LỊCH SỬ 25 NĂM DÂN CHÚA ÂU CHÂU

( từ năm 1982-2007 )

Nhân dịp chuẩn bị mừng Lễ Ngân Khánh 25 năm Dân Chúa Âu Châu vào dịp Xuân Đinh Hợi 2007 sắp tới, và cũng tiện dịp giới thiệu với cộng đồng Công Giáo Việt Nam hải ngoại về các cơ quan truyền thông và báo chí đang góp phần phục vụ trên khắp năm châu, xin được ghi lại đôi nét hình thành, nội dung và tôn chỉ của Dân Chúa, những biến cố đáng ghi nhớ, những thành quả đáng khích lệ và những ước mơ cho tương lai.

Bìa Báo Dân Chúa tháng 10, 2006
1. HÌNH THÀNH:

-Dân Chúa Âu Châu do USU chủ trương và sáng lập: Hội Linh Mục Tu Sĩ «Ut sint Unum» (Viết tắt: USU) «Xin cho chúng nên một» được nhen nhúm thành hình thể theo nguyện vọng của các vị Chủ Chăn Việt Nam vào năm 1978. Năm 1979 Nhóm Mục Vụ ơn Thiên Triệu được hình thành, và năm 1980 chính thức thành lập USU: đáp lại nguyện vọng tha thiết của đại đa số anh em linh mục tu sĩ tại các nước Âu Châu. Hội Linh Mục Tu Sĩ «Ut sint Unum» tại Âu Châu nhắm những mục đích chính yếu: huynh đệ, cổ võ ơn gọi và mục vụ cho các cộng đoàn CGVN tại Âu Châu.

-Dân Chúa Âu Châu được chính thức khai sinh trong Cuộc Họp Đại Diện Hội Linh Mục Tu Sĩ «Ut sint Unum» tại Trung Tâm Mục Vụ Borsum (Bắc Đức) từ 26 đến 30.10.1981: nhằm đáp ứng nhu cầu mục vụ các cộng đoàn CGVN tại Âu Châu, cùng chung vai sát cánh với các lục địa khác. Quyết định số ra mắt vào đầu năm 1982, số Xuân Nhâm Tý.

-Lý do tại sao lại chọn tên “Dân Chúa“ cho nguyệt san mục vụ tại châu Âu? Chắc chắn tất cả 9 linh mục tu sĩ từ Bỉ, Pháp, Hòa Lan, Đức và 4 nữ tu từ Bonn tham dự cuộc họp quan trọng này đã ý thức mối liên kết với các cộng đoàn CGVN khác trên thế giới, nhất là với Giáo Hội Mẹ tại Quê Hương, nên đã chọn danh xưng “Dân Chúa“, không những diễn đạt được ý nghĩa hiệp thông với Dân Chúa Mỹ Châu (phát hành số đầu tiên vào tháng 2-1977), với các cộng đoàn CGVN tại Mỹ Châu… mà còn nói lên mối hiệp thông với cộng đồng Dân Chúa là Giáo Hội Mẹ tại Việt Nam và Hội Thánh hoàn vũ.

-Ngay từ ngày khai sinh cho tới hôm nay, Hội Đồng Giám Mục Đức qua Ủy Ban Ngoại Kiều Vụ và các cơ quan như Missio và Kirche in Not, đã hết lòng nâng đỡ tinh thần cũng như vật chất, nhằm khuyến khích Dân Chúa Âu Châu chu toàn trách nhiệm mục vụ qua báo chí để phục vụ các cộng đoàn Công Giáo Việt Nam tại Đức nói riêng và cho các cộng đoàn CGVN tại các nước châu Âu.

