DI THẢO SỐ 14: TÌNH HÌNH LƯƠNG GIÁO Ở NGHỆ AN (*)

(22 tháng 4 năm Tự Đức 19 tức 4 tháng 6 năm 1866)

Nguyễn Trường Tộ kính bẩm.

Tôi sau khi từ Kinh về đến Xã Đoài tỉnh Nghệ An, những điều mắt thấy quả đúng với những gì đã nghe được mà còn hơn thế nữa là khác. Cứ theo cái đà này thì sự việc sẽ lan ra mãi chưa biết khi nào dứt. Đầu mối của sự việc là do sĩ phu, nhưng cái gốc của nó cũng do những người có quyền lực xướng xuất ra nữa. Cho nên tôi cứ nói ra không sợ oán trách; dù sau này có vì nói những điều này ra mà phải chết tôi cũng không quản. Đấy là nguyện vọng thiết tha của tâm tình, vì hai vị đại nhân mà nói. Bởi vì đã dùng quyền lực mà sinh sự thì muốn yên việc cũng phải dùng đến quyền lực mới được.

Trước đây, nhân chuyện người Tây đột nhiên đến, Triều đình chưa rõ vì ý gì, nên tiến hành việc phân tháp (1) để tạm thời giải tỏa sự nghi ngờ. Nhưng việc làm của Triều đình là do ý muốn yên dân, chứ không như việc làm của bọn ngoại gian, lửa đổ thêm dầu, làm điều ác độc ngoài pháp luật, rắp tâm muốn giết cho hết mới thôi! Ôi người xưa khóc kẻ có tội, làm tỉnh ngộ người trong ngục, tội nghi thì xử nhẹ, ăn ở có tình người ai lại không vui? Thậm chí, có người còn không muốn làm quan ở miếu đường, mà xin làm viên quản ngục, chính vì để được thương người đồng loại.

Cái đức lớn là quý trọng sự sống. Điều đáng ghét là tội ác, điều đáng yêu là tình người. tuy dưới dân phạm luật đáng giết, nhưng đối với quan trên, phải chém người cũng là điều đáng khóc thương. Nhờ thế mà hòa khí tích tụ ở dưới, điều tốt lành ứng ở trên; lúc bình thường bao nhiêu việc tốt lành liên tiếp đến, khi có biến những việc quái dị cũng sẽ tiêu tan. Như thế cũng khéo tránh được, khiến người phạm tội tự nhận tội, mà không làm điều gì hại đến hòa khí. Bởi vì khi con người ta đã mang tội với pháp luật dương gian, mà mình còn đổ cho người ta bao nhiêu tiếng ác nữa, thì mình cũng có tội nơi u đồ (2), cả hai đều có tội như nhau.

Những người có lòng nhân ái đời xưa không những lấy điều thiện của người khác coi như điều thiện của mình, hơn nữa còn nhân điều ác của người khác mà đem lòng thương xót, để sâu dày đạo đức. Bởi vì người có tội, có khi đáng tội, nhưng cùng có khi lầm đường, chưa thể biết được. Tuy đã phải chịu luật pháp của vua, nhưng cuối cùng phải do sự phán quyết của đạo trời, hoặc có khi còn được cải án là đàng khác. Nếu mình ghen ghét đố kỵ người ta, tuy bề ngoài đã hoặc chưa giở những thủ đoạn ác độc, nhưng trong lòng cái ác ấy đã kết thành, do đó trong thầm kín đã có thần linh tru phạt, vĩnh viễn không bao giờ cải cái án ấy được. Không những thế mà thôi, phàm các loài đã được sinh ra trong thế gian, không loài nào tạo vật không muốn cho nó sinh trưởng nhiều thêm. Tuy có lúc ngửa nghiêng, có khi bị dịch lệ mà tiêu hao ít nhiều, nhưng không trở ngại gì đến việc sinh sống. thế sao có người lại muốn cắt đứt thiên căn, lập bằng địa đạo (3), không chịu ở chung với nhau, cùng sinh cùng dưỡng.

