DI THẢO SỐ 15: LẠI TÂM SỰ VỚI TRẦN TIỄN THÀNH (*)

(Ngày 3 tháng 5 năm Tự Đức 19, tức ngày 15 tháng 6 năm 1866)

Tôi là Nguyễn Trường Tộ xin kính bẩm.

Trước đây khi ở Kinh đô tôi đã thấy được nỗi lo âu về việc nước của các vị đại thần, lòng nhiệt huyết của các vị phải nghĩ đến nhiều việc, một lúc mà chồng chất trước mắt rất nhiều. Tôi đã thấy rõ đại thế trong thiên hạ có cái cơ có thể thịnh có thể suy, thấy rõ tình hình nước ta gặp lúc cả nghi ngờ, khó khăn lớn, thấy rõ cái ẩn ý chứa chất trong lòng dân các tỉnh trong nước, thấy rõ các quan địa phương làm việc công, việc tư như thế nào; thấy rõ bọn Thắng, Quảng gốc rễ chưa dứt, còn nhiều thế lực ngầm giúp, còn nhiều cớ gây sự; biết rõ bình dân và giáo dân còn nhiều mâu thuẫn tất sẽ có một bên bị tổ thương, mà khó bề xử trí; biết rõ giáo dân có nhiều ngách ngõ, có nhiều tài trí, đủ sức làm việc chung, cũng đủ sức tự vệ; biết rõ bình dân trước kia ỷ thế chất chứa thù hằn, làm những điều phi pháp hại người, để đến nỗi làm cho lòng người không yên; biết rõ người Tây còn như hổ rình mồi, sức ta chưa đủ, nếu không khéo điều đình sẽ ngã theo bánh xe trước; biết rõ nước ta có nhiều khiếm khuyết, những phương pháp cũ đã hoàn toàn vô dụng mà còn câu nệ ngăn trở công việc, còn nhiều chỗ nghi nan chưa tiêu tan, ý kiến chưa đồng nhất, chứng bệnh tích tụ lại chưa tiễu trừ, những yếu nhược tích tụ lại chưa phấn chấn, đường hiền tài còn bế tắc, trí học chưa mở mang, những tệ hại đó còn chất đầy, những tai họa còn dồn đến chưa chỉnh đốn hết được; biết rõ những phương pháp mới nên làm, tập tục cũ nên đổi, ôm của báu mà chịu nghèo đói sợ người khác cười chê, chỉ cho người món lợi sợ họ tranh phân, của cải hao hụt khó bề khởi sự, thành trì tổn hại khó bề chống đỡ, nguồn lợi đầy đất mà khó khai thác, tung hoành chưa được, chưa ai giúp đỡ, không làm thì không xong việc, mà làm thì lại không có người. Những tình thế đất nước như vậy ở các nước khác người ta lo liệu hàng trăm năm rồi, mà nước ta mới thấy một ngày. Các nước làm thực sự mà ta thì chỉ nói suông. Cho nên Triều đình sớm chiều nhọc mệt, xoay sở không kịp, chưa biết tính sao, nghĩ tình cảnh cũng khó lắm vậy.

Những điều trước đây khi ở Kinh, tôi đã mắt thấy tai nghe. Thế nhưng ở nước ta vẫn có nhiều người chưa hiểu thấu tình cảnh ấy của Triều đình và cũng chưa biết làm cách nào. Tôi biết rõ đại nhân cũng cùng nỗi khổ ấy, mà tri âm thì chẳng mấy ai. Tôi là người đã trải biết nhiều người nhưng thật khó mà có được một người để bày tỏ, lòng những chứa chất khó chịu, cho nên dám đem những điều này nói với đại nhân. Vì đại nhân là người tài lực như vậy, cũng đủ chia sẻ mối lo với Triều đình mà giúp cho việc lựa chọn người, biết đâu sẽ chẳng như trường hợp theo Khổng Tử thì có Trọng Do, môn hạ Mạnh Thường Quân chỉ có Phùng Hoan là người sau cùng giữ được khí tiết. Kính mong đại nhân xét kỹ, không nên vì hiện tại chưa rõ sự thế, không nên vì mới một ngày chưa để lội tài năng (1) mà nghi ngờ kẻ sĩ trong thiên hạ.

Chú thích

(*) Bản Hán văn Hv 189/1 tờ 103-104.

Bài này được viết từ Nghệ An, không biết có được gởi đi hay không được gởi và được cất giữ trong gia đình Trần Tiễn Thành, chứ không thấy lưu trữ trong Thư viện của Triều đình, bởi vì hầu như không ai được đọc bản văn này. Bản văn chúng ta hiện có trong Hv 189/1 có lẽ là bản thảo được cất giữ trong gia đình Nguyễn Trường Tộ, do ông Đào Duy Anh sao lại được.

(1) Nguyên văn: “Vị đắc thoái chuỳ” nghĩa là: “Mũi kim chưa được ló đầu ra?, lấy câu nói của Mao Toại thời Chiến Quốc. Mao Toại là môn khách của Bình Nguyên Quân. Khi nước Tần đánh nước Triệu, vua Triệu sai Bình Nguyên Quân chọn 20 môn khách gồm đủ văn võ đi theo, nhưng chỉ chọn được 19 nguời. Toại xin đi theo cho đủ số. Bình Nguyên Quân có ý ngờ tài năng của Toại, Toại nói: “Tôi bây giờ mới như cây kim còn cất trong bọc, được dùng mới lòi mũi ra”. Quả vậy, sang nước Sở, Toại đã dùng ba tấc lưỡi thuyết phục được vua Sở cho quân đi cứu nước Triệu.

Nguồn: www. dunglac.net