******TÌNH THU & THI NHÂN******
-Thu sầu nhìn lá vàng rơi,
Cuốn theo cơn gió tơi bời lá bay,
Khung trời lặng lẽ mây qua,
Cánh chim vội vã lìa xa xứ rồi,
Con đò vắng khách buông trôi,
Trên sông sóng gợn đất trời bao la,
Thu về riêng một mình ta,
Nhìn theo lá rụng quê xa đường về !
Ngoài Mùa Xuân, Mùa Thu được nhắc đến nhiều trong âm nhạc và thi ca. Mùa Thu giao mùa giữa Hè và Đông, nắng đã dịu mát và gió hiu hiu lạnh báo hiệu ngày Đông đang thấp thoáng hiện về.
Vào thu trời ảm đạm se buồn, ánh trăng lạnh lẽo soi bóng đêm huyền ảo, gió nhẹ đem theo khí trời dịu mát, sương trắng giăng phủ núi rừng, lá nhuộm vàng rơi theo gió, tình thu dễ gợi lòng dâng mối u sầu…
Mùa thu là mùa của tình yêu, lá vàng rơi, tuổi học trò trở lại mái trường và là mùa các thi nhân dệt bao vần thơ trữ tình lãng mạn.
Riêng lại là mùa mang đầy dấu ấn kỷ niệm tuổi trẻ ‘ Mùa Tựu Trường ‘ :
*Tôi đi học
Hàng năm cứ vào cuối thu lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường.
Tôi không thể nào quên được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng.
Những ý tưởng ấy tôi chưa lần nào ghi lên giấy, vì hồi ấy tôi không biết ghi và ngày nay tôi không nhớ hết. Nhưng mỗi lần thấy mấy em nhỏ rụt rè núp dưới nón mẹ lần đầu tiên đến trường, lòng tôi lại tưng bừng rộn rã.
Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học.’
( Tôi đi học : Thanh Tịnh )
*Ngày tựu trường
“Tôi sẽ kể cho bạn nghe những gì gợi cho tôi nhớ lại hàng năm bầu trời chập chùng của mùa thu, những bữa cơm chiều đầu tiên ăn dưới ánh đèn và những chiếc lá đang úa vàng dần trong những chòm cây run rẩy. Tôi sẽ kể bạn nghe mình đã nhìn thấy gì khi qua vườn Luxembourg vào những ngày đầu tháng mười, khi phong cảnh hơi buồn và đẹp hơn bao giờ hết, vì đó là những ngày mà lá cây rơi từng chiếc một trên bờ vai trăng trắng của các pho tượng… Điều tôi nhìn thấy lúc đó, trong vườn ấy, là một chú bé con, tay đút túi quần, cặp sách trên vai, đang bước tới trường, vừa đi vừa nhảy nhót như một chú chim sẻ. Chỉ tâm tư tôi nhìn thấy chú bé, vì đó chỉ là một bóng hình. Đó là bóng hình tôi cách đây hăm lăm năm…”
(Trích trong La Rentree des Glasses- Anatole France dịch Phạm Tất Đắc)
*Thế hệ trẻ ngày mai
Cách đây 34 năm, sáng mùng 7 tết, trời u ám và lành lạnh, ba tôi sắp sửa cặp sách cho tôi rồi thuê một chiếc xe kéo bánh sắt để đưa tôi tới trường.
Những đôi câu đối tết của dãy nhà trên phố hàng Nâu còn nguyên vẹn, đỏ rực rỡ, anh ánh nét mực; rặng bàng bên đường trơ trụi xòe nhánh khô đen như xương những lọng mà giấy, vải đã rách hết. Hai tay ôm cặp da, tôi ngó bờ đê, nghe tiếng xe lọc cọc lòng nửa lo nửa buồn.
Tới trường Yên Phụ - một trường đẹp nhất trên đất Việt, nằm bên bờ sông lịch sử là sông Nhị và bên một mặt hồ cũng lịch sử là hồ Trúc Bạch - ba tôi xin cho tôi vào lớp năm.
Khi rời tay ba tôi để theo bạn vào lớp, tôi rưng rưng nước mắt. Ba tôi dỗ:
- Vào đi chóng ngoan, cậu ngồi ngoài sân đợi con.
Suốt một giờ rưỡi đồng hồ, tôi không học được gì, chỉ thỉnh thoảng lấm lét ngó ra sân tìm ba tôi và mong cho mau ra chơi.
Nghe tiếng trống đánh, tôi hồi hộp đứng lên bước ra tới sân thì đã thấy ba đương đứng ở một gốc nhãn đợi tôi. Ba tôi xoa đầu tôi, hỏi nhiều câu mà không cho tôi kịp đáp:
- Thày có dễ không? Có hỏi gì con không? Con học được những gì? Bạn ngồi bên cạnh con ra sao?