Hiện nay ở tỉnh Nghệ hai bên lương giáo lòng đang sôi sục. Một bên nói không thể nào chung sống, phải giết cho hết tiệt mới thôi. Một bên nói con thú mà bị khốn quẫn còn cắn càn huống chi là con người? Nếu bên kia không để cho cùng sinh cùng dưỡng, thì bên này cũng không để bó tay chịu trói… Nhà nào ngõ nào cũng xôn xao bàn tán chuyện đó. Tôi lấy làm lo ngại mà không có cách nào giải quyết. Bởi vì sĩ phu trong tỉnh hạt có nhiều ý kiến khác nhau. Đã nói ra khó với lại được. Hơn nữa sự thù hằn này đã sâu sắc, việc làm ác độc này đã kéo dài, lòng không sao yên được. Cho nên không ai chịu tự giải thích cho mình, cũng không chịu giải thích cho người khác.

Đúng như đạo dụ của Thánh thượng trước đây có nói “Giáo dân tỉnh Nghệ hơn tám vạn, trong đó có nhiều tay không vừa, trừ phi có chiếu chỉ rõ ràng của Triều đình mới không dám kháng cự. Còn giữa dân với dân thì như nhau cả, nếu bức bách họ làm sao họ chịu yên được?”

Ở phương Tây trước kia đã có lần đại loạn gọi là chiến tranh tôn giáo. Đó là cái gương cho chúng ta soi. Vả lại, hai chữ “lương, dữu” chẳng có quan hệ gì đến sự thế quốc gia cả. Thế mà khắp cả tỉnh người người đều luôn mồm lấy hai chữ đó nhục mạ nhau. Một lời nói mà không chịu là xách dao đến chém nhau. Đó là điều tệ mà Triều đình đã cấm. Nhưng trong làng xóm người ta còn cậy thế lực hào lý áp chế nhau, còn dựa vào tục lệ mà tích oán thành họa. Lại còn một tệ đoan nữa là trong bình dân (4) có nhiều người quyền quý và những người có thế lực quan trọng liên kết với nhau nên dễ bề bày đặt khiến mọi người nghe theo. Ngay như trước đây khi Triều đình phân tháp họ đã làm những điều ác độc phi pháp, khắp nước chưa có đâu như tỉnh Nghệ. Ý họ muốn giết cho hết không sót một ai, như thế họ ăn nuốt mới trôi! Bởi vậy khi nghe có ân chiếu của vua, họ liền nói: “Triều đình hành sự như trẻ con”. Thủ đoạn ác độc đó thật quá lắm vậy. Nay sợ giáo dân kiện quan, bắt bồi thường những của cải mà trước kia họ đã lấy càn của giáo dân, nên họ nói đủ những lời đe dọa. Nay thì nói Triều đình sắp phá Hòa ước sẽ giết chúng bay. Mai lại nói chúng tao sắp cùng nhau giết chúng mày. Triều đình có chiếu lệnh điều hòa lương giáo thì các phủ huyện giữ kín không chịu thông tri ra. Giáo dân chỉ nghe phong thanh mà thôi. Như việc lần trước Triều đình miễn thuế cho những người giáo dân sau khi bị phân tháp mới trở về, thế mà dân chẳng ai biết. Vì vậy nhiều làng bị lý dịch vẫn cứ trưng thu đủ số. Tuy có đại ân mà cùng dân chẳng được hưởng tí gì. Việc lớn còn vậy thì biết việc nhỏ như thế nào.

