SỨ ĐIỆP GIÁNG SINH CẦU NGUYỆN

Có thi sỹ có khái niệm cho rằng ‘Làm thơ nghĩa là cầu nguyện’, như :
Đây rồi, đây rồi chuỗi ngọc vàng kinh
THƠ CẦU NGUYỆN là thơ quân tử ý
Thượng phu lời và tông đồ triết lý
Là nguồn trăng yêu mến Nữ Đồng Trinh
(Hàn Mặc Tử. Ave Maria)

hay : Này, tôi đến thân thưa cùng Chúa
Này muôn kinh cầu nguyện của lời thơ
Là giọt nồng từ khăn ấm, nhung tơ
Là băng giá từ cơn đau ruột thắt…
Tôi làm thơ nghĩa là tôi cầu nnguyện
Hồn reo vui trong từng chữ từng lời…
(Lê Đình Bảng. Tôi làm thơ là tôi cầu nguyện)
(Ở Thượng Nguồn Thi Ca Công Giáo. Miền Thơ Cầu Nguyện. ttr.19-20)

Bài này xin trích dẫn một số đoạn trong các bài của các tác giả, quanh chủ đề : ‘Sứ Điệp Giáng Sinh Nguyện Cầu’

Chỗ đứng của thi sỹ Công Giáo qua Ánh Sáng Đức Tin

Thiết nghĩ thi sỹ Hàn Mạc Tử, người đã “gặp Thánh Kinh của Đạo Thiên Chúa”. Nhà thơ Công Giáo là “Thánh Thể kết tinh” đã “ngời phép lạ của đức tin kiều diễm” để “huyền diệu biến thành muôn kinh trọng thể’’ và “van lơn, thẩm nguyện Chúa Giêsu”. Họ có chung một đức tin, một lòng đạo, một nguồn cảm hứng “thơ cầu nguyện. Lời trượng phu và triết lý tông đồ”.

Hay hỏi “Thi sỹ là ai? Thi sĩ Công Giáo Hàn Mặc Tử quả quyết trả lời: Trừ hai loài trọng vọng là thiên nhiên và loài người ta. Đức Chúa Trời phải cho ra đời loài một loài thứ ba nữa: Thi sĩ. Loài này là những bóng hoa rất qúi và hiếm, sinh ra đời với sứ mạng rấy linh thiêng, phải biết tận hưởng những công trình châu báu của Đức Chúa Trời gây nên, ca ngợi quyền phép của Người và trút vào linh hồn người ta những khoái cảm đê mê, nhưng rất thơm tho, tinh sạch. Bởi muốn cho loài thi sỹ làm tròn nhiệm vụ ở trần gian này. Nghĩa là tạo ta những tác phẩm tuyệt diệu lưu danh muôn đời. Ngài bắt chúng phải mua bằng giá máu, luôn có một định mệnh tàn khốc theo riết tên mình. Sđd. tr.29)

Giáo Huấn của Chúa Giêsu về cầu nguyện

Trong Phúc âm Chúa Giêsu nhiều lần dậy các Tông Đồ và dân chúng cầu nguyện. Đừng bao giờ mải mê việc khác mà quên việc chính như Chúa trách Matta (x Lc 10, 38-42)
Gương cầu nguyện của người đàn bà ngoại giáo (x. Mc 7,24-30 ) người mù (x. Mc 10, )
người cùi (x. Lc 5, 12-16) người thu thuế (x Lc 18, 9-14)
Giáo huấn của Chúa dạy đủ chi tiết : Cầu nguyện như thế nào trong Kinh Lạy Cha (x Mt 6, 5-15). Khi nào (x.Mt 7-11) cách nào (x. Mt 7, 21-23) chung hay riêng (x. Mt 18,19-20 ) tinh thần hòa giải (x.Mt 6, 14-15) luôn luôn, đừng nản chí (x. Lc 18, 1-8) và sức mạnh, kết quả như thế nào (x.Mc 11, 15-26)

