DI THẢO SỐ 16" BÀI BẠT MỪNG ĐÀO XONG THIẾT CẢNG (*)

Từng nghe:

Đấng tạo vật lập nên trời đất, mở sông ngòi để làm mạch lạc, dựng núi non để làm xương cốt. Hai cái này giúp nhau mà làm việc. Nếu xương cốt có chỗ gẫy gập thì mạch lạc cũng đứt không thể thông thấu nhau được. Đó cũng là cái bệnh ứ tắc của đất. Khôn khéo như tạo vật mà còn để lại khuyết điểm này cho đất phải có điều đáng tiếc. Đó không phải do vụng về mà ý tạo hóa muốn vậy!

Thợ tạo còn sinh ra muôn vật trên đất để làm cái công cụ to lớn đẹp đẽ của đất, mà tất cả đều nhờ vào những giòng nước để lưu thông hòa hợp. Nếu có chỗ nào giòng nước không đạt đến thì muôn vật trên mặt đất cũng bị chia lìa cách trở không thể tô điểm cho mặt đất hoàn toàn đẹp đẽ được. Đó cũng là cái bệnh bất túc của đất. Như ở biển thiếu gỗ, ở núi thiếu cá. Khéo sắp xếp để nên việc như tạo vật mà còn thiếu sót cho đất, không được đồng đều nhau. Đó không phải do vụng về mà ý tạo hóa muốn vậy.

Ý muốn như thế nào? Giả như trời đất chỉ có một vật không có linh giác mà không có con người thông minh trí tuệ sống ở trong đó để nuôi nấng điều động, giúp cho tạo hóa những chỗ thiếu sót thì cái công dụng tạo thành trời đất tạo thành vật loại cũng chưa hoàn toàn và chưa làm tỏ rõ được chỗ kỳ diệu của tạo vật. Giả như sự bài trí trên mặt đất này mà không có chỗ cách trở thì con người chúng ta cứ tự nhiên hưởng dụng chẳng góp phần gì vào việc đó, chỉ làm theo tự nhiên mà chẳng biết gì cả, thế có khác gì loài vật không linh giác, mà loài người cũng chả có gì là đáng quý.

Trong tam tài (1) con người ở vào giữa có thể sai khiến mọi vật, phàm ở trên đất có cái gì không đồng đều, đều có thể thông đồng hòa hợp, hình thế trên mặt đất có chỗ nào chưa được hoàn toàn, đều có thể chữa trị bổ khuyết để phụ vào cái kỳ diệu của tạo hóa đã sinh ra con người chúng ta. Như thế là tạo hóa cố làm ra những chỗ chưa hoàn toàn này để dành cho chúng ta bổ túc, mà do đó mới có con người sinh ra ở giữa trời đất này. Có thể bổ túc được công việc của tạo hóa thì cũng đồng với tạo hóa. Cho nên phải có con người siêu việt mới có thể có cái linh giác to lớn mở được nguồn mạch mà chữa cái bệnh bế tắc của địa hình.

Nay xin kể sự thực của nước ta để chứng minh. Từ khi có trời đất, sông núi nước ta vẫn y như cũ. Phàm có chỗ nào đường nước chưa thông thì trời sinh người thế hệ nào đủ giải quyết công việc thế hệ đó. Đối với những kênh nào có thể đào vét được thì tiền nhân đã đào vét và hoàn thành cả rồi. Duy có một Thiết Cảng này Triều đình trước đã tốn không biết bao nhiêu tâm lực vẫn không làm xong. Đó cũng vì tiền bạc thì ít mà công việc thì quá khó, lại không lượng sức muốn cưỡng lại cái công việc mà tạo hóa có ý lưu chậm lại đến ngày nay, cho nên không thể xong việc được. Nếu có thợ trời thầm giúp như Cao Biền với kên Thiên Lôi chẳng hạn thì đã trợ giúp cho Triều đình trước rồi. Kênh kia tuy hoàn thành nhưng trời đã chia công một nửa khiến con người không được làm trọn vẹn cái đẹp của riêng mình. Và như thế cũng chưa đủ làm tỏ rõ cái kỳ diệu của đạo trời vậy (2).

Phàm việc gì nhiều đời muốn, nhiều người cầu mà không được, cái đó mới vĩ đại mới quý báu, thế mà một sớm đã được rồi để hoàn thành cái chỗ thiếu sót của đất. Việc đó bậc chí nhân đâu có kể công, mà bút mực lời lẽ cũng không thể nào kể hết được.

Nay đại nhân vừa gặp đúng lúc trên làm tỏ rõ cái bí mật của trời mà lại thừa kế tiền nhân hoàn thành được cái sở dục sở cầu, thế là không những người sống chịu ơn mà kẻ chết cũng ôm lòng cảm kích, hơn nữa đã không phụ cái ý trời đã lưu chậm lại để đợi ngày nay vậy. Đại nhân quả thật đã bổ túc được chỗ thiếu sót của trời đất và trọn vẹn được cái địa vị mà ý trời dành cho con người xuất chúng.

Còn nói về cái lợi vô cùng đối với đất nước mà riêng tỉnh Nghệ được thừa hưởng nhiều hơn thì từ nay về sau con người sinh mãi sinh mãi không cùng, công nghiệp ấy cũng dài lâu không hết. Đã có bia miệng ngàn đời không mòn không mất không đổ không hư, khiến tên của đại nhân cùng lưu truyền với con kênh này cũng đã đủ, cần gì phải bắt chước người xưa uổng công xây dựng bia đá khắc văn chương cho mưa dập gió vùi rêu phong cỏ lấp ư? Nếu muốn nói sự lợi ích rộng lớn của con kênh này thì chỉ có hai chữ “vô cùng” mới nói hết được và đã có những người chịu ơn vô cùng thuật lại cho, đâu phải kẻ tiểu tử này trong một lúc nói mấy lời trên một trang giấy mà thuật hết được. Vậy xin dừng bút chẳng dám nhiều lời.

Nay kính dâng lời bạt này để chúc mừng.

Chú thích

(*) Nguyên văn chữ Hán: Hv 189/4 tờ 21-24

(1) Tam tài là trời, đất và người

(2) Ở đây Nguyễn Trường Tộ nhắc đến sự tích về cảng Thiên Uy mà Nguyễn Trường Tộ gọi là cảng Thiên Lôi, theo Nguyên sử chép rằng: Cao Biền đi tuần dương ở Dương Châu, thấy lòng sông lắm đá, thuyền bè đi lại không tiện, bèn sai Lâm Phùng và Dư Tồn Cổ đua quân đi khơi vét, gặp một chỗ có hòn đá lớn lắm, đứng trơ trơ giữa dòng, quân lính không làm thế nào mà phá tan được. Một hôm trời mưa to gió lớn có chừng hai trăm tiếng sét đánh luôn vào, làm cho hòn đá ấy vỡ ra, từ đó dòng sông mới thông. Vì có uy của trời sấm sét, cái kênh ấy mới thành, cho nên đặt tên là “Thiên Uy Cảng”. (Xem bài của Nguyễn Đức Tánh: “Các nơi cổ tích đất Nghệ Tĩnh”, NAM PHONG số 138, tháng 5 năm 1929, trang 247.)