BÁO CÁO ĐÁNH GIÁ VỀ BÉ H.

(SAU BUỔI GẶP THẦY NGUYỄN VĂN THÀNH)


I. HOÀN CẢNH

- Trong thời gian Ba Mẹ, Bác L tham dự khóa dạy của Thày Nguyễn Văn Thành cho các Cha Mẹ có trẻ Tự kỷ (từ 31/07 đến 12/08/2006) do gia dình Anh T Chị Y tổ chức, Mẹ H đã đăng ký được với Thày, xin sắp xếp một buổi đưa con trai đến để Thày xem xét, đánh giá và định hướng cho Ba Mẹ

- 14 giờ ngày Thứ Bảy 5/8/2006, Cô K (người trợ giảng cho Thày trong khoá học này) gọi điện cho mẹ H thông báo là có thể đưa H đến gặp Thày vào 16 giờ, Thứ Tư tuần tới

- 16 giờ Thứ Tư, ngày 09/08/2006, Ba Mẹ đưa H đến gặp Thày Thành tại TGM, 40 Nhà Chung, Hà Nội.

- Các thành viên tham gia cùng Thày: Cô VTK, Chị PTY và 5 – 6 Nữ tu đang tham dự khoá giảng của Thày về Trẻ Tự kỷ.

II. NỘI DUNG BUỔI GẶP THÀY

1. QUAN SÁT BÉ H

Chơi, khám phá, thích chiếc điều khiển Máy Điều Hòa để trên bàn,

Dắt tay mẹ ra ngoài,

Tự chạy ra ngoài,

Ông (Thày Thành) đưa tay chận H lại, H biết sợ người lạ,

Ông đốt nến, giơ cao và hua hua, H thích thú nhìn theo. Dựa vào điều được quan sát và ghi nhận, ông đánh giá: Mắt cháu tốt, nhìn tốt, không thể nói là mắt của trẻ tự kỷ.

H tự lấy một hộp thuốc của ông.

Ông đưa tay xin lại, H không đưa.

Ông bảo để ông mở cho, H cũng vẫn không đưa.

H tự mình tìm cách mở được chiếc hộp, đổ ra giường, lấy một viên thuốc, ngửi, cười tủm tỉm rồi đưa viên thuốc cho ông

Khi H đòi chiếc điều khiển, ông giơ ngón tay trỏ ra hiệu và nói không, H hiểu và cũng không đòi nữa

THỬ ÂM THANH : ông lấy trống ra gõ bằng một dùi. H sán đến lấy trống gõ và cầm luôn hai tay hai dùi để gõ trống, rất thích thú

Ông cũng lấy một chiếc đùi khác để gõ cùng H. Ông ngồi sau H – H ngồi trong lòng, một lúc sau H dựa vào Ông và chơi rất thích thú – Ông đề nghị Ba Mẹ khi chơi với con thì ngồi sau lưng con và làm một chỗ dựa cho con là điều rất tốt.

Ông không chỉ gõ vào trống, mà còn gõ xuống nền, H bắt chước ngay và rất thích, ông còn gõ vào tay, vào chân, Huy cũng bắt trước. Và khi ông gõ vào nách thì H cười ngặt nghẽo

H biết chơi và biết đùa với ông.

Ông giấu đồ, H biết đi tìm lại ngay.

Ông giới thiệu một đồ chơi mới, H cũng thử chơi nhưng vứt ngay.

Ông giả vờ doạ H, H sợ chạy về với Mẹ.

Ông đập bàn tay, H bắt chước rất nhanh.

Ông giấu vật ưa thích, H tìm ra ngay.

Ông lấy khăn để phủ lên trống – H không dám chơi và lấy trống nữa, vì sợ chiếc khăn có màu sắc hơi ghê.

Ông mang một loạt khăn ngũ sắc ra hua hua trước mặt H, H sợ, khóc và dắt tay mẹ đòi kéo ra ngoài phòng.