Trích đọan thơ của một số tác giả

Ở đây xin trích dẫn các bài thơ của mấy thi sỹ Công Giáo

Lm Giuse Sảng Đình Nguyễn Văn Thích (Huế 1891-1978) có những vần thơ đơn sơ, mong chờ, trông đợi, ‘Trời cao đất thấp gặp nhau’ Trời (Chúa) từ trời cao ngự xuống thấp (lòng người)
Trời cao đất thấp gặp nhau
Đấng tôi yêu mến ngự vào lòng tôi
Thánh tinh ơi! Nhiệm mầu thôi!
Hồn tôi thờ lạy khôn lời nói ra
(Sđd, tr. 61)

Còn gì đẹp bằng tình mẹ con trong nhà ‘ru con’, miễn Chúa Con ngủ ‘cho muồi, say, êm, nồng, vừa yên, may và lành. Để con ‘rạng danh trên trời’.
Ru con, Con ngủ cho muồi
Như buồng nho chín trên đồi Belem
Ru Con, Con ngủ cho êm
Ngày đông thì vắn mà đêm thì dài
Ru Con, Con ngủ cho say
Trong lòng Mẹ ấp, trên tay Mẹ bồng…
(Đức Mẹ Ru Con. Sđd. Tr. 58)

‘Kinh nguyện Đức Mẹ La Vang’ mà ai cũng khấn xin như Đức Mẹ đã hứa thời bách hại Đạo.
… Lạy Mẹ là Mẹ Chúa Trời
Mà Mẹ lại là Mẹ loài người ta
Cúi xin xuống phước hà sa
Đoái thương con cái thiết tha khẩn cầu
Này con qùi gối cúi đầu
Trước bàn thờ Mẹ xiết bao ước nguyền
Xin cho con đặng bình an
Giữ gìn ơn thánh vẹn tuyền thủy chung
Cho con ghét hết tội lòng.
Mến dâng phước đức ra công sửa mình.
Cho con một dạ đinh ninh
Kính thờ một Chúa hết lòng tháo ngay.
(Sđd, tr. 69)

‘Mầng Bà Có Phước’ như lời bà E1isabeth xưa khi được Mẹ đến thăm
Vừa nghe tiếng thiên thần
Mục đồng liền lẹ bước
Đến hang đá Belem
Người sau cùng kẻ trước
Nhìn xem Chúa Hài Đồng
Dâng chiên con trắng muốt
Chúa đưa tay ôm chiên
Nâng niu và ve vuốt
Đức Mẹ cũng vui mừng
Nước mắt cầm không được
(Sđd, tr. 71)

Thi sỹ Phanxicô Assisi Nguyễn Trọng Trí Hàn Mạc Tử (Quảng Bình, 1912-1940). Lời thơ lúc nào cũng như kinh cầu nguyện với Thiên Chúa. Dù đau thể xác và tâm tư.
Để vừa dâng, vừa hiệp bốn mùa xuân
Nở một lượt giầu sang hơn Thượng Đế
Đã no nê, đã bưa rồi thế hệ
Của phường trai mê mẩn khí thanh cao
Phượng hoàng bay trong một tối trăng sao
Mà ánh sáng không còn khiêm nhượng nữa
(Đêm Xuân Cầu Nguyện. Nhà Văn Hiện Đại I. tr.262)

Với Đức Nữ Maria Đồng Trinh, quyền năng ban nhiều ‘phép lạ’ cho những ai tin
…Maria! Linh hồn tôi ớn lạnh
Run như run thần tử thấy long nhan
Run như hơi thở chạm tơ vàng
Nhưng lòng vẫn thấm nhuần ơn trìu mến
Lạy Bà là Đấng tinh truyền thành vẹn
Giầu nhân đức, giầu muôn hậu từ bi
Cho tôi dâng lời cảm tạ phò nguy
Cơm lâm lụy vừa trải qua dưới thế
Tôi cảm động rưng rưng hai dòng lệ
…Tấu lại Bà, Bà rất nhiều phép lạ
Ngọc Như ý vô tri còn biết cả
Huống chi tôi là thánh thể kết tinh
Tôi ưa nhìn Bắc Đẩu rạng bình minh
Chiếu cùng hết ba ngàn thế giới
Sáng nhiều quá cho thanh âm vời vợi
Thơm dường bao cho miệng lưỡi không khen.
(Sđd. Tr. 264)

