Ngày 01-08-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 02/08: Sự Thinh Lặng Cần Thiết –Lm. Phêrô Đoàn Hoàng Khôi Anh, SDD
Giáo Hội Năm Châu
02:12 01/08/2022

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

Sau khi dân chúng được ăn no nê, Đức Giê-su liền bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia trước, trong lúc Người giải tán dân chúng. Giải tán họ xong, Người lên núi riêng một mình mà cầu nguyện. Tối đến Người vẫn ở đó một mình. Còn chiếc thuyền thì đã ra xa bờ đến cả mấy cây số, bị sóng đánh vì ngược gió. Vào khoảng canh tư, Người đi trên mặt biển mà đến với các môn đệ. Thấy Người đi trên mặt biển, các ông hoảng hốt bảo nhau: “Ma đấy!”, và sợ hãi la lên. Đức Giê-su liền bảo các ông: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!” Ông Phê-rô liền thưa với Người: “Thưa Ngài, nếu quả là Ngài, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Ngài.” Đức Giê-su bảo ông: “Cứ đến!” Ông Phê-rô từ thuyền bước xuống, đi trên mặt nước, và đến với Đức Giê-su. Nhưng thấy gió thổi thì ông đâm sợ, và khi bắt đầu chìm, ông la lên: “Thưa Ngài, xin cứu con với!” Đức Giê-su liền đưa tay nắm lấy ông và nói: “Hỡi kẻ kém lòng tin! Sao lại hoài nghi?” Khi thầy trò đã lên thuyền, thì gió lặng. Những kẻ ở trong thuyền bái lạy Người và nói: “Quả thật Ngài là Con Thiên Chúa!”

Khi qua biển rồi, thầy trò lên đất liền, vào Ghen-nê-xa-rét. Dân địa phương nhận ra Đức Giê-su, liền tung tin ra khắp vùng, và người ta đem tất cả những kẻ đau ốm đến với Người. Họ nài xin Người cho họ chỉ sờ vào tua áo choàng của Người thôi, và ai đã sờ vào thì đều được cứu chữa.

Đó là lời Chúa
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:07 01/08/2022

19. Yêu là chiến thắng Thiên Chúa.

(Thánh Bernardus)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:10 01/08/2022
57. HẠNG VÔ DỤNG

Dạ Xoa làm phản, long vương ra lệnh cho đại tướng đem binh đi hỏi tội, lại còn chiêu mộ vô số tân binh thân mang mũ và áo giáp. Thế là rùa, ba ba, con giải, cá sấu.v.v...đều nghe lời triệu tập mà ra đầu quân.

Long vương kiểm duyệt quân đội, phấn khởi nói:

- “Uy lực của quân đội như thế này thi đủ để tàn sát, tận diệt lủ tiểu yêu phản loạn rồi”.

Nhưng khi bày trận nơi chiến trường thì rùa co đầu rụt cổ trước, kéo theo phía đuôi lâm trận chạy theo, thế là quân đội long vương thảm bại.

Long vương thở dài nói:

- “Ta thấy tụi nó thân mang áo giáp, thì cho rằng trên da có giáp mạnh, thì tự mình có thể tay dùng vũ khí anh dũng giết địch, nhưng không ngờ chỉ là một hạng vô dụng mất soái nhục quốc !”

(Yết hậu ngữ)

Suy tư 57:

Trong chiến tranh, người ta vận dụng chiến tranh tâm lý nhiều hơn, gọi là tuyên truyền, bởi vì vũ khí tối tân hiện đại thì chỉ phá vỡ các lô cốt bê tông cốt sắt, nhưng chiến tranh tâm lý thì đánh thẳng vào con tim và trí óc của con người, bên nào tận dụng giỏi chiến tranh tâm lý, thì phần thắng sẽ nắm trong tay.

Có một linh mục nọ sau khi khánh thành ngôi nhà thờ lớn rất đẹp thì nói: từ nay mình có thể “phè” được rồi !

Nhà thờ lớn chưa chắc tâm hồn giáo dân rộng rãi đón Chúa vào và sống đạo tốt; tháp chuông nhà thờ rất cao, nhưng chưa chắc giáo dân nhìn thấy Chúa. Chỉ có cách sống của cha sở hợp với bài giảng của ngài, thì người ta mới mở con tim và trí óc đón Chúa và sống Phúc Âm thật tốt mà thôi, đó chính là “chiến tranh tâm lý” với ma quỷ và thế gian, mà cha sở là vị tướng tài giỏi biết thực hành trước vậy.

Xây nhà thờ tâm hồn thì quan trọng hơn xây nhà thờ vật chất, mà nếu có xây nhà thờ bê tông cốt sắt to lớn rồi, thì phải cấp tốc xây nhà thờ tâm hồn nơi giáo dân, bằng không thì nhà thờ vật chất to lớn đồ sộ sẽ trở thành nơi giáo dân đến coi biểu diễn tôn giáo, chứ không phải đến để dâng thánh lễ tế lễ Thiên Chúa và các nghi thức phụng vụ thánh của Giáo Hội Công Giáo.

Coi chừng cẩn thận kẻo thua ma quỷ, mà thường là thua đậm đó !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


-------------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Học cách tận hưởng sự hiện diện của Chúa
Lm. Minh Anh
23:06 01/08/2022

HỌC CÁCH TẬN HƯỞNG SỰ HIỆN DIỆN CỦA CHÚA
“Giải tán họ xong, Ngài lên núi cầu nguyện một mình”.

Theo Mark Twain, “‘Nửa đầu’ cuộc đời bao gồm khả năng tận hưởng mà không có cơ hội; ‘nửa cuối’ cuộc đời bao gồm cơ hội mà không có khả năng tận hưởng!”. Nhưng theo một nhà tu đức, “Tốt nhất, dù là ‘nửa đầu’ hay ‘nửa cuối’, bạn hãy ‘học cách tận hưởng sự hiện diện của Chúa!’”.

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa hôm nay nói đến việc ‘học cách tận hưởng sự hiện diện của Chúa’; nói cách khác, học cách cầu nguyện, “dù là ‘nửa đầu’ hay ‘nửa cuối’ cuộc đời!”. Nhưng thật thú vị, bên cạnh đó, Lời Chúa còn nói đến cô đơn! Cô đơn và cầu nguyện thường đi liền nhau. Ai biết ở lại trong Thiên Chúa, phó mình cho Ngài, người ấy không bao giờ cô đơn, bởi luôn có Chúa đồng hành.

Tin Mừng tiết lộ, sau khi giải tán đám đông, Chúa Giêsu một mình lên núi để cầu nguyện. Ngài sẵn sàng rời bỏ sự phấn khích, thán phục của dân chúng dành cho ‘người đãi bánh’ thần kỳ; Ngài tìm nơi cô tịch hầu có thể một mình tâm sự với Cha. Ở trong im lặng mà không có người khác, có thể nhanh chóng dẫn đến một sự cô đơn nhất định và nội tâm thì trống rỗng; và người ta có thể cảm thấy bị thôi thúc muốn tìm bất cứ một ai đó, bất cứ một thứ gì đó để gây mê cho bản thân khỏi cảm giác đau đớn khi phải ở một mình! Nếu đó là điều xảy ra cho bạn và tôi, thì chúng ta cần kiên trì cầu nguyện nhiều hơn; và biết rằng, nỗi đau từ sự im lặng này vẫn có thể ‘hoá lành’ khi bạn và tôi tập ở lại trong Chúa và ‘học cách tận hưởng sự hiện diện của Chúa’.

Tin Mừng cho biết, Chúa Giêsu đi cầu nguyện từ chiều đến suốt đêm; và rạng sáng, các môn đệ gặp sóng gió trên biển hồ. Ngài hiện đến trấn an họ, họ tưởng là ma; Ngài lên tiếng, “Hãy yên tâm. Thầy đây, đừng sợ!”. Phêrô đáp, “Lạy Thầy, nếu quả là Thầy, xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến cùng Thầy”. Đôi khi, nỗi sợ về việc phải im lặng khi cầu nguyện của chúng ta lại còn lớn hơn nỗi sợ của Phêrô khi thấy Thầy đi trên nước. Tại sao? Chúng ta đã quá quen với việc bầu bạn với người khác, gặp gỡ, trò chuyện, ăn uống… chúng ta không có ‘khả năng’ ở một mình, chúng ta sợ phải rời xa ‘những tiện nghi’ này dù chỉ trong thời gian rất ngắn để đi cầu nguyện. Vậy hãy tập từ bỏ ‘những tiện nghi’ vốn có thể đã ‘thành nếp’; hay buồn hơn, phát xuất từ một lối sống ‘văn hoá nhàn rỗi!’. Hãy bắt đầu từ hôm nay, học lại cầu nguyện, học làm rỗng tâm hồn, để Chúa Kitô có thể đổ đầy vào đó tình yêu và sức mạnh của Ngài!

Tin Mừng còn cho biết, “Khi cả hai đã lên thuyền thì gió yên biển lặng”. Một khi cùng Chúa Giêsu “lên thuyền”, tức là một khi quyết tâm ôm lấy việc cầu nguyện im lặng, tập trung, thì nỗi sợ hãi của chúng ta cũng sẽ lặng yên như gió biển. Bài đọc Giêrêmia hôm nay cũng nói lên điều tương tự: Israel trở về với Chúa, và Ngài làm lại tất cả; Ngài tha thứ, trấn an; Ngài ở cùng, “Bấy giờ các ngươi sẽ là dân Ta, và Ta sẽ là Thiên Chúa các ngươi”. Thánh Vịnh đáp ca cũng nói lên niềm vui có Chúa hiện diện đó, “Chúa sẽ xây dựng lại Sion, sẽ xuất hiện quang vinh rực rỡ!”.

Anh Chị em,

“Giải tán họ xong, Ngài lên núi cầu nguyện một mình”. Chúa Giêsu nêu gương cho chúng ta, hãy biết tìm đến Chúa Cha sau một ngày sống. Và ngay những giây phút chăm chú trò chuyện với Cha trong tĩnh mịch của canh khuya, ánh mắt và con tim của Chúa Giêsu vẫn không rời các môn đệ. Thấu cảm nỗi khổ chống chọi với biển giả của họ, Ngài đến cứu giúp. Cũng thế, Chúa Giêsu không bao giờ ‘thôi nhìn’ chúng ta, Ngài hiện diện với chúng ta qua người thân, qua gia đình, bạn bè, qua những người nghèo và cả những người chúng ta không thích. Thế nên, ‘học cách tận hưởng sự hiện diện của Chúa’ trong thinh lặng và ngay cả trong sự ồn ào phải là một điều gì đó thường xuyên nơi chúng ta. Thi thoảng, bạn và tôi cần trầm mình, ngỏ lời mời Chúa Giêsu bước lên ‘thuyền lòng’ mình, bình an và niềm vui sẽ ùa vào. Và như thế, chúng ta sẽ hưởng nếm hạnh phúc thiên đàng ngay tại chốn này; vì lẽ, ở đâu có Giêsu, ở đó có thiên đàng!
Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, con sẽ bước đi vững vàng trên con đường Chúa chỉ cho, dù là ‘đi trên nước’; con không lệch sang phải, không quẹo sang trái, vì con tin, có Chúa đồng hành bên con!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Phỏng vấn Đức Thánh Cha trên máy bay: Giáo huấn của Giáo Hội về tránh thai có thay đổi không?
Đặng Tự Do
05:20 01/08/2022


Đức Thánh Cha Phanxicô xem xét sự phát triển của học thuyết Giáo Hội trên chuyến bay trở về từ Canada.

Trong một số giới Công Giáo, có tin Đức Giáo Hoàng Phanxicô chuẩn bị thay đổi giáo huấn trong tài liệu Humanae Vitae của Đức Phaolô Đệ Lục về tránh thai. Tài liệu này sẽ đánh dấu kỷ niệm 55 năm công bố vào năm tới.

Những tin đồn chủ yếu liên quan đến một cuốn sách trình bày các cuộc thảo luận từ một hội nghị ba ngày do Học viện Giáo hoàng về Sự sống tài trợ vào mùa thu năm 2021. Cuốn sách được xuất bản vào tháng trước bởi nhà xuất bản Vatican, có tên là Etica teologica della vita: Scrittura, tradizione, sfide, pratiche (Đạo đức thần học của cuộc sống: Các bài viết, Truyền thống, và Thử thách thực tế).

Một học giả Dòng Tên bình luận về cuốn sách cho biết một thông điệp của Đức Giáo Hoàng có thể sắp ra mắt mang tên Gaudium Vitae (Niềm vui của cuộc sống).

Trên máy bay từ Canada đến Rôma, Đức Giáo Hoàng đã được hỏi về suy nghĩ của ngài về việc liệu giáo huấn của Giáo Hội về biện pháp tránh thai có cần phát triển hay không. “Đây là điều rất đúng lúc,” ngài nhận xét như trên khi bắt đầu trả lời.

Sau đó, Đức Giáo Hoàng tiếp tục giải thích rằng “tín điều, đạo đức, luôn luôn trên con đường phát triển, nhưng luôn phát triển theo cùng một hướng.”

Ngài trích dẫn Thánh Vincent thành Lerins và “một quy tắc rất rõ ràng và sáng tỏ” từ thế kỷ thứ 10, nguyên tắc của thánh nhân cho rằng tín lý là “ut annis consolidetur, dilatetur tempore, sublimetur aetate”. Thánh nhân khẳng định rằng tín lý không đứng yên mà được “củng cố theo năm tháng, mở rộng theo thời gian, tinh luyện theo tuổi tác”.

Trong bối cảnh này, Đức Giáo Hoàng nói, các nhà thần học có nhiệm vụ nghiên cứu và suy tư. Ông nói: “Bạn không thể làm thần học với chữ 'không' trước mặt”.

Nhưng Đức Thánh Cha khẳng định rằng Huấn quyền, sẽ chuyển hướng thần học nếu nó đi chệch hướng. Nghĩa là Huấn quyền sẽ nói không, bạn đã đi quá xa rồi, hãy quay lại, nhưng sự phát triển thần học phải cởi mở, đó là điều mà các nhà thần học hướng tới. Và Huấn Quyền phải giúp hiểu được các giới hạn.

Về vấn đề tránh thai, Đức Giáo Hoàng cho thấy ngài đã nhận thức được những lời bàn tán về cuốn sách của Học viện Giáo hoàng về Sự sống.

Về vấn đề tránh thai, tôi biết có một công bố về vấn đề này và các vấn đề hôn nhân khác: Đây là những hành vi của một đại hội, và trong một đại hội, có những giả thuyết, sau đó họ thảo luận với nhau và đưa ra đề xuất. Chúng ta phải rõ ràng: những người tham gia đại hội này đã làm đúng bổn phận của họ, bởi vì họ đã tìm cách tiến lên trong tín lý, nhưng theo nghĩa Giáo Hội, chứ không phải ra khỏi Giáo Hội, như tôi đã nói về quy tắc của Thánh Vincent thành Lerins.

Sau đó, Huấn quyền sẽ nói, nó là tốt hoặc nó không tốt.

Đức Giáo Hoàng nói rằng động lực và nguyên tắc này áp dụng cho nhiều vấn đề, và đưa ra hai ví dụ gần đây, đó là tích trữ vũ khí nguyên tử và án tử hình.

Có thể nói rõ hơn: Sẽ ổn khi tín lý hoặc đạo đức phát triển, nhưng phải theo cùng một hướng, với ba quy tắc của Vincent thành Lerins. Tôi nghĩ điều này rất rõ ràng: một Giáo Hội không phát triển tư duy của mình theo nghĩa Giáo Hội, là một Giáo Hội đang đi lùi.

Truyền thống so với những người theo chủ nghĩa truyền thống

Về vấn đề này, Đức Giáo Hoàng quay trở lại mối quan tâm mà ngài đã lên tiếng về “những người theo chủ nghĩa truyền thống”.

Đây là vấn đề của ngày nay, và của nhiều người tự cho mình là truyền thống. Không, không, họ không phải là truyền thống, họ là những người hướng về quá khứ, lạc hậu, không có cội nguồn - nó luôn được thực hiện theo cách đó, đó là cách nó đã được thực hiện vào thế kỷ trước. Và nhìn lại phía sau là một tội lỗi vì nó không tiến bộ với Giáo Hội.

Truyền thống là đức tin sống của những người đã chết. Đối với những người đang nhìn lạc hậu, những người tự gọi mình là người theo chủ nghĩa truyền thống, đó là đức tin chết của người sống.

