Biến cố 1975
Về mặt chính trị, sau khi Người Mỹ ‘móc ngoặc’ với Trung Cộng và rồi ‘tháo chạy’ khỏi Việt Nam, có khá nhiều người thấy ngậm ngùi tủi sầu. Tuy nhiên vì lý tưởng tự do và tương lai cho con cháu, bà con ta vẫn cứ âm thầm bước tới, dù tinh thần cũng như vật chất của thuở ban đầu tại xứ người khá là ảm đạm. Trời không phụ kẻ có thiện ý ! Mây mù sẽ dần tan và mặt trời sẽ lại rạng sáng. Ánh bình minh đã và đang chiếu rọi…
Câu chuyện hội nhập
Mới vào Mỹ, đa số dân mình choáng ngợp với những khu mua sắm, siêu thị khổng lồ. Rồi xe hơi Mỹ đâu ra mà nhiều thế ! Mà người ta chỉ khoái sài ‘thẻ’, chứ không ưa dùng tiền mặt. Tên gọi tên họ bị đổi lộn tùng phèo. Gặp nhau là nhoẻn miệng chào ‘hi’ thân thiện. Chó mèo và cây cỏ thì được cưng hết cỡ. Quý bà thì được ưu tiên về mọi thứ. Lúc nào dân cũng xếp hàng ‘get line’ trật tự. Trên xe bus hay nhà hành, ít ai nói truyện lớn tiếng…
Được hưởng đủ mọi quyền lợi, bạn có tự do làm nhiều thứ mình muốn, nhưng khi phạm pháp, cảnh sát sẽ’sờ gáy’ bạn liền. Cơ quan FBI có mặt khắp nơi như những bóng ma. Hệ thồng tư pháp và tòa án thì khỏi chê: Khó có ai nghe thấy chuyện tham nhũng đút lót, chạy chọt ở đây. Tư pháp, hành pháp và lập pháp hoàn toàn độc lập nhau, nên chả dễ gì mà có ‘độc tài’ !
Qua đây, bà con mình thấy dân địa phương rất mê thể thao. Các tổ chức bóng đá, bóng rổ hay bóng chày đều là những ngành kinh doanh lớn lao, rất có thế lực. Rồi dân Mỹ cũng sài tiền đi du lịch xả hơi rất nhiều. Họ thích sống thoải mái, kể cả suốt đời vay nợ, mong đời luôn ung dung sung sướng. Rồi luôn chuẩn bị về hưu tự lập, không dựa vào con cái.
Trong văn hóa gia đình, dân Mỹ đề cao tính tự tập: các thành viên dù có mối quan hệ chặt chẽ với gia đình và cộng đồng, nhưng mỗi cá nhân đều phải tập cho mình thói quen tự lập ngay từ khi còn bé. Ví dụ như các em phải tự đến trường và về nhà bằng xe buýt (school bus), mỗi ngày đều có giờ tự học ở trường...Song song đó, đề cao tính cá nhân và nhân quyền, nghĩa là mỗi thành viên trong gia đình đều được tôn trọng và được đảm bảo về quyền bình đẳng con người. Nhiều người Việt khi định cư ở Mỹ bày tỏ e ngại rằng điều này sẽ tạo nên tính ích kỷ, và ảnh hưởng đến truyền thống kính trên nhường dưới của văn hóa Á Đông. Nhưng, thật ra các đặc tính trên giúp cho mỗi cá nhân tự ý thức hơn về sự tôn trọng bản thân, và qua đó sẽ biết cách tôn trọng người khác.
Mỗi người Mỹ đều tự khẳng định rằng, dù trong xã hội làm nghề gì, giàu hay nghèo, đã có những hành động gì... thì chính tôi đã tự tạo ra bản sắc của tôi. Vì vậy, mỗi người Mỹ không chịu nhờ vả ai, họ đi lên bằng chính đôi chân của mình; bởi họ quan niệm rằng, “vận mệnh không ai trao cho mình bằng chính mình tạo ra”. Với suy nghĩ đó, họ chấp nhận hứng trải cuộc sống trong niềm tin, sự lạc quan về một kết cục tốt đẹp. ở Mỹ, chủ nghĩa tự do là cơ sở cho chủ nghĩa cá nhân phát triển, vì trong dòng chảy cuộc sống, mỗi cá nhân tự khẳng định mình trong sự sáng tạo. Sự sáng tạo đó được xã hội công nhận trong chừng mực cá nhân đó thành đạt và có ích cho xã hội.
