DI THẢO SỐ 17: DÙNG GIÁM MỤC LINH MỤC VÀO VIỆC CANH TÂN (*)



(Khoảng 17-18 tháng 8 năm 1866)

Kính bẩm,

Nay giám mục lên Kinh đô, những điều trước đây tôi đã bẩm điều gì hoãn điều gì gấp giám mục có thể trình bày rõ được. Còn việc sắp đặt và sai phái như thế nào sẽ do Triều đình quyết định.

Trước đây giám mục đã từng bàn bạc với tôi rằng nếu Triều đình muốn lần lượt canh cải để làm theo phương pháp mới thì người rất vui mừng ủng hộ. Chỉ vì nay ta chưa có người. Nếu thật tâm tin nhau khẩn khoản yêu cầu, giám mục sẽ đưa các linh mục và đạo đồ, một số có khả năng am hiểu tiếng Tây, học qua một vài phương pháp của phương Tây như Nguyễn Huấn, Nguyễn Hoằng, Nguyễn Điều, Nguyễn Lâu (1) chẳng hạn sang Tây trước, học gấp các kỹ thuật mới mỗi thứ một năm rồi về sớm giúp vào việc áp dụng thi hành. Bởi vì bọn họ học sơ qua gấp rút trong một năm vẫn còn kết quả hơn là Triều đình mở trường mời người Tây đến dạy học trong mười năm. Đó là những điều giám mục nói riêng với tôi như vậy. Về phần tôi, tôi chỉ dùng lời khéo léo dẫn dụ giám mục và các người ấy để họ vui vẻ cầu tiến mà thôi, chứ tôi không có quyền sai sử. Nếu Triều đình muốn gấp rút thực hành để tạm thời ứng dụng thì chỉ nên bắt đầu một hai người và trong khi thương nghị cùng giám mục nên nêu rõ tên những người Triều đình muốn khẩn phái sang Tây học tập. Giám mục sẽ không từ chối được. Nhưng không nên nói cho giám mục biết đó là những điều tôi đã góp ý trước với Triều đình.

Còn như việc ba tỉnh trong, hiện nay đó là vấn đề khẩn cấp. Trước đây ở Kinh đô tôi đã có nói bài bẩm nói rõ các cách đối phó để chống lại sự lập công của Tây soái. Các cách tuy có hoãn gấp khác nhau, nếu sớm áp dụng mới có thể chống được. Bằng không, một khi rơi vào tay họ, chắc chắn khó móc ra được. Nay trong khi hội kiến cùng giám mục, nhất thiết chớ nên cho vấn đề này là khẩn yếu mà xin giám mục giúp đỡ. Chắc chắn giám mục sẽ không dám nhận lời. Chỉ cần yêu cầu giám mục vào Gia Định sớm, độ mấy hôm thì đi Tây ngay. Trong khi tiếp xúc nói chuyện cùng các quan Tây cần phải trưng dẫn giải thích khúc chiết và dụng ý khéo léo.

Thí dụ như nói rõ rằng hiện nay ta thật tình muốn hòa hiếu và giữ lễ hết sức cẩn thận. Mặc dầu có tiếng đồn đại qua lại, đó chẳng qua do bọn chất chứa oán thù muốn mượn việc bịa ra chứ chẳng liên quan gì đến đại thế quốc gia cả. Nói rõ rằng Triều đình rất tin tưởng giám mục, phó thác cho giám mục sang Tây tìm kiếm các phương pháp mới. Nói rõ rằng Triều đình muốn giám mục đến La Mã đạo đạt lên Giáo hoàng về ý muốn giao hảo. Nói rõ rằng Triều đình muốn sai người sang Tây học tập và mời người Tây sang nước ta mở trường dạy dỗ. Nói rõ rằng Triều đình muốn cùng chia sẻ điều hay điều lợi với người Tây. Nói rõ rằng những việc làm của bọn quân đội thất nghiệp ở Nam kỳ không phải do Triều đình ngầm ủng hộ. Nói rõ rằng tất cả những thỉnh cầu của người Tây mà không quan ngại đến thể diện nước Nam đều được Triều đình vui vẻ đáp ứng.

Cứ thong thả đem các sự tình ấy truyền rộng ra để cho nguyên soái và các đại học sĩ, các nhà quyền quý, các giám mục bên nước ấy đều biết rằng Triều đình hiện đang làm như vậy không phải muốn hợp nhất với Tây là gì? Đó là cácch ta xen vào bên trong mà tuyên truyền rỉ tai vậy. Tôi thiết tưởng giám mục chỉ có thể giúp đỡ được như thế. Còn nếu cứ yêu cầu đích thân giám mục trực tiếp chỉ việc nói rõ với Tây soái, chắc chắn giám mục sẽ không dám nhận lời. Hơn nữa làm thế sẽ có nhiều quan ngại. Bởi vì nếu Tây soái biết giám mục làm thuyết khách thì lời giám mục sẽ khó lọt vào tai. Ngày sau nếu có chuyện gì khác, sẽ không có ai dọ tin tức cho. Phàm sự đời lời nói chính thức không hiệu quả bằng lời giải thích phụ, đánh gấp không bằng đánh lén.