Truyền thống thực sự là gốc rễ, là nguồn cảm hứng để tiến lên trong Giáo Hội, và điều này luôn luôn theo chiều dọc. Và nhìn về phía sau là đi lùi, nó luôn luôn đóng cửa. Cần phải hiểu rõ vai trò của truyền thống luôn rộng mở, như cây có cội, cây mọc… Một nhạc sĩ đã dùng một câu rất hay. Gustav Mahler đã từng nói rằng truyền thống theo nghĩa này, là sự bảo đảm cho tương lai, nó không phải là một tác phẩm bảo tàng. Nếu bạn quan niệm truyền thống là khép kín, thì đó không phải là truyền thống Kitô… nó luôn là gốc rễ đưa bạn tiến lên, tiến lên, tiến lên phía trước.
Source:Aleteia
 
Giáo dân ngã lòng khi chứng kiến linh mục ở trần dâng thánh lễ
Đặng Tự Do
05:21 01/08/2022


Sau khi những bức ảnh chụp một linh mục người Ý cởi trần cử hành Thánh lễ trên biển bằng một chiếc ghế tựa bơm hơi được lan truyền trong tuần này, tổng giáo phận Công Giáo địa phương đã kêu gọi sự tôn trọng phụng vụ Công Giáo.

Cha Mattia Bernasconi, một linh mục của tổng giáo phận Milan, đã nhìn nhận trong một cuộc phỏng vấn vào ngày 26 tháng 7 rằng lựa chọn phụng vụ của ngài ở trần, mặc quần bơi để dâng thánh lễ “có lẽ là thiếu thận trọng” và nói rằng ngài sẽ không làm điều đó một lần nữa.

Vị linh mục 36 tuổi giải thích rằng ngài đã giúp trong một trại hè kéo dài một tuần dành cho học sinh trung học ở miền nam nước Ý do Libera, một tổ chức chống mafia tổ chức.

“Chúng tôi muốn dành ngày cuối cùng ở bãi biển; Đó là ngài Chúa Nhật và đã nảy sinh vấn đề về Thánh lễ, mà chúng tôi luôn cử hành,” Cha Bernasconi nói với tờ báo Ý Corriere della Sera nghĩa là Tin Chiều.

“Lúc đó là 10:30 sáng và mặt trời như thiêu đốt, vì vậy chúng tôi quyết định rẽ vào một nơi thoải mái duy nhất là ở dưới nước”

Thánh lễ ngoài khơi Crotone ở vùng Calabria miền nam nước Ý đã thu hút sự chú ý của những người đi biển. Một số tham gia Thánh lễ, trong khi những người khác đăng ảnh trực tuyến.

Phản hồi trực tuyến về bức ảnh vị linh mục cởi trần trong nước, cầm chén thánh trên đầu đã ngay lập tức được đưa ra. Một số người dùng mạng xã hội đã hỏi tại sao nghi lễ này được cho phép vào thời điểm Thánh lễ Latinh Truyền thống bị nhiều hạn chế.

Nhiều tín hữu Công Giáo Ý nói họ ngã lòng trước cách thức một linh mục cử hành thánh lễ bôi bác như thế. Giuseppe Capoccia, công tố viên chính của thành phố Crotone, đi xa hơn và nói rằng ông cho rằng việc điều tra hình sự vị linh mục này là phù hợp vì “tội danh xúc xiểm tôn giáo” ở nơi công cộng, theo một báo cáo từ tờ báo La Repubblica của Ý.

Tổng giáo phận Crotone-Santa Severina đã đưa ra một tuyên bố vào ngày 25 tháng 7 phản ứng về vụ việc nói rằng cần phải duy trì sự trang trí tối thiểu và quan tâm đến các biểu tượng cần thiết theo bản chất của các cử hành phụng vụ.”

Tổng giáo phận cho biết: “Trong một số trường hợp đặc biệt, trong các khóa tĩnh tâm, trại học, tại các điểm nghỉ mát, cũng có thể cử hành thánh lễ bên ngoài nhà thờ”.

“Tuy nhiên, luôn luôn cần thiết phải liên lạc với các nhà lãnh đạo Giáo Hội của nơi họ đang ở, để tư vấn cho nhau về cách thích hợp nhất để cử hành Thánh Thể như vậy.”

Tuyên bố tiếp tục trích dẫn bức thư gần đây của Đức Thánh Cha Phanxicô về phụng vụ: “'Chúng ta hãy nói rõ ở đây: mọi khía cạnh của cử hành phải được chăm chút cẩn thận (không gian, thời gian, cử chỉ, lời nói, đồ vật, lễ phục, bài hát, âm nhạc… ) và quy định Phụng Vụ cần phải được tuân giữ”.

Đáp lại lời kêu gọi của tổng giáo phận, Cha Bernasconi nói: “Tôi tự trách mình vì có lẽ hơi ngây thơ”.

Vị linh mục nói rằng cử chỉ của ngài đã bị “hiểu nhầm” và ngài bị sốc trước nhiều “tin nhắn phẫn nộ” mà ngài nhận được.

Ngài bảo vệ thêm rằng phụ huynh của các học sinh tham gia trại hè không khó chịu về cách ngài dâng Thánh lễ.

“ Một phụ nữ cảm ơn tôi, nói với tôi rằng cô ấy cảm thấy Giáo Hội đã tìm đến cô ấy ngay cả ở bãi biển. Bất cứ nơi nào cũng tốt cho việc truyền bá lời Chúa,” vị linh mục nói.

Bernasconi là linh mục phụ tá tại Nhà thờ San Luigi Gonzaga ở Milan. Tờ báo chính thức của Tổng giáo phận Milan đã đăng lại ghi chú về phụng vụ từ giáo phận miền nam nước Ý theo yêu cầu của chính quyền Giáo Hội địa phương.

Trích lời Đức Thánh Cha Phanxicô, ghi chú cho biết: “Nếu chúng ta thiếu sự ngạc nhiên khi chứng kiến mầu nhiệm Vượt qua được hiện diện trong tính cụ thể của các dấu chỉ bí tích, thì chúng ta thực sự có nguy cơ không thấm vào đại dương ân sủng tràn ngập mọi cử hành”.
Source:Catholic News Agency
 
Sự chia rẽ sâu sắc ở Đức và Thụy Sĩ về tiến trình công nghị
Đặng Tự Do
16:29 01/08/2022


Sự chia rẽ sâu sắc về tiến trình công nghị đang nổi lên ở Đức và Thụy Sĩ. Hôm 21 tháng 7, ngay trước khi Đức Giáo Hoàng lên đường tới Canada, Vatican đã công bố một tuyên bố ngắn gọn cảnh báo sáng kiến “Tiến Trình Công Nghị” của Đức rằng nó không có quyền thay đổi giáo huấn của Giáo Hội hoặc giới thiệu các cấu trúc mới, và đó là một mối đe dọa đến sự hôn nhân của Giáo Hội.

Tuyên bố ngắn gọn, không có chữ ký của Vatican đã được loan tải rầm rộ trên cả các phương tiện truyền thông thế tục ở Đức trong vòng vài giờ sau khi được công bố. Các phản ứng ở Đức và Thụy Sĩ cho thấy có sự chia rẽ sâu sắc về các vấn đề do Tiến Trình Công Nghị gây ra.

Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức, Giám mục Georg Bätzing và chủ tịch Ủy ban Trung ương của những người Công Giáo Đức, Irme Stetter-Karp, đã bác bỏ mạnh mẽ ý kiến cho rằng “tiến trình công nghị” của Đức đang lên kế hoạch cải cách dẫn đến một cuộc ly giáo và đã chỉ ra rằng các chủ đề như luân lý tình dục của Giáo Hội, đời sống độc thân của các linh mục và vai trò của phụ nữ trong Giáo Hội đã được thảo luận ở nhiều quốc gia khác ngoài Đức. Một số nhà thần học nổi tiếng của Đức và Thụy Sĩ đã ủng hộ họ.

Tuyên bố của Vatican trên hết là một “cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm thái quá”, tổng thư ký của Hội Đồng Giám Mục Thụy Sĩ, Daniel Kosch, một nhà quan sát đường lối của Thượng hội đồng Đức, đã chỉ ra trong một bài báo dành cho khách mời của hãng thông tấn Công Giáo Thụy Sĩ, kath.ch. “Không có đại diện nào của Tòa thánh nhận bất kỳ trách nhiệm cá nhân nào về tuyên bố này. Sự ẩn danh này khiến đối thoại không thể thực hiện được và do đó không phù hợp với tính đồng nghị của Giáo Hội.”

Luật sư Bernhard Anuth của Canon ở Tübingen phản bác lại và cho rằng Tuyên bố của Vatican “chỉ đơn thuần làm rõ” những gì đã được quy định trong các quy chế của Tiến trình công nghị Đức. Ông nhấn mạnh rằng “rất nhiều bình luận của các thành viên nổi tiếng của Tiến Trình Công Nghị Đức có thể, đã và đang được hiểu như thể luật Giáo Hội thực sự đang được thay đổi bởi những người không có thẩm quyền. Chỉ hai ngày trước khi tuyên bố của Vatican được công bố, Marc Frings, tổng thư ký của “Tiến Trình Công Nghị”, đã kêu gọi “điều chỉnh lại” giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo về đồng tính.”Tiến Trình Công Nghị Đức là một tiến trình có chủ ý chống lại Giáo lý Công Giáo hiện hành vốn đã chỉ trích và miệt thị đồng tính từ giữa những năm 70 và vẫn miệt thị hoạt động đồng tính là tội lỗi”, Frings viết.

Trong số ít các giám mục Đức đã bình luận có Đức Cha Bertram Meier của Augsburg, người chịu trách nhiệm về các vấn đề thế giới trong hội đồng giám mục Đức. Ngài hoan nghênh tuyên bố của Vatican. “Tuyên bố này cho thấy rằng Rôma quan tâm đến những gì xảy ra ở Đức. Hiện tại, nguy cơ đối với sự thống nhất của Giáo Hội là rất nguy hiểm”.

Đức Cha Rudolf Voderholzer của Regensburg nói rằng ngài rất biết ơn về tuyên bố “làm sáng tỏ”. Ngài tuyên bố: “Bây giờ là thời điểm cuối cùng để cùng với Đức Giáo Hoàng đi theo con đường thượng hội đồng và điều đó có nghĩa là lắng nghe, thảo luận và cầu nguyện trên cơ sở giáo lý Công Giáo chứ không phải với mục đích thay đổi nó”
Source:Tablet
 
Văn Hóa
Raïssa Maritain lần theo bước chân Đức Mẹ La Salette
Vũ Văn An
19:53 01/08/2022

Trong số các tân tòng lần theo bước chân Đức Mẹ La Salette, ta thấy có Raïssa Maritain, một nữ trí thức hàng đầu của Pháp. Danh tiếng của bà, cũng như danh tiếng của người chồng lỗi lạc của bà lả đại triết gia Jacques Maritain, đã vượt quá ranh giới nước Pháp nhiều năm trước khi gót giầy xâm lược Hitler buộc họ phải lưu đầy tại Hiệp Chúng Quốc Mỹ Châu.

Chúng tôi sẽ dựa vào cuốn “Les Grandes Amitiés” [Những Tìn bạn Lớn] của chính bà để phần nào lần giở lại diễn trình từ chủ nghĩa vô thần gia nhập Giáo Hội Công Giáo của bà. Cuốn sách tuyên xưng cuộc chiến thắng thiêng liêng vốn góp phần làm rạng danh Đức Mẹ La Salette.



Tháng hai năm 1906, Raïssa lâm bệnh nặng. Nhắc lại biến cố này, bà viết, “Kể từ ngày vấn đề về Đạo Công Giáo được Bloy đặt ra cho chúng tôi, tám tháng đã trôi qua, và chúng tôi vẫn chưa nghĩ ra bất cứ quyết định nào... Tất cả những gì xảy ra trước cuộc gặp gỡ của chúng tôi với Bloy - đọc, suy gẫm, các tình bạn mới - ngay lập tức dẫn chúng tôi tới chỗ đồng ý rằng không có sự phản đối nào đối với Công Giáo có tính quyết định cả, và cũng đã cho chúng tôi khát khao cháy bỏng có được hạnh phúc và sự thánh thiện của các thánh”.

Bệnh tật và nước mắt

“Căn bệnh của tôi, kéo dài vài tuần, đối với Jacques đặc biệt là dịp cho các suy tư có tính quyết định và mang lại cho anh tâm tư cho rằng đã đến lúc tỉnh thức sau cơn mơ ngủ. Chính trong những ngày đau khổ đó, anh đã tự quỳ gối xuống, như một người lao mình xuống biển để cứu người khác, và lần đầu tiên anh đã đọc Kinh Lạy Cha. Sự phản kháng của anh đã nhường bước, và anh cảm thấy mình đã sẵn sàng để chấp nhận đạo Công Giáo, nếu cần phải làm như thế.

“Vào ngày 15 tháng 2, Bloy đã viết cho tôi: ‘Raïssa rất thân yêu của tôi: Chúng tôi đang nghĩ rất nhiều về chị ở đây tại nhà, và nghĩ đến chị một cách âu yếm. Sáng nay, trong thánh lễ sớm, tôi đã khóc cho chị, người bạn của tôi. Tôi đã cầu xin Chúa Giêsu và Mẹ Maria nhận lấy bất cứ điều gì có thể có ích trong quá khứ đau khổ của tôi và nhân từ áp dụng nó cho sự phục hồi của chị, qui nó cho chị một cách mạnh mẽ và đầy quyền năng, cho sự bình an của thân xác chị và sự vinh hiển của linh hồn chị. Và những giọt nước mắt ngọt ngào tuôn rơi đến nỗi tôi tin rằng tôi đã được nhận lời... Chị được yêu thương rất nhiều, được trân trọng một cách siêu nhiên. Nghe tôi đi. Chị sẽ khỏi bệnh và sẽ biết được những niềm vui vô bờ bến.

“ ‘Chị sẽ khỏi bệnh…’ Tôi không thích ý tưởng cầu nguyện để được khỏi bệnh cho mình lắm, khi chính tôi đã không cầu nguyện một cách vô vị lợi từ khi còn nhỏ. Bạn thiếu sự đơn sơ khi bạn xa rời Thiên Chúa”.

Việc trở lại đạo và phép rửa của Raïssa

“Một ngày nọ khi bệnh của tôi đang ở giai đoạn nặng nhất và tôi đang phải chịu đựng vô cùng đau đớn, bà Bloy đã đến thăm tôi và ngồi xuống bên giường của tôi. Bà bảo tôi cầu nguyện, và nói rằng bà trao cho tôi một mẫu ảnh Đức Mẹ Đồng Trinh. Tôi không thể nói được, nhưng tôi cảm thấy vô cùng bực bội đối với điều mà đối với tôi, dường như là một sự thiếu suy nghĩ nghiêm trọng. Vì Jeanne Bloy không nghe thấy câu trả lời nào, nên bà đeo mẫu ảnh vào cổ tôi. Ngay tức khắc, và không thực sự nhận ra mình đang làm gì, tôi đã tự tin kêu cầu Đức Trinh Nữ, và sau đó chìm vào một giấc ngủ nhẹ nhàng và có sức chữa lành.

“Thời gian dưỡng bệnh của tôi bắt đầu... Vào ngày 5 tháng 4, chúng tôi nói với Léon Bloy mong muốn trở thành người Công Giáo của chúng tôi. Ông ghi ngày tháng trong nhật ký của mình: ‘Phép lạ đã hoàn thành - Jacques và Raïssa muốn được rửa tội! Niềm hân hoan tột độ trong lòng chúng tôi. Một lần nữa những cuốn sách của tôi, nhân dịp phép lạ này, đã được chấp thuận’...

“Ngày 11 tháng 6, cả ba chúng tôi đã tới Nhà thờ Thánh Gioan Thánh sử ở Montmartre. Chúng tôi chịu phép rửa lúc mười một giờ sáng, Léon Bloy là cha đỡ đầu của chúng tôi... Một niềm bình an bao la đổ xuống trên chúng tôi, mang theo với nó các kho tàng Đức tin... Cả ba chúng tôi trở về Paris để Rước lễ lần đầu, diễn ra tại Vương cung thánh đường Sacré-Coeur… ”

Cuộc phiêu lưu kỳ lạ của Raïssa và Jacques trong cuộc tìm kiếm trí thức của họ đã đi đến một kết thúc có hậu khi nguyên lý phép rửa mở ra cho họ viễn cảnh vô tận của Chân lý Tuyệt đối như được tỏ hiện trong Giáo Hội Công Giáo. Qua nguồn cảm hứng của một vị tông đồ vĩ đại của La Salette, họ đã được Đức Mẹ Sầu Bi lôi kéo lên dốc cao của đồi Canvê huyền bí của riêng họ. Chúng ta lựa lọc nhiều ám chỉ đẹp đẽ về sự thu hút mầu nhiệm này của La Salette như được báo cáo đầy đủ trong cuốn sách của Raïssa, "Les Grandes Amitié."

