Việc Kiếm Tìm Hạnh Phúc (The Pursuit of Happyness)

Quả đúng là chuyện hi hữu, nếu không muốn nói là bất thường - khi một số các binh sĩ Hoa Kỳ tham gia chiến trận - lại có dịp xem qua cuốn phim nói trên, trong khi đó tại quê nhà tất cả mọi người đang nô nức đón chào Năm Mới 2007! Vâng, đúng thế, chúng tôi đón chào Năm Mới 2007 bằng Thánh Lễ chiều do vị Linh Mục tuyên úy của ngành Hải Quân cử hành, và sau đó, chúng tôi - những sĩ quan cùng binh sĩ chuyên ngành tình báo của Lục Quân Hoa Kỳ - cùng nhau dùng bữa tối đơn sơ, đam bạc, và cùng xem qua cuốn phim, vốn để lại trong chúng tôi thật nhiều nghĩ suy lẫn những trăn trở.

Đã lâu rồi, chưa có dịp xem phim, nên chúng tôi rất hồ hởi và mừng vui ra mặt, vì chẳng có gì tuyệt vời, rùng rợn và sợ hãi cho bằng xem phim nơi vùng giao chiến, khi mà khoảng cách giữa bạn-và-thù chỉ trong gang tấc. Cái lạnh của vùng chiến địa dường như ngầu nát lấy chúng tôi, khi nhiệt độ cứ mãi rơi xuống tận đáy thẳm vực sâu. Nếu ban ngày phải diện đối với cái nắng cực kỳ gay gắt và cháy bỏng, thì ban đêm với cái lạnh khủng khiếp và man rợ, nhiêu đó không thôi cũng đủ làm cho thân xác chúng tôi hao mòn, tinh thần chúng tôi rủ rượi và sụp đổ. Và cứ như thế, ngày qua ngày, khi mà tương lai vẫn hãy còn rất mong manh, mờ nhạt và xa ảo.

The Pursuit of Happyness
Cuốn phim kể về một câu chuyện thật buồn và cảm động của một thanh niên da đen (Chris Gartner do Nam diễn viên Will Smith thủ vai), khi cố mãi vươn lên bằng chính sức lao động miệt mài và chân chính của riêng mình, mặc cho phận số và dòng đời có khắc nghiệt lẫn chua cay. Câu chuyện của cuốn phim là một câu chuyện có thật, với những tình tiết buồn, nhưng sâu lắng và đáng nghĩ suy thật nhiều. Nếu các bạn chưa có dịp xem qua cuốn phim này, thì hãy nên tìm và xem qua, vì nội dung của phim rất lành mạnh và chân chất.

Coi phim là một lẽ, và biết cách rút ra một bài học ý nghĩa và sâu sắc cho riêng mình, lại là một lẽ khác nữa, vì điều đó còn tùy thuộc rất nhiều vào trí hiểu biết, vào nền tảng luân lý đạo đức, vào đời sống đức tin, và vào kinh nghiệm sống của từng người. Riêng đối với tôi, tôi nhận thấy cuốn phim này, một phần nào đó, giúp cho tôi biết nhìn nhận ra chính tôi, để rồi từng ngày qua đi - dẫu có đắng cay, buồn phiền, hay vinh quang, vọng lộc cao sang - thì tôi vẫn cứ mãi là tôi, một người bình dị như bao người; không khoe khoang, huếch láo; không ngạo kiêu, hay miệt thị những người khác chung quanh mình.

Tôi tin rằng cuốn phim này sẽ mang lại thật nhiều kỷ niệm và ký ức của biết bao nhiêu người trẻ chúng ta, khi phải sớm bỏ nước ra đi, khi mãi vật lộn với cuộc sống mới, để rồi giờ đây có được nghề nghiệp, nhà cửa cao sang cùng tăm tiếng mà chúng ta âm thầm vật lộn để kiếm tìm.

Được sinh ra chỉ chưa đầy hai năm ngắn ngủi sau đó thì Cộng Hòa Miền Nam sụp đổ vào tay Cộng Sản Bắc Việt, do thế ký ức về cuộc chiến tranh Việt Nam trong tôi chỉ là những hình ảnh hãy còn rất mờ ảo, duy chỉ có hai kỷ niệm nhỏ mà tôi vẫn còn lưu giữ mãi cho đến ngày nay khi tuổi đã gần xế chiều đó là: lúc Cha tôi về thăm gia đình với chiếc xe Jeep màu xanh trong bộ đồ Quân Phục Đại Úy của ngành Không Quân Việt Nam Cộng Hòa, và lần Mẹ tôi dẫn tôi đến chổ của Bà làm việc tại Tòa Thượng Thẩm Sài Gòn với bức tượng của một Ông gì đó màu đen, rất cao to, khiến cho tôi sợ hãi vô cùng khi bước lên từng bậc tam cấp rất cao của Tòa Thượng Thẩm Sài Gòn lúc đó cùng với Mẹ.