Vả lại việc dùng người cũng tuỳ sở năng, cây gỗ lớn có thể dùng để đánh thành nhưng không thể dùng để đào hang chuột. Nếu sai sẩy thì bao công lao cũng trở thành không. Còn về phần tôi cũng nhất trí dùng cái lý lẽ từ ngoài nói phụ vào, như thế cũng có hể ngầm giúp được một đôi điều. Hơn nữa nếu tôi đến Gia Định tìm kiếm các quan Tây ngày trước chống đối Tây soái ngầm hỏi họ xem theo tình hình nước Tây như vậy có cách nào để cứu vãn tình thế của ta không, việc này xin cho Nguyễn Hoằng cùng đi với tôi mới được. Bởi vì trước đây khi ở Gia Định tôi có quen bốn, năm quan Tây chống lại việc lập công của nguyên soái. Những người này muốn hợp với tôi gây trở ngại bên trong. Nay nếu tôi gặp họ cũng có thể đem vấn đề quan trọng báo cáo cho họ biết, nhờ họ viết thư gửi cho các đại học sĩ ở Tây triều xin dư luận ủng hộ, cương quyết không can thiệp vào nước ta.

Hơn nữa tôi rất am tuờng việc này, tôi sẽ có lý lẽ xác đáng thương lượng với họ đúng với kế hoạch của mình. Đồng thời cũng nói với họ rằng nếu họ gây trở ngại được đối với các Tây soái, ngày sau Nam triều cũng sẽ có gì đền đáp họ. Mặc dầu họ chẳng trông đợi gì ở chuyện đó, nhưng họ được hài lòng là làm cho nguyên soái hỏng mất ý đồ, thế họ cũng sung sướng lắm rồi. Nếu Triều đình dùng kế này, xin sớm gọi Nguyễn Hoằng về kinh gấp để cùng tôi gấp rút đi trước.

Xin chớ nói cho giám mục biết rằng tôi và Nguyễn Hoằng đang thực hiện một công việc riêng như vậy. Giám mụcsẽ sợ nếu sự việc bất thành để lộ dấu vết sẽ bị nguyên soái trách. Riêng tôi chỉ muốn giúp đỡ cho công việc đôi chút, dù bị trách cũng chẳng hề gì. việc này rất nghịch chống Tây soái, xin hết sức giữ bí mật. Đó là kế sách tôi dự bị trong lòng như vậy, nên xin bẩm rõ truớc. Sự tình ba tỉnh hết sức khẩn trương như vậy. Ngày trước tôi cớ bệnh trở về chỉ vì ý đó thôi. Nếu không sớm thực hiện kế bủa lưới bốn mặt như tôi đã nói trong bài Lục lợi từ để thực nghiệm lời nói của tôi thì không biết sự thế sẽ ra như thế nào. Còn như khi đi Tây, Triều đình nếu muốn mua các thứ máy móc, lựa thứ giá rẻ mà dùng được thì tôi sẽ làm tên mọi Ba Tư đi theo chủ là phái viên, như vậy cũng nhất cử lưỡng tiện. Một lần nữa xin trong lúc thương nghị bàn bạc cùng giám mục, nhất thiết chớ cho các đạo đồ cùng đến dự nghe, sợ có những trợ ngại khác.

Nay kính bẩm.

Chú thích

(*) Nguyên văn chữ Hán: Hv 634/4 tờ 14-20.

Bản văn chỉ ghi Tự Đức năm thứ 19, nhưng chắc là được viết lúc Nguyễn Trường Tộ mới cùng giám mục tới Huế (17-8-1866)

(1) Theo Sự tích ông Nguyễn Trường Tộ, thì năm 1858, giám mục Gauthier có đem theo vào Đà Nẵng “cụ Khang, cụ Điền (người An Phú), cụ Huấn (người Trung Hậu) khi ấy cả ba ông chưa chịu chức thầy cả”. Sau này chúng ta chỉ thấy Nguyễn Hoằng, Nguyễn Điều và Joannes Vị cùng đi Pháp với giám mục Gauthier và Nguyễn Trường Tộ (1867-1868). Còn Nguyễn Lâu thì có thấy nói tới trong chiếu hội sai đi tìm mỏ với Hồ Văn Long thay Nguyễn Trường Tộ.