Chuyện đầu năm 2006 "Về một cuộc chuyển giao hữu trách ở Iraq"

Hôm 12.1.2006 vừa qua, Đức Giám Mục Thomas G. Wenski, Chủ Tịch Tiểu Ban về Chính Sách Quốc Tế của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ (HĐGMHK), đã công bố một bản tuyên cáo của Hội Đồng này dưới đầu đề “Về một cuộc chuyển giao hữu trách ở Iraq” (Toward a Responsible Transition in Iraq), cảnh cáo chính phủ Hoa Kỳ về những điều cần làm trước khi bỏ chạy khỏi Iraq để tránh gây thảm họa cho cả Iraq lẫn Hoa Kỳ.

Có thể coi bản tuyên bố này như là một sự tiên đoán Hoa Kỳ sắp “rút lui trong danh dự” và báo động về những gì Hoa Kỳ và Iraq sẽ gặp phải nếu Hoa Kỳ thiếu tinh thần trách nhiệm khi rút lui.

HAI CUỘC CHIẾN GIỐNG NHAU

Kể từ khi cuộc chiến Iraq xẩy ra cho đến nay, đã có nhiều sự so sánh giữa cuộc chiến này với cuộc chiến ở Việt Nam trước đây. Nhiều người cho rằng hai cuộc chiến đó hoàn toàn khác nhau và Hoa Kỳ không thể thất trận ở Iraq như đã thất trận tại Việt Nam. Nhưng với những tài liệu lịch sử có được, chúng tôi nhận thấy rằng mục tiêu và cung cách hành động của Hoa Kỳ trong cả hai cuộc chiến đều hoàn toàn gióng nhau: (1) Nhân danh sự ngăn chận một chủ trương bành trướng quá khích (hết Cộng Sản đến Hồi Giáo) để thực hiện đấu thầu quốc phòng và canh tân vũ khí. (2) Tạo ra những sự kiện giả tạo để có lý do phát động cuộc chiến. (3) Sau khi đạt mục tiêu, tìm cách xoay vần thế cuộc bằng một nước cờ khác và “rút lui trong danh dự” để mặc số phận của các nạn nhân.

Nhìn bên ngoài, nhiều người lầm tưởng rằng Mỹ thua, nhưng trong thực tế, Mỹ đã thắng. Hay nói đúng hơn, nước Mỹ, VNCH và Iraq thua, nhưng tư bản Mỹ toàn thắng! Đây là một cung cách làm ăn mà chỉ có một siêu cường quốc như Hoa Kỳ mới có thể thực hiện được. Nhìn qua những gì đã diễn ra, chúng ta cũng có thể nhận ra điều đó.

Về cuộc chiến Việt Nam: Sau khi nghiên cứu các tài liệu do chính phủ Hoa Kỳ giải mã, chúng tôi thấy có thể quy gồm cuộc chiến Việt Nam vào hai chương:

Chương một: Tư bản Mỹ đã nghiên cứu và hình thành một kế hoạch cực kỳ tinh vi để lật đổ chính phủ Ngô Đình Diệm, rồi tạo ra biến cố tàu Maddox như là một lý do để nhảy vào trực tiếp lãnh đạo cuộc chiến Việt Nam.

Chương hai: Sau khi thực hiện xong các cuộc đấu thầu quốc phòng và canh tân vũ khí, Hoa Kỳ đi đêm với Trung Quốc rồi tìm cách bán cái cho VNCH bằng cách “Việt Nam hóa” (Vietnamization) cuộc chiến và rút lui.

Nhưng sau cuộc hành quân Lam Sơn 719 vào Hạ Lào đầu năm 1970, các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ nhận thấy rằng các tướng lãnh VNCH không đủ khả năng bảo vệ miền Nam sau khi quân đội Hoa Kỳ rút ra, dù có viện trợ dồi dào, nên quyết định xóa bàn luôn. Để thực hiện quyết định này, Hoa Kỳ cũng đã hình thành một kế hoạch bỏ rơi miền Nam rất tinh vi: Khởi đầu là ký kết Hiệp Định Paris ngày 27.1.1973 với những điều khoản bán đứng miền Nam cho Cộng Sản. Daniel Ellsberg tiết lộ rằng Kissinger đã từng nói với ông sau khi Mỹ rút khỏi Việt Nam, miền Nam sẽ mất trong vòng hai năm.