Léon Bloy viết “Celle Qui Pleure (Người Đàn bà Khóc)”

Celle Qui Pleure (Người Đàn bà Khóc) là tiêu đề của một cuốn sách được Léon Bloy viết về những sự kiện xảy ra tại La Salette, sự kiện Đức Mẹ hiện ra với hai trẻ chăn chiên ở một ngôi làng vùng Dauphine vào ngày 19 tháng 9 năm 1846. Những trẻ em này đã được thị kiến Đức Trinh Nữ Maria, đấng lúc đầu ngồi và khóc, sau đó đứng lên và báo trước những điều bất hạnh thảm khốc. ‘Nếu dân ta không tuân phục, ta buộc phải để cánh tay Con Ta giáng xuống; nó quá nặng và nặng ký đến nỗi ta không thể giữ lại được nữa.’ Sau đó, bà được nâng lên bầu trời và biến mất trong ánh sáng.

“Ông ngoại của Jacques đã được kết nối một cách kỳ lạ với câu chuyện của La Salette và với những tranh cãi rất sôi nổi mà nó đã gây ra. Những người phủ nhận thực tại của cuộc hiện ra cáo buộc một phụ nữ già độc thân trong khu phố đã bày trò nghịcg ngợm với hai trẻ chăn chiên. Nhưng Cô de Lamerlière, tức giận khi người ta cho rằng cô có khả năng bay lên trời – chi mà nhẹ dạ quá vậy! - đã truy tố trước pháp luật những kẻ nói hành cô, và đã yêu cầu Jules Favre [ông ngoại Jacques Maritain) bào chữa cho cô. Tài hùng biện của vị luật sư nổi tiếng đã thắng kiện.

"Gia đình Termiers, có nhà gia đình ở Varces, gần Grenoble, luôn quan tâm đến các biến cố ở La Salette, và bản thân Pierre Termier đã đợi ‘ba mươi năm’ để chờ một ai đó đủ điều kiện viết về chúng.

“ ‘Trong cùng một số năm ấy, Léon Bloy đã viết cho ông ta, ‘Tôi đã chờ đợi nó được trao cho tôi để nói về nó một cách thích đáng. Cuối cùng đã xảy ra việc một ngày kia - Cách đây không lâu lắm - sau khi đọc một vài trang trong những cuốn sách của tôi trong đó tôi đã tìm cách tôn vinh La Salette, đối với ngài dường như tôi là nhà văn mà ngài đã hy vọng. Rồi sau đó, chúng ta tới tìm hiểu nhau và tâm tư của ngài trong vấn đề này, không hề thay đổi, đã trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

“‘Được sự khích lệ của ngài, thấy nơi ngài một đại sứ của Đức Maria, tôi có thể làm gì khác hơn là vâng lời?’ (Thư gửi Pierre Termier, ngày 5 tháng 10 năm 1906).

“‘Tôi sinh năm 1846, vào lúc Thiên Chúa muốn, bảy mươi ngày trước cuộc hiện ra. Do đó, tôi thuộc về La Salette, một cách khá mầu nhiệm, và ngài đã được chọn để đặt tôi vào vị trí viết những gì phải viết - cuối cùng! Cuốn sách này đang lớn dần lên trong tôi mỗi ngày, và tôi lấy làm lạ rằng, sau bao nhiêu năm thai nghén, cuốn sách này lại được đòi hỏi nơi tôi vào đúng thời điểm lúc những lời đe dọa khủng khiếp nhất của La Salette dường như sắp hoàn thành. 'Tôi nghĩ gì?' Ngài hỏi. Đơn giản lắm. Hạnh phúc và được chúc phúc cho những ai học được cách chịu đau khổ. Giờ tính sổ sắp đến, và còn nhiều điều phải trả giá, vô tận hơn người ta nghĩ... ”(Thư gửi Pierre Termier, ngày 21 tháng 12 năm 1906).

Một chuyến thăm La Salette và một sự hoán cải

"Léon Bloy đã đến La Salette vào năm 1879. Ông viết về điều đó trên cuốn La Femrne Pauvre: 'Tôi đã muốn nhìn thấy ngọn núi vinh hiển mà bàn chân của Nữ vương các tiên tri đã chạm tới, và nơi mà Chúa Thánh Thần đã thốt lên qua đôi môi ngài bài hát đáng sợ nhất mà nhân loại đã nghe kể từ sau kinh Magnificat. Rồi vào một ngày giông bão, tôi đã leo lên vòng xoáy ánh sáng đó, trong một trận mưa như trút nước, và giữa những trận cuồng phong điên dại, trong cơn bão niềm hy vọng của tôi và cơn lốc suy nghĩ của tôi, với đôi tai xâu xé bởi tiếng kêu của dòng nước...

'Tôi đã đến đó theo lời khuyên lâu dài của một linh mục siêu phàm, đã qua đời nhiều năm trước, người từng nói với tôi, 'Khi bạn nghĩ rằng Thiên Chúa đang bỏ rơi bạn, hãy đi tâm sự nỗi oan ức của bạn với Mẹ của Người trên ngọn núi đó.'

'Khi tôi lên đến đỉnh, và thấy Mẹ ngồi trên một viên đá, khóc, úp mặt vào đôi tay, gần con suối nhỏ như thể chảy ra từ đôi mắt Mẹ, tôi theo lan can đi lên và ném mình qùy xuống, nước mắt tuôn rơi và khóc nức nở, cầu nguyện lòng xót thương của đấng vốn được mệnh danh là khẩn cầu toàn năng... Khi tôi lần đầu tiên đến đó, hoàng hôn vừa chợt đến; khi tôi đứng dậy, yếu ớt như một người già trăm tuổi đang an dưỡng; đêm hoàn toàn tối đen, và tôi có cảm tưởng mọi giọt nước mắt của tôi đều lấp lánh trong bầu trời đen kịt.

‘Ôi, các bạn của tôi, ấn tượng đó thật thần linh xiết bao! Xung quanh tôi không có âm thanh của con người. Không một âm thanh mà chỉ là âm thanh của đài phun nước lạ lùng hòa cùng âm nhạc Thiên Đàng được tạo nên bởi những dòng suối chảy róc rách trên núi, và thỉnh thoảng, rất xa, bởi những tiếng chuông trong trẻo của một vài đàn vật. Tôi không biết làm thế nào để diễn đạt điều này với bạn. Tôi giống như một người không có tội lỗi vừa mới chết, hoàn toàn tự do khỏi bất cứ đau khổ nào! Tôi bùng cháy với niềm vui của những kẻ ‘cướp Thiên Đàng’, những người đã được Chúa Giêsu Cứu Thế nói về. Không nghi ngờ gì nữa, một thiên thần nào đó, một seraphim rất kiên nhẫn, đã gỡ khỏi tôi, từng sợi từng sợi, toàn bộ mớ hỗn độn của nỗi tuyệt vọng của tôi, và tôi đang nhẩy mừng trong cơn say Điên thánh thiêng khi tôi đến và gõ cửa đan viện, nơi họ tiếp đón các du khách.'"

Xa hơn một chút, chúng ta được thấy hoạt động tông đồ của Bloy đối với vợ chồng Maritain: “Đến lượt chúng tôi, chúng tôi được biết La Salette thông qua Léon Bloy. Sự kiện Đức Mẹ hiện ra tại La Salette là một trong những sự kiện tôn giáo quan trọng nhất đã diễn ra trong nhiều thế kỷ. Ngay cả Lourdes, nơi được biết đến nhiều hơn, cũng ít phi thường hơn, bất chấp mọi vụ chữa lành lạ lùng của nó. Điều độc đáo về sự kiện La Salette là phẩm chất của các thông điệp được hai trẻ em tiếp nhận và truyền bá... những lời tiên đoán về ngày chung tận được đưa ra ở đó vào năm 1846 đã hoàn toàn được biện minh bởi những diễn biến của thời đại chúng ta.

Niềm tin vào Thông điệp La Salette

“Năm 1907 phán đoán của chúng tôi vẫn chỉ có tính tạm thời; nhưng nhờ sự tin tưởng vào cha đỡ đầu của mình (Léon Bloy), chúng tôi đã có xu hướng tin vào thực tại của các sự kiện được tường trình. Tuy nhiên, chúng tôi biết rằng chúng tôi không bắt buộc phải tin vào chúng và những hiện tượng này của đời sống tôn giáo, giống như mọi điều vốn là 'thị kiến' hay 'mạc khải,' phải chịu một cuộc điều tra nghiêm ngặt nhất, cũng như bất cứ dữ liệu nào trong trật tự lịch sử; và, sau một cuộc điều tra được tiến hành một cách thiện chí, chúng có thể bị bác bỏ mà không phạm bất cứ sai lầm thần học nào. Nhưng chúng ta cũng biết rằng Thiên Chúa vui lòng nâng đỡ Lời của Người bằng các phép lạ và không khôn ngoan cũng không thận trọng khi bác bỏ những điều đó một cách tiên thiên.

“Biến cố La Salette diễn ra trong hoàn cảnh đặc biệt hoành tráng và đẹp đẽ; Đức Trinh nữ trong nước mắt, khi loan báo những đau khổ không thể kể xiết, đã nói với chúng ta, qua những người chăn chiên nhỏ bé Mélanie và Maximin, "kể từ thời điểm ta đau khổ vì các con..."

Chuyến thăm núi Thánh

“Vào ngày 24 tháng 6, chúng tôi lên đường đến La Salette. Chúng tôi đã quyết định đi đường vòng này trong chuyến trở lại Pháp. Chúng tôi đã đi từ Heidelberg đến Bale, từ Bale đến Genève, từ Genève đến Grenoble. Sau đó từ Grenoble đến Corps, một cuộc hành trình phi thường trên những vực thẳm của Drac. Người ta nên đọc mô tả về nó vốn được Bloy trình bầy trong Celle Qui Pleure. Tại Corps, chúng tôi leo lên một loại xe ngựa, một cỗ xe cũ đến nỗi gần như tất cả các bộ phận của nó được giữ với nhau bằng những sợi dây - điều này khiến nó mềm mại hơn là rắn chắc. Nó được kéo bởi hai con ngựa và hai con la. Chúng tôi leo lên con đường dốc, được cho là rất nguy hiểm; nó vẫn còn khó khăn trong những ngày này. Chắc chắn rằng độ hẹp của nó giống như của cổng thiên đàng. Một vách đá bao la bên trái, một vực thẳm ở bên phải. Thời tiết ôn hòa tuyệt vời, không khí trong lành đến lạ thường. Đối với chúng tôi, dường như chúng tôi là những người hành hương đến Thiên đàng Dưới thế, nép mình trên đó rất gần với thiên đàng.

“Cuối cùng chúng tôi đã đến vào ngày 26 lúc bảy giờ tối. Ôi thanh tĩnh làm sao! Ôi thinh lặng biết chừng nào! Đây là ba bức tượng đồng được đặt nơi các trẻ em đã nhìn thấy Đức Mẹ đang ngồi và khóc, sau đó đứng nói chuyện với chúng, rồi được đưa lên trời.

“Trong cuộc tĩnh tâm cao qúi này, chúng tôi chuẩn bị tinh thần để lãnh nhận Bí tích Thêm sức, sẽ được ban cho chúng tôi tại Grenoble. Mọi sự đã được sắp xếp giữa Léon Bloy và Pierre Termier, người sẽ ở cùng chúng tôi vào ngày hôm đó. Khi rời La Salette, chúng tôi đã sống vài ngày với gia đình Termiers tại Varces. Ngày 6 tháng 7, chúng tôi đã được thêm sức, và vào ngày 8 chúng tôi quay trở lại Paris.

"Từ La Salette, Jacques đã gửi cho Ernest Psichari, khi đó đang ở Châu Phi, một tấm bưu thiệp có hình Đức Trinh Nữ Đang Khóc. ‘Chúng tôi đã cầu nguyện cho bạn trên những đỉnh cao của Núi Thánh...’ Psichari trích dẫn tấm thiệp này sau đó trong Le Voyage du Centurion, viết thêm, 'Lần đầu tiên Maxence (đây là tên anh tự đặt cho mình trong cuốn sách này để tránh sử dụng ngôi thứ nhất) tri nhận một hơi thở dịu dàng đến với anh từ Gaul xa xôi. Anh không có bất cứ niềm tin nào vào việc cầu nguyện, nhưng dường như đối với anh người cầu nguyện cho anh này yêu anh hơn những người khác - chỉ mình người này yêu anh.”

Nguồn https://www.lasalette.org/about-la-salette/reconciliation/spirituality-and-charism/1900-in-the-footsteps-of-our-lady-raissa-maritain.html
 
VietCatholic TV
Cha Phêrô Nguyễn Văn Khải: Hành trình tìm Chúa của GS Nguyễn Xuân Vinh, Tư Lệnh Không Quân VNCH
VietCatholic Media
02:08 01/08/2022


NHÀ BÁC HỌC ALFONSO NGUYỄN XUÂN VINH (1930-2022): MỘT ĐẠO SĨ ĐI TÌM KIẾM CHÚA.

Tôi gặp giáo sư Nguyễn Xuân Vinh lần đầu vào năm 2016 khi ông và phu nhân đi hành hương châu Âu. Trong đoàn hành hương ngoài các giáo dân Việt Nam ở Hoa Kỳ và Đức quốc, còn có cha Tòng và tôi (Nguyễn Văn Khải).

Ông Vincent Nguyễn Văn Rị, Trưởng đoàn nhờ tôi làm hướng dẫn viên và xếp tôi ngồi ở hàng ghế đầu cạnh giáo sư Nguyễn Xuân Vinh. Ông Rị hy vọng tôi có thể ăn nói sao đó để giáo sư đón nhận đức tin, trở thành con cái Chúa.

Tuy nhiên tôi nào dám ăn nói gì với giáo sư. Suốt tuần đi chung, tôi chỉ giải thích các di tích lịch sử, đức tin và nghệ thuật và giảng lời Chúa cho cả đoàn trong một vài Thánh Lễ.

Lúc đó cũng như sau này, mỗi lần đến thăm giáo sư tại Orange County, tôi luôn đặt mình trong vị trí một người cháu để nghe ông kể về những gì đã trải qua cùng những nhận xét của ông thời cuộc xưa nay.

Giáo sư kể ông quê Hải Phòng, sinh ra ở Yên Bái, học trung học ở Hà Nội, học sĩ quan ở Nam Định, học không quân và học toán học Aix-en-Provence.

Trở về Việt Nam năm 1955 ông phục vụ trong ngành Không quân và năm 1958 khi mới 28 tuổi ông đã được phong đại tá và được bổ nhiệm làm Tư lệnh Không quân đầu tiên của Việt Nam Cộng Hòa.

Nhưng ông sớm giã từ binh nghiệp, vì ham học nên năm 1962 ông đã xin Tổng thống Ngô Đình Diệm đi tu nghiệp bên Hoa Kỳ theo học bổng mà chính phủ Hoa Kỳ cấp cho sĩ quan VNCH. Ông học ở Colorado. Ông mang theo cả gia đình.

Tôi hỏi làm sao ông có thể nuôi cả gia đình khi ấy thì ông nói ngoài tiền học bổng của Hoa Kỳ và lương sĩ quan chính phủ VNCH vẫn gửi cho ông, thì ông còn được mua sắm giá rẻ theo tiêu chuẩn quân đội và vì vậy cả nhà vẫn đủ sống ở Hoa Kỳ.

Năm 1965 ông tốt nghiệp tiến sĩ ở Đại học Colorado trở thành khoa học gia của NASA, thành giáo sư đại học, biên tập viên của Tạp chí Khoa học Không gian, Viện sĩ của Viện Hàn lâm Vũ trụ Pháp và Viện Hàn lâm Vũ trụ Quốc tế.

Ông còn kể về những trường ông đã học và đã dạy, những học trò mà ông đã hướng dẫn nghiên cứu khoa học, về học thuật ở các nước, về giới trí thức Việt Nam ở phương Tây.

Ông nói người Việt mình thông minh, cần cù, nhưng thiếu đam mê và bền chí và vì vậy ông cố gắng gây tạo cho mình một đam mê lành mạnh và bền bỉ theo đuổi đam mê này.

Ông kể thời còn trong quân đội, trong khi bạn bè đi ăn nhậu, đi nhảy đảm hoặc đi nghỉ hè ở các nơi thì ông học tranh thủ học toán. Lúc rảnh thì tự học, còn các kỳ nghỉ phép thì ghi danh học tại Đại học Aix-en-Provence. Cũng một kiểu học như vậy, về sau ông còn đậu tiến sĩ toán học Đại học Paris bên Pháp trong khi vẫn đang làm việc tại Hoa Kỳ.