BÉ BÙNG NỔ : sau đó H đòi lên cầu thang, ông không cho, H vào kéo Ba Mẹ đi, Ba Mẹ cũng không đồng ý

Ba mẹ và ông cương quyết bảo H vào lại trong phòng, H chui qua người ông, tìm mọi cách mở cửa, bằng cách nhìn xem khoá trên và khoá dưới.

Sau đó ông yêu cầu Ba dẫn H lên cầu thang, H rất thích, nhưng khi Ba bắt đi xuống, H khóc và không chịu xuống.

Đòi không được, H quay vào với Mẹ, chơi đồ chơi, nhưng vẫn hậm hực khóc nhè nhẹ.

Khi ông đưa lại cái trống, thì H vẫn hậm hực và không hợp tác với ông nữa

Cách cầm nắm của H, theo nhận xét của ông, rất tốt.

H tự xếp lại các cốc nhựa, mà ông đưa ra cho H chơi.

H bắt chước cô K phát âm “hà hà”

2. NHẬN XÉT CỦA ÔNG

Mắt cháu nhìn rất tốt, nhìn trực diện.

Tai nghe rõ.

Biết chơi cùng với người lớn

Có quan hệ tin tưởng, khi ngồi dựa vào ông.

Chưa có ngôn ngữ

Biết giải quyết vấn đề, khi người lớn nêu ra, với những dụng cụ, như tìm ra đồ vật được che giấu.

3. ĐỀ NGHỊ CỦA ÔNG

Ngồi cho bé chơi vào lòng: chơi cùng, thỉnh thoảng gợi ý thêm trò chơi mới, vật mới.

Không điều khiển trẻ, biết chờ đợi và cho phép trẻ tự mình khám phá, theo tốc độ

Khi trẻ bùng nổ, chỉ có một người can thiệp. Nếu có những người khác thì phải đồng nhất hội ý với nhau. Hai người không được bất đồng quan điểm, hay nhận xét phê phán, vì như thế trẻ sẽ lợi dụng, để chia rẽ ý kiến của người lớn.

Lúc ban đầu, cùng chơi cùng bé, bé làm gì mình làm theo.

Sau khi nhận thấy trẻ em đã chấp nhận, chúng ta có thể đề xuất các trò chơi khác, thêm vào một độ khó nho nhỏ (vùng trung gian của L.S. Vygotsky) bằng cách đem đồ chơi để gần chỗ bé. Nếu bé từ chối, chúng ta hãy tôn trọng ý kiến của bé.

Nâng cao dần dần độ khó của các bài học cho bé. Ví dụ, bé đã sắp xếp hai cột, chúng ta từ từ thêm 3,4,5 cột nữa…

Khi H đã mệt (từ chuyên môn là “vượt ngưỡng”, nghĩa là không còn chăm chú, lơ là, nhìn chỗ khác…), chúng ta tức khắc dừng lại, hay là đề nghị một trò chơi khác.

Nên gần gũi với bé hàng ngày để chơi với bé, hâm nóng lại quan hệ mẹ con – cha con…

Trắc nghiệm lại và luôn luôn củng cố quan hệ của cha mẹ với bé

Dùng ngôn ngữ của trẻ, để giúp trẻ giải toả bốn xúc động cơ bản như giận, sợ, buồn và vui. Ví dụ, khi H bực mình, chúng ta bảo H đập tay vào chiếc gối, vừa làm vừa nói BỰC QUÁ.

Cha mẹ luôn liên lạc với cô ở trường, để theo dõi những tiến bộ của H, cũng như những khó khăn, trắc trở của cháu, để cùng nhau can thiệp, một cách hữu hiệu và kịp thời.

