DI THẢO SỐ 10: THẢO THƯ GỬI TÂY SOÁI (*)



(Nguyễn Trường Tộ soạn)

Trước đây chỉ vì bản triều chưa hiểu rõ sự thế phương Tây, mà quý soái trước kia (khi ở Đà Nẵng) lại đến đột ngột, không nói rõ ràng làm cho bản triều không hiểu, đến nỗi bất đắc dĩ phải đem binh tồi ra chống đỡ. Đó cũng là do tình thế bắt buộc. Mong quý quốc cũng không vì thế mà trách giận lâu dài. Kế đến khi gác giáo bàn việc giảng hòa quý quốc đòi phải tạm cắt đất bồi thường chiến phí, bản triều đã lập tức nghe theo, chính vì muốn giương cao uy danh của quý quốc, mà cũng vì tin tưởng sau này quý quốc cũng sẽ hiểu rõ tình hình giao hảo của bản triều mà cho thương thuyết châm chước trở lại. Xưa kia, vua Anh Cát Lợi có nói: “Ta chưa lên giường ngủ thì chưa dám cởi áo”. Chúng tôi nghĩ rằng quý quốc vì thấy bản triều hiện tại chưa rõ sự thế, nên tạm thời bắt phải cắt đất bồi thường để đợi khi nào bản triều hiểu rõ đại thể quý quốc, cùng nhau liên hợp lâu dài, cho nhân dân hai nước chung hưởng hạnh phúc hòa bình, thì quý quốc khi đó sẽ lấy tình mà cư xử, để bản triều và các nước thấy rõ tấm lòng quý quốc là đợi lúc “có thể cởi áo thì cởi” chứ vị tất đã có thâm ý mặc mãi chiếc áo đó. Nếu không, lẽ nào quý quốc chưa bao giờ mới đến xứ nào đã đối xử nghiêm khắc ngay với xứ ấy mà lại riêng đối xử với bản triều sao? Có lẽ tình không phải vậy mà thế phải làm như vậy. Hiện nay tình giao hảo của bản triều đối với quý quốc thật giả ra sao, dân sự nhân cái cớ đó mà bất an như thế nào, quốc kế chắp vá hao hụt như thế nào quý soái cũng đã rõ. Ba tỉnh thuộc quý hạt, dân chúng chưa đồng lòng, khó bề sai khiến. Tuy với thế lực của quý quốc, kinh doanh tốn kém lâu rồi mà còn như thế, thì tình hình ba tỉnh trong như thế nào cũng có thể suy ra mà biết được. Dân thuộc quý hạt đã am hiểu phong tục luật lệ bản triều nay bỗng chốc thay cũ đổi mới tất sẽ cho là chướng tai gai mắt. Hơn nữa lại có những kẻ dựa thế hại người, nay thì phao tin nói quý quốc sắp thi hành những chính sách tàn bạo, hại dân, mai lại nói bản triều sắp tiến hành khôi phục để giết dân, khiến đến nỗi dân tình Nam Bắc nghi ngờ sợ hãi. Phàm những chuyện đồn đại như thế không phải ít gì, tưởng quý soái cũng đã biết rõ. Như thế thì chẳng nhưng quý quốc khó bề quản trị, mà bản triều cũng bị hại lây. Dân ở quý hạt và bốn phía xung quanh đã từng được quý quốc dạy dỗ dẫn dắt lâu mà còn như thế thì những nơi xa xôi và những miền man mọi sẽ như thế nào. Roi dài vẫn không vươn tới được, đó là việc dĩ nhiên. Tuy quý quốc gấp rút việc đua đuổi nơi xa ngự trị lâu dài để cầu đạt sự mong muốn lớn, tuy bản triều gấp rút xóa bỏ những lời gièm pha, mở lòng thành thật với quý quốc để cùng chung hưởng điều lợi, nhưng hai bên vẫn còn một đường ngăn cách. Không có cách giải quyết khéo léo để xóa bỏ đường ngăn cách ấy thì làm sao liên hợp với nhau được? Bản triều thiết nghĩ quý quốc phàm đến nước nào cũng trước dùng uy rồi sau thi ân. Trước năm lý rồi sau cư xử bằng tình. Uy và lý là tạm thời, ân và tình là trường cửu. Uy và lý là để mở cửa cho ân và tình. Khi đã vào khỏi cửa rồi thì như một nhà sum họp vui vẻ cùng nhau, thế là lấy cái ân tình trường cửu mà bù lại cái uy lý bất đắc dĩ trước kia. Đâu có chuyện vì những lời đồn đại vu vơ mà nỡ bỏ cái lòng chân thành thiện đạo vốn có của quý quốc? Bản triều thật đã thấy rõ như vậy, nên ngày đêm suy nghĩ mong sao mối quan hệ với quý quốc đã thân lại càng thêm thân, để chặt đứt đường ngăn cách ấy đi, và trong bụng cũng thành thật tin tưởng quý soái sẽ rộng lượng không vì những lời phao đồn mà mất tình hữu nghị. Thật như thế thì từ nay về sau, hai bên có thể lấy quyền lực của vua mà điều hòa sắp đặt, hóa khó thành dễ, biến dị thành đồng, nơi có