***

Trở lại chuyến hành hương năm 2016, tôi thấy ông Nguyễn Văn Rị, một tín hữu rất nhiệt thành, một tông đồ giáo dân hàng đầu ở Đức, cứ liên tục mời mọi người cầu nguyện cho các thành viên khác không phải Công Giáo như giáo sư Nguyễn Xuân Vinh, ông bà bác sĩ Huỳnh Kim Thiên-Hoàng Thị Mỹ Lâm. Ông nói chằng ngại ngùng gì, đặc biệt trong mỗi Thánh Lễ.

Phần giáo sư Nguyễn Xuân Vinh, tôi thấy ông sức khỏe yếu, đi lại khó khăn, vì lúc ấy ông đã mắc bệnh ung thư, nhưng ông vẫn tham dự mọi hoạt động của đoàn hành hương, cả các Thánh Lễ và các giờ cầu nguyện. Hai ngày về miền Nam nước Ý, đoàn có đến Pompei, Napoli, Materdomini và Pagani, nơi một thời là Nhà Mẹ của Dòng Chúa Cứu Thế, cũng là nơi Thánh Alfonse sống những năm cuối đời.

Cha bề trên Tu viện Pagani cho cha Paolo Saturno, nhạc sĩ đồng thời là giáo sư âm nhạc, hướng dẫn cả đoàn thăm Đền thờ và bảo tàng thánh Alfonso. Từ những hiện vật có đấy, ngài đã vẽ lại một cách rất sinh động và hấp dẫn về cuộc đời Thánh Nhân, một tiến sĩ giáo luật và dân luật, một nhạc sĩ tài năng, một họa sĩ nhiều triển vọng đã từ bỏ tất cả để làm linh mục phục vụ người nghèo.

Tôi thấy giáo sư Nguyễn Xuân Vinh lắng nghe rất chăm chú và có vẻ rất xúc động. Ông thinh lặng và nán lại rất lâu trước thi hài Thánh Alfonso. Ông có cầu nguyện với Thánh Nhân hay không thì tôi không biết, nhưng ông là người sau cùng rời khỏi bàn thờ nơi đặt xác Thánh Nhân. Tôi nghĩ là có lẽ ông đã cảm nhận được điều gì đó tại nơi thánh thiêng này.

Trong tư cách là một linh mục, tôi biết người có quá khứ vinh quang bao nhiêu đi nữa mà không có đức tin thì tuổi già vẫn khó đối diện với bệnh tật và cái chết. Thậm chí có khi còn đau khổ hơn khi thấy thời oanh liệt của mình không còn nữa. Tôi cảm thương ông và thầm thì khấn xin Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp và Thánh Alfonso cầu bầu cho ông.

Hết tuần hành hương ở Roma, sau khi ông trở về Hoa Kỳ khoảng gần 1 tháng, thì tôi nhận được tin ông xin học giáo lý dự tòng. Mấy tháng sau ông báo ngày chịu phép rửa tội và mời tôi sang tham dự. Ông còn xin tôi bản tiểu sử Thánh Alfonso vì muốn nhận ngài làm Thánh Bảo Trợ. Tôi ngạc nhiên, vì dự đoán của tôi không sai. Tôi tin sự chuyển cầu của Thánh Alfonse trong lần ông viếng mộ ngài là yếu tố quyết định để ông đón nhận đức tin Công Giáo.

Dịp ông nhận bí tích Rửa tội, tôi cố gắng đến Orange County. Nhưng vì chuyến bay của tôi bị trễ nên khi tôi đến nơi thì Thánh Lễ đã xong. Tối hôm sau ông mời chúng tôi ăn mừng với ông nhân dịp ông được trở thành con cái Chúa trong Giáo Hội Công Giáo. Bữa ăn chỉ có 7 người: ông cùng phu nhân của ông là Elisabeth Xuân Vinh, hai người đỡ đầu của ông là ông bà bà bác sĩ Nguyễn Ngọc Kỳ, cha Trần Công Nghị, cha Nguyễn Sĩ Hanh và tôi.

Ông rất vui vì được ông bà bác sĩ Nguyễn Ngọc Kỳ nhận đỡ đầu trong đời sống đức tin, bởi lẽ bác sĩ không những là một tín hữu đạo hạnh, mà còn là người Hà Nội, cũng từng là sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa và từng phục vụ trong ngành không quân và hai người dễ đồng cảm và chia sẻ với nhau, trong khi phu nhân của bác sĩ là nhạc sĩ Tín Hương cũng là một người tân tòng.

Phu nhân của giáo sư là bà Elisabeth Xuân Vinh có lẽ còn vui hơn, vì món quà không xin mà được: từ nay cả hai cùng tin vào Chúa và thờ phượng Chúa trong Giáo Hội. Tưởng cũng nên biết rằng tính cho đến thời điểm đó, bà đã sống với ông 7 năm; hàng tuần ông vẫn chở bà đi tham dự Thánh Lễ, nhưng vì tôn trọng tự do của ông, bà tuyệt nhiên không bao giờ ngỏ ý mời ông trở thành người Công Giáo.

***

Từ khi ông đón nhận đức tin, ông và tôi trở nên thân thiết hơn. Cũng may là thời gian đó, tôi ở Orange County gần như suốt một năm. Tôi có nhiều dịp gặp gỡ, trò truyện và ăn uống với ông. Có khi cả buổi chỉ có ông và tôi ngồi đàm đào. Tôi nhận ra đức tin đã làm cho con người ông trở nên khác hẳn. Bất chấp tuổi già, bệnh tật, ông sống vui tươi hơn và có khí thế hơn.

Trước đó tôi thấy ông là người ăn nói nhỏ nhẹ, chừng mực và thâm thúy, nhưng khi đã trở nên thân thiện và nói chuyện nhiều với ông, tôi khám phá ra ông không những là một người cởi mở và mà còn rất có óc hài hước và hài hước một cách rất trí thức. Phong thái của ông lịch lãm như phần lớn các sĩ quan không quân VNCH khác mà tôi gặp, nhưng căn bản ông là một nhà khoa học, một nhà giáo hơn là một nhà binh.

Khi đã đủ thân thiện tôi mới tò mò hỏi ông mấy câu hỏi mà người theo văn hóa phương Tây thường được coi là “tế nhị.”

Tôi hỏi ông tin có Thiên Chúa từ bao giờ. Ông nói ông tin từ hồi ông còn trẻ, nhờ đọc sách văn chương và khoa học, nhất là khi ông học lái bay chiến đấu ở Pháp và Bắc Phi. Ông thấy vũ trụ thật kỳ diệu và con người mình thật bé nhỏ mong manh. Ông đưa ra nhiều thí dụ chứng minh và luôn kết luận bằng câu “Làm sao mà có cái chuyện không có Thiên Chúa được!”

Tôi hỏi ông tại sao trước đây khi đang làm sĩ quan quân đội thời Tổng thống Ngô Đình Diệm, ông không gia nhập Công Giáo như nhiều người thời bấy giờ. Ông bảo Công Giáo và văn hóa không xa lạ gì với ông, nhưng việc rửa tội hay không rửa tội hồi ấy cũng chẳng ảnh hưởng gì đến công việc và chức vụ của ông nên ông không có ý theo Công Giáo.

Tôi hỏi ông từ lúc nào ông có ý định xin trở thành con cái Chúa. Ông nói: “Từ sau khi đi hành hương châu Âu, đặc biệt sau khi viếng thăm Đền thánh Alfonso. Lúc viếng mộ ngài tự nhiên tôi thấy rất gần gũi và rất xúc động. Cái cảm giác của tôi lúc đó không thể tả được!

“Lúc trở về nhà tôi hỏi tôi thấy chuyến đi thế nào, tôi nói nếu mà đi du lịch thì không đáng, vì một tuần ở Ý rất vất vả, nhưng nếu mà đi tìm đức tin thì rất giá trị, giá trị không thể tượng tượng được!” Lúc cha hướng dẫn đoàn hành hương ở các đền thờ, tôi thường nhìn lên tượng Chúa chịu đóng đinh, tôi cứ thắc mắc tại làm sao Ngài lại chết trên thập giá đau đớn và nhục nhã như thế!”

“Sau đó nhà tôi mới hỏi tôi bây giờ có ý định trở thành con cái Chúa không. Tôi nói bây giờ thì có vì tôi đã hiểu và đã cảm nhận được Chúa. Thế là nhà tôi liên lạc với ông bà bác sĩ Nguyễn Ngọc Kỳ, ông bà bác sĩ Trần Văn Cảo, nhà báo Trần Phong Vũ và các bạn hữu khác để giúp tôi học giáo lý và được rửa tội như cha biết.”

Tôi thấy nhờ đón nhận đức tin, ông hiểu rõ hơn toàn bộ cuộc đời ông và nhận ra nhận ra tình yêu và sự quan phòng của Chúa trên những nẻo đường ông đã đi qua. Ông tin giữa những nhiễu nhương của thời cuộc Chúa đã sắp đặt cho ông một cuộc sống tốt đẹp nhất và cống hiến được nhiều nhất.

Ông chia sẻ: “Đầu thập niên 1950 anh nào cũng nghĩ người có học như tôi mà vào lính là dại, nhưng nhờ vậy mà sau này tôi mới có thể xin chuyển sang học trong ngành Không quân và được phục vụ tổ quốc trong tư cách là Tư lệnh Không quân đầu tiên của VNCH.”

“Lúc tôi rời bỏ chức Tư lệnh Không quân, ai cũng nói đó là dại, nhưng nhờ vậy mà tôi mới có thể đi học bên Hoa Kỳ và mới còn sống, vì nếu hồi ấy tôi còn làm Tư lệnh Không quân thì chắc chắn với tính cách của tôi, năm 1963 tôi đã bị mất mạng bởi các tướng đảo chính rồi.”

Trong nhà ông có rất nhiều sách vở, tranh ảnh và đồ đoàn liên quan đến sự nghiệp của ông. Năm 2019 khi ông bà dọn sang căn nhà mới, ông phải bỏ bớt đi rất nhiều. Ông tặng tội một số sách trong đó có cả một số tác phẩm văn chương của ông xuất bản từ thời Việt Nam Cộng Hòa.

Mấy tháng trước, cha Bề trên Tổng quyền của chúng tôi có kêu gọi mọi người cộng tác với các cha DCCT bên Ukraine giúp các nạn nhân chiến tranh ở đây. Qua Nguyệt san Diễn đàn Giáo dân và Phong trào Giáo dân Hải ngoại, ông bà đã gửi đến các cha DCCT bên Ukraine 1500 USD. Tôi nghĩ có lẽ đó cũng là của lễ cuối cùng ông tạ ơn Thánh Alfonso- người đã dẫn ông đến với Chúa.

Những tuần ông nằm bệnh viện trong hơn 1 tháng vừa qua, tôi được biết nhiều bạn bè, chiến hữu, học trò và con cháu đã thăm hỏi ông và cầu nguyện cho ông.

Ngay khi vừa vào viện cha Mai Khải Hoàn đã đến xức dầu cho ông. Khi bệnh viện trả về gia đình, nhà văn Quyên Di, ông bà bác sĩ Trần Văn Cảo còn đến bên giường bệnh hát thánh ca và cùng lần hạt Mân Côi cầu nguyện cho ông.

Một nhà truyền giáo ghé thăm nói với ông “Bàn tay của Chúa rất gần với ông, Ngài sẽ đưa ông đi ngài sẽ ban thưởng cho ông những gì ông đã làm cho đất nước và nhân loại.”

Ngày 22 tháng 7 Đức ông Phạm Quốc Tuấn đã đến ban các bí tích sau cùng cho ông và hôm sau thứ bẩy 23 tháng 7 ông đã thanh thản giã biệt cõi đời này trong tình yêu của Chúa và của mọi người thân quen.

Thế là hoàn tất cuộc đời của một con người luôn cố gắng sống lương thiện, chuyên cần phụng sự tổ quốc và thế giới trong tư cách là quân nhân, là nhà giáo và nhà khoa học.

Tôi mới biết ông từ 6 năm nay, trong tư cách là một linh mục, tôi thấy ông như một đạo sĩ âm thầm và bền bỉ tìm kiếm chân lý và sự thiện trong hành trình nghiên cứu và phục vụ của mình, và cuối cùng ông đã gặp được Chúa và nhận ra tình yêu của Ngài dành cho ông. Tôi nghĩ đó là thành công và là phần thưởng lớn nhất của cuộc đời ông.

RIP.

Aix-en-Provence, France

25 tháng 7 năm 2022

Lm. Phêrô Nguyễn Văn Khải DCCT

PS. Giáo sư Alfonso Nguyễn Xuân Vinh kết hôn với bà Cung Thị Toàn và hai ông bà sinh được bốn người con là Alfonse Vinh, Phương Nguyen Vinh, Phoenix Vinh Wright và John Vinh. Năm 2008 bà Cung Thị Toàn qua đời và năm 2009 ông kết hôn lần hai với bà Nguyễn Thị Nghinh Xuân, một nhà báo và một xướng ngôn viên Radio và Truyền hình đến từ Australia. Phải nói là ông may mắn gặp được bà vì suốt trong 13 năm cuối đời, bà đã đồng hành và chia sẻ với ông, chăm sóc và giúp đỡ ông. Tôi nghe nói một người con ở xa cũng về ở bên cạnh ông và chăm sóc ông trong những tuần cuối cùng khiến ông rất hạnh phúc.
 
Putin tê tái: Nga trúng kế Ukraine, đoàn tầu đạn dược hơn 40 toa nổ tung ở Kherson, thương vong nặng
VietCatholic Media
03:22 01/08/2022


1. Nga trúng kế Ukraine, đoàn tầu hơn 40 toa nổ tung ở vùng Kherson

Trong bản báo cáo sáng thứ Hai mùng 1 tháng 8, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết: Vào đêm 30 tháng 7, một đoàn tàu đặc biệt gồm hơn 40 toa chở đạn dược và các thiết bị quân sự, đã xuất phát từ Crimea để đến nhà ga Brylivka của Kherson. Sáng sớm Chúa Nhật 31 tháng 7, đoàn tầu đã bị quân Ukraine tấn công bằng Hệ thống Hỏa tiễn Pháo binh Cơ động Cao, gọi tắt là HIMARS.

Ông Serhii Bratchuk, phát ngôn nhân quân sự khu vực Odesa, đoàn tầu đã nổ tung trong nhiều giờ đến tận chiều ngày Chúa Nhật. Theo dữ liệu tình báo, tất cả các tài xế lái xe đầu máy và kỹ sư của đường sắt Nga, và những người hộ tống hàng hóa, đã thiệt mạng vì sức nổ dữ dội của đạn dược trên các toa xe.

Ông Serhii Bratchuk cho biết quân Nga trấn đóng tại nhà ga Brylivka cũng bị thiệt hại nặng. Ít nhất 80 binh sĩ Nga đã bị loại khỏi vòng chiến và 200 người khác bị thương.

Tưởng cũng nên biết, Ukraine đã dùng HIMARS tấn công các sở chỉ huy và kho đạn của Nga trong vùng Kherson. Họ cũng dùng HIMARS để tấn công các cây cầu trọng yếu. Do độ chính xác cao của HIMARS, quân Ukraine có thể làm hư mặt cầu gây ra gián đoạn giao thông, nhưng không làm sập những cây cầu này.

Bộ Quốc phòng Anh cho biết Ukraine đã gần như cắt đứt thành phố Kherson phía nam do Nga chiếm đóng, khiến hàng nghìn binh sĩ Nga đóng quân gần sông Dnepr “rất dễ bị tổn thương” và bị cô lập. Quân Nga trong thành phố Kherson chống cự yếu ớt vì họ bị cắt đứt liên lạc giữa các đơn vị, các hệ thống chỉ huy bị đập tan, và đạn dược bị cạn kiệt.

Quân Nga đã ráo riết sửa chữa các đoạn đường sắt bị du kích Ukraine ở Melitopol phá hoại và tăng quân bảo vệ các nhà ga và các đoạn đường sắt. Đoán là quân Nga sẽ dùng đường sắt để chuyên chở đạn dược, trong gần một tuần qua, quân Ukraine đã không dùng HIMARS nhưng cho các máy bay chiến đấu tấn công quân Nga ở Kherson.

Trong một thông báo được lặp đi lặp lại nhiều lần, Ông Yurii Sobolevskyi, phó chủ tịch hội đồng khu vực Kherson nói: “Tôi muốn kêu gọi tất cả những ai bị buộc phải ở lại vùng lãnh thổ bị chiếm đóng tạm thời của vùng Kherson... Nếu bạn không thể di tản vì bất cứ lý do gì, vui lòng ở càng xa cơ sở hạ tầng quân sự và các địa điểm triển khai của họ càng tốt. Không Quân Ukraine sẽ tiếp tục tấn công vì không có cách nào khác để giải phóng người dân và khu vực của chúng ta”

Việc Ukraine chỉ dùng Không Quân, và chỉ nhắc đến Không Quân, cũng như ngưng dùng HIMARS trong nhiều ngày, đã tạo cho người Nga cảm tưởng rằng Ukraine đã hết đạn HIMARS.