Hết giờ chơi, tôi vào lớp, lần này ít buồn hơn và khi tan học, sắp hàng ra tới cửa thì vẫn thấy ba tôi đứng ở gốc nhãn lúc nãy. Tôi hỏi người:
- Cậu đợi con như vậy có lâu không?
Người mỉm cười nhìn tôi mà không đáp, sự im lặng ấy thấm thía biết bao! Rồi chúng tôi lại ngồi một chiếc xe kéo lọc cọc để về nhà.
Đó là buổi học đầu tiên của tôi. Mỗi lần tới ngày tựu trường, thấy các em nhỏ cắp sách đi ngang qua nhà, tôi lại nghĩ đến buổi ấy và lần nào lòng tôi cũng rung động, thổn thức, bâng khuâng.
-Hai mươi lăm năm sau, một buổi sáng tháng tám, trời trong trẻo và mát mẻ, nhà tôi và tôi dắt cháu tới trường Bà Phước ở Tân Định, một trường cất theo lối mới, nằm dưới bóng một hàng sao vun vút đưa lên một nền trời xanh dịu. Cháu đi giữa, mỗi đứa chúng tôi nắm một tay, còn cặp sách thì tôi cầm.
Tới trường thì cảnh hai mươi năm trước lại tái diễn, chỉ khác là cháu òa lên khóc khi rời tay chúng tôi bước vào lớp. Lúc ấy chúng tôi thấy mằn mặn ở cuống họng. Đến giờ ra chơi chúng tôi đứng đợi cháu ở góc sân; đến giờ về cũng đợi cháu ở ngoài cửa, rồi cháu cũng lại hỏi:
- Ba má đợi con có lâu không?
Chúng tôi cũng lại hỏi:
- Ngồi trong lớp con có ngoan không? Bà Phước có hỏi gì con không? Có dặn con gì không? Con có mong tới giờ về không?
( Trích trong 8 tựa đề đắc ý của Nguyễn Hiến Lê )
*Thu kỷ niệm.
Hồi nhỏ đang theo học Tiểu học, mỗi năm tựu trường thầy dạy bài hát tôi vẫn còn nhớ đến ngày nay, nhưng không biết tác giả là ai. Sau này thầy tôi làm Linh Mục sáng tác nhiều Thánh Ca rất truyền cảm, tôi mới nghĩ bài hát năm xưa có lẽ là của chính Thầy :
‘ Mỗi khi gió mùa Thu đến học sinh thấy lòng xao xuyến, nhớ những phút tưng bừng rộn rã.Trường xưa thân yêu bên bóng cây đa, cửa gương lung linh in bóng mây qua, đời sống bát ngát như muôn ngàn hoa, đẹp tươi như muôn khúc nhạc an hòa. Thu ơi ! Khi theo gió Thu về nao nức reo mừng, say sưa bao em bé vui cười mái tóc rung rung. Thu ơi ! Hôm n nay nắng Thu về bao cô gái tươi cười đôi má xinh xinh...’
*Đây những dòng thơ giao cảm của Thi nhân cuốn hút theo Tinh Thu :
*Lưu Trọng Lư- Tiếng Thu
Nhà thơ tiền chiến,tham gia phong trào Thơ Mới, thơ tình buồn man mác, nhiều bài được phổ nhạc như ‘Tiếng Thu’
-Em không nghe mùa thu
Dưới trăng mờ thổn thức?
Em không nghe rạo rực
Hình ảnh kẻ chinh phu
Trong lòng người cô phụ?
Em không nghe rừng thu
Lá thu kêu xào xạc
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô?
* Cung Trầm Tưởng- Mùa Thu Paris
Nhà thơ tên thật Cung thúc Cần, du học Pháp ngành Kỹ sư Không quân. Về nước phục vụ trong binh chủng Không quân và hoạt động văn nghệ trong nhóm Quan Điểm cùng viết cho nhiều tờ báo
Thơ ông có nhiều bài mang âm hưởng cuộc sống thời du học và được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc, những bài nổi tiếng như : Mùa thu Paris- Tiễn em- Chưa bao giờ buồn thế !
-Mùa thu Paris
Trời buốt ra đi
Hẹn em quán nhỏ
Rưng rưng rượu đỏ tràn ly
Mùa thu đêm mưa
Phố cũ hè xưa
Công trường lá đổ
Ngóng em kiên khổ phút, giờ
Mùa thu âm thầm
Bên vườn Lục-Xâm
Ngồi quen ghế đá
Không em buốt giá từ tâm
Mùa thu nơi đâu?