Thi sỹ Giuse Bàng Bá Lân (Bắc Giang 1912-1988) có ‘tâm hồn nhỏ’ sống như Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu. Người sẵn sàng mưa hoa hồng tràn xuống cho những ai cậy tin, ‘không tham vọng’ giàu sang, ‘quên mình’ chấp nhận ‘thương khó’, ‘thương tất cả mọi người’ và cuối cùng ‘sẽ được hết’.
Têrêxa, tôi rất cám ơn Người
Đã cho tôi một nhân sinh triết lý
Không tham vọng, sống thu mình nhỏ bé
Chịu khổ đau lấy thương khó làm vui
Quên mình đi thương tất cả mọi người
Sẽ được hết, dù không mong ước
(Têrêxa. Sđd, tr. 260)

Và ân thầm cầu nguyện trong ‘Đêm Giáng Sinh’, như ánh ánh sao leo lét trong đêm
Đêm hôm nay, ô, muôn vì sao mọc
Trước muôn nhà, rạng rỡ trước muôn dân
Từ nơi xa xôi tuyết đổ mây vần
Đến chốn hoang vu đất cằn cát bỏng
Sao le lói trước nhà siêu mái hổng
Sao huy hoàng rạng rỡ trước cung môn
Có những sao sáng quắc tựa trăng tròn
Có sao nhỏ chập chờn như lửa đóm
Dù leo lét hay cả chum sao lớn
Mỗi vì sao tiêu biểu một lòng tin
Đêm hôm nay xa lạ cũng anh em
Vì tất cả cùng cảm thông lời Chúa
(Đêm Giáng Sinh. Sđd. Tr. 260)

Theo thi sỹ ‘Nguyện cầu’ là ‘đặt niềm tin’, ‘đợi hồng ân’, ‘để hết tâm hồn kính cẩn,’ và ‘không sao lãng’
…Con chỉ có bấy nhiêu điều mong ước
Xin Người ban ơn ước nguyện mau thành
Con được thấy ngày ngày toàn dân vui sướng
Sẽ lập bàn thờ Đức Mẹ anh linh
Sẽ cầu nguyện sớm không sao lãng
Và dâng lên Mẹ trọn niềm tin
Con thành khẩn đợi hồng ân của Mẹ
Để hết tâm hồn kính cẩn cầu xin.
(Nguyện Cầu. Sđd. Tr. 264

Paul Thérèse Hồ Dzếnh tên thật là Hà Triệu Anh (Thanh Hóa,1916-1991) tân tòng luôn tâm sự cầu nguyện khi tâm hồn giao động hoang mang, ngay trong dêm Noel
Em ạ quê ta tháp giáo đường
Sáng chiều vẫn vọng những hồi chuông
Ai đi xem lễ tôi đi với
Gió đạo lời kinh tỏa vấn vương
Đêm Giáng Sinh này em ở đâu
Nghe chuông nhà thờ thuở ban đầu
Ước chi sống lại thời xưa nhỉ
Để trẻ ra và để hẹn nhau
(Noel 1989. Sđd. Tr.350)
Với Đức Mẹ, thi sỹ ca tụng ‘đẹp vô ngần’, ‘tuyệt xinh’, ‘cảm thông’. Thi sỹ thì ‘long đong’, ‘tủi phận’, ‘tục lụy’, ‘khóc than’
…Mẹ đẹp vô ngần Mẹ trắng phau
Gấp nghìn hoa huệ, vạn bồ câu
Và nhan sắc Mẹ không là gấm
Nhưng dệt bằng hương rất nhiệm mầu
…Thi sỹ khóc vì Mẹ tuyệt xinh
Hương hoa sắc gấm đẹp huyền linh
Nhưng lòng thi sỹ đâu được vậy
Thầm ước mơ trong tài phận mình
… Cầu Mẹ thân thương Mẹ cảm thông
Cuộc đời bảy khổ chín long đong
Mẹ coi thi sỹ là con ghẻ
Phúc Mẹ lan tràn đổ xuống con
(Mẹ đẹp vô ngần. Sđd. Tr. 386)

