DI THẢO SỐ 11: TÂM SỰ VỚI TRẦN TIỄN THÀNH (*)

(Ngày mùng 3 tháng 2 năm Tự Đức 19, tức 19-3-1866)

Tôi là Nguyễn Trường Tộ xin kính bẩm.

Tôi trước đây bị ốm nặng ở Gia Định điều dưỡng đã gần hai năm nay mười phần đã giảm 5, 6. Tôi cũng định đi xa, một là để thỏa điều nguyện ước trước kia, hai là mong được bình phục sức khoẻ để sau này báo đáp ơn trên. Nhưng thời thế còn có điều trở ngại, do người đời còn ghét kẻ có tài mà chặn tay lại, ngay đến người có quyền lực như đại nhân mà còn gặp khó khăn, huống chi tôi là người thân hèn tài mọn mong dựa vào đại nhân để hành sự thì cũng chưa thể được. Không có cớ gì mà việc lớn cứ ngấm ngầm nảy sinh ra nên tôi không thể không trở về để tâu bẩm rõ ràng, ngõ hầu có thể đề phòng được sự việc trước lúc phát sinh. Tôi nghĩ rằng lòng của tôi đã không muốn vào tay người khác để họ sai khiến, mà lại có cách để tránh được tai họa, tưởng mọi người cũng có cái lòng như tôi, cho nên không dám tiếc tấm thân hèn sắp chết này mà không trở về Kinh để nói rõ cáy ý chí của thiên hạ như vậy. Sở dĩ tôi trở về tâu bẩm chính là ý đó.

Những điều trình bày trong các tờ bẩm trước không phải là những điều thấy nghe nhất thời mà tôi viết ra. Đó là những điều đã ôm ấp hàng năm, cho nên muốn thổ lộ chân tình, trút hết tâm huyết, mục đích không phải cầu cho lời nói của một mình tôi là thực mà chỉ muốn khắp thiên hạ chứng minh cho sự thực. Hơn nữa, tôi đang ở trong hoàn cảnh bị hiềm khích, chưa chắc ai đã tin ngay lời tôi nói, nên phải kiên nhẫn đợi chờ, không dám đuổi theo tài lợi, đành cam chịu cuộc sống nghèo khó đạm bạc, để cốt chứng minh cho lời nói của tôi là không vì một cái gì, không mọng được một cái gì, không bị ai sai khiến, không có một ý độ gì khác mà thật là vượt ra ngoài lẽ thường tình. Theo lẽ thường mà nói, thì những việc làm của tôi như vậy thật là khó hiểu, bấy lâu nay vì tôi không gánh vác gia đình, không thiết tha tài lợi, cả Tây Nam cũng đều thấy, như thế cốt để gạt lọc ý chí, đào luyện tính tình mà bảo dưỡng việc học tập của mình. Tất cả những điều đó vốn là để đợi thời hành sự, để mong làm được một vài điều lòng hằng ôm ấp, để trọn ơn trên, để tròn thế sự, chứ đâu phải cam chịu chôn mình trong cảnh tối tăm tịch mịch? Trung và hiếu vốn là hai điều khó giữ vẹn. Nhưng nếu chỉ nói suông không ngồi vào, không dự vào chỉ biết thân mình, nhà mình, theo thường tình, còn việc an nguy của quốc gia thì coi như chuyện của nước Sở nước Việt, không hết lòng báo đáp ơn nước nhà, một mai bốn phương xảy ra nhiều việc thì thân thích của mình cũng sẽ cùng số phận với việc mất còn của đất nước. Trung không thành thì hiếu chưa hẳn đã giữ được. Tôi đã thấy rõ ràng như vậy nên muốn vun đắp báo bổ cho tương lai, chớ không muốn làm gượng ép một cách tạm thời để đến lúc phải than thở ôm tài mà chết. Xin đại nhân xét lại những hành trạng của tôi xem tại sao tôi không chịu làm điều danh lợi cho mình trong lúc còn tuổi trẻ và trong những ngày có nhiều thuận lợi ấy, mà lại còn có cái ý khác trong lúc bệnh hoạn trói buộc, muộn màng gian nan? Nếu thấy những lý do đó thì biết được lập tâm của tôi như thế nào. Nay tôi nhận việc công về đây, chả mấy tháng bệnh cũ đã tăng lên, tuy được đại nhân chiếu cố cho thuyền đi lại mà cũng khó bề bôn tẩu vâng mệnh. Nhưng lòng tôi yên sao đựơc mà dám yên nhiên như thế? Cái tình ấy thật khó nói. Cúi xin đại nhân gia công tài bồi cho chậm lại ít lâu để tôi được khoẻ lại mới có thể ứng mệnh. Ngày báo đáp của tôi với Triều đình và đại nhân còn nhiều, trừ phi tôi chết mới thôi, chứ quyết không dám thay đổi chí hướng để mất đi cái kiên nhẫn của mấy năm trước kia là không cận nhân tình không mưu danh lợi. Kính mong đại nhân xét cho tấm lòng của tôi. Sau khi tôi trở về, nếu bệnh khỏi không đợi gọi tôi cũng đến, nhưng nếu chưa bớt thì dù có lệnh gọi tôi cũng xin đại nhân lượng thứ cho. Nếu có việc gì có thể sai phái như mua sách, hoặc trình bày việc này việc khác với họ, giúp đỡ lãnh sự để lấp mối hiềm nghi v.v… Những việc như thế tôi có thể giúp trong muôn một. Còn những việc có tác dụng lớn khác thì thế chưa thể làm được, sợ bệnh tái phát thì khó xong việc. Nếu đại nhân truyền gọi điều gì, xin hỏi nơi Giám mục Hậu, và xin nói cho biết rõ việc gì, đi đâu, đi lâu hay đi chóng hoặc tạm về rồi đi nữa, hoặc đi xa, hoặc ở Kinh để tôi dự bị mang theo những đồ dùng cần thiết phòng bệnh và ít nhiều tiền chi dụng khỏi phiền luỵ đến người khác.

Rất mong.

Nay kính bẩm.



Chú thích

(*) Nguyên văn chữ Hán: Hv 189/1 tờ 80-82.

Bài này được viết lúc Nguyễn Trường Tộ đang ở Huế, để giúp vào việc tàu London. Lần này Nguyễn Trường Tộ tuy có được hỏi han, nhưng không được sử dụng trong cuộc thương thuyết về tàu London, nên có vẻ ê chề, chán nản nên mới xin về Nghệ An.