Người em mắt nâu
Tóc vàng sợi nhỏ
Mong em chín đỏ trái sầu
Mùa thu Paris
Tràn dâng đôi mi
Người em gác trọ
Sang anh, gót nhỏ thầm thì
Mùa thu không lời
Son nhạt đôi môi
Em buồn trở lại
Hờn quên, hối cải cuộc đời
Mùa thu! mùa thu
Mây trời âm u
Yêu người độ lượng
Trông em tâm tưởng, giam tù
Mùa thu!… Trời ơi! Tình thu!
*TTKh- Hai Săc Hoa Ti Gôn
Tên một nữ sĩ xuât hiện trên Tiểu thuyết Thứ Bảy năm 1937 với 2 bài ‘ Hai sắc hoa ti gon và Bài thơ thứ nhất ‘ mô tả mối tình ngang trái. Sau đó thêm 2 bài ‘Bài thơ đan áo và Bài thơ cuối cùng’ đều ký tắt TTKh mà một số người cho là của một nữ sinh tên Trần thị Khánh.
-Một mùa Thu trước mỗi hoàng hôn
Nhặt cánh hoa rơi chẳng thấy buồn
Nhuộm ánh nắng tà qua mái tóc
Tôi chờ Người ấy với yêu thương.
Người Ấy thường hay ngắm lạnh lùng
Dải đường xa vút bóng chiều phong,
Và phương trời thẳm mờ sương khói,
Tay vít dây hoa trắng lạnh lòng.
Người Ấy thường hay vuốt tóc Tôi,
Thở dài trong lúc thấy Tôi vui.
Bảo rằng hoa dáng như tim vỡ,
Anh sợ tình Ta cũng thế thôi.
Thuở đó nào Tôi có hiểu gì,
Cánh hoa tan tác của sinh ly,
Cho nên cười đáp: mầu hoa trắng
Là chút lòng trong chẳng biến suy.
Đâu biết lần đi một lỡ làng
Dưới trời đau khổ chết yêu đương.
Người xa xăm quá, tôi buồn lắm,
Trong một ngày vui pháo nhuộm đường.
Từ đấy Thu rồi Thu lại Thu,
Lòng Tôi còn giá đến bao giờ.
Chồng tôi vẫn biết Tôi thương nhớ
Người Ấy cho nên vẫn hững hờ.
Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời,
Ái ân lạt lẽo của Chồng Tôi,
Mà từng Thu chết, từng Thu chết,
Vẫn giấu trong tâm bóng Một Người.
Buồn quá hôm nay xem tiểu thuyết
Thấy ai cũng ví cánh hoa xưa
Nhung hồng tựa trái tim tan vỡ
Và đỏ như màu máu thắm phai.
Tôi nhớ lời người đã bảo Tôi,
Một mùa Thu cũ rất xa xôi.
Đến nay Tôi hiểu thì Tôi đã
Làm lỡ tình duyên cũ mất rồi!
Tôi sợ chiều Thu phớt nắng mờ,
Chiều Thu hoa đỏ rụng, chiều Thu…
Gió về lạnh lẽo chân mây vắng,
Người Ấy ngang sông đứng ngóng đò.
Nếu biết rằng Tôi đã có Chồng,
Trời ơi, Người Ấy có buồn không?
Có thầm nghĩ tới loài hoa vỡ,
Tựa trái tim phai, tựa máu hồng.
*Xuân Diệu- Đây Mùa Thu Tới
Tên Ngô Xuân Diệu, công chức, giáo chúc, sáng tác đa dạng phong phú, đặc biệt thơ tình lãng mạn, nổi tiếng với tập ‘Thơ Thơ‘- Ông là cây viết chủ lực Phong trào Thơ Mới.
-Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang,
Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng;
Đây mùa thu tới – mùa thu tới
Với áo mơ phai dệt lá vàng.
Hơn một loài hoa đã rụng cành
Trong vườn sắc đỏ rũa màu xanh;
Những luồng run rẩy rung rinh lá…
Đôi nhánh khô gầy xương mỏng manh.
Thỉnh thoảng nàng trăng tự ngẩn ngơ…
Non xa khởi sự nhạt sương mờ…
Đã nghe rét mướt luồn trong gió…
Đã vắng người sang những chuyến đò…
Mây vẩn từng không, chim bay đi,
Khí trời u uất hận chia ly.
Ít nhiều thiếu nữ buồn không nói
Tựa cửa nhìn xa, nghĩ ngợi gì
*TƯƠNG PHỐ - Giọt Lệ Thu
Bà tên Đỗ thị Đàm, học trường Nữ hộ sinh, nhưng không hành nghề ra cộng tác với báo Nam Phong năm 28 tuổi và nổi tiếng với bài ‘ Giọt Lệ Thu.
Âm thầm... tặng hương hồn Anh Thái Văn Du
xa lánh trần ai năm ba mươi tuổi.
-Khóc nhau còn giọt lệ này,
Hoà cùng giọt mực ghi ngày biệt nhau.