Lại có một loại người bịa ra rằng ta đây vốn biết thâm ý của Triều đình: Ngoài thì hòa nhưng trong thì sợ. Như trước kia có lần đã bắt kê khai hết giáo dân nạp lên quan, có lần truy hỏi mỗi xứ có mấy linh mục. Hai việc ấy họ giải thích xuyên tạc rằng: Quan lớn này nói: “dần dần sẽ tính”, quan lớn kia nói: “phải ngấm ngầm đề phòng bọn đạo”, quan lớn khác lại nói: “bọn đạo không biết dao kề sau cổ, như chim én ở trong nhà, chẳng lâu lắc gì nữa đâu!” Vị quyền quý này nói: “Triều đình đã ngấm ngầm cầu viện, đã định ngày nổi lên giết Tây. Lúc đó bọn chúng tao sẽ đồng thời giết chúng mày. Không tin cứ xem trong bình dân nhiều người đã rèn khí giới rồi đó. Nếu chẳng phải Triều đình ngầm cho như thế hỏi người ta dám làm hay sao?”. Những lời bày đặt dọa nạt như vậy đi đâu cũng nghe nói. Cho nên, giáo dân một mặt thì sợ, một mặt thì hiểu lầm, người nọ bảo người kia, sự sợ hãi ngày một gia tăng. Thậm chí có người không thiết làm ăn, sợ thân như cá trong chậu. Thậm chí có người không làm việc gì nữa, chỉ lo trối trăn vĩnh quyết. Thậm chí có người chạy chọt đến những người bình dân ở xa, mua chuộc cảm tình để lo trước chỗ ẩn thân.

Dân tình thế đấy hỏi làm sao yên ổn lâu dài được? Xét cho cùng cũng bởi một là do ơn trên chưa được rộng khắp, hai là do sai lầm trước chưa giải thích được, ba là do bọn ăn không ngồi rồi bịa đặt mà gây liên luỵ, bốn là do bọn cường hào tác uy tác phúc ngoài pháp luật, năm là do bọn quyền quý mượn uy thế dọa nạt người, sáu là do dân đạo không yên tâm phải luôn luôn ngó trước nhìn sau. Những điều ẩn khuất như vậy, ở đây mười điều tôi chỉ mới nói một mà thôi. bởi vì chuyện đời thường ở trong thì nhỏ mà ngoài xé ra to. Huống chi những việc bình dân dọa nạt đâu phải mới một ngày một bữa, lâu rồi phải khiến người ta tin mà sợ. (5)

Đại nhân là người quan hệ đến việc khinh trọng của nước nhà, nên tôi dám đem trình bày rõ việc trên. Nguyên trước đại nhân đã xá cho tôi cái tội biết mà không thể không nói. Riêng tôi cũng tự tin rằng tôi không nói dối. Đại nhân ở chốn xa xôi ngàn dặm, nếu như tôi, kiêng dè không nói ra, thì những điều ẩn khuất làm sao thấu đến đại nhân được?

Nay kính bẩm.

Chú thích

(*) Bản Hán văn Hv 189/1 tờ 98-103.

Bài này được viết từ Xã Đoài, Nghệ An, đề ngày 22-4 năm Tự Đức 19 (tức 4-6-1866).

(1) Phân tháp: Phân là chia tách ra: tháp là cấy vào. Chính sách thời Tự Đức chia tách các cộng đồng giáo dân rồi cưỡng bức đưa đi ở rải rác những vùng xa xôi không có đạo để cô lập và quản thúc họ.

(2) U đồ hoặc minh đồ đều chỉ địa ngục, nơi tối tăm u ám mà người có tội phải chịu hình phạt sau khi chết.

(3) Thiên căn: cái gốc của trời. Địa đạo: Đạo đức của đất. Ý nói trời che đất chở, đức lớn bao dung.

(4) Chỉ bên lương.

(5) Nguyên văn: “Đầu trữ nhi khởi” nghĩa là ném con thoi mà đứng dậy. Tích mẹ Tăng Sâm dệt cửi, có người đến bảo cho bà biết “Tăng sâm giết người”. Bà cũng không tin, vì con bà là người hiền, nên cứ tiếp tục ngồi dệt vải. Lại có người đến nói “Tăng sâm giết người”. Bà cũng không tin. Sau nhiều người nói như vậy quá, cuối cùng bà ném con thoi đứng dậy mà xem. Thì ra đó là Tăng Sâm trùng tên chứ không phải con bà. Chuyện không đúng mà nói nhềiu quá, khiến người ta cũng phải tin.

Nguồn: www.dunglac.net