2. NỘI DUNG & TÔN CHỈ CỦA NGUYỆT SAN DÂN CHÚA TRONG VAI TRÒ VÀ SỨ MẠNG CỦA BÁO CHÍ CÔNG GIÁO.

Mùa Xuân Đinh Hợi 2007 sắp tới, nguyệt san Dân Chúa Âu châu tròn 25 tuổi! Trong gần 25 năm với 288 số báo, Nguyệt san Dân Chúa sát cánh cùng các phương tiện truyền thông Công giáo để phục vụ Công đồng Công giáo người Việt hải ngoại. Nội dung theo sát tôn chỉ Dân Chúa là luôn trung thành với Tin Mừng Đức Kitô và Giáo huấn Giáo hội Công giáo trong việc:

  • - Phát triển đời sống Đức tin sống động trưởng thành và lòng yêu Quê hương Tổ quốc nồng nhiệt sáng suốt.
  • - Bảo tồn và phát huy Văn hóa Truyền thống Việt Nam trong tinh thần hội nhập Kitô giáo.
  • - Phổ biến và hướng dẫn dư luận ngay chính trong các biến cố thời sự.
  • - Cổ võ sự hiệp nhất, canh tân tâm tư, ngôn từ và hành động để đáp ứng nhu cầu sống đạo của thời đại mới.
Dân Chúa là tờ báo Công giáo hải ngoại nên có căn tính riêng, nên sự lựa chọn chủ đề theo tiêu chuẩn nội dung liên quan đến:

Ban Điều Hành NS Dân Chúa Âu Châu
  • - Các chủ đề về giáo lý giáo hội Công giáo: thần học tín lý, luân lý, thánh kinh, bí tích, lịch sử Giáo hội, Thánh mẫu học...
  • - Các chủ đề về các Giáo hội Kitô giáo: Anh giáo, Tin lành, Chính thống...
  • - Các chủ đề về các tôn giáo bạn: Do thái giáo, Phật giáo, Khổng giáo...
  • - Các chủ đề về học hỏi tìm hiểu các tôn giáo bạn trong việc đối thoại liên tôn...
  • - Các chủ đề về lịch sử Giáo hội Công giáo tại Việt Nam.
  • - Các chủ đề về Giáo hội Công giáo các quốc gia Đông Âu, Á châu.
  • - Các chủ đề về các dòng tu Việt Nam: Mến Thánh giá, Thầy giảng.
  • - Các chủ đề về các cộng đoàn Công giáo Việt Nam hải ngoại.
  • - Các chủ đề về những biến cố thời sự quan trọng trong đời sống Giáo hội Công giáo hoàn vũ và Giáo hội Việt Nam... (chủ đề Năm thánh. Thượng Hội đồng Giám mục, linh mục, giáo dân... Các Thánh Tử đạo Việt Nam.... 200 năm Đức Mẹ Lavang...)
  • - Các chủ đề về tông đồ giáo dân, chiều hướng mục vụ chung ở Âu châu, vấn đề hội nhập...
  • - Các chủ đề về nguy cơ các giáo phái, các tệ đoan xã hội...
  • - Các vấn đề về văn hóa xã hội Việt Nam...
  • - Các chủ đề về các văn hào thi sĩ ( Nguyễn trường Tộ, Trương vĩnh Ký, Hàn mạc Tử....), phong tục tập quán người Việt.
  • - Các vấn đề về Truyền thông xã hội, báo chí Công giáo hải ngoại....
  • - Và các mục Biến cố thời sự quốc tế hàng tháng, tài liệu học hỏi quý hiếm, thời sự Giáo hội, thế giới và Việt Nam, các mục văn hóa xã hội, khoa học y khoa, học hỏi thường thức về cuộc sống thường nhật, mục “gỡ mối tơ lòng“ đi vào cuộc đời, các câu chuyện buồn vui, giải trí, ô chữ...
Với phương tiện eo hẹp, nhưng với lòng hăng say phục vụ của Ban biên tập, sự giúp đỡ tận tình đầy tinh thần phục vụ hy sinh của các cây viết... Dân Chúa Âu Châu trong 25 năm qua đã góp phần nào để thực thi vai trò và sứ mạng của báo chí Công giáo trong thế giới hiện đại.

Dân Chúa góp phần thực thi vai trò và sứ mạng của báo chí Công giáo:

-Báo chí Công giáo có sứ mạng tông đồ truyền giáo.

