Quê hương

Con người ai cũng có nhu cầu được sống dưới một mái nhà, trong một nơi chốn, mà chúng ta gọi là quê hương. Quê hương gắn liền với đời sống con người từ khi thành hình sự sống trong cung lòng mẹ, rồi khi mở mắt chào đời và trải qua suốt đoạn đường đời lớn lên trưởng thành.

Quê hương đó là cung lòng mẹ cha, là mái nhà cha mẹ, là nhà trẻ, là trường học, với người Công giáo còn là thánh đường, nơi khi còn thơ bé được bồng ẵm tới nhận lãnh làn nước bí tích Rửa tội, nơi bạn trẻ tiếp nhận Tấm bánh Thánh Thể tình yêu Thiên Chúa lần đầu tiên, cũng có thể là nơi đôi bạn trẻ cùng dắt tay nhau đến đó trao cho nhau lời thề ước tình yêu lòng chung thủy hôm nay và ngày mai.

Quê hương cũng là những người thân yêu ruột thịt, những người làm ơn cho ta, những người cùng nhau trải qua mọi biến cố thăng trầm vui buồn trong đời sống.



Tâm tình nhớ đến những người đã qúa vãng ra đi khỏi cuộc sống trần gian là tâm tình gợi nhớ về quê hương. Ông bà cha mẹ, vợ chồng, con cái cháu chắt, bạn bè người quen thân, người làm ơn xưa kia là một phần mảnh tình yêu sự âu yếm của đời sống ta. Họ là một phần mảnh quê hương đời ta.

1. Mất quê hương

Quê hương trên mặt đất con người chúng ta đang sống không là một quê hương muôn đời cho con người. Sự chết chấm dứt quê hương đó. Nấm mồ của người qúa cố trong lòng đất nói lên sự thật đó: quê hương đời sống trên trần gian có ngày bị chia lìa, bị tiêu hủy tan rã ra bụi đất. Và như thế con người bị mất quê hương.

Triết gia Ernst Bloch có suy tư: „ Quê hương là điều chiếu bừng lên ngay từ thời thơ bé, nhưng trong đó lại chưa có ai đã đến“.

Nói cách khác, ngay từ thuở còn thơ bé chúng ta đã học yếu mến quê hương trần gian trên mặt đất, nhưng vẻ đẹp trong sáng của nó dần dần biến mất như lá cây dần vàng úa, rồi khi bước chuyển sang mùa thu, nó sẽ rơi rụng khỏi thân cây.

Quê hương trên trần gian không có khả năng mang lại hạnh phúc muôn đời bất diệt. Trong khi đó chúng ta lại khao khát mong chờ từ tận sâu thẳm của trái tim tâm hồn: sự đùm bọc âu yếm và hạnh phúc không bến bờ.

2. Nhớ quê

Xa quê hương nơi sinh ra lớn lên, xa nơi có những kỷ niệm ngày xưa thân ái, xa người quên thân yêu, tất cả tạo nên nỗi niềm nhớ nhà, nhớ quê hương. Nhưng còn có những cảm nghiệm nhớ nhà khác nữa. Chúng là những đau đớn. Ngay trong cuộc sống con người khi thây mình lạc lõng, cảm thấy lạnh lùng, cô đơn: nơi thiếu vắng tình yêu thương; nơi vòng thân hữu tình người bị cắt đứt chia tay; nơi lúc gặp thất bại, thiếu niềm tin tưởng hy vọng; nơi không có hòa bình trật tự và nơi điều tiêu cực chết chóc xảy ra liên tục…

Trải qua sống trong những cảnh ngộ như thế, gợi lên tâm tình một khởi đầu mới, một thế giới vô tội của trẻ thơ, một nơi không còn nước mắt đau khổ, một nơi là bờ bến niềm an ủi hy vọng. „ Quê hương là điều bừng chiếu lên ngay từ thời thơ bé, nhưng trong đó lại chưa có ai đã đến.“



3. Về quê hương trên trời

Mỗi khi nhớ đến những người đã đi về đời sau, cũng nhớ đến nơi chốn lòng tin tưởng và nơi chốn tình yêu thương, mà ngày xưa đã cùng trao tặng chung sống với nhau, nhưng bây giờ sự chết đã chia lìa ngăn cách đẩy lui vào thời gian qúa khứ.

Chúng ta cũng nhớ đến, trong suy nghĩ ước vọng, những gì còn dang dở chưa hoàn thành.

Thế nào đi chăng nữa, nơi đây và lúc này chúng ta đang trải qua nỗi buồn thương vì mất một mảnh phần quê hương.

Thánh Phaolô đã tâm tình: „ quê hương chúng ta ở trên trời“, nơi đó chưa ai trong chúng ta đã trải qua. Con người chúng ta có tâm tình nhớ quê, muốn trở về nhà mình. Nỗi nhớ nhà của người Công giáo biểu hiện qua cung cách thái độ sống là một người khách lữ hành trên đường về quê trên trời. Họ mong chờ gặp được Chúa Giêsu, Ðấng là Thiên Chúa và đấng cứu chuộc con người.

Hướng về Thiên Chúa với tâm tình:

- Xin tạ ơn NGÀI đã ban ân đức cho đời sống người đã qua đời, và đã trao tặng lòng từ bi nhân hậu cho con người.

- Xin NGÀI dủ lòng thương tha thứ những lỗi lầm thiếu xót và tội lội của người còn sống cũng như người đã qua đời. Chúa Giêsu sẽ vực dậy và bổ túc hoàn thiện những gì còn thiếu xót nơi con người bất toàn.

Tưởng nhớ những người đã qua đời, tháng 11.2005