Rồi thì tôi cũng như bao thế hệ trẻ thơ khác, lớn lên trong gọng kiềm, trong sự khốn nạn lẫn sự bức bách nhẫn tâm của chế độ Cộng Sản đương thời, với những bữa đói ăn, với cảnh phải bỏ đi những giấc ngủ của tuổi thơ, để sáng sớm 1 hay 2 giờ sáng ra đứng xếp hàng để mua thịt, mua bo bo, hay mua bột mì thời đó, và khốn nạn thay, khi bà bán thịt đến nơi - lúc đó là gần 10h sáng - và đến phiên tôi, thì hết thịt hay bột mì, lẫn bo bo. Cứ như thế, cuộc sống thật vất vả và trôi qua từng ngày. Khi mà Mẹ tôi đã bán đi hết tất cả những di sản để lại của Bà Ngoại để nuôi nấng chị-em chúng tôi, thì lúc đó cũng là lúc chị-em chúng tôi đang ở độ tuổi lớn lên, và những gì đã đến cuối cùng cũng đã đến.

Vì các con, nên Mẹ tôi đã phải chạy và đi mượn nợ để nuôi sống chúng tôi. Chúng tôi lớn lên nhờ vào lòng bác ái và sự xỉ vã của nhân loại con người. Có những khi vừa đến chổ mượn nợ, Mẹ tôi vừa kể ra hoàn cảnh của bà, tức thì Bà cho mượn nợ la hét lên, khiến cho Mẹ tôi phải té xỉu vì sợ hãi, và vì sự kiệt quệ hao mòn vì đói ăn trước đó, thì lúc đó Bà ta (tức cũng là một gia đình Công Giáo nhưng sớm bắt tay với chế độ mới) mới động lòng thương và đồng ý cho Mẹ tôi mượn nợ, thế là ngày đó chúng tôi có được bữa cơm với nước mắm kho với nước mỡ. Có những lúc mượn được nợ, Mẹ tôi mừng quá, liền chạy về báo cho chị-em của chúng tôi hay, thì khi chỉ còn vài gang tấc nữa là đến căn nhà ọp ẹp, cũ rách vốn vẫn thường hay bị hàng xóm từng ngày chửi rủa, chọi đá và uy hiếp, cùng với cảnh mẹ góa con côi - thì Mẹ tôi té xỉu và ngất đi lúc nào cũng không hay. Gia đình của Mẹ con tôi khi đó nghèo lắm, rất nghèo chỉ vì Mẹ tôi kiên quyết không cùng bắt tay để làm tôi mọi cho chế độ Cộng Sản lúc đó.

Hằng ngày, Mẹ vẫn thường nói với tất cả chị-em chúng tôi rằng nếu không còn có gì để ăn, và nếu phải rơi vào tình trạng hết sức kiệt quệ, thì tất cả Mẹ-Con chúng ta cùng nhau "ăn thuốc chuột mà chết," và cho dẫu hoàn cảnh dù có bi đát đến đâu đi chăng nữa, các con phải nhớ rằng: "giấy rách vẫn còn phải giữ lấy lề" nghe các con!

Thế đó, chị-em chúng tôi lớn lên trong hoàn cảnh như vậy đó, dẫu rằng rất bi đát, cay đắng, và phủ phàng nhưng trọn đầy tính trong sạch - cao sang, không mánh khóe, không áp phe, không luồn cúi, không thủ đoạn, không gian manh, không vụ lợi, và không bất nhân bất đức! Rồi bằng chính "cái chữ," chị-em chúng tôi bắt đầu vươn lên và đổi đời, kể từ đó, tôi rất thấm thía khi mãi nghiệm suy hoài câu nói của cha-ông xưa để lại rằng:

"Giàu nhân, giàu nghĩa mới ham - Giàu tiền, giàu bạc chẳng cho là giàu" hay "Nghèo nhân, nghèo chữ mới lo - Nghèo tiền, nghèo bạc chẳng cho là nghèo!"