Thành ra, tối thứ Bẩy, đoàn tầu Nga lặng lẽ xuất phát từ Crimea. Nhưng ngay khi đoàn tầu dừng ở nhà ga Brylivka, HIMARS tấn công tới tấp.

Ông Serhii Bratchuk nói: “Những người đi trên con tầu chạy không kịp, không còn ai sống sót.”

2. Không Quân Ukraine tấn công các cứ điểm của quân Nga ở miền nam Ukraine

Các máy bay tấn công của Ukraine đã tấn công vào các cứ điểm của quân Nga gần Bilohirka và Sukhyi Stavok. Bộ Chỉ huy Chiến dịch phía Nam đã cho biết như trên trong báo cáo sáng thứ Hai mùng 1 tháng 8.

Quân xâm lược Nga tiếp tục tiến hành các cuộc tấn công dọc theo các giới tuyến đã chiếm được, cải tổ lại lực lượng trong các khu vực bị chiếm đóng, tăng cường lực lượng dự bị, tìm kiếm các tuyến vận tải thay thế, cố gắng tránh sự kiểm soát hỏa lực của Quân đội Ukraine.

Vào đêm ngày 31 tháng 7 năm 2022, quân xâm lược Nga tấn công thành phố Mykolaiv bằng hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt Smerch. Hệ thống hỏa tiễn S-300 cải tiến có khả năng phá hủy mạnh hơn trước, đã phá hủy ba cơ sở giáo dục và gây thiệt hại và phá hủy một số ngôi nhà và khu chung cư biệt lập.

Tổng cộng 17 tàu chiến và tàu thuyền của Hạm đội Hắc Hải của Nga đang hoạt động gần bờ biển Crimea, từ bán đảo Tarkhankut đến Novorossiysk. Trong số đó, có sáu tàu mang 44 hỏa tiễn hành trình Kalibr.

3. Thủy quân lục chiến loại khỏi vòng chiến 200 quân xâm lược, hàng chục đơn vị thiết bị của Nga trong một tuần

Trong tuần qua, các đơn vị thuộc Lực lượng Thủy Quân Lục Chiến Ukraine đã loại bỏ hơn 200 binh sĩ Nga và hàng chục đơn vị thiết bị của đối phương.

“Trong khoảng thời gian từ ngày 25 tháng 7 đến ngày 30 tháng 7 năm 2022, Thủy Quân Lục Chiến của chúng tôi đã gây ra tổn thất nặng nề cho quân chiếm đóng của Nga. Họ đã tiêu diệt 2 xe tăng, 2 xe bọc thép chiến đấu, 2 xe vận tải và làm hư hại thêm 7 xe khác của đối phương trong thời gian nói trên.

Riêng trong ngày Chúa Nhật 31 tháng 7, lực lượng Thủy Quân Lục Chiến Ukraine đã “ngăn chặn hoạt động” của 7 xe tăng, 30 hệ thống súng cối và 2 đơn vị pháo của đối phương dọc theo giới tuyến. 55 quân xâm lược đã bị loại khỏi vòng chiến.

Cũng trong ngày Chúa Nhật 31 tháng 7, các đơn vị pháo binh của Lực lượng Hải quân đã tiêu diệt 3 xe tăng Nga, 8 xe chiến đấu bộ binh, 3 xe bọc thép chiến đấu, 8 hệ thống pháo tự hành, 1 hệ thống phòng không, một trạm tác chiến điện tử, 29 phương tiện, hơn 150 binh sĩ, cũng như bốn kho đạn dược.

Tính chung, từ ngày 24 tháng 2 đến ngày 31 tháng 7, Các lực lượng vũ trang Ukraine đã loại bỏ khoảng 40.830 quân xâm lược Nga và phá hủy 1.763 xe tăng, 4.004 xe bọc thép, 916 hệ thống pháo, 259 khẩu MLRS và các thiết bị khác của đối phương.

4. Gần 400.000 người Ukraine đã rời khỏi các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng qua ngã Zaporizhzhia

Kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện của Nga, khoảng 400.000 người Ukraine đã rời khỏi các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng thông qua thành phố Zaporizhzhia.

“Khoảng 400.000 người đã đi qua thành phố, 106.000 người đã ghi danh di dời nội bộ,” Oleksandr Starukh, Cục trưởng Cục Quân sự khu vực Zaporizhzhia cho biết như trên hôm thứ Hai mùng 1 tháng Tám.

Sau khi được di tản đến Zaporizhzhia, một số người di dời nội bộ đã được đưa đến các thành phố khác.

Gần 90.000 người phải di dời đã đến định cư tại thành phố Zaporizhzhia. Có 16.000 cư dân của vùng Donetsk trong số đó, bao gồm khoảng 7.000 cư dân của Mariupol. Nhiều người từ quận Polohy và Huliaypole, vùng Zaporizhzhia, cũng ở lại.

Starukh lưu ý rằng một mạng lưới các trung tâm cho di dời nội bộ đã được tạo ra ở thành phố Zaporizhzhia.

“Chúng tôi từng có một trung tâm chung nhận người di dời nội bộ từ tất cả các khu vực, nhưng bây giờ chúng tôi quyết định tạo các trung tâm riêng cho từng quận. Chúng tôi đã mở các trung tâm cho cư dân của các quận Melitopol, Vasylivka, Polohy và Berdiansk. Một trung tâm cho Mariupol đã được tạo ra từ lâu. Các cơ quan tự quản địa phương có liên quan sẽ chăm sóc các trung tâm này. Chúng tôi đã tạo điều kiện và họ giải quyết việc ăn ở của những người phải di dời”, người đứng đầu Cục quản lý quân sự khu vực Zaporizhzhia giải thích.

Ông cũng nói thêm rằng một trung tâm riêng biệt dành cho những người di dời từ vùng Kherson hiện đang được tạo ra. Theo ông, 15 đại diện của chính quyền địa phương của vùng Kherson làm việc ở đó.

“Rất nhiều người đang rời khỏi vùng Kherson. Tuần trước, chúng tôi đã gặp gỡ đại diện chính quyền địa phương của vùng Kherson: đại diện chính quyền khu vực, chính quyền thành phố, các nghị sĩ. Chúng tôi đã đồng ý rằng họ sẽ bảo đảm việc tiếp công dân trên cơ sở lâu dài. Đã có 15 người tham gia vào việc này. Họ cũng điều chỉnh và kiểm soát việc cung cấp viện trợ tình nguyện đến lãnh thổ của thành phố Kherson và vùng Kherson.”

5. Nga tấn công khu vực Odesa bằng hỏa tiễn Iskander phóng từ Crimea

Những kẻ xâm lược Nga đã bắn hai hỏa tiễn Iskander vào khu vực Odesa từ Crimea bị chiếm đóng tạm thời. Không có thương vong nào được báo cáo.

Vladyslav Nazarov, Phát ngôn nhân của Bộ chỉ huy tác chiến phía Nam báo cáo như trên vào sáng thứ Hai mùng 1 tháng 8.

“Khu vực Odesa đã bị tấn công bằng hai hỏa tiễn Iskander bắn từ Crimea tạm thời bị chiếm đóng. Các hỏa tiễn Iskander thường nổ trên không gây ra cái gọi là bẫy nhiệt trên lãnh thổ quận Odesa”.

Theo ông, những chiếc bẫy này trông giống như một quả đạn chưa nổ hoặc có hình dạng giống như một chiếc phi tiêu với phần đuôi màu cam. Đây là một điều khá nguy hiểm vì nó có nhiệt độ cháy cao và có thể gây bỏng trên diện rộng.

Nazarov giải thích rằng một số bẫy như vậy đã dẫn đến việc đốt cỏ khô. Dịch vụ cứu hộ phản ứng kịp thời, dập tắt đám cháy.

Không có thương vong đã được báo cáo, ông nói thêm.

6. Nhà tài phiệt Nga nhận định Putin muốn 'tiêu diệt' Ukraine

Nhà tài phiệt người Nga lưu vong Leonid Nevzlin cho biết trong một cuộc phỏng vấn được công bố hôm thứ Bảy rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin không muốn sáp nhập Ukraine mà thay vào đó là “tiêu diệt” quốc gia này.

Bình luận của Nevzlin được đưa ra trong một cuộc phỏng vấn với tờ The Times of Israel, trong đó cựu phó chủ tịch của công ty dầu khí Yukos, là công ty đã bị chính phủ Nga đập tan vào đầu những năm 2000, nói rằng, ban đầu, Putin “đang nhắm tới mục tiêu phục hồi mô hình Liên Xô với việc sáp nhập Ukraine, Moldova và Belarus vào Nga”. Nhưng bây giờ, “mọi thứ đã thay đổi.”

“Putin đang cố gắng tiêu diệt Ukraine. Chúng tôi hiểu điều đó từ bạo lực không thể chịu đựng được và tính chất khủng khiếp của cuộc chiến này,” Nevzlin nói với tờ báo. “Anh ta phá hủy cả các thành phố nói tiếng Nga, anh ta phá hủy con người. Đây là cách anh ta trả thù — chống lại Ukraine và chống lại Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy. Hắn tàn sát người Ukraine và phá hủy cơ sở hạ tầng. Bất cứ ai tham gia vào công việc trùng tu sẽ phải dọn dẹp đống đổ nát và xây dựng lại từ đầu”.

Nhà tài phiệt lưu vong nói rằng ban đầu có những giả thuyết cho rằng Putin tìm cách chia tài sản ở Ukraine, nhưng nói rằng nếu “đúng như vậy, ông ta đã không phá hủy” nhà máy thép Azovstal, mà thay vào đó “sẽ tiếp quản nó để sau này truyền lại cho các cộng sự của mình”.

Nhà máy này là nơi diễn ra trận chốt giữ cuối cùng chống lại lực lượng Nga tại thành phố cảng Mariupol của Ukraine vào mùa xuân năm nay. Cảnh quay về nhà máy được quay sau khi các chiến binh Ukraine đầu hàng cho thấy nó bị hư hại nghiêm trọng với các mảnh vỡ rải khắp mặt đất.

“Bạn có nhìn thấy cánh đồng ở Donbas bị gieo đầy bom và chất nổ chưa? Đó là tầm nhìn của Putin đối với Ukraine.” Nevzlin đã trốn khỏi Nga và di cư sang Israel vào năm 2003 khi một số đồng nghiệp của anh ta bị giới chức Nga bắt giữ.

Vào tháng 3, sau cuộc xâm lược Ukraine, nhà tài phiệt lưu vong đã từ bỏ quốc tịch Nga của mình.

Tháng trước, một nhà tài phiệt lưu vong khác, tỷ phú Mikhail Khodorkovsky, nói rằng Putin đang hướng tới sự sụp đổ của mình với cuộc xâm lược của mình.

“Nếu bây giờ ông ấy thắng ở Ukraine, ông ấy sẽ vì các vấn đề trong nước mà bắt đầu chiến tranh với NATO. Và cuối cùng thì ông ấy sẽ thua trong cuộc chiến đó,” Khodorkovsky nói với tờ Financial Times. Nếu không có quá nhiều thương vong, tôi sẽ nói rằng tôi thực sự khá hạnh phúc, bởi vì hắn ta đã bắt tay vào một lộ trình sẽ dẫn đến cái chết của hắn.

7. Lực lượng Nga “rõ ràng đang gặp rất nhiều rắc rối” ở Ukraine

Theo một chuyên gia an ninh, các lực lượng Nga “rõ ràng đang gặp rất nhiều rắc rối” ở Ukraine khi họ phải đối mặt với những tổn thất ngày càng lớn.

Phát biểu với GB News hôm Chúa Nhật, Giáo sư người Anh Anthony Glees đã thảo luận về tình trạng của các lực lượng Nga ở Ukraine và nói rằng quốc gia xâm lược có thể hướng tới một “thất bại đáng kể”. Glees là một “chuyên gia danh tiếng trong nước và quốc tế về các vấn đề Âu Châu... và an ninh,” và hiện là giáo sư danh dự tại Đại học Buckingham.

“Chúng tôi và người Mỹ đánh giá rằng 75.000 binh sĩ Nga đã bị giết hoặc bị thương,” giáo sư nói. “Rất nhiều. Và 80% lực lượng đang hoạt động của Nga hiện đang sa lầy ở phía đông Ukraine. Putin đã hy vọng sẽ giành chiến thắng trong cuộc chiến này trong một vài ngày, và những gì đã thực sự xảy ra không phải là bế tắc mà là một thất bại. Nếu Ukraine thắng trong trận Kherson thì có thể nói rằng Nga đã phải chịu một thất bại đáng kể”.

Khu vực Kherson nằm ở miền Nam Ukraine, nằm dọc theo Hắc Hải và giáp với bán đảo Crimea mà Nga sáp nhập vào năm 2014. Với giá trị chiến lược của mình, Kherson là một trong những tỉnh đầu tiên của Ukraine bị Nga chiếm đóng sau khi Putin bắt đầu cuộc xâm lược đầu năm nay.

Tuy nhiên, trong những tuần gần đây, các lực lượng Ukraine đã tăng gấp đôi nỗ lực để chiếm lại tỉnh này từ tay Nga. Hôm thứ Năm, Bộ Quốc phòng Vương quốc Anh báo cáo rằng Ukraine đang “lấy đà” trong cuộc chiến chiếm lại Kherson và sử dụng hỏa tiễn do Mỹ cung cấp để hạ gục một số cây cầu mà lực lượng Nga đã sử dụng để tiếp tế.

Trong cuộc nói chuyện của mình với GB News, Glees trích dẫn một báo cáo gần đây từ Richard Moore, người đứng đầu MI6 của Anh, tuyên bố rằng Nga có thể đang “cạn kiệt sức lực”.

“Người đứng đầu MI6 có khả năng dự đoán những gì sắp xảy ra,” Glees nói thêm. “Ông ấy nói Nga sẽ xâm lược Ukraine khi nhiều người nghi ngờ điều đó. Chúng tôi cần lắng nghe rất cẩn thận những gì anh ấy đang nói — và người Nga cần lắng nghe những gì anh ấy đang nói, và tôi hy vọng họ sẽ làm được. “

Newsweek đã liên hệ với các quan chức Nga để đưa ra bình luận.

Hanna Shelest, giám đốc chương trình nghiên cứu an ninh tại tổ chức tư vấn an ninh và chính sách đối ngoại Ukraine Prism, trước đây nói với Newsweek rằng lực lượng Ukraine không ưu tiên bất kỳ tỉnh cụ thể nào, mà tập trung vào các mục tiêu hợp lý nhất.

Shelest nói: “Tất cả các lãnh thổ đều quan trọng. Chúng tôi không ưu tiên bằng cách này hay cách khác, đó chỉ là nơi chúng tôi có thể làm điều đó ngay bây giờ.”
 
Lm cởi trần, mặc quần xà lỏn cử hành thánh lễ, công tố viện điều tra tội miệt thị tình cảm tôn giáo
VietCatholic Media
05:09 01/08/2022


1. Đức Thánh Cha về đến Roma bình an

Đức Thánh Cha đã về đến phi trường quốc tế Fiumicino của thành Roma lúc 8 giờ 6 phút sáng thứ Bảy, 30 tháng Bảy năm 2022.

Trên đường về Vatican, như thường lệ Đức Thánh Cha đến Đền thờ Đức Bà Cả, cầu nguyện trước ảnh tượng Đức Mẹ là phần rỗi của dân Roma để cầu nguyện và cám ơn Đức Mẹ vì đã phù trợ ngài trong chuyến viếng thăm.

Hơn bảy tiếng trước đó, tại phòng khánh tiết phi trường Iqaluit của Canada, đã diễn ra cuộc tiễn biệt đơn sơ, với sự hiện diện của bà Toàn quyền Mary May Simon, và một số quan chức trong chính phủ Canada.

Một số thành viên thổ dân Inuit đã đánh trống, chơi nhạc và diễn những vũ điệu truyền thống đơn sơ để từ biệt.

Mặt khác, cha Spadaro, Giám đốc tạp chí “Văn minh Công Giáo” của dòng Tên ở Ý, cho biết ban sáng cùng ngày thứ Bảy, 30 tháng Bảy, tại Tòa Tổng giám mục Québec, Đức Thánh Cha đã gặp khoảng 15 tu sĩ dòng Tên, trong đó có Đức Hồng Y Czerny, người Canada, Bộ trưởng Bộ phát triển nhân bản, một số tu sĩ dòng tên người Haiti, vì miền dòng Tên tại nước này cũng thuộc tỉnh dòng Canada.