Người đi thu ấy về đâu?
Để năm thu lại mối sầu riêng ai.
Bao giờ quên được mối tình xưa,
Sinh tử sớm đau mãi đến giờ,
Giấc mộng tàn như tàn chẳng thấy,
Mênh mang biển hận hận không bờ
Khóc nhau còn giọt lệ này,
Hoà cùng giọt mực ghi ngày biệt nhau.
Người đi thu ấy về đâu?
Để năm thu lại mối sầu riêng ai
Bao giờ quên được mối tình xưa,
Sinh tử sớm đau mãi đến giờ,
Giấc mộng tàn như tàn chẳng thấy,
Mênh mang biển hận hận không bờ
*Ngọc Hân Công Chúa ( Ai Tư Vấn )
Tên bà là Lê Ngọc Hân, cũng gọi là Chúa Tiên, nữ sĩ xinh đẹp, kết duyên với vua Quang Trung. Khi vua từ trần vì bệnh bà có làm bài ‘ Ai Tư Vấn ’ rất cảm động Khóc vua Quang Trung- Xin trích dẫn một đoạn đầu :
-Ai Tư Vãn-
Lê Ngọc Hân
(1770-1799)
Gió hiu hắt phòng tiêu lạnh lẽo
Trước thềm lan, hoa héo ron ron.
Cầu Tn khói tỏa đỉnh non,
Xe rồng thăm thẳm, bóng loan dàu dàu.
Nỗi lai lịch dễ hầu than thở
Trách nhân duyên mờ lỡ cớ sao?
Sầu sầu, thảm thảm xiết bao...
Sầu đầy giạt bể, thảm cao ngất trời !
Từ cờ thắm trỏ vời cõi Bắc,
Nghĩa tôn phù vằng vặc bóng dương.
Rút dây vâng mệnh phụ hoàng,
Thuyền lan chèo quế thuận đường vu quy.
Trăm ngàn dặm quản chi non nước;
Chữ "nghi gia" mừng được phải duyên.
Sang yêu muôn đội ơn trên,
Rỡ ràng vẻ thúy, nối chen tiếng cầm.
Lượng che chở, vụng lầm nào kể.
Phận đinh ninh cặn kẽ mọi lời.
Dẫu rằng non nước biến dời,
Nguồn tình ắt chẳng chút vơi đâu là.
Lòng đùm bọc thương hoa đoái cội,
Khắp tôn thân cùng đội ơn sang.
Miếu đường còn dấu chưng thường,
Tùng thu còn rậm mấy hàng xanh xanh.
Nhờ hồng phúc, đôi cành hòe quế
Đượm hơi dương dây rễ cùng tươi
Non Nam lần chúc tuổi trời,
Dâng câu Thiên Bảo, bày lời Hoa Phong.
Những ao ước trập trùng tuổi hạc,
Nguyền trăm năm ngõ được vầy vui.
Nào hay sông cạn, bể vùi,
Lòng trời giáo giở, vận người biệt ly.
Từ nắng hạ, mưa thu trái tiết,
Xót mình rồng mỏi mệt chẳng yên.
………………..
*Nguyễn Khuyến- Thu Điếu
Nguyễn Khuyến hiệu Quế Sơn, từng giữ chức Quốc Sử Quán, làm chủ khảo các kỳ thi, nhiều bài thơ tự trào. Thơ tập trung trong Quế Sơn thi tập, mô tả đời sống đạm bạc nhàn hạ nơi thôn dã.
-Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.
Sóng biếc theo làn hơi gợn tí,
Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo.
Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt,
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo.
Tựa gối, buông cần lâu chẳng được,
Cá đâu đớp động dưới chân bèo.
*Chu Mạnh Trinh – Tây Hồ Cảm Tác
Tên tự Cảm Thần, hiệu Trúc Vân, đậu tiến sĩ làm quan một thời rồi nghỉ hưu trí. Sống cảnh nhà Nho tài tử, ngao du sơn thủy, thích ca xướng hát ả đào, làm nhiều bài vịnh Truyện Kiều.
Tây Hồ cảm tác
Hoang lâu cổ sái tịch dương tà,
Tiêu sắt hàn phong lạc diệp đa.
Tịch mịch yên ba thu sắc lão,
Cánh vô nhân xướng thái vi ca.
Dịch nghĩa
Lầu hoang chùa cổ bóng chiều tà,
Gió lạnh hiu hắt lá cây rụng nhiều.
Cảnh tịch mịch chốn yên hà sắc thu đã muộn,
Lại không có người hát khúc ca hái rau vi.