Ba bài học chính yếu cần được lưu tâm, lặp đi lặp lại, trong mọi chương trình can thiệp sớm:

Thứ nhất là yêu thương vô điều kiện, không đánh đập, la nạt, cưỡng chế, trừng phạt…

Thứ hai là ngày ngày tạo quan hệ gắn bó, hài hòa, an toàn cho con và với con, có mặt với con, chơi với con, bi bô, chuyện trò với con…

Thứ ba là khẳng định qui luật, biết đưa ngón tay trỏ “NÓI KHÔNG”, khi trẻ em làm điều sai trái, ngược lại với những cương thường đạo lý cơ bản, như đánh đập kẻ khác và có những hành vi tự hủy, làm hại mình. Tuy nhiên, để dạy một tiếng “KHÔNG”, chúng ta đồng thời PHẢI dạy ba tiếng “CÓ”. Ví dụ: Con không được đánh em con, nhưng thay vào đó con có thể CHƠI với em, thoa đầu em, lau mặt cho em....

4.- KẾT LUẬN CỦA ÔNG : Cháu H không hội tụ đầy đủ 3 rối loạn chính yếu của Hội chứng tự kỷ.

- Cháu không sống hoàn toàn bít kín, có tiếp xúc và trao đổi, mặc dù chưa có ngôn ngữ.

- Cháu có thể diễn đạt bằng lối nhìn, bằng cử điệu và hành vi... Ngoài ra, khi không có người lớn có mặt, tạo quan hệ an toàn vui thú, bằng cách chơi, bi bô, bặp bẹ… với cháu, cháu có những hành vi Lặp Đi Lặp Lại và Lăng Xăng, còn được gọi là Tăng Động. Hẳn thực, khi cháu H không biết làm gì, cháu chỉ lặp lại những gì cháu đã biết làm. Tuy nhiên, nếu chúng ta tạo mọi điều kiện dễ dàng để cho H sử dụng và phát huy cách diễn đạt “ngôn ngữ không lời” như hiện nay, không sớm thi chầy, H sẽ bước vào lãnh vực “ngôn ngữ có lời”.

- Trong lãnh vực xúc động, cháu có thể Bùng Nổ, Thét La, mất bình tỉnh, nhất là khi cháu Sợ và Giận, vì cháu chưa có những phương tiện diễn đạt ra ngoài những NHU CẦU cơ bản của mình.

Khi ba rối loạn cơ bản chưa được hội tụ một cách đầy đủ, và nhất là khi trẻ em còn đang ở dưới 6-7 tuổi, như bé H hiện nay (sinh ngày 13-2-2004), chúng ta cần tránh tối đa lối nói “Hội Chứng Tự Kỷ đặc hiệu”. Thay vào đó, theo lời đề nghị của các nhà chuyên môn nghiên cứu về trẻ em có nguy cơ tự kỷ, chúng ta nên dùng cách nói “Rối loạn phát triển lan tỏa, PDD hay là Pervasive Developmental Disorders”. Thêm vào đó, nhằm ngăn chận kịp thời một triệu chứng mới thành hình trong một lãnh vực nhất định, có thể lan tỏa và làm ô nhiễm các lãnh vực phát triển khác, chúng ta tức khắc, không trì hoãn, áp dụng Chương trình Can Thiệp Sớm, mà tôi đã giới thiệu và trình bày, trong nhiều tác phẩm trước đây.

Hà nội, Ngày 09/08/2006

Người đánh giá : Nguyễn Văn Thành

NB.- Báo cáo này được Chị PTY ghi chép lại trong suốt buổi Thầy Thành làm việc với Ba Mẹ, H và sau đó Thầy đã tổng kết lại.

** Ba của H đã đánh máy lại và bổ sung một số thông tin phụ mà Ba Mẹ đã trực tiếp quan sát.

** Cần đọc thêm: Chương trình can thiệp sớm, Trẻ em tự kỷ, Lượng giá trẻ em từ 0-7 tuổi… trên http://www.congiaovietnam.net

Hay là trên http://www.chungnhanduckito.net