Để cột tay chính phủ Hoa Kỳ, ngày 29.6.1973 Hạ Viện Hoa Kỳ đã biểu quyết một dự luật cấm các hoạt động quân sự của Hoa Kỳ trên toàn lãnh thổ Đông Nam Á. Dự luật nầy đã được lưỡng Viện thông qua ngày 21.9.1973. Đến ngày 12.10.1973, lưỡng Viện lại thông qua dự luật hạn chế quyền của Tổng Thống trong việc đưa quân đội Hoa Kỳ ra ngoại quốc. Trước những diễn biến như thế mà Tổng Thống Thiệu không hay biết gì cả, cứ la lối đòi quân viện và chơi trò tháo cáy để Mỹ sợ mất miền Nam phải quay trở lại!

Khi cuộc tháo chạy bắt đầu, để tránh mọi rối loạn có thể xẩy ra, gây khó khăn cho sự ra đi của người Mỹ và chuẩn bị cho một cuộc đầu hàng nhẹ nhàng, một mặt Washington giả vờ nhờ Đại Sứ Pháp mở cuộc thương lượng với Hà Nội để tìm một giải pháp chính trị cho miền Nam, mặc dầu biết rằng chuyện đó chẳng bao giờ xẩy ra. Mặt khác, Đại Sứ Martin tìm cách đưa Dương Văn Minh ra để tuyên bố đầu hàng, với sự loan truyền rằng Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam chỉ thương thuyết với Dương Văn Minh chứ không chịu nói chuyện với Nguyễn Văn Thiệu, nên Thiệu phải ra đi! Tướng Dương Văn Minh như một tên ngố, lúc nào cũng bị trúng kế của Mỹ.

Về cuộc chiến Iraq, cũng có thể quy gồm vào hai chương như cuộc chiến Việt Nam, nhưng Tổng Thớng Bush đã hành động một cácg vụng về và trắng trợn hơn các chinh phủ trước nhiều:

Chương một: Một mặt Tổng Thớng Bush cho rằng chính phủ Saddam Hussein có liên hệ đến vụ tấn công 911, và mặt khác, đưa ra những tin tình báo ngụy tạo nói rằng Iraq có vũ khí hủy diệt hàng loạt, rồi dựa vào những sự ngụy tạo đó để khai chiến, bất chấp Liên Hiệp Quốc và sự phản đối của dư luận thế giới. Chính phủ Bush đã dựa vào một thứ quyền không được luật pháp quốc tế công nhận để hành động, đó là “quyền ra tay trước bằng quân sự”, tiếng Anh gọi là “preemptive use of military force"!

Chương hai: Trên Saigon Nhỏ số ra ngày 28.11.2003, dưới đầu đề “Con đường đi ra...”, chúng tôi đã viết: “Hiện nay, một số bình luận gia Mỹ đang bàn về chuyện “Iraqization” của Mỹ, tức “Iraq hóa” cuộc chiến Iraq, trao dần trách nhiệm về cuộc chiến này lại cho người Iraq, từ hành chánh đến quân sự, rồi bỏ chạy, y hệt như trường hợp “Việt Nam hóa” (Vietnamization) cuộc chiền Việt Nam trước đây.”

Để “Iraq hóa chiến tranh”, Hoa Kỳ đã thực hiện các điều sau đây:

(1) Dùng giáo phái Shiite và người Kurd để chế ngự giáo phái Sunni.

(2) Huấn luyện một đội dân quân để thay thế quân đội ngoại nhập, mặc dầu khả năng chiến đấu rất yếu kém.

(3) Tổ chức “bầu cử dân chủ” đưa tới sự chiến thắng tất nhiên của giáo phái Shiite.