Cuộc trao đổi rất thân mật, xoay quanh các vấn đề của Giáo hội nói chung và tại Canada nói riêng.

2. Phỏng vấn Đức Thánh Cha trên máy bay: Giáo huấn của Giáo Hội về tránh thai có thay đổi không?

Đức Thánh Cha Phanxicô xem xét sự phát triển của học thuyết Giáo Hội trên chuyến bay trở về từ Canada.

Trong một số giới Công Giáo, có tin Đức Giáo Hoàng Phanxicô chuẩn bị thay đổi giáo huấn trong tài liệu Humanae Vitae của Đức Phaolô Đệ Lục về tránh thai. Tài liệu này sẽ đánh dấu kỷ niệm 55 năm công bố vào năm tới.

Những tin đồn chủ yếu liên quan đến một cuốn sách trình bày các cuộc thảo luận từ một hội nghị ba ngày do Học viện Giáo hoàng về Sự sống tài trợ vào mùa thu năm 2021. Cuốn sách được xuất bản vào tháng trước bởi nhà xuất bản Vatican, có tên là Etica teologica della vita: Scrittura, tradizione, sfide, pratiche (Đạo đức thần học của cuộc sống: Các bài viết, Truyền thống, và Thử thách thực tế).

Một học giả Dòng Tên bình luận về cuốn sách cho biết một thông điệp của Đức Giáo Hoàng có thể sắp ra mắt mang tên Gaudium Vitae (Niềm vui của cuộc sống).

Trên máy bay từ Canada đến Rôma, Đức Giáo Hoàng đã được hỏi về suy nghĩ của ngài về việc liệu giáo huấn của Giáo Hội về biện pháp tránh thai có cần phát triển hay không. “Đây là điều rất đúng lúc,” ngài nhận xét như trên khi bắt đầu trả lời.

Sau đó, Đức Giáo Hoàng tiếp tục giải thích rằng “tín điều, đạo đức, luôn luôn trên con đường phát triển, nhưng luôn phát triển theo cùng một hướng.”

Ngài trích dẫn Thánh Vincent thành Lerins và “một quy tắc rất rõ ràng và sáng tỏ” từ thế kỷ thứ 10, nguyên tắc của thánh nhân cho rằng tín lý là “ut annis consolidetur, dilatetur tempore, sublimetur aetate”. Thánh nhân khẳng định rằng tín lý không đứng yên mà được “củng cố theo năm tháng, mở rộng theo thời gian, tinh luyện theo tuổi tác”.

Trong bối cảnh này, Đức Giáo Hoàng nói, các nhà thần học có nhiệm vụ nghiên cứu và suy tư. Ông nói: “Bạn không thể làm thần học với chữ 'không' trước mặt”.

Nhưng Đức Thánh Cha khẳng định rằng Huấn quyền, sẽ chuyển hướng thần học nếu nó đi chệch hướng. Nghĩa là Huấn quyền sẽ nói không, bạn đã đi quá xa rồi, hãy quay lại, nhưng sự phát triển thần học phải cởi mở, đó là điều mà các nhà thần học hướng tới. Và Huấn Quyền phải giúp hiểu được các giới hạn.

Về vấn đề tránh thai, Đức Giáo Hoàng cho thấy ngài đã nhận thức được những lời bàn tán về cuốn sách của Học viện Giáo hoàng về Sự sống.

Về vấn đề tránh thai, tôi biết có một công bố về vấn đề này và các vấn đề hôn nhân khác: Đây là những hành vi của một đại hội, và trong một đại hội, có những giả thuyết, sau đó họ thảo luận với nhau và đưa ra đề xuất. Chúng ta phải rõ ràng: những người tham gia đại hội này đã làm đúng bổn phận của họ, bởi vì họ đã tìm cách tiến lên trong tín lý, nhưng theo nghĩa Giáo Hội, chứ không phải ra khỏi Giáo Hội, như tôi đã nói về quy tắc của Thánh Vincent thành Lerins.

Sau đó, Huấn quyền sẽ nói, nó là tốt hoặc nó không tốt.

Đức Giáo Hoàng nói rằng động lực và nguyên tắc này áp dụng cho nhiều vấn đề, và đưa ra hai ví dụ gần đây, đó là tích trữ vũ khí nguyên tử và án tử hình.

Có thể nói rõ hơn: Sẽ ổn khi tín lý hoặc đạo đức phát triển, nhưng phải theo cùng một hướng, với ba quy tắc của Vincent thành Lerins. Tôi nghĩ điều này rất rõ ràng: một Giáo Hội không phát triển tư duy của mình theo nghĩa Giáo Hội, là một Giáo Hội đang đi lùi.

Truyền thống so với những người theo chủ nghĩa truyền thống

Về vấn đề này, Đức Giáo Hoàng quay trở lại mối quan tâm mà ngài đã lên tiếng về “những người theo chủ nghĩa truyền thống”.

Đây là vấn đề của ngày nay, và của nhiều người tự cho mình là truyền thống. Không, không, họ không phải là truyền thống, họ là những người hướng về quá khứ, lạc hậu, không có cội nguồn - nó luôn được thực hiện theo cách đó, đó là cách nó đã được thực hiện vào thế kỷ trước. Và nhìn lại phía sau là một tội lỗi vì nó không tiến bộ với Giáo Hội.

Truyền thống là đức tin sống của những người đã chết. Đối với những người đang nhìn lạc hậu, những người tự gọi mình là người theo chủ nghĩa truyền thống, đó là đức tin chết của người sống.

Truyền thống thực sự là gốc rễ, là nguồn cảm hứng để tiến lên trong Giáo Hội, và điều này luôn luôn theo chiều dọc. Và nhìn về phía sau là đi lùi, nó luôn luôn đóng cửa. Cần phải hiểu rõ vai trò của truyền thống luôn rộng mở, như cây có cội, cây mọc… Một nhạc sĩ đã dùng một câu rất hay. Gustav Mahler đã từng nói rằng truyền thống theo nghĩa này, là sự bảo đảm cho tương lai, nó không phải là một tác phẩm bảo tàng. Nếu bạn quan niệm truyền thống là khép kín, thì đó không phải là truyền thống Kitô… nó luôn là gốc rễ đưa bạn tiến lên, tiến lên, tiến lên phía trước.
Source:Aleteia

3. Giáo dân ngã lòng khi chứng kiến linh mục ở trần dâng thánh lễ

Sau khi những bức ảnh chụp một linh mục người Ý cởi trần cử hành Thánh lễ trên biển bằng một chiếc ghế tựa bơm hơi được lan truyền trong tuần này, tổng giáo phận Công Giáo địa phương đã kêu gọi sự tôn trọng phụng vụ Công Giáo.

Cha Mattia Bernasconi, một linh mục của tổng giáo phận Milan, đã nhìn nhận trong một cuộc phỏng vấn vào ngày 26 tháng 7 rằng lựa chọn phụng vụ của ngài ở trần, mặc quần bơi để dâng thánh lễ “có lẽ là thiếu thận trọng” và nói rằng ngài sẽ không làm điều đó một lần nữa.

Vị linh mục 36 tuổi giải thích rằng ngài đã giúp trong một trại hè kéo dài một tuần dành cho học sinh trung học ở miền nam nước Ý do Libera, một tổ chức chống mafia tổ chức.

“Chúng tôi muốn dành ngày cuối cùng ở bãi biển; Đó là ngài Chúa Nhật và đã nảy sinh vấn đề về Thánh lễ, mà chúng tôi luôn cử hành,” Cha Bernasconi nói với tờ báo Ý Corriere della Sera nghĩa là Tin Chiều.

“Lúc đó là 10:30 sáng và mặt trời như thiêu đốt, vì vậy chúng tôi quyết định rẽ vào một nơi thoải mái duy nhất là ở dưới nước”

Thánh lễ ngoài khơi Crotone ở vùng Calabria miền nam nước Ý đã thu hút sự chú ý của những người đi biển. Một số tham gia Thánh lễ, trong khi những người khác đăng ảnh trực tuyến.

Phản hồi trực tuyến về bức ảnh vị linh mục cởi trần trong nước, cầm chén thánh trên đầu đã ngay lập tức được đưa ra. Một số người dùng mạng xã hội đã hỏi tại sao nghi lễ này được cho phép vào thời điểm Thánh lễ Latinh Truyền thống bị nhiều hạn chế.

Nhiều tín hữu Công Giáo Ý nói họ ngã lòng trước cách thức một linh mục cử hành thánh lễ bôi bác như thế. Giuseppe Capoccia, công tố viên chính của thành phố Crotone, đi xa hơn và nói rằng ông cho rằng việc điều tra hình sự vị linh mục này là phù hợp vì “tội danh xúc xiểm tôn giáo” ở nơi công cộng, theo một báo cáo từ tờ báo La Repubblica của Ý.

Tổng giáo phận Crotone-Santa Severina đã đưa ra một tuyên bố vào ngày 25 tháng 7 phản ứng về vụ việc nói rằng cần phải duy trì sự trang trí tối thiểu và quan tâm đến các biểu tượng cần thiết theo bản chất của các cử hành phụng vụ.”

Tổng giáo phận cho biết: “Trong một số trường hợp đặc biệt, trong các khóa tĩnh tâm, trại học, tại các điểm nghỉ mát, cũng có thể cử hành thánh lễ bên ngoài nhà thờ”.

“Tuy nhiên, luôn luôn cần thiết phải liên lạc với các nhà lãnh đạo Giáo Hội của nơi họ đang ở, để tư vấn cho nhau về cách thích hợp nhất để cử hành Thánh Thể như vậy.”

Tuyên bố tiếp tục trích dẫn bức thư gần đây của Đức Thánh Cha Phanxicô về phụng vụ: “'Chúng ta hãy nói rõ ở đây: mọi khía cạnh của cử hành phải được chăm chút cẩn thận (không gian, thời gian, cử chỉ, lời nói, đồ vật, lễ phục, bài hát, âm nhạc… ) và quy định Phụng Vụ cần phải được tuân giữ”.

Đáp lại lời kêu gọi của tổng giáo phận, Cha Bernasconi nói: “Tôi tự trách mình vì có lẽ hơi ngây thơ”.

Vị linh mục nói rằng cử chỉ của ngài đã bị “hiểu nhầm” và ngài bị sốc trước nhiều “tin nhắn phẫn nộ” mà ngài nhận được.

Ngài bảo vệ thêm rằng phụ huynh của các học sinh tham gia trại hè không khó chịu về cách ngài dâng Thánh lễ.

“ Một phụ nữ cảm ơn tôi, nói với tôi rằng cô ấy cảm thấy Giáo Hội đã tìm đến cô ấy ngay cả ở bãi biển. Bất cứ nơi nào cũng tốt cho việc truyền bá lời Chúa,” vị linh mục nói.

Bernasconi là linh mục phụ tá tại Nhà thờ San Luigi Gonzaga ở Milan. Tờ báo chính thức của Tổng giáo phận Milan đã đăng lại ghi chú về phụng vụ từ giáo phận miền nam nước Ý theo yêu cầu của chính quyền Giáo Hội địa phương.

Trích lời Đức Thánh Cha Phanxicô, ghi chú cho biết: “Nếu chúng ta thiếu sự ngạc nhiên khi chứng kiến mầu nhiệm Vượt qua được hiện diện trong tính cụ thể của các dấu chỉ bí tích, thì chúng ta thực sự có nguy cơ không thấm vào đại dương ân sủng tràn ngập mọi cử hành”.
Source:Catholic News Agency
 
Người Công Giáo và mộng làm giàu. Lời khuyên của Đức Thánh Cha Phanxicô
VietCatholic Media
15:51 01/08/2022

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca.

Khi ấy, có người trong đám đông nói với Đức Giêsu rằng: “Thưa Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia phần gia tài cho tôi.” Người đáp: “Này anh, ai đã đặt tôi làm người xử kiện hay người chia gia tài cho các anh?”

Và Người nói với họ: “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu.”

Sau đó Người nói với họ dụ ngôn này:

“Có một nhà phú hộ kia, ruộng nương sinh nhiều hoa lợi, mới nghĩ bụng rằng: ‘Mình phải làm gì đây? Vì còn chỗ đâu mà tích trữ hoa mầu!’ Rồi ông ta tự bảo: ‘Mình sẽ làm thế này: phá những cái kho kia đi, xây những cái lớn hơn, rồi tích trữ tất cả thóc lúa và của cải mình vào đó. Lúc ấy ta sẽ nhủ lòng: hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã!’ Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta: ‘Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?’

Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó.”

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em,

Trong bài Tin Mừng của phụng vụ hôm nay, một người đưa ra lời yêu cầu này với Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia phần gia tài cho tôi” (Lc 12:13). Đây là một tình huống rất phổ biến. Những vấn đề tương tự như thế vẫn còn phổ biến cho đến ngày nay. Bao nhiêu anh chị em, bao nhiêu thành viên trong cùng một gia đình, chẳng may cãi nhau về tài sản thừa kế, có lẽ không còn nói chuyện được với nhau!

Đáp lại yêu cầu của người này, Chúa Giêsu không đi vào những chi tiết cụ thể, nhưng đi vào gốc rễ của những chia rẽ gây ra bởi sự sở hữu của cải. Ngài nói rõ ràng: “Hãy đề phòng mọi sự tham lam” (câu 15). “Hãy đề phòng mọi sự thèm muốn”. Lòng tham là gì? Đó là lòng tham của cải không kiềm chế được, luôn ham muốn giàu sang. Đây là một căn bệnh hủy hoại con người, bởi vì sự thèm khát của cải tạo ra một cơn nghiện. Trên tất cả, những người có nhiều không bao giờ bằng lòng, họ luôn muốn nhiều hơn, và chỉ cho bản thân mình. Nhưng như thế, người đó không còn tự do nữa: người đó bị ràng buộc vào của cải, biến thành một nô lệ cho điều nghịch lý thay lẽ ra phải phục vụ họ để họ được sống tự do và thanh thản. Thay vì được phục vụ bởi tiền, người đó trở thành tôi tớ của tiền. Lòng tham cũng là một căn bệnh nguy hiểm cho xã hội - do lòng tham mà ngày nay chúng ta đã đạt đến những nghịch lý khác: một sự bất công chưa từng thấy trong lịch sử, trong đó một thiểu số sở hữu rất nhiều trong khi đại đa số có rất ít hay thậm chí chẳng có gì. Chúng ta hãy xem xét các cuộc chiến tranh và xung đột. Ham muốn tài nguyên và sự giàu có hầu như luôn là động lực. Có bao nhiêu quyền lợi đằng sau chiến tranh! Chắc chắn, một trong số này là buôn bán vũ khí. Vụ mua bán này là một vụ tai tiếng mà chúng ta không bao giờ được cam chịu.

Hôm nay, Chúa Giêsu dạy chúng ta rằng trọng tâm của tất cả những điều này không chỉ là một số người quyền lực, hoặc một số hệ thống kinh tế nhất định. Sự thèm muốn trong trái tim của mọi người là trung tâm. Và vì vậy, chúng ta hãy thử tự hỏi mình: Tôi đang ở đâu trong cố gắng đừng dính bén đến tài sản, tách mình khỏi sự giầu sang? Tôi có phàn nàn về những gì tôi thiếu thốn, hay tôi biết bằng lòng với những gì mình đang có? Tôi có bị cám dỗ để hy sinh các mối quan hệ và thời gian cho người khác vì tiền bạc và cơ hội không? Và một lần nữa, liệu tôi có hy sinh tính hợp pháp và lòng trung thực trên bàn thờ của sự thèm muốn không? Tôi đã nói “bàn thờ”, bàn thờ của sự thèm muốn, nhưng tại sao tôi lại nói bàn thờ? Bởi vì của cải vật chất, và tiền bạc, có thể trở thành một sự sùng bái, một thứ thờ ngẫu tượng thực sự. Đây là lý do tại sao Chúa Giêsu cảnh báo chúng ta bằng những lời lẽ mạnh mẽ. Ngài nói, anh chị em không thể phục vụ hai chủ, và - hãy cẩn thận - Chúa Giêsu không nói hai chủ ấy là Thiên Chúa và ma quỷ, không, thậm chí Ngài cũng không nói hai chủ ấy là điều lành và điều ác, nhưng hai chủ ấy là Thiên Chúa và của cải (x. Lc 16:13). Người ta có thể ngờ rằng Chúa Giêsu sẽ nói rằng anh chị em không thể phục vụ hai chủ, Thiên Chúa và ma quỷ, không phải như thế, nhưng là Thiên Chúa và sự giàu có. Sự giàu có phải phục vụ chúng ta; còn phục vụ cho sự giàu có, thì không - đó là thờ ngẫu tượng, đó là một sự xúc phạm đến Thiên Chúa.