*Hàn Mạc Tử- Tình Thu
Với nhiều bút danh : Phong Trần, Lệ Thanh, Minh Duệ- Sáng tác phong phú và đa dạng. Nhà thơ Công Giáo từ lúc ông bị bệnh phong thơ ông chuyển qua sắc thái hướng lên cao thanh khiết khải huyền. Ông đã tự nhận mình là ‘Thi sĩ của Đậo quân Thánh Giá’ với nhiều bài thơ Tôn giáo, nổi bật là 2 bản trường thi : ‘ Say Thơ và Ave Maria ‘- Có lẽ trên thi đàn VN chưa có một nhà thơ nào sáng tác dồi dào như ông. Ông là một thiên tài, nhưng rất tiếc mất sớm lúc mới 28 tuổi để lại khoảng trống cho văn học VN khó bù đắp.
-Đêm qua ả Chức với chàng Ngưu
Nhắc chuyện yêu đương ở dưới cầu
Kể lể một năm tình vắng vẻ
Sao em buồn bã suốt canh thâu?
Đêm ấy trăng thu vui vẻ lạ!
Người ta cười nói đến nhân duyên
Sao ta không dám nhìn nhau rõ
Gặp gỡ bên đường cũng thản nhiên?
Đêm trước ta ngồi dưới bãi trông
Con trăng mắc cỡ sau cành thông
Buồn buồn ta muốn về, trăng hỏi:
Thu đến lòng em có lạnh không?
Đêm nay ta lại phát điên cuồng
Quên cả hổ ngươi, cả thẹn thuồng
Đứng rũ trước thềm nghe ngóng mãi
Tiếng đàn the thé ở bên song…
Và được tin ai sắp bỏ đi
Chẳng thèm trở lại với Tình Si
Ta lau nước mắt, mắt không ráo
Ta lẫy tình nương, rủa biệt ly!
* Anh Thơ- Sang Thu
Tên Vương Kiều Anh do họ Vương của cha và họ Kiều của mẹ ghép thành, bút hiệu Tuyết Anh, bà chuyên viết về đồng quê, ý thơ trong sáng, lơi thơ nhẹ nhàng mộc mạc chân quê.
-Gió may nổi bờ tre buồn xao xác!
Trên ao bèo tàn lụi nước trong mây;
Hoa mướp rụng từng đóa vàng rải rác
Lũ chuồn chuồn nhớ nắng ngẩn ngơ bay.
Trên đê cỏ dựt diều sa đứt sợi,
Gã mục đồng chán nản lắng tai nghe
Trong thôn xóm hóa vàng nghi ngút khói
Gió vang âm tiếng trống cúng ra hè.
Bên bến nước đò ngang chưa ghé tới,
Khói lam chiều đã thoảng tiếng chuông vương.
Bọn chờ thuyền nhìn nhau đang sợ tối
Bỗng rùng mình như cảm thấy hơi sương.
*Nguyễn Bính- Bắt Gặp Mùa Thu
Tên Nguyễn trọng Bình hay Nguyễn Bình Thuyết, nổi tiếng làm thơ từ nhỏ, được giải thưởng Tự Lực Văn Đoàn với thi tập ‘ Tâm Hồn ‘ lúc chưa đầy 20 tuổi. Thơ bình dị trong sáng đượm nét chân quê, độc lên giống Ca dao như bài ‘ Lỡ bước sang ngang ‘ - Thơ ông có tới 17 bài được phổ nhạc.
-Xơ xác hồ sen đã nhạt hương
Bên song hoa lựu cũng phai hường
Sớm mai lá úa rơi từng trận
Bắt gặp mùa thu khắp nẻo đường
Tóc liễu hong dài nỗi nhớ nhung
Trăng nghiêng nửa mái gội mơ mòng
Sầu nghiêng theo cánh chim lìa tổ
Biết lạc về đâu lòng hỡi lòng
Thu về sông núi bỗng tiêu sơ
Cây rũ vườn xiêu, cỏ áy bờ
Xử nữ đôi cô buồn tựa cửa
Nghe mùa gió lạnh cắn môi tơ
Sương phủ lưng đồi rặng núi xa
Thương ôi! Lữ khách nhớ quê nhà
Mấy thu mưa gió ngoài thiên hạ
Vườn cũ còn chăng cúc nở hoa?
Cha già ngừng chén biếng ngâm thơ
Đưa mắt nhìn theo hút dặm mờ
Xe ngựa người về tung cát bụi
Còn mình không một lá thư đưa
Nghìn lạy cha già lượng thứ cho
Trót thân con vướng nợ giang hồ
Lòng son bán rẻ vào sương gió
Lãi được gì đâu? Đã mấy thu!
Một chút công danh rất hão huyền
Và dang dở nữa cuộc tình duyên
Thu sang, quán lẻ con đăm đắm
Rõi bóng quê nhà mắt lệ hoen.