(4) Vấn đề tái thiết: Năm 2003 Quốc Hội Hoa Kỳ đã chuẩn cấp 18,4 tỷ để tái thiết Iraq. Nhưng tài liệu mới được công bố vào cuối tháng 1/2006 cho biết việc tái thiết đã bị trì trệ vì 1/3 số tiền này phải được xử dụng để chi cho vấn đề an ninh. Tính đến hết tháng 9/2005, có đến 5,6 tỷ, tức gần 1/3 trong tài khoản 18,4 tỉ được cấp, đã được dùng vào các ưu tiên về an ninh, vì thế phải chấm dứt nhiều dự án sửa chữa đê đập, tăng phẩm chất nước sinh hoạt, tu bổ hệ thống cống rãnh để giải tỏa nước thải gần các trường học, bệnh viện và chợ búa, v.v.

Ngoài ra, công tác kiểm toán cũng phát hiện nhiều vụ gian lận. Đã có 4 viên chức bị truy tố và 12 vụ đã được báo cáo với Bộ Tư Pháp để mở cuộc điều tra.

BÁO ĐỘNG CỦA HĐGM HOA KỲ

Bản tuyên cáo của HĐGMHK dài 7 trang, đề cập đến các cuộc thách đố ở Iraq, trong đó có ba thách đố chính là thách đố đối thoại, thách đố về luân lý và thách đố đặc biệt cho việc chuyển giao hữu trách.

1.- Nhận định tổng quát: Mở đầu, bản tuyên cáo đã đưa ra những nhận định như sau:

“Khi chúng ta bắt đầu một năm mới và gần 3 năm sau cuộc khởi chiến thì tình hình ở Iraq vẫn còn phức tạp, bất ổn và nguy hiểm – đối với nhân dân Iraq, với miền đất ấy, với quốc gia chúng ta, và với nhân viên quân sự của chúng ta. Cái giá phải trả cho cuộc chiến tranh này là những mạng sống bị mất đi và con số bị thương tích còn nhiều hơn thế nữa, trong tình trạng liên lỉ bạo loạn và nổi loạn, cũng như trong những cuộc đấu tranh từng ngày của nhân dân Iraq để xây dựng tương lai cho một quốc gia tan nát của họ. Hội Đồng Giám Mục chúng tôi thương khóc cho trên 2.100 những người con nam nữ của đất nước chúng ta cũng như cả hằng chục ngàn người Iraq. Chúng tôi chia sẻ niềm đau với vô số người đã bị thương tật và những ai cuộc sống không bao giờ còn được như trước nữa. Có những thành đạt đã được thực hiện. Nhà độc tài đã bị truất phế và các cuộc tuyển cử đã được tổ chức, thế nhưng cũng cần phải công nhận về những cái giá về nhân bản và xã hội đã phải trả cho những thành đạt này nữa...”

2.- Xác định lãnh vực và thái độ đối thoại

Về lãnh vực đối thoại: Vì HĐGMHK là một cơ quan lãnh đạo tôn giáo chứ không phải là một tổ chức chính trị, nên Hội Đồng đã giới hạn tiếng nói của mình trong phạm vi luân lý, một lãnh vực mà Hội Đồng có thẩm quyền. Bản tuyên cáo viết:

“Là những giám mục và là mục tử, chúng tôi tìm cách cống hiến một số những ý nghĩ về luân lý hầu giúp phần vào việc hướng dẫn quốc gia của chúng ta trên con đường khó khăn trước mắt. Chúng tôi công nhận rằng con người thành tâm thiện chí có thể bất đồng với những phán đoán khôn ngoan chuyên biệt do chúng tôi cống hiến, nhưng truyền thống tôn giáo của chúng tôi kêu gọi chúng tôi hãy chiếu sáng đức tin cùng với giáo huấn về xã hội của Giáo Hội trên những khía cạnh luân lý (moral dimensions) liên quan tới những quyết định tương lai cần phải thực hiện. Chúng tôi hy vọng những ý nghĩ của chúng tôi đây sẽ góp phần vào việc đối thoại nghiêm túc trong dân chúng trên toàn quốc hầu giúp đất nước chúng ta phác họa ra một con đường tiến tới có thể đáp ứng được những khía cạnh về luân lý và nhân bản của tình hình ở Iraq.