Chris Gartner, trong cuốn phim "The Pursuit of Happyness" mặc cho phải vất vã với từng miếng ăn hằng ngày, thế nhưng Anh vẫn miệt mài chăm học, tự đọc sách, và tự tìm cách vươn lên, cũng như cố tìm cho ra được hạnh phúc chân chính của riêng mình, không phải qua những cách tìm kiếm sự giàu có hay những kiểu kiếm tìm hạnh phúc dễ dàng bỉ ổi, vô đạo đức, hoặc vô liêm sỉ qua những việc như:

bán đứng lương tâm; bán rẻ phẩm giá con người; buôn bán hay trồng thuốc phiện; buôn bán ma túy; buôn bán cần xa; buôn thân bán xác; làm ăn bất chính, làm ăn giả dối, và gian lận; ăn cắp ngân hàng; tham gia vào băng đảng giựt hụi, giết người; mánh khóe, áp phe, cờ bạc thâu đêm; dụ dỗ trai làng hay con gái nhà lành; vu khống, chụp mủ, cáo gian cũng như cố nhẩn tâm bôi nhọ danh giá kẻ khác; đạp đổ kẻ khác; ăn trên ngồi trước, đày đọa, bóc lột nhân phẩm và giết hại lấy người trong nước - những người dân đen dưới quyền kiểm soát và cai trị độc tài của đảng phái mình; tham nhủng, hối lộ cùng với những kiểu sống xa hoa, trụy lạc bất chấp luân thường, đạo lý; hay những kiểu dùng đồng tiền bất chánh để mua "chữ" để gởi con cái ra nước ngoài học; hoặc kiểu "thùng rỗng kêu to," hay kiểu "ếch ngồi đáy giếng" mà vẫn tỏ vẽ ta đây, cứ hăng say bàn chuyện thiên hạ, bàn chuyện thời sự quốc tế, chuyện chiến tranh, dẫu rằng mình chẳng biết chi mô cả; hoặc mãi mê làm giàu theo kiểu "mượn đầu heo nấu cháo," hay làm tôi mọi cho chế độ, cho bọn Cộng Sản đỏ; hoặc rửa tiền mafia,.... vân vân...

Chris Gartner không có tìm kiếm sự giàu có và hạnh phúc cho riêng mình theo những kiểu như vậy, dẫu biết rằng làm tập sự trong một hãng broker lớn về tài chánh ở New York là không có lương trong khi đó thì Anh lại rất cần có tiền để trả tiền thuê căn hộ, để nuôi đứa con trai mà vợ của Anh - vì hoàn cảnh túng quẩn đã bỏ Anh ra đi - và để tự nuôi sống mình, thế nhưng Anh vẫn tin rằng bằng chính sự kiên trì, khổ luyện và vượt khó của mình, sẽ có ngày Anh sẽ được nhận làm chính thức. Với mong ước thật cao quý đó và khác hẳn với các bạn tập sự viên của mình, Anh đã nghĩ ra rất nhiều cách khác nhau để tiết kiệm thời gian trong lúc làm việc, với mong muốn là mang về thật nhiều khách hàng mới cho công ty mà Anh đang tập sự, và cuối cùng Anh cũng đã thành công rực rỡ, vì công ty chỉ chọn có 1 nhân viên tập sự để trở thành nhân viên chính thức của công ty, và người đó chính là Anh.

Nếu cứ mãi kiếm tìm sự giàu có lẫn niềm hạnh phúc cho mình theo những kiểu bất chính và vô liêm sỉ như vừa được liệt kê ở trên, thì thử hỏi cái giàu có và niềm hạnh phúc đó liệu có đáng chăng??? Giàu có và hạnh phúc để làm gì khi mà lương tâm cứ mãi ray rứt, cứ mãi diện đối với bóng tối rình rập, cứ mãi thẹn hổ với con tim lẫn tiềm thức của riêng mình, hỡi các bạn? Nếu tự xem mình là những người Công Giáo đích thực và chân chính thật sự - thì những kiểu giàu có và hạnh phúc như vậy, liệu có chấp nhận được chăng?

Thật tiếc và thật đớn đau cho xã hội ngày nay, và đặc biệt là cho các bậc làm cha-làm mẹ, và các bạn trẻ mới lớn thời nay, đã dám coi những kiểu giàu có và hạnh phúc như vừa liệt kê ở trên, lại là những điều ắt có, là những cùng đích tối ưu để rồi, vô tình hay chủ ý, đẩy đưa con cái và chính bản thân của họ vào, hay chủ tâm nhắm tới, hòng có lý do để mà tự hào, kêu ngạo, hống hách, và phách lối với thiên hạ, với đồng loại, và với chính Thiên Chúa!

