TRẦM TƯ CUỐI NĂM

Thời tiết Sài Gòn những ngày cuối năm có nắng nhẹ với không khí se se lạnh. Nhiều người đang vội vã hoàn tất những công việc của năm cũ và háo hức đón chào năm mới … nhưng khi nghỉ ngơi, tĩnh lặng thì dường như cũng có chút gì đó khựng lại, chùng chình, dùng dằng, níu kéo.

Nhìn cuốn lịch cũ mỏng dần nhiều người không khỏi bồi hồi nhớ lại quá khứ, những gì đã diễn ra trong một năm qua và ngẫm nghĩ về mình, về người, về đời. Những kỉ niệm trong năm cũng ùa về nhẹ nhàng như con gió làm lay động những suy tư, ký ức.

Dù lặng lẽ hay ồn ào, một năm rồi cũng đang chuẩn bị qua đi. Thời gian làm mọi thứ già nua, bạc trắng theo nó. Chúng ta thầm biết ơn sự quan tâm giúp đỡ, sẻ chia của người thân, bè bạn, đồng nghiệp để mình gặt hái thành công. Đồng thời cũng là dịp nhìn lại mình đã có những gì thiếu sót, “chưa phải” với người khác để biết bày tỏ lời xin lỗi chân thành.

Những ngày cuối năm như những “nốt trầm” đệm giữa năm cũ và năm mới. Người ta thường dễ tha thứ cho lỗi lầm của những ngày qua, sẽ gật đầu để quên đi những gì không may mắn, phiền muộn và hướng về một năm mới an lành và hạnh phúc. Xin hãy dành tất cả tình yêu thương và lòng tha thứ cho nhau, bởi đã là con người, có ai trong đời không một lần mắc chút sai lầm!

Có những người khi gặp gỡ, vẫn câu hẹn hò quen thuộc “hôm nào gặp lại nhé!”. Rồi cái “hôm nào” ấy cứ trôi tuột qua, thi thoảng có nhớ lại thì lại tự bào chữa cho mình, “để khi khác vì tháng rộng ngày dài gặp lúc nào chẳng được”. Rồi những việc đã tự cho vào mục cần làm ngay, vậy mà có chuyện đột xuất đành gác lại, cũng vẫn là câu quen thuộc “để lúc khác”…

Chợt nhận ra người ta nói đúng, thời gian không đợi chờ ai cả. Đó là khi thảng thốt nhận tin một người quen vừa mất, chợt lặng đi vì nhớ lại lời hẹn “hôm nào gặp nhé” vẫn chưa thực hiện được. Đó là khi ta ngồi tĩnh lặng một mình, thấy còn nhiều việc dang dở, ước thời gian dài thêm để làm được chuyện này chuyện nọ cho trọn vẹn. Đó còn là khi chợt thấy đôi nếp nhăn ngay khóe mắt, đầu điểm thêm vài sợi tóc bạc mới thấy rõ màu thời gian hiển hiện …

Những ngày cuối năm còn là cơ hội để nhìn lại, nhớ lại, ôn lại quá khứ và hướng tới tương lai. Đó là thời khắc để đếm lại, tổng kết, tính sổ và hoạch định kế hoạch mới cho tương lai như lời Kinh Thánh “Xin dạy chúng con đếm tháng ngày mình sống, ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan.” (Tv 90,12)

Năm 2021 sắp trôi qua, chắc hẳn ai cũng đều đồng ý đây là một năm dịch bệnh, thiên tai. Đại dịch Covid-19 bùng phát và hoành hành khắp thế giới, lây nhiễm và lan tràn nhanh chóng, gây ra cái chết cho nhiều người và khiến nền kinh tế toàn cầu suy thoái, cuộc sống vô vàn khó khăn. Rồi lũ lụt ở nơi này, nước nọ … như trút thêm gánh nặng khiến dân tình lao đao, khốn khó.