Có thể nói báo chí Công giáo là ngòi bút, là tiếng nói và là bàn tay của Giáo hội. Thật vậy, Giáo hội nhờ đến báo chí Công giáo trong việc truyền đạt giáo lý Công giáo, hướng đi, lập trường của Giáo hội trước những vấn đề của thế giới ngày nay. Việc rao giảng Tin mừng cần đến những nhân viên truyền giáo, các sứ điệp giáo lý và đồng thời cần đến những phương tiện truyền thông để truyền đạt đến các từng lớp dân chúng. Vào lúc rảnh rỗi, ít ai cầm các bức thông điệp, các thư mục vụ của Giáo hội mà đọc, nhưng họ dễ cầm tờ báo trong tay.

- Báo chí Công giáo là cơ quan phục vụ sự tự do chân chính.

Báo chí Công giáo phải phụng sự tự do. Sứ mạng ưu tiên của báo chí là trình bày cách trung thực đầy đủ các sự kiện xảy ra. Như thế, báo chí Công giáo mới là cơ quan truyền đạt sự tự do loại trừ các ảnh hưởng âm mưu bóp méo sự kiện xảy ra. Vì là cơ quan phụng sự sự tự do, báo chí Công giáo có bổn phận cổ võ tranh đấu quyền tự do con người, nhất là quyền tự do tôn giáo, tự do ngôn luận...

- Báo chí Công giáo là cơ quan phục vụ chân lý.

Các sự kiện xảy ra chưa chắc gì nói lên hết sự thật. Nhà báo Công giáo cần phải biết suy nghĩ nhận định cách sáng suốt để nhận ra chân lý trong các sự việc xảy ra. Nhà báo phải biết làm cho độc giả biết phân tích suy nghĩ nhận định tìm ra chân lý. Vì là cơ quan phục vụ chân lý, báo chí Công giáo cổ võ tranh đấu bảo vệ và truyền đạt chân lý cho con người, cho xã hội.

Với một số các công tác viên tại Paris
- Báo chí Công giáo giữ vai trò hướng dẫn giáo huấn.

Là cơ quan của sự tự do, của chân lý, báo chí Công giáo giữ vai trò hướng dẫn giáo huấn dư luận đúng đắn. Báo chí, nếu chỉ có vai trò thông tin mà thôi là một thiếu sót lớn lao! Nhưng báo chí còn giữ vai trò quan trọng là hướng dẫn giáo huấn trong việc phụng sự cổ võ Chân Thiện Mỹ. Mục đích đây không phải là “nhồi sọ tẩy não con người, nhưng là hướng dẫn để giải phóng con người khỏi những bất công, những nô lệ, những đen tối của của đời sống để con người ý thức quyền làm người trong xã hội tự do dân chủ“.

Trong chiều hướng nầy, báo chí Công giáo giữ vai trò cổ võ tranh đấu cho nhân quyền: quyền làm người sống trong xã hội bình đẳng hạnh phúc.

Sang Xuân Đinh Hợi, sang năm thứ 26! Ước gì nguyệt san Dân Chúa Âu châu có thêm tài lực nhân lực và đủ phương tiện để tiếp tục chung vai sát cánh cùng các đồng nghiệp tiếp tục góp phần vào việc thực thi vai trò và sứ mạng báo chí Công giáo cho cộng đoàn Công giáo Việt Nam hải ngoại.

Vài suy tư của nhà báo Công giáo....

Trước tình trạng tục hóa của xã hội hiện đại, Giáo hội Công giáo luôn ý thức sứ mạng trách nhiệm của mình là Ánh sáng trần gian, là Men trong bột, là Muối, là Hạt cải bé được gieo trong lòng đất xã hội con người... nên cũng lên tiếng nói của mình trong lòng xã hội ngày nay.