*Yến Lan-Bến Mi Lăng -
Tên Lâm Thanh Lang, bút danh Xuân Khải và Yến Lan ( tên 2 người tình là cô Yến và Lan ghép lại )- Xuất bản về quê hương đằm thắm tình cảm lãng mạn và cả kịch thơ, nhưng nổi bật nhất bài thơ ‘ Bến Mi Lăng.
-My Lăng nằm không, thuyền đợi khách
Rượu hết rồi, ông lái chẳng buông câu
Trăng thì đầy rơi vàng trên mặt sách
Ông lái buồn để gió lén mơn râu
Ông không muốn run người ra tiếng địch
chở mãi hồn lên tắm bến trăng cao
vì đìu hiu, đìu hiu trời tĩnh mịch
Trời võ vàng, trời thiếu những vì sao.
Trôi quanh thuyền những lá vàng quá lạnh
Tơ vương trời nhưng chỉ rải trăng… trăng
Chiều ngui ngút dài trôi về nẻo quạnh
để đêm buồn vây phủ bến My Lăng
Nhưng đêm kia đến một chàng kỵ mã
Nhúng đầy trăng màu áo ngọc lưu ly
Chàng gọi đò, gọi đò như hối hả
Sợ trăng vàng rơi khuất lối chưa đi
Ông lão vẫn say trăng, đầu gối sách
để thuyền hồn bơi khỏi bến My Lăng
Tiếng gọi đò, gọi đò như oán trách
Gọi đò thôi run rẩy cả ngành trăng
Bến My Lăng còn lạnh, bến My Lăng
Ông lái buồn đợi khách suốt bao trăng…
*Huy Cận- Thu
Tên thật Cù Huy Cận, thơ tình buồn nhẹ nhàng vương vấn như khói lam chiều dễ lôi cuốn lòng người theo tình ý trong thơ.
Hôm qua thu mới về,
Với một cành hoa gãy.
Sương nặng gieo đầu tre,
Lạnh tràn theo gió đẩy.
Thu tới trong vườn bên,
Ngợ ngàng màu cúc mới.
Đêm qua bên láng giềng,
Êm tựa nhàn, thu tới.
Cô gái nhỏ thung dung,
Qua miếng vườn hoa nhỏ.
Đất nằm im dưới cỏ,
Hoa tạ màu nhớ nhung.
*Tế Hanh- Mùa Thu Tiễn Em -
Tên Trần tế Hanh, có bằng Tú tài triết học, tham gia văn nghệ rất sớm, sáng tác đủ loại thơ văn, tiểu thuyết, dịch các tác phẩm ngoại quốc – Thơ thiên về tình cảm và Quê hương lãng mạn nhẹ nhàng.
-Em đi, trăng sắp độ tròn
Mùa thu quá nửa, lá giòn khô cây
Tiễn em trong cảnh thu này
Lòng em muôn tiếng, sao đầy lặng im?
Ta về. Giữa khoảng trời đêm
Vành trăng thư thể mắt em soi đường.
*Thu Bồn-Thu Vàng
Tên Hà Đức Trọng, sinh vào buổi giao thời đầu TK19, nhiều bài vịnh cảnh hoang vắng cô liêu nhớ nhung dĩ vãng chỉ còn là kỷ niệm.
-Ập thoáng chốc… thu về như lá rụng
Ngoài hiên em đã đến tự bao giờ
Trời xanh ngắt anh không còn trẻ nữa
Cây sấu cho hè hết cả trái chua
Thế là hạ đã qua trong giây lát
Giọt thơ anh thánh thót đã thu vàng
Em đã đến mà như chưa đến
Tiếng chim kêu se sắt muộn màng
Mắt le lói nhìn sao khuya rụng
Hà Nội trôi sông Hồng đêm nay
Nghe hơi thở đất trời trong tiếng dế
Nâng trái tim mình lên uống để mà say
Em nhanh quá anh về chậm quá
Trái đất vô tư níu giữ vòng quay
Chân anh mỏi âm thầm mặc cảm
Véo von em lảnh lót giữa đời bay
Mầm nhú ban đêm lá úa ban ngày
Anh lẩn thẩn mài đời lên trang giấy
Thời gian cứ lạnh lùng như viên tẩy
Chút thu vàng mờ nhạt lẩn đâu đây
Đừng hát nữa thu vàng em hãy ngủ
Để anh nghe lá rụng cọ tim mình
Xào xạc đấy những trời yên tĩnh lạ
Tay mơ hồ đang chạm những lời ru…
*Bà Huyện Thanh Quan-Tức Cảnh Chiều Thu -
Vẻ trang trọng khuê các của một nữ lưu đã từng là Trung dung giáo tập trong triều đình, nên thơ đượm nét hoài cổ nhớ tiếc một thời huy hoàng chỉ còn ghi lại phế tích hoang sơ như ‘ Chiều hôm nhớ nhà- Đèo ngang- Thăng Long hoài cổ- Đền Trấn Bắc..’
