhã. Về vật liệu thì có nơi đúc xi măng và cẩn miểng kiểu, có nơi uốn bằng chỉ sắt như ở đuôi mái Nhà Hóa Mã.

VIII. VÀI NHẬN XÉT:

Nghệ thuật trang trí truyền thống lâu đời của người Việt còn để lại trên trống đồng Đông Sơn và Ngọc Lũ có tính cách rất hiện thực. Người xưa đã chọn những đề tài có liên hệ trực tiếp đến đời sống của mình để thể hiện thành những đồ án trang trí mĩ thuật như: hình chim bạch lộ (chim hạc), hình con hoa lộc (hươu sao), những cảnh giã gạo, nhảy múa, chèo thuyền, các chiến sĩ. Ngoài ra, người Việt còn thể hiện nhiều đề tài hiện thực sinh động khác đầy tính dân gian, như tranh gà, tranh lợn, tranh đô vật, tranh đánh ghen, tranh đám cưới chuột, tranh hái dừa, tranh đánh đu…

Tại Lăng Ông Bà Chiếu, các nghệ đã tiếp nối bằng cách tìm tòi và thể hiện các chủ đề cũng rất hiện thực, rất gần gũi cuộc sống của dân gian, như: Hổ, Voi, Hươu, Tùng Lộc, Tùng Hạc, Quy Hạc,Trúc Tước, Trúc Yến, Hoa Điểu, Cúc Điệp, Mai Điểu, Con Dơi, Con Công, Loan Phụng, Cua Cọp, Liên Áp, Sen Hóa, Tiêu Tượng, Nho Sóc, Bát Quả, Măng Cầu, Măng Cụt, Hoa Trái, Sách….Những đồ án trang trí này vừa hoa mĩ vừa hiện thực vừa sinh động và đầy dân tộc tính.

Ngoài ra, do định luật giao thoa văn hoá, tại Lăng Ông Bà Chiểu, đương nhiên các nghệ nhân cũng thể hiện những đồ án trang trí ‘quy ước’ quen thuộc nhưng rất nổi tiếng của vùng ảnh hưởng văn hoá Hoa-Việt, như các đồ án: Tứ Linh, Tứ Thời, Bát Tiên, Lưỡng Long Triều Nguyệt, Lưỡng Long Tranh Châu, Âm Dương Xang Nhật Nguyệt, Con Nghê Bắc Kinh…Tuy chủ đề không khác nhau, song khác nhau ở chỗ tài nghệ và chất liệu thể hiện. Các nghệ nhân Việt Nam có nét độc đáo tinh xảo riêng biệt nhất định, nhất là sáng kiến cẩn miểng kiểu của nghệ nhân Việt Nam đã làm tăng thêm vẻ đẹp lạ lùng cho các đồ án trang trí.

So sánh hai loại chủ đề trang trí mang tính dân tộc và loại chủ đề giao lưu văn hoá nêu trên, lạ lùng thay, thấy rất giống tương quan trong một bộ môn nghệ thuật khác, đó là bộ môn văn chương. Một đàng là thể loại văn chương truyền khẩu gồm ca dao, tục ngữ và những chuyện kể dân gian và một đàng là thể loại văn chương bác học với những ngâm khúc và những truyện diễn ca như Chinh Phụ Ngâm Khúc, Cung Oán Ngâm Khúc, Nhị Độ Mai, Đoạn Trưòng Tân Thanh, Lục Vân Tiên…Thể loại văn chương bình dân vừa thoải mái vừa đầy tính dân gian, đang khi thể loại văn chương bác học vừa khuôn mẫu vừa ‘qúy phái’. Thế nhưng cả hai thể loại văn chương đó đều có thể hòa quyện để hun đúc và nuôi dưỡng đời sống tinh thần của dân tộc Việt trải qua hàng ngàn năm lịch sử.

Tóm lại, khách vãng lai khi tới Lăng Ông Bà Chiểu sẽ được thưởng lãm một tổng hợp nghệ thuật trang trí mĩ thuật hết sức phong phú và hiếm hoi của Miền Nam và đó cũng là một hãnh diện to lớn của vùng Sài Gòn, Gia Định.

------------------

1. Chú thích:

Bài này trích trong tập Sự Thờ Cúng Đức Thượng Công Tả Quân Lê Văn Duyệt Tại Lăng Ông Bà Chiểu, thực hiện 1974. Giữ nguyên nội dung, nhưng có nhuận sắc.

2: Tham khảo:

* Nguyễn Phi Hoanh. Lược Sử Mỹ Thuật Việt Nam. Khoa Học Xã Hội Hà Nội xuất bản, 1970. Do Gs. Nghiêm Thẩm cho mượn bản photocopy.

* Đào Duy Anh. Việt Nam Văn Hóa Sử Cương. Bốn Phương.

* Lê Văn Siêu. Việt Nam Văn Minh Sử Cương. Lá Bối, 1967.

* Kim Định. Triết Lý Cái Đình. Nguồn Sáng, Sài Gòn, 1971.

* Nguyễn Đăng Thục. Văn Hóa Đình Làng. Nguyệt san Tư Tưởng số 7, tháng 9,10/1973. Viện Đại học Vạn Hạnh.

Nguyễn Đăng Thục. Văn Hóa Việt Nam Với Đông Nam Á. Văn Hóa Á Châu, Sài Gòn, 1961.