Phêrô Phạm Đình Tân (Nam Dịnh,1913-1992) cầu nguyện để hết ‘cô đơn’, ‘u buồn ‘tham lam’, ‘bơ vơ’, ‘điêu linh’ nhất là để được ‘ở trong tay Chúa’
Lạy Chúa, sương đêm xuống trĩu cành
Xin thương lận đận kẻ điêu linh.
Con: Người thi sỹ cô đơn qúa
Đời đã qua Xuân vẫn khát tình!
Ái ân trần gian nóng lửa rơm
Lửa tàn tro lạnh dậy u buồn
Miệng chưa phai vị hương yêu dấu
Mắt đã rưng rưng mọng lệ hờn…
Lạy Chúa xin thương kẻ một mình
Nửa đời đếm mãi bước điêu linh
Cho thi sỹ trong tay Chúa
Ca hát đêm nay mối Thánh Tình
(Cầu nguyện. Sđd. Tr. 296)

Chúa Giêsu xuống trần gian để con người trút bỏ ‘trầm luân’ ‘ra khỏi bóng tối’, hết ‘cay đắng, chán chường, tê tái, u sầu, tủi cực, u sầu’ tìm ra ‘đường lên Ánh Sáng’ có ‘phút vui mừng ra khỏi thân xác tội lỗi’ và ‘xứng đáng với trần gian’
Tự thuở nào Người trụt xuống trần gian
Tổ tiên xưa con cháu cả nhân hoàn
Vì một tội mà trầm luân muôn kiếp
Đầu muốn ngửng, xác thịt đè liên tiếp
Mắt trông lên: Mi lặng cúi nhìn chân
Mộtchút gì cho Chúa liễm vào thân
Hằng nhớ tưởng thuyệt vời nơi Thiên Quốc
Nhưng than ôi! Tôi vẫn hồn bạc nhược
Sức mọn hèn chống đỡ được là bao
Nên từ lâu cho tới tận ngày nào
Cả nhân loại đẫm mình trong bóng tối.
(Đau Đớn. Sđd. Tr. 291)


Lm Phêrô Hán Chương Vũ Đình Trác (Nam Định, 1927-2003) là tu sỹ quan niệm Đi tìm thơ như viên ngọc qúy, đọc thơ như lời ân tình, sáng tác thơ như khám phá một kho tàng phong phú. Kho tàng này phải được phân phát tràn đầy, thì hồn thơ mới được thỏa khoái, người thơ mới được mãn nguyện. Nói khác đi, hồn người làm thơ phải có tri âm, có đồng vọng. Người đồng vọng ấy chính là bạn. (Sđd. Tr. 467).

Tôi bước vào vườn thiêng của Đạo hạnh
Sống ngoan ngùy bởi hồn thơ chí thánh
Tôi bước vào du lạc bến Ngàn Thương
Trước dung nhan thi sỹ của Thiên Đường
Để ca tụng Hồn Anh Thiêng qúi báu
Yêu Đạo Trời, tôi nảy đờn linh diệu
Bút thiêng thơ từng phác họa cao siêu
Muôn Thần Thiêng, muôn triết lý nhiệm mầu

Trong hương nguyện của linh hồn tu sỹ
Đời trinh trắng và tươi trẻ cao bay
Là tu sỹ tôi tụng nguyện đêm ngày
Muôn nghĩa lý của ngàn tờ Kinh Thánh
Lòng say sưa như chim chiều vươn cánh
Nguyện bay về xa lắc đỉnh non Tiên.
(Nguyền đắc đạo. Sđd. Tr. 467)

Nên việc thiêng liêng đạo đức như cầu nguyện càng cần lôi kéo người khác làm theo.
Khổ đau tôi muốn tặng niềm vui
Đắm đuối: tôi chờ cứu nhẹ vơi
Tội lỗi: tôi đem niềm giải thoát
Bùn nhơ; tôi nguyện rửa trong vời
Tôi đứng hiên ngang giữa đất trời
Dâng lên Cao Cả trọn đời người.
Dâng về đất Mẹ nhiều tinh túy
Linh mục…Người ơi! Có thế thôi. (5.7.1968)
(Hình ảnh một cuộc đời. Sđd. Tr. 477)