Về thái độ đối thoại: Hội Đồng mong muốn rằng những cuộc đối thoại về vấn đề Iraq, một vấn đề khá phức tạp, phải được thực hiện trong tinh thần xây dựng, tránh những cuộc tranh luận không đưa tới hiệu quả nào. Bản tuyên cáo nói:

“Hội Đồng Giám Mục chúng tôi tiếc rằng những cuộc bàn luận về vấn đề Iraq thường hay dẫn tới những cuộc tranh cãi vô hiệu quả rõ ràng là vì sự phân hóa và chủ trương chính trị từ nhiều phía. Điều quan trọng đối với mọi người là phải nhìn nhận rằng việc nói lên các vấn đề liên quan tới những quyết định dẫn chúng ta tới cuộc chiến, cũng như việc điều hành cuộc chiến và những hậu quả của nó, đều là cần thiết và do lòng ái quốc. Điều quan trọng khác là phải bàn đến những vấn đề này một cách lịch sự để sự suy tư cần thiết và sự cân nhắc cẩn trọng không bị lọt vào những cuộc tấn công và phản công. Trái lại, quốc gia của chúng ta cần phải thực hiện những cuộc bàn luận nghiêm túc trong quần chúng về những phương cách nhấn mạnh tới việc hoạch định vấn đề chuyển nhượng hữu trách ở Iraq. Hội Đồng của chúng tôi hy vọng rằng bản tuyên cáo này có thể góp phần vào một cuộc đối thoại như thế.”

3.- Những thách đố về luân lý:

Về việc mở cuộc tấn công Iraq: Trước hết, bản tuyên bố nhắc lại mối quan tâm hệ trọng về luân lý của Giáo Hợi Công Giáo đối với cuộc can thiệp bằng quân sự ở Iraq. Hội Đồng nói rằng cuộc tấn công này có tính cách tiêu cực của một cuộc xâm chiếm và chiếm đóng với các hậu quả không thể lường được và bất khả chế ngự. Hội Đồng hết sức ngờ vực về “quyền ra tay trước bằng quân sự” (preemptive use of military force) mà Tổng Thống Bush đã chủ trương, vì “Việc dấn thân vào một thứ chiến tranh phòng ngừa mà không có chứng cớ rõ ràng cho thấy cần phải thực hiện một cuộc tấn công cấp thời thì không khỏi gây ra những vấn đề nghiêm trọng về luân lý và pháp lý.”

Về việc chuyển giao để rút ra: Theo quan điểm của Hội Đồng, các lực lượng quân sự của Hoa Kỳ chỉ lưu lại ở Iraq bao lâu việc chuyển giao hữu trách này cần thiết và triệt thoái sớm hơn là muộn. Hội Đồng hoan nghênh những tin tức mới đây tường trình rằng mức độ quân nhân sẽ được giảm bớt khi người Iraq đảm nhiệm hơn nữa trách nhiệm cho nền an ninh của họ.

Tuy nhiên, Hoa Kỳ cần phải tỏ ra minh bạch hơn, cho thấy rằng mục đích của chính sách Hoa Kỳ là để giúp nhân dân Iraq nắm trọn quyền kiểm soát chính quyền của họ, chứ không phải chiếm đóng quốc gia này trong một thời gian vô hạn định.

Hội Đồng kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ phải tìm kiếm việc hỗ trợ và tham dự rộng rãi của quốc tế trong việc ổn định hóa và tái thiết Iraq, bất chấp những lỡ làng trong quá khứ và những khó khăn trong hiện tại,

4.- Chuyễn giao hữu trách: Hội Đồng cho rằng khi chuyển giao quyền hành lại cho người Iraq, Hoa Kỳ phải thực hiện một cuộc chuyển giao hữu trách, tức phải thiết lập một loạt những chuẩn mức căn bản, bao gồm những điều sau đây:

- Đạt được mức độ an ninh thích hợp;

- Thiết lập qui tắc luật lệ;

- Phát động việc tái thiết kinh tế để giúp tạo lập được mức độ hữu lý về công ăn việc làm và cơ hội kinh tế; và

- Nâng đỡ việc phát triển các cấu trúc chính trị trong vấn đề gia tăng tính cách bền vững, việc tham gia chính trị và tôn trọng quyền tự do tôn giáo cùng các thứ nhân quyền.