Giáo hội sử dụng báo chí, một phương tiện truyền thông, để thông truyền chuyển đạt những giá trị Tin mừng cho thế giới hiện đại. Giáo hội có bổn phận trình bày bằng cách đề nghị chương trình sống làm người, ý nghĩa cuộc sống theo nhãn quan Kitô giáo cho con người xã hội ngày nay. Nhưng thường thì tiếng nói ngay chính của Giáo hội bị nhận chìm vào quên lãng.

Cũng cần nên lưu ý là hiện nay, các sự việc tôn giáo cũng được giới truyền thông đại chúng trình bày cách hấp dẫn giựt gân! Giáo hội Công giáo kêu gọi các nhà báo Công giáo phải cẩn thận ý tứ và có nhận định ngay chính về sự việc tôn giáo được đề cập trên báo chí truyền thanh truyền hình:

a- Sự tầm thường hóa tôn giáo. Tôn giáo mất đi đặc tính cao siêu mầu nhiệm. Các tôn giáo được trình bày giống nhau, trở nên giống như các món hàng ở siêu thị. Người ta có quyền tự do chọn lựa cắt nghĩa theo thị hiếu, theo nhu cầu con người.

b- Tôn giáo là cái chi u minh mờ ám trở thành ngang hàng với các khoa học huyền bí bói toán.

c- Tôn giáo được trình bày dưới khía cạnh giựt gân, nhấn mạnh đến điểm tiêu cực vô luân và đầy phê bình chỉ trích phá đổ.

d- Các thông điệp diễn từ tôn giáo bị thổi phồng bóp méo. Ví dụ: khi đề cập đến việc phòng bệnh siđa, thì chỉ nghe báo chí truyền thanh truyền hình nói về Đức Giáo hoàng cấm dùng “túi cao su“ (mà Ngài có chính thức nói bao giờ đâu); còn Ngài nói nhiều về sự trung tín hôn nhân, sự giữ mình, sự tôn trọng tình yêu lứa đôi... thì chẳng báo nào đề cập đến!

e- Tôn giáo như là liều thuốc an thần dùng để trấn an những âu lo khoắc khoải người đời

Nếu không ý thức đủ, nhà báo Công giáo sẽ rơi vào sự dửng dưng, nên “dịp tốt“ cho những tệ hại trên sinh sôi nẩy nở. Nhà báo Công giáo phải có căn tính riêng của mình: nhà báo Công giáo nhận thấy thâu thập suy nghĩ và chuyển đạt một cách khách quan sự việc xẩy ra, nhưng chính trực theo quan niệm Kitô giáo, có nghĩa là truyền đạt các sự việc xẩy ra dưới nhãn quan Kitô giáo trong bác ái xây dựng.

Báo chí Công giáo là dụng cụ tông đồ truyền giáo có trách nhiệm khơi động, hướng dẫn dư luận quần chúng qua các biến cố thời sự theo nhãn quan Kitô giáo trong tự do diễn đạt và lắng nghe tiếng nói đại chúng.

Có thể ví được là tờ báo Công giáo như là “họ đạo tòng nhân“: nơi tiếp nhận, lắng nghe các ý kiến các tư tưởng xây dựng, nơi khơi động cổ võ sự liên đới trách nhiệm trong việc rao truyền Tin mừng Đức Kitô. (Lm. Paul Đào Văn Thạnh).

Anh em cùng chia sẻ trách nhiệm với nhau...
3. NHỮNG BIẾN CỐ ĐÁNG GHI NHỚ:

  • - Quyết định phát hành nguyệt san Dân Chúa Âu Châu: tháng 10-1981.
  • - Số ra mắt: Xuân Nhâm Tuất tháng giêng 1982 tại thủ đô Paris, Pháp.
  • - Cha Bề Trên Nguyễn Văn Hiệu, chủ tịch USU kiêm chủ nhiệm tiên khởi của DCAC từ tháng giêng 1982 đến tháng 9-1986. Ngài từ trần vào ngày 12.02.1993 tại Ermont, Pháp.
  • - Đức Ông Philipphê Trần Văn Hoài: Phó chủ tịch USU, chủ nhiệm Dân Chúa từ tháng 9-1986 đến 11.1987.
  • - Cha Bề Trên Nguyễn Văn Tự: chủ tịch USU và kiêm Chủ nhiệm Dân Chúa từ 12-1987 đến tháng 1.1991. Ngài từ trần vào ngày 13.12.2001 tại Aix enProvence, Pháp.
  • - Mùa Hè 1991: thành lập quỹ Giáo Hội Việt Nam trong cuộc họp mặt linh mục tu sĩ USU tại đan viện Fatima, Orsonnens, Thụy Sĩ. Tính tới nay, quỹ GHVN đã tổng thu được 277.862 Mỹ kim và đã giúp trên 100 dự án đào tạo nhân sự cho GHVN.
  • - Tháng 9.1992: thành lập Trương Mục Tình Thương với mục đích ”Vì Tương Lai Tuổi Thơ Việt Nam” giúp các dự án quỹ khuyến học, lớp học tình thương, các dự án xã hội trong các vùng truyền giáo. Tính tới cuối năm 2005, quỹ đã thu được 312.899 Euro, và đã giúp trên 250 dự án.
  • - Cha Paul Đào Văn Thạnh: Chủ nhiệm từ tháng 2.1991 đến 12.1993
  • - Cha Stêphanô Bùi Thượng Lưu: Chủ nhiệm từ 1.1994 cho đến ngày nay.
  • - Tháng 9.1996: thành lập quỹ ”Lá Lành Đùm Lá Rách” với mục đích giúp cứu trợ các vùng lũ lụt miền Trung và Cửu Long. Quỹ đã thu được 153.280 Euro và gửi về Việt Nam giúp đỡ qua các cơ quan cứu trợ của GHVN.
  • - Tháng 10.1996: Thành lập quỹ Trung Tâm Thánh Mẫu La Vang: Tổng kết, quỹ đã thu được 138.452 DM, tương đương với 70.789 Euro.
  • - Tháng 5.1997: Họp mặt Dân Chúa Mỹ, Úc và Âu lần đầu tiên tại Mỹ
  • - Tháng 9.1998: Thành lập quỹ Trùng Tu Phát Diệm: Tổng kết, quỹ đã thu được 9.946 DM và đã chuyển về TGM Phát Diệm.
  • - Cha Bề Trên Tôma Nguyễn Đình Tuyển, cựu quản trị Dân Chúa, từ trần tại Thụy Sĩ vào ngày 27.01.1998
  • - Mời ông Phan Hữu Lộc cộng tác vào chức vụ Phụ Tá Chủ Bút bắt đầu từ tháng 5.1998.
  • - Phát hành cuốn sách Chứng Nhân Hy Vọng, Các bài giảng tĩnh tâm cho Đức Thánh Cha và Giáo Triều Roma vào tháng 5.2001.
  • - Quyết định thành lập Gia Đình Đức Mẹ La Vang, chuỗi Mân Côi liên kết vào tháng 10.2001.
  • -Quyết định thành lập “Quỹ ý lễ tương trợ các linh mục già yếu tại Việt Nam“. Tính đến nay quỹ đã thu được 5230 Euro.
  • - Mời ông Đỗ Đức Thống cộng tác vào chức vụ Chủ Bút bắt đầu từ tháng 9.2004
  • -Quỹ S.O.S Sóng Thần “lá lành đùm lá rách“ vào cuối năm 2005 đã thu được tổng cộng 30.284 Euro và đã chuyển vào quỹ Erdbeben-Suedostasien Caritas International (Freiburg) vào ngày 25.1.2005.
4. NHỮNG THÀNH QUẢ KHÍCH LỆ:

  • - Đã thực hiện 288 chủ đề thần học, luân lý, tôn giáo, văn hóa...
  • - Mỗi năm phát hành lịch Phụng Vụ, hướng dẫn giáo dân sống Năm Phụng Vụ của giáo hội.
  • - Đã phát hành sổ gia đình công giáo.
  • - Phát hành các thiệp Giáng Sinh và Xuân gây quỹ cho Giáo Hội Việt Nam.
  • - Thành lập các Quỹ: quỹ Giáo Hội Việt Nam, quỹ Trương Mục Tình Thương, quỹ Lá Lành Đùm lá rách, quỹ Trung Tâm Thánh Mẫu La Vang và quỹ Phát Diệm.
  • - Phát hành các tập tài liệu chuẩn bị Năm Thánh 2000.
  • - Thiết lập thư mục và Tủ Sách Dân Chúa (sách báo đạo và văn hóa) để phổ biến cho các gia đình, nhất là sách Thánh Kinh.
  • - Dân Chúa lên lưới Internet (Vietcatholic.Net)
  • - Phát hành các CD Vietcatholic.Net và cuốn Website
  • - Phát hành các Băng Video LaVang và cuốn Video Chân Phước Anrê Phú Yên.
  • - Hợp tác phát hành cuốn Phụng Ca III - Hơn 12.000 cuốn đã được bán cho các cộng đoàn CGVN tại Âu Châu và độc giả.
  • - Phát hành 3 CD kinh Mân Côi để phổ biến lòng tôn sùng Đức Mẹ.
  • - Phát hành số 288 vào tháng 10-2006: DC chuẩn bị mừng 25 năm phục vụ.
Viễn tượng và ước mơ...

Đứng trước cuộc cách mạng về các phương tiện truyền thông xã hội thời nay, nhất là những phát triển về thông tin toàn cầu trên mạng lưới, Dân Chúa Âu Châu, khi nhìn về tương lai cảm thấy có bổn phận phải nói lên những tiếng nói khẩn thiết sau đây:

1. Tha thiết kêu mời các linh mục tu sĩ và mọi tín hữu biết ý thức tầm quan trọng và ảnh hưởng sâu rộng của các phương tiện truyền thông xã hội để hết lòng nâng đỡ tinh thần cũng như vật chất vào công cuộc loan báo Tin Mừng Cứu Độ cho mọi người ở mọi ngõ ngách của cuộc sống.

2. Tha thiết kêu mời các linh mục, tu sĩ và các bạn trẻ, nhất là các bạn trẻ chuyên gia có khả năng về các ngành Media hãy hăng say nhập cuộc và dấn thân vào Mạng Thông Tin toàn cầu của giáo hội, nhất là của Giáo Hội Việt Nam và của Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam hải ngoại, để cùng nhau hiệp tâm hiệp lực làm cho Tin Mừng Cứu Độ được lan tỏa khắp nơi.

3. Ý thức được sự sống còn của báo chí Công Giáo Việt Nam hải ngoại: vì sự phát triển của mạng lưới thông tin toàn cầu và càng ngày giới trẻ càng ít đọc tiếng Việt: nên ước mong các người phụ trách các Media CGVN hải ngoại cùng ngồi lại với nhau để tìm cách đáp ứng những nhu cầu mới, tìm ra những con đường phục vụ Tin Mừng cách thích hợp với thời đại hôm nay hơn. Chính vì lý do đó, Dân Chúa Âu Châu hoàn toàn ủng hộ cuộc họp mặt tới đây của một số vị có trách nhiệm của truyền thông CGVN hải ngoại và từ Giáo Hội Mẹ để cùng tìm con đường phục vụ đúng thời, đúng cách cho tương lai.

4. Riêng tại Âu Châu: hiện nay còn thiếu mạng lưới thông tin cho châu Âu, mặc dù có nhiều mạng lưới thông tin cộng đoàn và nhiều tờ báo tại mỗi quốc gia, nhưng chưa có một mạng lưới thông tin CGVN chung cho Âu Châu. Dân Chúa Âu Châu đề nghị một cuộc họp mặt các vị có trách nhiệm, qua trung gian của Văn Phòng Phối Kết Tông Đồ Mục Vụ Việt Nam Hải Ngoại để cùng nhau tìm ra con đường hợp tác trong tương lai. Ước mong thay.

Lm. Stêphanô Bùi Thượng Lưu