Coi cuốn phim trên, thành thực mà nói, tôi phải rơi lệ, hối hận lẫn ăn năn, vì biết rằng mãi cho đến lúc này, tôi vẫn còn may mắn diễm phúc hơn là Anh chàng Chris Gartner trong phim rất nhiều!

Nhiều lúc chúng ta - những người bạn trẻ - nếu chúng ta biết khiêm tốn nhìn lên thì chúng ta chưa bằng ai

[mặc cho chúng ta cứ mãi tâng bốc và quan trọng hóa chúng ta lên; cứ mãi coi chúng ta như là những "cái rốn" của vũ trụ; cứ mãi phóng đại chúng ta lên như là những dân tộc kiệt xuất, cao vời hơn rất nhiều so với những người bản xứ, và các dân tộc khác; thế nhưng nếu nhìn kỹ: chúng ta chỉ tìm và có được sự nổi tiếng "rởm" trong những cộng đồng người Việt bé nhỏ, hay nơi những người Việt ít học, hay những người Việt lớn tuổi, chưa biết nói tiếng bản xứ, mà chúng ta đã sớm mắc bệnh "tự phong" chúng ta lên như là những vị anh hùng, hào kiệt của dân tộc; hay nếu chúng ta tự so sánh chúng ta với những người gốc Á Châu khác như Ấn Độ, Trung Hoa, Nhật Bổn, Đài Loan, vân vân.. ngay tại chính đất nước Hoa Kỳ này, thì tăm tiếng và những thành quả của chúng ta cũng vẫn chỉ giới hạn mãi trong phạm vi của cộng đồng không hơn, không kém mà thôi! Để rồi cứ thế ngày qua tháng lại, chúng ta cứ mãi liệt kê ra những thành tích vẽ vang của chúng ta, khi mà dân tộc chúng ta cứ mãi đói nghèo, cùng khổ, và bất hạnh, cứ mãi bị nhận chìm trong sự đàn áp dã man và bóc lột của chế độ đương thời],

thế nhưng nếu chúng ta biết khiêm tốn và thành kính nhìn xuống, thì chí ích từng người trong chúng ta cũng đã hơn hẳn so với rất nhiều những người cùng khổ, bất hạnh và kém may mắn khác trên trần gian này.

Bằng chính nhận thức như vậy, bằng chính sự khiêm cung nhún nhường để biết can đảm "nhìn xuống" như vậy, chúng ta mới cảm thấy rằng: nhiều lúc chúng ta lại quá vong ơn, quá bội nghĩa, quá khốn nạn, quá đua đòi, quá hống hách, quá kiêu ngạo, và quá xem thường đến những người đau khổ chung quanh chúng ta!

Sống mà quên hẳn đi quá khứ, quên hẳn đi xuất xứ, quên hẳn đi bản lề, và quên hẳn đi những lúc khó nhọc xưa kia, để giờ đây tưởng rằng: với sự nghiệp lừng lẫy, với đồng ra đồng vào, với nhà cửa cao sang, với sự tự do, để từ đó tự chọn ra cho chúng ta một chổ đứng rất cao và hoàn toàn tách biệt (?!) - hòng để có thể lên tiếng chỉ trích thiên hạ, để chỉ trích đồng loại, để ra mặt chứng tỏ ta đây, để cho người khác phải cúi chào, phải ôm ấp,.. vân vân....thì xin lỗi đó chính là thái độ và kiểu giàu có của những kẻ vô học, của những kẻ khốn nạn, thất nhân và thất đức không hơn, không kém mà thôi! Hay nói khác hơn, đó chính là kiểu giàu có của bọn hạ đẳng, của bọn súc vật, chứ không phải là của "con người" thật sự!

Chris Gartner, mặc dầu biết mình rất giỏi và thông minh chẳng kém gì thiên hạ, thế có bao giờ Anh cố tự mình "quảng cáo" ra điều đó chăng? Thưa, không - trái lại cách mà Anh cố "tự quảng cáo" về chính mình chính là cách sống khiêm tốn, khổ nhục, sự bền bĩ và kiên trì trong mọi cử chỉ, trong mọi lời ăn tiếng nói, lẫn những hành động, và việc bác ái giúp đỡ kẻ khác. Mặc dầu không có tiền, nhưng Anh vẫn bấm bụng cho Ông Sếp của mình mượn $5 để trả tiền taxi, và rồi Anh cũng đã quên đòi lại $5 tiền máu xương của mình, mãi cho đến lúc chính Ông Sếp tự nhớ ra, và tự móc tiền túi để hoàn trả số tiền mà Ông đã mượn.