bù nơi không, nhân dân tương trợ lẫn nhau, bản triều với quý quốc tuy hai mà như một. Thế lực của bản triều là thế lực của quý quốc. Sự cường thịnh của quý quốc tức là sự cường thịnh của bản triều. Con rết trăm chân thì không ngã. Như thế thì có nước nào dám khinh miệt được? Vì rằng người bình thường muốn giao đính với nhau phải dựa vào tình bạn mới thành. Nếu cứ thù nhau mãn đời thì người ta phải tìm người bạn khác để làm kẻ thân thiết để giúp đỡ lẫn nhau, chứ có ai sống cô lập không cần sự giúp đỡ mà thành được việc đâu. Bản triều thiết nghĩ hiện nay các nước phương Tây đại loại đều như thế, cho nên thiết tha muốn được ít nhiều “gần đèn thì sáng” ngõ hầu mãi mãi nhờ thanh thế của quý quốc mà mở mày mở mặt trong thiên hạ, và quý quốc cũng có thể nương cậy lâu dài vào bản triều như là phên giậu che chở cho quý quốc, để gây ảnh hưởng rộng lớn ở phương Đông. Hai nước liên hợp với nhau lâu dài, chung nhau điều hay, món lợi, thì những điều sở cầu của quý quốc mới hợp với lương tâm, và giữ gìn được bụng ăn ở tốt với bản triều, để cho thiên hạ biết rõ quý quốc không phải lấy thế lực đàn áp người như các nước khác. Như thế thì bản triều sẽ tránh được cái tiếng xử sự hẹp hòi, khỏi phải chờ đợi gì nữa. Việc đó cũng do tự ý quý quốc thi hành ra trước đã. Bản triều lại thấy rõ người phương Tây phàm đến xứ nào thì trước hết dù có dựa vào thế lực của mình để chiếm cứ thị trường, nhưng cuối cùng cũng phải dựa vào quyền lực của xứ đó để kinh doanh khai thác, chứ chưa hề thấy dồn người cả nước mình đến đấy, bỏ cái gốc mà lo cái ngọn bao giờ. Giả sử vua xứ ấy không hiểu lẽ tương thông cứ dấy binh chống mãi thì cuộc tương tranh cũng không chấm dứt được. Cái thay vì để nuôi người trở thành cái làm hại người. Cho dẫu có quyết đánh lấy người ta cho được thì cũng chỉ tạm một thời mà thôi và cái được cũng bù vào cái mất, người bị hại nhưng đâu phải ta chỉ có lợi mà không có hại? Cuối cùng vật gì quá cực độ của nó thì nó sẽ phản ngược trở lại. Đâu có thể nào an nhiên tọa hưởng mãi trên đất xứ người ta? Như các nước ở Tây Châu là những bằng chứng cho điều này vậy. Bản triều đã hiểu rõ lý lẽ ấy cho nên không chịu để mất cả hai, bản triều chẳng những muốn mình vẹn toàn mà còn muốn cho người vẹn toàn nữa, vì thế cho nên có đoạn tâm tình trên đây. Mong quý soái hiểu cho lòng thành thật của bản triều. Vì rằng những sự thế này không thể đem miệng lưỡi giả dối ra mà nói được. Cách ngôn nói: “Biết trước đã rồi sau mới muốn”. Bản triều đã biết rồi, nên mới muốn như vậy. Thiết tha mong quý soái đừng vì việc đã qua mà nghi ngờ việc sau này, để tăng thêm sự điều đình hơn nữa để bản triều giữ được vẹn toàn nghĩa liên hợp lâu dài, và quý quốc cũng mãi mãi tránh được cái tiếng lấy thế lực chèn ép người. Như thế thì hai triều đình sẽ cố kết thông đồng, và đại hoàng đế quý quốc với đại hoàng đề bản triều mãi mãi giữ được tiếng thơm trong thiên hạ, nhân dân hai nước lấy tình thân ái lễ nghĩa đối đãi với nhau, chung nhau mối lợi cũng như sự vui buồn, như người trong một nhà. Như thế là tốt đẹp, quý soái có nghĩ như vậy chăng?

Nay kính

Ngày tháng 2 năm Tự Đức 19

(17-3 đến 14-4-1866)

Châu phê:

Bài này lý lẽ rất mềm dẻo, không chống, không theo, cũng rất nghiêm chỉnh và trang nhã khiến cho họ biết rõ có thế cũng không ỷ thế được, thật là không thèm dạy mà dạy cho họ vậy.

Chú thích

(*) Nguyên văn chữ Hán: Hv 189/4 tờ 17-20.

Cuối bài đề tháng 2 năm Tự Đức 19 tức khoảng từ 17-3 đến 26-3-1866 là ngày Nguyễn Trường Tộ rời Huế đi Quảng Bình. Nguyễn Trường Tộ đã thảo thư này trong lúc ở Huế vào đầu năm 1866, để trả lời một văn thư nào đó của Tây soái phiền trách việc quấy quá của nghĩa quân trong ba tỉnh đã nhường cho Pháp.