Với những chuẩn mức như vậy, Hoa Kỳ cũng như Iraq đang gặp nhiều thách đố đặc biệt. Bản tuyên cáo viết:

“Hội Đồng Giám Mục chúng tôi tin rằng quốc gia của chúng ta và nhân dân Iraq đang phải đương đầu đối diện với một số những thách đố đặc biệt xuất phát từ tình hình phức tạp, bất ổn và nguy hiểm ở Iraq. Những thách đố này bao gồm:

- Nạn khủng bố và việc chống khủng bố;

- Việc vi phạm nhân quyền của những người bị các lực lượng Hoa Kỳ và Iraq giam giữ;

- Những mối đe dọa về quyền tự do tôn giáo và về thành phần thiểu số tôn giáo ở Iraq;

- Cảnh khốn cực của thành phần tị nạn.

Vì là một cơ quan lãnh đạo tôn giáo, Hội Đồng đã quan tâm đặc biệt đến ba vấn đề: Bạo động và khủng bố, nhân quyền và quyền tự do tôn giáo.

Về bạo động và khủng bố: Hội Đồng lên án tất cả mọi cuộc khủng bố tấn công, nhất là những cuộc khủng bố tấn công các thành phần dân sự. Theo Hội Đồng, việc sử dụng võ lực không bao giờ chính đáng khi nó không biết phân biệt giữa thành phần chiến đấu và thành phần không chiến đấu trong cuộc xung đột.

Về nhân quyền: Hội Đồng quan tâm đến những sự vi phạm các thứ nhân quyền của những người đang bị giam giữ bởi quân đội Hoa Kỳ, và những những sự lạm dụng tương tự bởi các lực lượng Iraq mới tái thiết.

Đến đây, chúng tôi xin nhắc lại một số sự kiện đã khiến HĐGMHK phải quan tâm: Hôm 18.1.2006 vừa qua, tổ chức Human Rights Watch có trụ sở ở New York đã công bố bản phúc trình thường niên về các vụ vi phạm nhân quyền trên toàn cầu. Bản phúc trình này nói rằng việc chính phủ Hoa Kỳ cho phép tra tấn và các hình thức ngược đãi khác trong cuộc chiến chống khủng bố đã gây phương hại đến lý tưởng nhân quyền trên khắp thế giới và làm tổn thương uy tín của Hoa Kỳ.

Theo tổ chức này, các nỗ lực của chính phủ nhắm đánh bại một dự luật của Quốc Hội đặt việc đối xử tàn ác, vô nhân đạo và làm mất phẩm giá các tù nhân ra ngoài vòng pháp luật là một thí dụ chính cho thấy chính sách của chính phủ. Tổ chức đề nghị Tổng Thống Bush bổ nhiệm một công tố viên đặc biệt cứu xét các vụ vi phạm này.

Hôm 13.1.2006, khi đến viếng thăm Washington, bà Angela Merkel, Thủ Tướng Đức, đã yêu cầu Hoa Kỳ đóng cửa trại giam tại vịnh Guantanamo. Nhưng trong cuộc nói chuyện với các ký giả tại Tòa Bạch Ốc, Tổng Thống Bush nói rằng sự hiện diện của trại Guantanamo, giam các nghi can khủng bố, là cần thiết để bảo vệ nhân dân Mỹ.

Trước tình trạng này, bản tuyên cáo của HĐGMHK nói:

“Hội Đồng Giám Mục chúng tôi, một lần nữa, hết sức xin ra tay ngay chấm dứt các thứ vi phạm ấy, ngăn ngừa những tái diễn trong tương lai và điều tra xem nguyên do của nội vụ. Việc lạm dụng và hành hạ thành phần bị giam giữ là những gì vi phạm tới nhân quyền. Những hành động này đồng thời cũng làm suy yếu đi cuộc chiến đấu chống khủng bố và những quan điểm về một cuộc chuyển giao hữu trách ở Iraq.