Một năm với nhiều biến cố, nhiều thay đổi. Nhiều người “vỡ kế hoạch” vì không thể đi giao dịch làm ăn, du lịch đây đó hay không thể về thăm quê hương. Nhiều kẻ “gãy gánh” không thực hiện được những ước mơ, dự định của mình. Với Covid-19, nhiều thói quen của con người đã phải thay đổi, người ta phải tập để hình thành nhiều thói quen mới như đeo khẩu trang khi ra ngoài đường, cúi chào thân tình thay cho cái bắt tay nồng nhiệt, …

Trong “cái khó ló cái khôn,” không thể gặp gỡ và làm việc trực tiếp, người ta nghĩ đến làm việc, hội họp, học online, … và cả tham dự Thánh lễ qua mạng internet. Trong cơn dịch, người ta kêu gọi sự ý thức về “chúng ta” thay cho “cái tôi” hẹp hòi; những thành phần dễ bị tổn thương hơn trong xã hội như người già, người bệnh, trẻ em… được chú ý chăm sóc và bảo vệ hơn. Tương quan hàng xóm láng giềng và tình cảm gia đình được tái khẳng định và xây dựng. Người ta tập trung vào sự thinh lặng, cầu nguyện và sống phó thác nhiều hơn.

Người đời dù không hiểu biết về Thiên Chúa, nhưng cũng đã dồn hết trí lực và tiền của để vượt qua nghịch cảnh; còn chúng ta là những người đã được Chúa báo trước về những dấu hiệu khởi đầu cho ngày cuối cùng: “Dân này sẽ nổi dậy chống dân kia, nước này chống nước nọ. Sẽ có những trận động đất lớn, và nhiều nơi sẽ có ôn dịch và đói kém; sẽ có những hiện tượng kinh khủng và điềm lạ lớn lao từ trời xuất hiện.” (Lc 21,10-11) thì đã sửa soạn được những gì?

Dịch bệnh, thiên tai là điều chẳng ai muốn xảy ra nhưng vẫn nằm trong thánh ý của Thiên Chúa. Những thói quen cũ phải được thay đổi được xem như là “đường tránh”, là trệch đường so với lộ trình quen thuộc. Nhưng nó lại khơi mào cho một sự thay đổi sâu xa cái nhìn của ta về Thiên Chúa, về thế giới và về bản thân.

Chỉ khi nào tiếp cận với những thực tế không quen thuộc ấy thì các hàng rào bảo vệ của tâm lý và đạo đức cũ mới dần dần sụp đổ. Những rào cản đã từng ngăn không cho ta sẵn sàng đón nhận sự khác biệt của Thiên Chúa và tha nhân. Muốn hiểu mình thì phải chấp nhận đi đường tránh. Cuộc sống cũ thường ngày sẽ bị biến đổi, dù cách tổ chức bên ngoài vẫn như cũ.

Một năm kết thúc với cái “bình thường mới”, có lẽ tất cả mọi người Kitô hữu chúng ta đều thấy rằng điều quan trọng không phải là sống hay chết, nhưng là sống để làm sáng danh Chúa và chết là chết cho Chúa. “Chúng ta có sống là sống cho Chúa, mà có chết cũng là chết cho Chúa. Vậy, dù sống, dù chết, chúng ta vẫn thuộc về Chúa” (Rm 14,8).

Hãy vững lòng trông cậy với Đức tin đã được mạc khải. Nếu Chúa cho chúng ta sống thì hãy nhớ sự sống của chúng ta luôn ảnh hưởng đến cộng đồng. Hãy sống với tình yêu cho đi và đừng có những hành động gây vấp phạm cho người khác.

Nếu Chúa cho phép chúng ta phải chết thì phải chết cho Chúa vì Chúa luôn ở cùng chúng ta dù cái chết có đến với ta cách cô đơn lạnh lẽo không người thân thích.

Luôn tin nhớ trong ngày cuối cùng, những người đã chết dù có bị hỏa thiêu hay mục nát trong lòng đất cũng sẽ thức dậy để sống đời đời với Chúa. “Trong một giây lát, trong một nháy mắt, khi tiếng kèn cuối cùng vang lên. Vì tiếng kèn sẽ vang lên, và những kẻ chết sẽ trỗi dậy mà không còn hư nát; còn chúng ta, chúng ta sẽ được biến đổi.” (1 Cor 15,52).