Như thế chúng ta có thể nghĩ, không ai nên khao khát làm giàu? Chắc chắn, anh chị em có thể làm giàu; anh chị em có quyền muốn được làm giàu. Thật đẹp khi trở nên giàu có, nhưng giàu theo ý Chúa! Chúa là Đấng giàu có nhất. Ngài giàu lòng nhân ái, giàu lòng nhân hậu. Sự giàu có của Ngài không làm nghèo đi một ai, không tạo ra những cuộc cãi vã, chia rẽ. Đó là sự giàu có biết cho đi, biết phân phát, biết chia sẻ. Thưa anh chị em, tích lũy của cải vật chất không đủ để sống sung túc, vì Chúa Giêsu cũng nói rằng sự sống không bao gồm những gì người ta sở hữu (x. Lc 12:15). Thay vào đó, nó phụ thuộc vào các mối quan hệ tốt - với Chúa, với những người khác, và thậm chí với những người có ít hơn chúng ta. Vì thế, chúng ta hãy tự hỏi: Đối với bản thân, tôi muốn làm giàu bằng cách nào? Tôi muốn làm giàu theo Chúa hay theo lòng tham? Và, quay lại chủ đề thừa kế, tôi muốn để lại di sản gì? Tiền trong ngân hàng, những thứ vật chất, hay những người hạnh phúc xung quanh tôi, những việc tốt không bị lãng quên, những người tôi đã giúp đỡ để trưởng thành và thăng tiến?

Xin Đức Mẹ giúp chúng ta hiểu thế nào là của cải thực sự của sự sống, là của cải tồn tại mãi mãi.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:

Anh chị em thân mến,

Sáng hôm qua, tôi đã trở lại Rôma sau chuyến tông du kéo dài sáu ngày đến Canada. Tôi dự định sẽ nói về điều đó trong buổi Tiếp kiến Chung vào thứ Tư tới đây. Nhưng bây giờ tôi muốn cảm ơn tất cả những người đã giúp thực hiện cuộc hành hương đền tội này, bắt đầu từ các Nhà chức trách Dân sự, các Thủ lĩnh của Dân tộc Bản địa, và các Giám mục Canada. Tôi chân thành cảm ơn tất cả những người đã cùng tôi cầu nguyện. Cảm ơn các bạn vì tất cả!

Ngoài ra, trong cuộc hành trình này, tôi đã không ngừng cầu nguyện cho những người dân Ukraine đang đau khổ và bị vùi dập, cầu xin Chúa giải thoát họ khỏi tai họa chiến tranh. Nếu người ta nhìn vào những gì đang xảy ra một cách khách quan, xem xét tác hại mà chiến tranh mang lại hàng ngày cho những người đó, và thậm chí cho toàn thế giới, điều hợp lý duy nhất cần làm là dừng lại và thương lượng. Cầu mong sự khôn ngoan truyền cảm hứng cho những bước đi cụ thể hướng tới hòa bình.

Tôi gửi lời chào đến các bạn, những người đến từ Rôma và những người hành hương. Một lời chào đặc biệt dành cho các tập sinh của Dòng Nữ tử Đức Bà Giúp đỡ các Kitô hữu sắp sửa tuyên khấn lần đầu; nhóm Công Giáo Tiến hành từ Barletta; các bạn trẻ đến từ Giáo phận Verona; các chàng trai và cô gái của phong trào mục vụ Unità “Pieve di Scandiano”; và nhóm “Gonzaga” từ Carimate, Montesolaro, Figino và Novedrate, những người đã đi bộ trên Via Francigena.

Nhân ngày lễ Thánh Inhaxiô thành Loyola, tôi gửi lời chào chân thành đến các bạn đồng tu Dòng Tên của tôi. Hãy tiếp tục sốt sắng và vui mừng bước đi trong việc phục vụ Chúa. Hãy dũng cảm lên!

Chúc tất cả các bạn một ngày Chúa Nhật an lành. Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt.
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana
 
Putin ê chề: Tiểu đội Nga ra đầu hàng TQLC Ukraine ở Kherson. Tàu ngũ cốc đầu tiên rời cảng Odesa
VietCatholic Media
15:54 01/08/2022


1. Nhóm sĩ quan và binh lính Nga đầu tiên tại Kherson đầu hàng Thủy Quân Lục Chiến Ukraine

Trong bản báo cáo chiều thứ Hai mùng 1 tháng 8, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết: Một nhóm bao gồm 1 sĩ quan và 10 lính Nga đã đầu hàng quân Ukraine

“Kết quả của một cuộc tấn công thành công ở hướng Kherson, các binh sĩ Thủy Quân Lục Chiến Ukraine đã bắt giữ 11 quân nhân của quân đội Nga. Trong số đó có một sĩ quan, một hạ sĩ quan và chín thành viên được huy động của cái gọi là Cộng Hoà Nhân Dân Donetsk. Các tù binh đã được bàn giao cho cơ quan có thẩm quyền.”

Lực lượng pháo binh của Hải quân Ukraine cũng đã phá hủy một xe chiến đấu bộ binh của Nga vào ngày Chúa Nhật 31 tháng 7, và hơn 20 quân xâm lược đã bị loại khỏi vòng chiến.

Từ ngày 25 đến ngày 30 tháng 7, các đơn vị của Hải quân Ukraine đã loại bỏ hơn 200 binh sĩ Nga và hàng chục thiết bị của đối phương.

Tưởng cũng nên nhắc lại, sáng thứ Hai mùng 1 tháng 8, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết: Vào đêm 30 tháng 7, một đoàn tàu đặc biệt gồm hơn 40 toa chở đạn dược và các thiết bị quân sự, đã xuất phát từ Crimea để đến nhà ga Brylivka của Kherson. Sáng sớm Chúa Nhật 31 tháng 7, đoàn tầu đã bị quân Ukraine tấn công bằng Hệ thống Hỏa tiễn Pháo binh Cơ động Cao, gọi tắt là HIMARS.

Đoàn tầu đã nổ tung trong nhiều giờ đến tận chiều ngày Chúa Nhật. Theo dữ liệu tình báo, tất cả các tài xế lái xe đầu máy và kỹ sư của đường sắt Nga, và những người hộ tống hàng hóa, đã thiệt mạng vì sức nổ dữ dội của đạn dược trên các toa xe. Ông Serhii Bratchuk cho biết quân Nga trấn đóng tại nhà ga Brylivka cũng bị thiệt hại nặng. Ít nhất 80 binh sĩ Nga đã bị loại khỏi vòng chiến và 200 người khác bị thương.

Biến cố này tác động mạnh đến tinh thần quân Nga trong thành phố Kherson.

2. Nhiều bệ phóng hỏa tiễn MARS II của Đức vừa đến Ukraine

Hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt MARS II đã đến Ukraine hôm thứ Hai mùng 1 tháng 8. Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov cho biết như trên.

Bộ trưởng Reznikov cảm ơn Đức và Bộ trưởng Quốc phòng Đức, Christine Lambrecht, về những hệ thống này. “Lính pháo binh của chúng tôi xin kính chào các đối tác Đức với lòng biết ơn của chúng tôi!” ông nói.

Vào ngày 23 tháng 6, Reznikov nói rằng các hệ thống HIMARS đầu tiên của Mỹ đã đến Ukraine. Vào ngày 15 tháng 7, ông cho biết Ukraine đã nhận được hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt tầm xa M270 đầu tiên.

3. Lo sợ quân Nga trong thành phố Kherson đầu hàng hàng loạt, Nga đưa quân từ Donbas đến Kherson cứu nguy

Điện Cẩm Linh đang chuyển một số lượng lớn binh lính đến Crimea tạm thời bị chiếm đóng để đưa họ vào mặt trận Kherson phía nam Ukraine.

Cục tình báo của Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết: “Đứng trước khả năng rất cao là các đơn vị Nga trong vùng Kherson sẽ đầu hàng hàng loạt, Nga đang chuyển một số lượng lớn quân đến Crimea bị chiếm đóng. Trong tương lai, họ sẽ được sử dụng ở miền nam đất nước chúng tôi cho các hoạt động quân sự chống lại Lực lượng vũ trang Ukraine,” Skibitskyi nói.

Theo ông, hai tuần trước, Nga đã rút các nhóm lính dù chiến thuật khỏi khu vực Donetsk và chuyển họ đến vùng Kherson bị chiếm đóng. Nga cũng đang chuyển quân khỏi quân khu phía đông của mình, nơi được sử dụng để tấn công Sloviansk.

Theo Skibitskyi, từ sau khi Thiếu tướng Artem Nasbulin, tham mưu trưởng Quân đoàn 22 bị HIMARS bắn trúng tại sở chỉ huy của ông ta ở Kherson, các đơn vị Nga đã tỏ ra thiếu phối hợp hành động như rắn mất đầu. Ivan Fedorov, thị trưởng thành phố Melitopol, miền đông nam Ukraine, thậm chí còn cho biết rằng các lực lượng Nga đang tự động bỏ chạy từ ba đến bốn đoàn công voa chạy khỏi thành phố mỗi ngày.

4. Tàu ngũ cốc rời cảng Ukraine lần đầu tiên kể từ khi Nga phong tỏa

Con tàu Razoni mang cờ Sierra Leone, chở 26.000 tấn ngô, đã rời cảng Odesa, đến Lebanon. Đây là lần khởi hành đầu tiên kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược của Nga, theo Bộ cơ sở hạ tầng Ukraine.

“Ukraine cùng với các đối tác của chúng tôi hôm nay đã thực hiện một bước nữa trong việc ngăn chặn nạn đói trên thế giới”, Oleksandr Kubrakov, Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng Ukraine, cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Hai.

Ông Kubrakov nhấn mạnh rằng Ukraine đã làm “mọi thứ” để khôi phục các cảng và cho biết việc dỡ bỏ lệnh phong tỏa sẽ mang lại cho nền kinh tế Ukraine 1 tỷ USD doanh thu ngoại hối.

Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng Ukraine cho biết 16 tàu chở hàng đã bị mắc kẹt tại các cảng của Ukraine kể từ khi cuộc xâm lược của Nga bắt đầu và các quan chức đã lên kế hoạch để các cảng này lấy lại năng lực vận tải đầy đủ trong những tuần tới.

Nhưng thế giới đang theo dõi xem liệu Nga có tuân giữ các thỏa thuận mà họ đã ký hay không, sau cuộc tấn công vào cảng Odesa một tuần trước.

Nga đã đồng ý cho phép các tàu chở ngũ cốc rời Ukraine và không tấn công những con tầu này, trong một thỏa thuận được ký vào ngày 22 tháng 7 tại Istanbul. Nhưng chưa đầy 24 giờ sau, tính xác thực của thỏa thuận đã bị nghi ngờ khi lực lượng Nga tấn công cảng Odesa.

Khi bị Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ chất vấn, Nga lúc đầu phủ nhận có liên quan đến vụ tấn công. Nhưng ngày hôm sau, họ đưa ra một tuyên bố nói rằng họ đã tấn công vào một tàu Ukraine chở vũ khí phương Tây đang ở trong cảng. Nhà chức trách Ukraine bác bỏ lời giải thích của Nga.

5. Liên Hiệp Âu Châu và Nato hôm thứ Hai đã hoan nghênh chuyến hàng ngũ cốc từ Ukraine như một “bước đầu tiên” nhằm xoa dịu cuộc khủng hoảng lương thực do cuộc xâm lược của Nga gây ra.

Ngoại trưởng Liên Hiệp Âu Châu cho biết Brussels vẫn mong đợi “việc thực hiện toàn bộ thỏa thuận và nối lại xuất khẩu của Ukraine cho các khách hàng trên khắp thế giới”

Riêng tổng thư ký NATO, Jens Stoltenberg, cho biết các đồng minh phương Tây “ủng hộ mạnh mẽ việc thực hiện đầy đủ thỏa thuận nhằm xoa dịu cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu do cuộc chiến của Nga ở Ukraine”.

Trước đó, tàu Razoni, một tàu chở hàng có đăng ký Sierra Leone, đã rời cảng Odesa của Ukraine để đến Li Băng với chuyến hàng quan trọng là 26.000 tấn ngũ cốc.

Đây là tàu đầu tiên rời cảng Ukraine kể từ khi Mạc Tư Khoa và Kyiv ký thỏa thuận do Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hiệp Quốc làm trung gian cho phép vận chuyển thực phẩm bất chấp xung đột.

Ngoại trưởng Liên Hiệp Âu Châu cáo buộc Điện Cẩm Linh đã chặn các chuyến hàng trong nhiều tháng và lưu ý rằng Nga đã bắn hỏa tiễn vào cảng Odesa một ngày sau khi thỏa thuận được ký kết.

Ông đổ lỗi cho tình trạng thiếu lương thực ảnh hưởng đến các khu vực ở Trung Đông và Phi Châu là do “hành động gây hấn vô cớ của Nga vào ngày 24 tháng 2 và việc chặn các cảng và xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine”.

Các lực lượng Nga xâm lược Ukraine vào tháng 2 và đã chiếm giữ hoặc bắn phá một số cảng, một số cảng trong số đó đã được quân phòng thủ Ukraine gài thủy lôi để bảo vệ.

Theo thỏa thuận được ký kết tại Istanbul vào ngày 22 tháng 7, Ukraine sẽ dỡ bỏ các thủy lôi và Nga dỡ bỏ lệnh phong tỏa, nhưng các chuyến hàng đã chậm được khởi động lại và các cuộc giao tranh trên bộ vẫn tiếp diễn.

Ngoài ra, Ngoại trưởng Liên Hiệp Âu Châu, Nga đang “phá hủy các cánh đồng ở Ukraine, phá hủy các hầm chứa ở Ukraine, đốt cháy ngũ cốc hoặc cướp bóc và cố gắng bán đi”.

6. Hôm thứ Hai, Thủ tướng Ukraine cho biết Liên minh Âu Châu đã gửi cho Ukraine khoản viện trợ tài chính trị giá 1 tỷ euro để hỗ trợ ngân sách và giúp nước này giải quyết hậu quả tài chính từ cuộc xâm lược của Nga.

Thủ tướng Denys Shmyhal cho biết: 1 tỷ euro là một phần của gói hỗ trợ lớn cho Ukraine… tổng trị giá 9 tỷ euro. Các quỹ sẽ giúp tài trợ cho các nhu cầu ngân sách ưu tiên.

Ông cho biết đợt đầu tiên, trị giá 500 triệu euro, đã có trong tài khoản của ngân hàng trung ương Ukraine, trong khi phần còn lại dự kiến sẽ có vào ngày 2 tháng 8.

7. Tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Anh

Trong bản tin tình báo mới nhất, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Anh cho biết như sau:

Trong bốn ngày qua, Nga tiếp tục cố gắng mở các cuộc tấn công chiến thuật vào trục Bakhmut, phía đông bắc Donetsk, nhưng chỉ đạt được tiến độ chậm chạp. Theo thông báo của chính quyền Ukraine vào tuần trước, Nga có khả năng sẽ tái phân bổ một số lượng đáng kể lực lượng của mình từ khu vực phía bắc Donbas sang miền nam Ukraine.

Nga có lẽ đang điều chỉnh kế hoạch hành quân của cuộc tấn công Donbas sau khi không đạt được bước đột phá có quyết định theo kế hoạch mà nước này đã thực hiện từ tháng 4. Nga có khả năng đã xác định mặt trận Zaporizhzhia của mình là một khu vực dễ bị tổn thương cần được tăng cường.

8. Cựu tổng thống Ukraine Petro Poroshenko kêu gọi Hoa Kỳ cung cấp chiến đấu cơ F-16

Ukraine cần có những vũ khí “thay đổi cuộc chơi” bao gồm máy bay chiến đấu F-16 để gây áp lực đối phó với quân đội Nga và gây áp lực lên một Vladimir Putin “kiệt quệ”, cựu tổng thống Ukraine Petro Poroshenko nói.

Ông Poroshenko kêu gọi những đồng minh phương Tây của Ukraine hãy giúp kết thúc chiến tranh trước khi bắt đầu năm 2023 và phớt lờ những lời đe dọa càng ngày càng leo thang từ Điện Cẩm Linh.

“Tôi nghĩ rằng chúng tôi chắc chắn cần phải kết thúc chiến tranh trước cuối năm nay,” Poroshenko nói với tờ Newsweek. Đó là lý do tại sao chúng tôi không có một năm để chờ được cung cấp F-16 và hai năm để chờ cung cấp cho những hỏa tiễn Patriot. Chúng ta đừng tính bằng năm những hãy tính bằng ngày. Bởi vì một năm, hoặc nhiều năm, có thể thay đổi hoàn toàn toàn bộ tình hình ở Âu Châu. Nó hoàn toàn nguy hiểm cho toàn thế giới”.