-Thánh thót tàu tiêu mấy hạt mưa,
Khen ai khéo vẽ cảnh tiêu sơ.
Xanh om cổ thụ tròn xoe tán,
Trắng xoá trường giang phẳng lặng tờ.
Bầu dốc giang sơn, say chấp rượu,
Túi lưng phong nguyệt, nặng vì thơ.
Cho hay cảnh cũng ưa người nhỉ,
Thấy cảnh ai mà chẳng ngẩn ngơ.
*Tản Đà- Cảm thu tiễn thu *
Tên chính là Nguyễn Khắc Hiếu, lấy bút hiệu Tản Đà vì sống gàn núi Tản sông Đà. Là nhà thơ trào phúng chấm biếm nhẹ nhàng, nổi tiếng với hai bài ‘ Thề Non Nước và Vinh Bức Dư Đồ Rách’- Ông sáng tác 7 bài thơ Xuân.Nhưng đặc sắc nhất bài trường thi‘Cảm thu tiễn thu’:
Từ vào thu đến nay
Gió thu hiu hắt
Sương thu lạnh
Giăng thu bạch
Khói thu xây thành
Lá thu rơi rụng đầu ghềnh
Sông thu đưa lá bao ngành biệt ly
Nhạn về én lại bay đi
Đêm thì vượn hót, ngày thì ve ngâm
Lá sen tàn tạ trong đầm
Nặng mang giọt lệ âm thầm khóc hoa
Sắc đâu nhuộm ố quan hà
Cỏ vàng, cây đỏ, bóng tà tà dương
Nào người cố lý tha hương
Cảm thu, ai có tư lường hỡi ai?
Nào những ai
Bảy thước thân nam tử
Bốn bể chí tang bồng
Đường mây chưa bổng cánh hồng
Tiêu ma tuế nguyệt, ngại ngùng tu my
Nào những ai
Sinh trưởng nơi khuê các
Khuya sớm phận nữ nhi
Song the ngày tháng thoi đi
Vương tơ ngắm rện nhỡ thì thương hoa
Nào những ai
Tha phương khách thổ
Hải giác thiên nha
Ruột tầm héo, tóc sương pha
Gốc phần chạnh tưởng quê nhà đòi cơn
Nào những ai
Cù lao báo đức
Sinh dưỡng đền ơn
Kinh sương nghĩ nỗi mền đơn
Giầu sang bất nghĩa mà hơn nghèo hèn!
Nào những ai
Tóc xanh mây cuốn
Má đỏ huê ghen
Làng chơi duyên đã hết duyên
Khúc sông giăng rãi con thuyền chơi vơi
Nào những ai
Dọc ngang giời rộng
Vùng vẫy bể khơi
Đội giời đạp đất ở đời
Sa cơ thất thế quê người chiếc thân
Nào những ai
Kê vàng tỉnh mộng
Tóc bạc thương thân
Vèo trông lá rụng đầy sân
Công danh phù thế có ngần ấy thôi
Thôi nghĩ cho
Thu tự giời
Cảm tự người
Người đời ai cảm ta không biết
Ta cảm thay ai, viết mấy lời
Thôi thời
Cùng thu tạm biệt
Thu hãy tạm lui
Chi để khách đa tình đa cảm
Một mình thay cảm những ai ai!
*Hồ Xuân Hương- -Thu vũ (Mưa thu)
Được mệnh danh là ‘Chúa Thơ Nôm’ với những bài thơ ẫm ờ thanh tục, nghĩa đen bóng xen kẽ hững hờ. Có lẽ bà sinh vào thời trọng nam khinh nữ ‘ Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô ‘ lại phải làm vợ lẽ nên sự ẩn ức đã ghi trong tâm thức bộc phát thành lời thơ trào phúng.
-Trời cách mây mù thảm chả xanh,
Mưa thu sân vắng giọt buồn tanh.
Đầu cành cây héo châu dài vắn,
Trên lá tiêu vàng tiếng chậm thanh.
Hát dứt đê mê mơ vạn dặm,
Sầu giăng quạnh quẽ nỗi năm canh.
Khuê sâu rất khổ mày hoa ấy,
Vẻ mặt buồn thương vẽ chẳng thành.
*Nguyễn Công Trứ- Vịnh Mùa Thu -
Biệt hiệu Uy Viễn tướng công, có tài, khao khát công danh, thích cuộc sống tự do phóng túng dù thanh bần. Ông sáng tác 150 thuộc loại Ca trù và thơ Nôm, những bài biểu lộ lối sống của ông như : Chí làm trai, Chí Nam nhi, Kẻ sĩ, Hàn Nho phong vị phú...
Trời thu phảng phất gió chiều,
Mây về Ngàn Hống buồm treo ráng vàng.