Tác phẩm ‘Triết Lý Nhân Bản Nguyễn Du’, luận án Tiến Sỹ, 1993. Tác gỉa đề cao ‘Đời sống nhân bản’ tức ‘Tâm Đạo’, ‘Vị Tâm’ của Nguyễn Du trong tác phẩm Đoạn Trường Tân Thanh.
Sư rằng: phúc họa đạo Trời
Cõi nguồn cũng bởi :lòng người mà ra. (ĐTTT, c.2655-2658)
Có trời mà cũng có ta
Tu là cõi phúc, tình là dây oan (ĐTTT, c. 2657-3658)
Thiện căn ở tại lòng ta
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ Tài (ĐTTT, c.3251-3352)

Và trong tác phẩm ‘Công Giáo VN Trong Truyền Thống VH Dân Tộc’ Ca, HK 1996, 667 trang. Cha Vũ Đình Trác đã giới thiệu khoảng 188 các văn-thi-ca-nhạc-họa sỹ, linh mục, Sư Huynh,,Giáo sư, Kiến trúc sư. Ban Nhạc. Hội Họa. Văn Đoàn. Báo chí. Đài phát thanh. Dài Truyền hình. Chủng-Tu viện. Đại-Trung-Tiểu học. Cô nhi viện. Trại Cùi…Đây là dòng sông văn học muôn màu.

ĐÔ Giuse Du Sinh Mai Đức Vinh (Thanh Hóa, 1925-2020).
Lễ Giáng Sinh là Lễ LTX Chúa, lễ tình yêu qua ngòi bút của Đ. Ô Giuse Du Sinh Mai Đức Vinh. Viết khi còn là giám đốc GXVN Paris và Ns GXVN
…Giáng Sinh là lễ Tình Yêu
Lễ Lòng Thương Xót, cao siêu tuyệt vời
Nhưng khi đã đi vào đời
Giêsu Cứu Thế, vâng lời Chúa Cha
Đem Lòng Thương Xót bao la
Cho người dương thế, hải hà chứa chan
Mù, què, đói, khổ, lầm than
Phong cùi, câm điếc, cơ hàn, giàu sang
Không phân biệt, Chúa sẵn sàng
Thi ân Thương xót dịu dàng, ủi an
Miễn sao tin mến, thành tâm
Đợi Lòng Thương Xót’ dấu ấn tình thương…
(ns GXVN Số 328, 12. 2016.

-Về Sứ Điệp Giáng Sinh :
Là ‘Sứ điệp Tình Yêu’
Là ‘Sứ điệp Hòa Bình’
Là ‘Sứ điệp Chia Ban’
Là ‘Sứ điệp Khó Nghèo’
La ‘Sứ điệp Truyền Giáo’
(GXVN số 228, Décembre 2006)

Kết luận bằng lời cắt nghĩa giáo lý hàng tuần, 9.12.2020, của ĐGH Phanxico về cầu nguyện. Ngài cho rằng cầu nguyên rất nhân bản, với tư cách con người hiện thực là ngượi khen và khẩn cầu. Như sách GLCG ghi :
-Có một thứ bậc trong những lời thỉnh cầu này : Trước hết chúng ta cầu nguyện cho Nước Trời, sau đó cho những gì cần thiết để chào đón Nước ấy trị đến. (x. số 2632)
-Trong kinh nghệm khẩn cầu, chúng ta bộc lộ ý thức về tương quan giữa mình với Thiên Chúa. Chúng ta là thụ tạo. Không phải tự mình mà có, không làm chủ được những nghịch cảnh trong đời. Chẳng những vậy, là Kitô hữu, chúng ta biết mình tội lỗi, phản nghịch lại Thiên Chúa là Cha chúng ta. Khi khẩn cầu con người đã quay về với Chúa. (x. số 2629)
Chúng ta hãy học cách chờ đợi, chờ đợi Chúa. Chúa đến thăm chúng ta không chỉ trong những ngày trọng đại này, lễ Giáng Sinh, mà Chúa đến mỗi ngày trong tinh thần thân thiết tâm hồn. Và rất thường xuyên, Chúa đang gõ cửa mà chúng ta không nhận ra. Chúng ta để Người đi mất. Vì chung quanh ta có nhiều tiếng ồn.

(1) Các bài thơ trích dẫn trong bài này lấy từ ‘Ở Thượng Nguồn Thi Ca Công Giáo VN’ của Lê Đình Bảng, tập ‘Miền thơ Kinh Cầu Nguyện’.Saigon 2009