Thế mới rõ, cần gì phải nổi tiếng, cần gì phải hống hách, cần gì phải chứng tỏ ta đây trong phạm vi bé nhỏ của cộng đồng, khi mà so với người bản xứ, chúng ta vẫn chưa là những "cái đinh" gì cả trước mặt họ và so với họ!

Bao giờ cũng vậy, những nghĩa cử cao quý âm thầm - không gõ mỏ, không đánh trống kêu to - vốn có đủ sức đánh động đến những người bản xứ, để hoán cãi lương tâm và tiềm thức của họ theo từng cách sâu lắng và âm ĩ riêng; vốn chứng tỏ cho họ biết và nhìn thấy được việc chúng ta đích thực là những người con chí ái thật sự của Thiên Chúa Tối Cao trong từng môi trường sống cụ thể của chúng ta; vốn chứng tỏ cho họ nhìn nhận, ý thức và biết được nét đẹp bí ẩn của nền văn hóa coi trọng nghĩa-ân của chúng ta, thì đó mới chính là niềm hạnh phúc và sự giàu có thật sự, mà hầu như chúng ta - đều đã quên bẳng đi - khi cố hoang mang để vật vã tìm kiếm những niềm hạnh phúc giả tạo và thương đau trong nước mắt lẫn tủi nhục!

Đất nước này đã nhân ái và cưu mang chúng ta, thế mà chúng ta có bao giờ nghĩ ra cách để trả lại ơn ấy không? Những xứ đạo của Mỹ, đã ưu ái rộng mở và cứu giúp chúng ta về cả thể xác lẫn tinh thần trong bất kỳ mọi hoàn cảnh nào đi chăng nữa, thế nhưng có bao giờ chúng ta biết trả ơn lại cho họ theo đúng cách mà Thiên Chúa mong muốn nơi từng người chúng ta không? Thế mà đối với đồng loại của chúng ta, nếu chúng ta có chủ ý giúp đỡ bất kỳ ai - hòng cố để lấy tai tiếng cho riêng chúng ta - thì nếu người đó chẳng may được hạnh phúc và giàu có sau này, thì chúng ta bao giờ cũng mắng nhiếc họ, cũng kể công của chúng ta ra đối với họ, để bắt họ cứ mãi "đội ơn" chúng ta, trong khi chúng ta lại cứ tiếp tục vong ơn, bội nghĩa với những người bản xứ đã thiệt tình ra tay giúp đỡ và cứu vớt lấy chúng ta, vì tình yêu thương nhân loại?

Chris Gartner một khi biết rằng mình đã được công ty chọn làm nhân viên chính thức, Anh vui mừng quá đỗi khiến cho lệ rơi, và rồi Anh chạy ngay đến chổ vú nuôi để tìm gặp ngay đứa con trai của mình, hòng để âm thầm chia sẽ với con trai mình niềm hạnh phúc mà mình có được, và đây cũng chính là đoạn kết của cuốn phim. Chỉ tiếc có một điều là cuốn phim không có khai thác gì cả về khía cạnh tâm linh, mặc dầu trong câu chuyện thật, chính niềm tin tưởng vào Thượng Đế đã giúp cho Chris Gartner vươn lên, đã giúp cho Anh biết lạc quan, biết dũng cảm chấp nhận thực tại để đi tới, mặc cho bao gian khổ và khó nguy cứ mãi ùn ập đổ tới cho Anh.

Thế còn đối với chính chúng ta thì sao? Khi chúng ta đau khổ, túng thiếu, nguy ngập, và bất hạnh, thì chúng ta chạy đến than van cùng Thiên Chúa; còn khi chúng ta vinh quang, phú quý, hạnh phúc và ấm no rồi, thì chúng ta lại vội bỏ rơi Thiên Chúa, vội bỏ rơi đi Giáo Hội của Ngài nơi trần gian này, lại xem thường Cha cố, xem thường đức hạnh, xem thường đi lối sống mang nặng nghĩa-ân, vân vân...!

"Giấy rách phải giữ lấy lề," một lời răn dạy tuy giản đơn nhưng lại có ý nghĩa thật sâu sa, mãi mong và nguyện cầu cho mọi người trẻ Việt lẫn bản xứ, biết sớm nhìn nhận ra được đâu chính là kiểu giàu có, và niềm hạnh phúc đích thực theo đúng với những gì mà Giáo Hội khuyên bảo, những gì mà Thiên Chúa mong muốn, để hầu tất cả - chúng ta - luôn có được một sự giàu có đích thực, và một niềm hạnh phúc trường cữu nơi nhan Thánh Chúa đến mãi muôn đời và muôn kiếp!