“Quốc gia của chúng ta cần phải sống trọn với Hiến Pháp của chúng ta cấm thực hiện việc trừng phạt dã man và dị thường, và gắn bó với Công Ước Geveva năm 1949 và Công Ước Chống Hành Hạ và Những Hành Động Tàn Ác Khác, Việc Đối Xử hoặc Trừng Phạt Phi Nhân hay Hạ Nhục năm 1984. Là một nước lãnh đạo thế giới, quốc gia của chúng ta cần phải làm gương trong việc gắn bó với những chuẩn tắc quốc tế.”

Hội Đồng tuyên bố ủng hộ những nỗ lực của Quốc Hội trong việc cấm đoán việc đối xử hay trừng phạt dã man, phi nhân và hạ nhục con người cũng như trong việc đưa ra những tiêu chuẩn đồng loạt về việc chất vấn những ai bị Bộ An Ninh giam giữ. Hội Đồng cũng ủng hộ dự thảo chỉ định một viên chức đặc biệt về nhân quyền cho Tòa Lãnh Sự Hoa Kỳ ở Baghdad.

Về tự do tôn giáo: Hội Đồng kêu gọi bảo vệ quyền tự do tôn giáo ở Iraq và bày tỏ những mối quan tâm nghiêm trọng về những khoản tương khắc trong bản dự thảo hiến pháp của Iraq và đang đề phòng việc áp dụng bản hiến pháp này. Hội Đồng kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ chủ động giúp vào việc đẩy mạnh vấn đề bảo vệ quyền tự do tôn giáo cả luật pháp lẫn thực hành.

Ở đây chúng tôi cũng xin nhắc lại một số vi phạm quyền tự do tôn giáo tại Iraq mà các giáo hội Thiên Chúa Giáo rất quan tâm.

Hôm 1.8.2004, một loạt bom nổ tại 5 nhà thờ ở Baghdad và thành phố Mosul ở phía bắc Iraq, làm thiệt mạng ít nhất 11 người và 50 người khác bị thuơng. Mục tiêu mới của nhóm nổi dậy nhắm vào cộng đồng người thiểu số Kitô giáo ở Iraq.

Ông William Warda, Chủ Tịch Phong Trào Dân Chủ của Bộ Văn Hoá Thông Tin Iraq cho biết nhiều nhà thờ đã nhận được những lá thư nặc danh đe dọa. Còn Đức Giám Mục Rabban Al-Qas cho biết nhiều tấm bích chương cảnh cáo người Kitô Giáo phải cải sang Hồi Giáo nếu không thì bỏ nước mà đi sang ngoại quốc.

Những lời đe dọa này trước đây không nghiêm trọng lắm, nhưng nay có vẻ như đang trở thành hiện thực. Đức Giám Mục Louis Sako nói: “Các nhà thờ Công Giáo cũng như Chính Thống đã phải hủy bỏ tất cả các dịch vụ, các lớp dậy giáo lý về ban đêm, chỉ giữ những chương trình ban ngày.” Nhiều người cho phóng viên hãng thôn tấn Asia News biết rằng những người Hồi Giáo quá khích đã gọi người Kitô Giáo là Thập Tự Quân, hay là Đạo Quân Thứ Năm của Kitô Giáo Tây Phương và của Mỹ. Nhiều người Kitô giáo tại Iraq đã tỏ ra lo âu về những sự chống đối này. Một số đã chạy sang các nước láng giềng.

Trước khi cuộc chiến xẩy ra, có khoảng 750.000 người Công Giáo tại Iraq trong một dân số khoảng 24 triệu người. Gần đây, các các bản tin đánh đi từ Baghdad, thường cho rằng số người Công Giáo tại Iraq có khoảng 500.000 người. Nhưng theo thông tấn xã Công Giáo Hoa Kỳ CNS, con số 500.000 là con số thống kê đầu năm 1991. Số giáo dân Công Giáo hiện nay chỉ còn khoảng 175.000 người, tức đã mất đi khoảng 2/3.

Một viên chức Tòa Thánh so sánh sự ra đi của người Công Giáo "Giống như một cuộc xuất hành trong Kinh Thánh". Viên chức thuộc Sở Thống Kê Trung Ương của Tòa Thánh nhận định: "Với sự đe dọa của chiến tranh, những người Công Giáo còn lại có lẽ phải nghĩ kỷ về chuyện cuốn gói ra đi".