Tóm lại, nước Mỹ với những yếu tố tự nhiên cùng sự chuyển biến xã hội, từ khi hình thành cho đến khi nó đi vào quỹ đạo phát triển, là quá trình hình thành nên tính cách Mỹ. Nước Mỹ có điều kiện phát triển không giống bất kỳ một quốc gia nào trên thế giới, và tính cách của người Mỹ cũng khác biệt tương tự. Nhờ tính cách này mà người Mỹ luôn xác định được phương hướng nhân sinh phù hợp, để hành động và tạo hiệu quả tốt. Một quốc gia thịnh hay suy chủ yếu là do yếu tố con người của quốc gia đó. Chính người Mỹ và tính cách của họ đã làm nên sự phồn vinh và thịnh vượng của đất nước họ. Bằng nội lực con người cộng với “thiên thời, địa lợi” nước Mỹ đã trở thành một siêu cường về nhiều lĩnh vực, chỉ sau 4 thế kỷ.
Cá tính Mỹ là sự hoà quyện lẫn nhau bởi các giá trị văn hoá, văn minh của nhiều dân tộc trên thế giới. Nó là một cá tính tồn tại trong đa dạng, nhưng lại hết sức độc đáo. Sự độc đáo này đã làm nên một phong cách riêng biệt – phong cách Mỹ. Dân mình có thể còn giận mấy chính khách và lãnh đạo Mỹ đã một lần ‘xử tệ’ với Việt Nam, nhưng chớ quên rằng dân chúng Mỹ luôn có lòng nhân ái và khoan dung.
Nghĩ gì đây ?
Dân Việt mình kể cũng không đến nỗi dở. Đó đây già cũng nhắc trẻ cần bảo tồn những truyền thống cao đẹp của cha ông. Nhất là về nếp sống gia đình, trên kính dưới nhường. Chữ hiếu không hề được sao nhãng. Chuyện giáo dục học vấn phải đề cao hàng đầu.
Dân Việt ta cần phải mở rộng và học hỏi để chủ động trong việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiến tiến đậm đà bản sắc dân tộc trên xứ người.
Hội nhập vào xã hội Mỹ là ráng học hỏi những thứ tinh hoa của họ nữa. Điều quan trọng nhất ở Mỹ là trung thực và thẳng thắn. Trong các nền văn hóa khác, người ta thường cho rằng nói quá thẳng hoặc thật về một vấn đề nào đó là bất nhã, tuy nhiên người Mỹ lại thích cởi mở, thẳng thắn, thậm chí đưa ra những ý kiến trái ngược và cả những tin tức xấu.
Ngoài ra, ta nên học ở người Mỹ: độc lập là một phần của sự đề cao con người trong văn hóa. Ngay từ khi còn nhỏ, trẻ em đã được dạy để tự đứng lên trên đôi chân của mình – một sự khởi đầu cho tính độc lập. Đa phần học sinh Mỹ tự chọn lớp học, ngành học cho mình, tự chi trả một phần hay toàn bộ học phí, tự tìm việc, tự lên kế hoạch hôn nhân cho bản thân thay vì ỷ lại vào gia đình.
Nên nhớ nước Mỹ rất trọng tự do, nhưng trên hết là họ tôn sùng dân chủ (cách mạng chống sự cai trị của Anh quốc đã cho Mỹ cái danh hiệu ‘con chim đầu đàn’ của nền dân chủ thế giới, làm mẫu mực cho cách mạng Pháp 1789 và nhiều dân tộc khác trong việc lật đổ các chế độ độc tài). Ý tưởng dân chủ đã thấm vào sinh mạng của họ, vào trong máu, trong xương cốt. Một dân tộc như thế mà không hưng thịnh thì ai hưng thịnh ? Một dân tộc như thế không thống trị thế giới thì ai có thể thống trị thế giới ?
Xem ra là như thế !
LM. Giuse Nguyễn Văn Thư