Sang thu tiết hơi may hiu hắt,
Cụm sen già lã chã phai hương.
Sương giày giậu trúc đóaẻ sĩ, hoa vàng,
Son nhuộm non đào cành lá đỏ.
Lãnh vũ như ti trùng chức dạ,
Tình thiên tác chỉ nhạn thư không.
Phúc đâu đâu một trận hảo phong,
Trên cung Quảnh xa đưa hương quế.
Giời biếc biếc, nước xanh xanh một vẻ,
Khéo hoá công khéo vẽ nên đồ.
Một năm được mấy mùa thu.
*Thâm Tâm - Ngậm ngùi cố sự-
Sống trong một gia đình nghèo, ông phải làm nhiều nghề để mưu sinh : vẽ tranh, làm đồ gốm, viết báo...Vì thế thơ ông mang tính cách ngang tàng bi phẫn
Lảo đảo năm canh lệ mấy hàng,
Ngậm ngùi cố sự, bóng lưu quang.
Cuối thu, mưa nát lòng dâu bể,
Ngày muộn, chuông đau chuyện đá vàng.
Chán ngắt gia tình, sầu ngất ngất,
Già teo thân thế, hận mang mang
Chí lớn không đầy một tấc gang.
*Đinh Hùng- Đường Vào Tình Sử.
Sinh năm 1920 làng Trung Phụng ngoài vi Hà Nội. Đậu Tú Tài, tham gia sinh hoạt văn nghệ trước 1945. Sau năm 1954 vào Nam làm báo và viết văn dưới những bút hiệu Hoài Điệp, Thứ Lang, Thần Đăng. Phụ trách thi ca Tạo Đàn trên Đài Phát thanh Sài gòn. Năm 1962, ông đoạt giải Văn chương bộ môn Thơ.
Thơ ông hướng về 2 điểm chính là thiên nhiên và tình yêu với ý tình và lời thơ mang một sắc thái riêng biệt bí ẩn, hư ảo… được tập trung trong 2 Thi tập :
‘Đường vào Tình Sử và Mê Hồn Ca’
-Trên đường ta đi,
Những đóa hoa nở mặt trời xích đạo,
Những tỏa hương sắc mang giông tố bình sa,
Những sác cầu vàng nghiêng cánh chim sa,
Và dĩ vãng ngủ trong hồ cẩm thạch,
Của đôi mắt sáng màu trăng mặc khách,
Thời gian qua trên một nét mi dài,
Núi mùa thu buồn gợn sóng hai vai,
Dòng sông lạ trôi sâu vào tâm sự.
( ĐVTS )
*ViVi - Tình thu xưa
VIVI tên Võ Hùng Kiệt, là một họa sĩ, điêu khắc gia hơn là thi sĩ. Trước năm 1975 ông vẽ cho bìa báo Tuổi Hoa và đoạt giải nhất hình trên các con tem. Sau vẽ cho tờ liên lạc Bạn của Dòng La-San, Nha Trang. Ông còn điêu khắc, tạc tượng, 14 đàng Thánh Giá. Năm 1963 ông nhập Dòng La-San với tên Frere Vauthier Tân.
Một mình lìa xứ một mình
Một mình lìa xứ nhục vinh một mình !
Thu về ngồi đếm lá vàng rơi
Ngẫm lại buồn tênh cái sự đời
Sông núi trông như thân lá uá
Lạnh buốt hồn thu nhớ đầy vơi
Sầu thu tang trắng vắt chân trời
Vuốt lệ lá thu rụng tả tơi
Tủi phận thu xưa tình xơ xác
Đời thu dang dở thu mạt đời
Tình thu đất khách rũ mây trời
Ngóng non nước cũ tít mù khơi
Gom từng chiếc lá từng chiếc lá
Đốt nợ thu xưa gửi muôn nơi
Chiếc lá chiều thu bay lả lơi
Cành cây xơ lá đứng sầu rơi
Buồn như cỏ uá xây quanh mộ
Một kiếp thu xưa xác tả tơi
Hồn thu úa nhớ dáng bơ vơ
Như lá thu xưa rụng ngẩn ngơ
Cài lên mái tóc người em nhỏ
Từ buổi lìa quê rũ đợi chờ !
*Kết- Thu buồn nhớ Quê
Buồn buồn nhìn lá vàng rơi,
Mờ mờ sương phủ núi đồi nẻo xa,
Lâng lâng lơ lửng mây qua,
Dâng dâng bừng tỉnh xót xa Quê nhà.
Đã bao năm tháng đời ta,
Cuộc đời viễn xứ thật là buồn tênh,
Thu về đơn độc bóng hình,
Sầu sầu cô quạnh riêng mình ta thôi,
Mù mù bụi phủ cuộc đời,
Thương thương nhớ nhớ về nơi Quê mình !