Đức Giám Mục Shlimon Warduni của Giáo Phận Baghdad tuyên bố rằng ngài rất quan ngại về đoạn văn nhấn mạnh “Không một điều khoản luật nào được phép đi ngược lại với giáo huấn của Hồi Giáo” trong Hiến Pháp Iraq. Ngài nói: “Đó là một tiền đề nguy hiểm chống lại các tôn giáo thiểu số và quyền tự do cá nhân”.

Cuối bản tuyên cáo, HĐGMHK đã nhận mạnh: “Cuộc đối thoại đất nước này cần phải được bắt đầu bằng việc tìm kiếm “sự thật” về chỗ đứng của chúng ta ở Iraq, chứ không phải việc tìm kiếm lợi ích chính trị hay những biện minh cho các chủ trương trong quá khứ.”

RỒI CŨNG “SỐNG CHẾT MẶC BÂY”?

Dĩ nhiên, vì là một tổ chức tôn giáo, HĐGMHK chỉ đề cập đến những vấn đề liên quan đến thẩm quyền của mình, nhưng còn nhiều vấn đề phức tạp khác cũng cần phải đề cập đến, như khả năng tự vệ bằng quân sự của người Iraq chẳng hạn.

Tại Iraq hiện nay, giáo phái Shiite chiếm đa số, tức từ 60% đến 65%, còn giáo phái Sunni chỉ từ 32% đến 37%. Vì thế, Hoa Kỳ đã dựa vào giáo phái Shiite vốn bị ngược đãi dưới thời Sddam Hussein, để xậy dựng lực lượng nồng cốt. Nhưng trên thế giới, nhất là tại các nước Arập xung quanh Iraq, những người theo giáo phái Sunni lên đến 940 triệu, trong khi những người theo phái Shiite chỉ khoảng 120 triệu. Vì thế, giáo phái Sunni đã dùng lực lượng bên ngoài để tấn công bên trong.

Về khả năng chiến đấu, người ta nhận thấy khả năng của các đội dân quân Iraq hiện nay chỉ hơn nhân dân tự vệ của VNCH trước đây một chút. Chỉ có khoảng một tiểu đoàn có khả năng chiến đấu ngang với địa phương quân VNCH, nhưng đội quân này lại có thể bỏ chạy khi bị tấn công ồ ạt.

Tại VNCH trước đây, trong khi Hà Nội làm con đường Đông Trường Sơn, đưa quân và tiếp liệu vào Chiến Khu Đ để đánh thẳng vào Sài Gòn, bỏ qua các tỉnh miền Trung, thì Tổng Thống Thiệu phát động kế hoạch “cải cách hành chánh” ở nông thôn để lấy lòng dân, còn Đại Sứ Bùi Diễm cho rằng VNCH thất bại vì không nghe lời ông thực hiện dân chủ! Nay nếu Iraq cũng đi vào con đường VNCH đã đi trước đây, nghĩa là chỉ lo “thực hiện dân chủ” bằng giấy tờ, chắc chắn không tránh khỏi thất trận như VNCH.

Khi còn quân đội Mỹ ở miền Nam, Cộng quân đã phân tán mỏng lực lượng của họ ra từng tiểu đoàn và di chuyển nhanh ra khỏi vùng đang đóng mỗi khi được tàu chiến Nga ở Thái Bình Dương báo động B52 đang tiến vào Việt Nam. Nhưng sau khi quân Mỹ rút và B52 không còn, Cộng quân đã xử dụng cấp sư đoàn để tấn công các cứ điểm của VNCH như Thường Đức, Phước Long..., quân đội VNCH không thể kháng cự nổi.

Tình trạng này rồi cũng sẽ xẩy ra ở Iraq: Sau khi Mỹ rút, các lực lượng chống đối sẽ hình thành những đơn vị từ cấp tiểu đoàn trở lên và mở cuộc tấn công. Lúc đó làm sao đám dân quân yếu kém của Iraq có thể chống cự nổi?

Rõ ràng là Mỹ đang đưa Iraq vào tình trạng của VNCH 40 năm về trước!