Ông Poroshenko đã lãnh đạo Ukraine từ năm 2014 đến năm 2019 trước khi thua cho Ông Zelenskiy. Ông vẫn đứng thứ hai sau Zelenskiy trong các cuộc thăm dò bầu cử tổng thống năm 2024.

Hỗ trợ quân sự từ các quốc gia Liên minh Âu Châu và NATO là rất quan trọng đối với cuộc kháng chiến của Ukraine chống lại sự xâm lược của Nga. Các lực lượng Ukraine hiện đang chuẩn bị tiến hành cuộc phản công ở phía nam xung quanh Kherson với sự hỗ trợ của các hệ thống pháo tầm xa hiện đại của Mỹ và các đồng minh NATO.

Nhưng Ukraine vẫn phải đối mặt với các cuộc tấn công hỏa tiễn hàng ngày. Các quan chức ở Kyiv đang yêu cầu phương Tây cung cấp các hệ thống phòng không tinh vi và máy bay chiến đấu hiện đại để tuần tra bầu trời trước hỏa tiễn và máy bay của Nga.

“Người thay đổi cuộc chơi sẽ không chỉ là xe tăng Leopard hay pháo M777,” Poroshenko nói. “yếu tố thay đổi cuộc chơi sẽ là F-16, bởi vì chúng tôi có thể ngang cơ với Không Quân Nga.”

Phát ngôn nhân Tòa Bạch Ốc John Kirby tuần trước cho biết trong khi Mỹ đang thảo luận về việc cung cấp máy bay chiến đấu hiện đại cho Ukraine, “Đó không phải là thứ sẽ được thực hiện trong thời gian ngắn sắp tới.”

Trong khi đó, Hạ viện đã thông qua Đạo luật Phi công Chiến đấu Ukraine, nhằm đào tạo các phi công Ukraine trên các nền tảng hiện đại của Mỹ bao gồm cả F-16.

Ông Poroshenko nói: “Mặc dù chúng tôi không có F-16, nhưng chắc chắn chúng tôi nên khởi động chương trình đặc biệt để chuẩn bị và đào tạo phi công Ukraine trong các căn cứ không quân của NATO”.

“Putin đã kiệt sức,” Poroshenko nói. “Và Putin muốn câu giờ để nâng cao năng lực của quân đội Nga trong các cuộc tấn công tiếp theo. Tình huống này bất lợi cho Ukraine. Chúng tôi cần làm cho đất nước mình sạch bóng quân đội Nga”.
 
Phép lạ cả thể linh mục Mễ Tây Cơ bị bắn, đạn trúng ngay giữa mặt nhưng chỉ bị thương
VietCatholic Media
16:26 01/08/2022


1. Phép lạ cả thể linh mục Mễ Tây Cơ bị bắn, đạn trúng ngay giữa mặt nhưng chỉ bị thương

Một linh mục Mễ Tây Cơ đã bị bắn vào mặt vào khoảng trưa ngày 28/7, khi đang lái xe hơi của mình ở bang Guerrero.

Theo một tuyên bố từ Hội đồng Giám mục Mexico, Cha Felipe Vélez Jiménez, cha sở của giáo xứ Thánh Gerard Maria Majella ở thị trấn Iguala, thuộc Giáo phận Chilpancingo-Chilapa, đã bị “bắn vào xương gò má ngay khi đang lái xe ở quận Chilapa, thuộc Bang Guerrero”.

“Vị linh mục anh em của chúng tôi đã được chuyển đến bệnh viện nơi ngài được tiêm thuốc an thần, giải phẩu và đã qua cơn nguy kịch”, Hội Đồng Giám Mục Mễ Tây Cơ cho biết trong tuyên bố đưa ra vào đêm 28/7.

Các giám mục Mễ Tây Cơ bày tỏ lòng biết ơn của các ngài “đối với toàn bộ đội ngũ bác sĩ đang điều trị cho ngài và chúng tôi bác bỏ những hành động bạo lực khủng khiếp mà Giáo Hội tại Mễ Tây Cơ đang phải trải qua.”

“Chúng tôi cầu nguyện xin Chúa ban cho chúng tôi sự bình an mà chúng tôi hằng mong ước và chúng tôi cầu nguyện cho sự hoán cải của những tội phạm gây ra nhiều nỗi đau cho xã hội,” các giám mục nói thêm.

Phát biểu với Milenio Televisión ngày 28 tháng 7, Cha Filiberto Velázquez, một người bạn của vị linh mục bị thương, nói rằng “bạo lực ở Mễ Tây Cơ không còn tôn trọng bất cứ ai, nó đã đến với các nhà thờ, các linh mục và điều này đang gia tăng.”

“Chúng tôi lo ngại”, vị linh mục nói, và “chúng tôi hy vọng rằng các nhà chức trách có thể tiến hành một cuộc điều tra để xác định ai là người chịu trách nhiệm cho vụ tấn công này.”

Cha Velázquez chỉ ra rằng “sự hiện diện của tội phạm có tổ chức rất mạnh” trong khu vực, vì vậy “chúng tôi không loại trừ việc họ nhầm lẫn ngài với một người khác.”

“Điều khiến chúng tôi lo lắng là tình trạng phạm pháp, tội phạm và mức độ trừng phạt không khiến những tỷ lệ này giảm xuống và chúng có thể ảnh hưởng đến bất kỳ công dân nào”

Đức Cha José de Jesús González Hernández, Giám mục của Chilpancingo-Chilapa, cho biết trong một tuyên bố rằng “Cha Felipe đang được chăm sóc bởi các chuyên gia, những người nói với chúng tôi rằng ngài đang trong tình trạng rất tồi tệ, nhưng ổn định, điều này mang lại cho chúng tôi hy vọng lớn về sự bình phục của cha ấy.”

Vị Giám Mục nói rằng “với tư cách là một Giáo Hội Địa phương, ở Bang Guerrero của chúng tôi, chúng tôi đang làm việc và luôn tuyên bố ủng hộ việc xây dựng hòa bình và kết cấu xã hội ở Tiểu bang của chúng tôi, và đặc biệt là trong Giáo phận của chúng tôi, và chúng tôi tin rằng không có lý do nào có thể biện minh cho loại hành động bạo lực này.”

Ngài nói thêm: “Người dân cần biết rằng các cơ quan và tổ chức chịu trách nhiệm về an ninh và thực thi công lý đang làm việc để bảo vệ và chăm sóc cho họ.”

Theo truyền thông địa phương, trong ba năm rưỡi của chính quyền Tổng thống Andrés Manuel López Obrador, gần 130.000 người đã bị sát hại ở Mễ Tây Cơ, vì vậy khi ông hoàn thành nhiệm kỳ 6 năm, đây có thể trở thành nhiệm kỳ 6 năm bạo lực nhất trong lịch sử của Mễ Tây Cơ. Cũng trong khoảng thời gian này, bảy linh mục Công Giáo đã bị sát hại.

Theo số liệu chính thức, từ ngày 1 tháng 1 đến ngày 28 tháng 7 năm 2022, 15.232 vụ giết người đã được thực hiện ở Mễ Tây Cơ.

Giáo Hội Công Giáo ở Mễ Tây Cơ đã yêu cầu các tín hữu tham gia “Ngày cầu nguyện cho hòa bình” trong tháng Bảy. Ngày 31 tháng 7 được đặc biệt dành riêng để cầu nguyện trong Thánh lễ “cho những kẻ gây tội ác” và “sự hoán cải trái tim của họ”.
Source:Catholic News Agency

2. Sự chia rẽ sâu sắc ở Đức và Thụy Sĩ về tiến trình công nghị

Sự chia rẽ sâu sắc về tiến trình công nghị đang nổi lên ở Đức và Thụy Sĩ. Hôm 21 tháng 7, ngay trước khi Đức Giáo Hoàng lên đường tới Canada, Vatican đã công bố một tuyên bố ngắn gọn cảnh báo sáng kiến “Tiến Trình Công Nghị” của Đức rằng nó không có quyền thay đổi giáo huấn của Giáo Hội hoặc giới thiệu các cấu trúc mới, và đó là một mối đe dọa đến sự hôn nhân của Giáo Hội.

Tuyên bố ngắn gọn, không có chữ ký của Vatican đã được loan tải rầm rộ trên cả các phương tiện truyền thông thế tục ở Đức trong vòng vài giờ sau khi được công bố. Các phản ứng ở Đức và Thụy Sĩ cho thấy có sự chia rẽ sâu sắc về các vấn đề do Tiến Trình Công Nghị gây ra.

Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức, Giám mục Georg Bätzing và chủ tịch Ủy ban Trung ương của những người Công Giáo Đức, Irme Stetter-Karp, đã bác bỏ mạnh mẽ ý kiến cho rằng “tiến trình công nghị” của Đức đang lên kế hoạch cải cách dẫn đến một cuộc ly giáo và đã chỉ ra rằng các chủ đề như luân lý tình dục của Giáo Hội, đời sống độc thân của các linh mục và vai trò của phụ nữ trong Giáo Hội đã được thảo luận ở nhiều quốc gia khác ngoài Đức. Một số nhà thần học nổi tiếng của Đức và Thụy Sĩ đã ủng hộ họ.

Tuyên bố của Vatican trên hết là một “cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm thái quá”, tổng thư ký của Hội Đồng Giám Mục Thụy Sĩ, Daniel Kosch, một nhà quan sát đường lối của Thượng hội đồng Đức, đã chỉ ra trong một bài báo dành cho khách mời của hãng thông tấn Công Giáo Thụy Sĩ, kath.ch. “Không có đại diện nào của Tòa thánh nhận bất kỳ trách nhiệm cá nhân nào về tuyên bố này. Sự ẩn danh này khiến đối thoại không thể thực hiện được và do đó không phù hợp với tính đồng nghị của Giáo Hội.”

Luật sư Bernhard Anuth của Canon ở Tübingen phản bác lại và cho rằng Tuyên bố của Vatican “chỉ đơn thuần làm rõ” những gì đã được quy định trong các quy chế của Tiến trình công nghị Đức. Ông nhấn mạnh rằng “rất nhiều bình luận của các thành viên nổi tiếng của Tiến Trình Công Nghị Đức có thể, đã và đang được hiểu như thể luật Giáo Hội thực sự đang được thay đổi bởi những người không có thẩm quyền. Chỉ hai ngày trước khi tuyên bố của Vatican được công bố, Marc Frings, tổng thư ký của “Tiến Trình Công Nghị”, đã kêu gọi “điều chỉnh lại” giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo về đồng tính.”Tiến Trình Công Nghị Đức là một tiến trình có chủ ý chống lại Giáo lý Công Giáo hiện hành vốn đã chỉ trích và miệt thị đồng tính từ giữa những năm 70 và vẫn miệt thị hoạt động đồng tính là tội lỗi”, Frings viết.

Trong số ít các giám mục Đức đã bình luận có Đức Cha Bertram Meier của Augsburg, người chịu trách nhiệm về các vấn đề thế giới trong hội đồng giám mục Đức. Ngài hoan nghênh tuyên bố của Vatican. “Tuyên bố này cho thấy rằng Rôma quan tâm đến những gì xảy ra ở Đức. Hiện tại, nguy cơ đối với sự thống nhất của Giáo Hội là rất nguy hiểm”.

Đức Cha Rudolf Voderholzer của Regensburg nói rằng ngài rất biết ơn về tuyên bố “làm sáng tỏ”. Ngài tuyên bố: “Bây giờ là thời điểm cuối cùng để cùng với Đức Giáo Hoàng đi theo con đường thượng hội đồng và điều đó có nghĩa là lắng nghe, thảo luận và cầu nguyện trên cơ sở giáo lý Công Giáo chứ không phải với mục đích thay đổi nó”
Source:Tablet

3. Đức Thánh Cha họp báo trên máy bay

Đức Thánh Cha Phanxicô tái lên án mọi hình thức thực dân hóa, xưa và nay, đồng thời ngài xác nhận những chính sách đồng hóa thổ dân Canada là một thứ “diệt chủng văn hóa”.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây, trong cuộc họp báo như thường lệ dành cho các ký giả tháp tùng trong chuyến bay dài sáu tiếng, từ Iqualuit bên Canada về Roma, sáng thứ Bảy 30 tháng Bảy vừa qua.

Đáp câu hỏi của nữ ký giả Jessica Ka’Nhehsíio Deer, thuộc đài phát thanh thổ dân Canada, bày tỏ mong muốn Đức Thánh Cha loại bỏ “đạo lý về sự khám phá” được trình bày trong các tông sắc của các Giáo hoàng, dựa theo đó các hệ thống luật pháp ở Mỹ và Canada tước đoạt lãnh thổ của các thổ dân, Đức Thánh Cha đáp:

“Tôi nghĩ đây là vấn đề của mọi thứ chủ nghĩa thực dân, kể cả ngày nay, những thực dân ý thức hệ. Thời nay chúng theo cùng khuôn mẫu. Ai không theo đường vừa nói thì bị coi là thấp kém. Nhưng tôi muốn đi sâu hơn nữa, các thổ dân bị coi là thấp kém, thậm chí có vài nhà thần học hơi điên, đặt câu hỏi xem các thổ dân có linh hồn hay không”.

Đức Thánh Cha nhắc đến thảm trạng những người nô lệ Phi châu bị quẳng lên tàu, trong những điều kiện thê thảm, để chở sang Mỹ châu làm nô lệ. Quả thực hồi đó có một số vị lên tiếng chống lại, như Bartolomeo de las Casas, và Pedro Claver, nhưng họ là thiểu số. Ý thức lương tâm về sự bình đẳng giữa con người chỉ đến sau một cách chậm rãi. Luôn luôn con người có thái độ thực dân, thu hẹp văn hóa của những người bản địa vào văn hóa chúng ta. Đó là điều đến với chúng ta từ lối sống gọi là phát triển, nhiều khi chúng ta mất những giá trị mà họ có như cuộc sống hài hòa với thiên nhiên.

Về đạo lý thực dân hóa, Đức Thánh Cha nói: “Đúng vậy, đó là điều xấu, bất công. Ngày nay người ta còn dùng thứ đạo lý thực dân hóa này. Ví dụ, vài giám mục ở một vài nước nói với tôi: tại nước chúng tôi, khi xin một tổ chức quốc tế viện trợ, xin tín dụng, thì họ đặt điều kiện cho chúng tôi, kể cả phải đưa vào luật pháp, những điều kiện thực dân. Để cấp tín dụng cho bạn, họ đòi bạn phải thay đổi lối sống.”

“Trở lại với sự thực dân hóa ở Mỹ châu chúng ta, có thực dân Anh, Pháp, Tây Ban Nha, và Bồ Đào Nha. Có não trạng “tự coi mình cao trọng hơn, còn những thổ dân ấy chẳng đáng kể gì”. Đây là điều trầm trọng. Vì thế, chúng ta phải làm việc trong điều mà bạn nói: đi trở lại và thanh tẩy điều ác đã làm, với ý thức rằng cả ngày nay cũng có cùng chủ nghĩa thực dân như vậy. Chúng ta hãy nghĩ đến tường hợp những người Rohingya bên Myanmar: họ không có quyền được quốc tịch, họ ở một cấp thấp hơn.”

- Một ký giả thuộc hãng tin Canada, ông Brittany Hobson, hỏi Đức Thánh Cha tại sao không dùng thành ngữ “diệt chủng văn hóa” để gọi chế độ các trường nội trú thổ dân ở Canada, Đức Thánh Cha cho biết vì lúc đó ngài không nghĩ đến từ chuyên môn ấy nhưng ngài đã mô tả điều mà ngài đã lên án và xin lỗi, ví dụ, bứng các trẻ em khỏi gia đình và bộ lạc của các em, thay đổi tâm thức, các truyền thống, chủng tộc, toàn bộ văn hóa của họ. Đức Thánh Cha: “Diệt chủng là một từ chuyên môn, tôi không dùng vì lúc đó nó không xảy đến trong đầu, xin bạn hãy yên chí, đó là là một cuộc diệt chủng.”

- Một ký giả người Mễ Tây Cơ hỏi Đức Thánh Cha về tình trạng sức khỏe của ngài, ngài cho biết sẽ phải giảm bớt các cuộc viếng thăm vì tuổi cao và sức khỏe hiện nay. Về cuộc phẫu thuật đầu gối của ngài thì các chuyên gia nói là có thể thực hiện được, nhưng ngài có vấn đề về việc gây mê là điều ngài không chịu nổi. Cách đây mười tháng, ngài đã bị gây mê trong sáu tiếng đồng hồ khi chịu phẫu thuật và cho đến bây giờ vẫn còn vết tích. Không thể đùa giỡn với việc gây mê”.