Mùa đông của ai ?



Nhạc sĩ Trần thiện Thanh đã sáng tác bài ‘Mùa đông của anh’ rất nổi tiếng. Lúc bấy giờ tại Việt Nam chẳng mấy ai nghĩ chuyện nước mình có tuyết lạnh làm giá băng tâm hồn ai cả. Thật ra tác giả khéo léo tả rằng vì phải xa người yêu, nàng thấy tâm hồn lạnh cóng, nên sống như kẻ điên (không biết nhớ) và người say (không biết buồn). Và rồi khi nhớ về nàng, chàng gọi nàng là ‘Mùa đông của anh’, và mượn lời nàng để tuyên bố “Tình băng giá là đình đẹp trên thế gian”. Quả là lãng mạn cách lạ thường !

Bỏ vùng nhiệt đới qua định cư tại mấy xứ ôn đới này, mỗi độ đông về là bà con mình lo thủ áo ấm mệt nghỉ. Các cô chú bên Canada hãnh diện đang sống tại chốn ‘xứ lạnh tình nồng’ Nghe chừng an ủi dữ ! Nhưng lâu lâu gặp phải hoàn cảnh tình chẳng nồng tí nào, ai ai đó thấy buồn ra mặt. Tại Mỹ, cứ tới khoảng tháng chạp, sở khí tượng thời tiết thường báo tin đe dọa “Năm tay mùa đông sẽ lạnh hơn năm ngoái, và bão tuyết sẽ gây nhiều khó khăn, bà con nên chuẩn bị tinh thần…” Đặc biệt các cộng đồng Việt Nam miền đông bắc năm nào cũng một phen hồi hộp ! Có thể đổi bài ca của TTThanh ra là ‘Mùa đông của chúng ta’ ?

Tại vùng trời này, thời tiết phân ra 4 mùa Xuân Hạ Thu Đông rõ rệt. Cảnh vật và đất trời thay đổi rõ rệt. Vui thật đó, nhưng cũng nhiêu khê lắm. Ngoài cái mục 2 lần ‘đổi giờ’ hàng năm từng làm bà con mình dễ rối đầu, quên vặn lại đồng hồ, người ta còn phải điều chỉnh lại lắm thứ trong nhà ngoài ngõ. Mùa đông đã lạnh lại còn nhiều mưa, vườn cây sân cỏ vì thế mà phải đổi thay chuyện chăm sóc hàng ngày. Nhất là cơn ‘gió bấc heo may’ thổi về đem theo mùa ‘cúm’ mỗi năm. Không cẩn thận là toi mạng như chơi, nhất là giới già cao niên.

Chuyện nhức đầu khá lớn cho bà con ta là phải lái xe giữa trời đất đầy tuyết phủ. Nha lộ vận năm nào cũng nhắc nhở cư dân trước hết phải lo ‘tu bổ’ xe cộ khi sắp tới mùa băng tuyết. Xe nằm đường như chơi ! Tính mạng dễ bị đe dọa khi phải ‘pic nic’ ngoài trời vài ngày ! Riêng mấy gia đình không có ga-ra mái che, chuyện xúc tuyết mỗi buổi sáng để nổ máy đi làm cũng là cả một gánh nặng, đòi kiên nhẫn và khéo léo. Dịp này giúp cho mấy tay thợ ‘mechanic’ tha hồ kiếm bạc, qua dịch vụ ‘tune-up’ xe khách hàng: thắng, dầu mỡ, bánh xe, bình điện, gạt nước, máy sưởi…Nhiều ngày cảnh sát còn buộc tài xế phải ‘trang bị’ thêm xích cho bánh xe cho đỡ cảnh ‘lăn cù’ giữa đường.

Đường xá khi mưa khi tuyết phủ, tai nạn xảy ra như cơm bữa. Bà con mình cần thu tích kinh nghiệm khi bánh xe không chịu vâng lời cái đĩa thắng, khi mặt đường trơn như cháo tràn lan. Rồi bánh xe về mùa đông thường mềm hơn vì khí thoát, nên khó điều khiển theo ý mình. Những bản tin giao thông về tai nạn ‘liên hoàn’ hàng chục xe được lên tin tức hàng ngày. Không gian thì mù mờ sương khói, nên độ nhìn bị giới hạn, thế là tai nạn hoài hoài. Có khi tài xế loạng quạng húc cả vào những chiếc xe cào tuyết lui tới bên đường !

Xe cộ luôn dính liền với mục mua bảo hiểm. Tai nạn là tăng thứ tiền này ngay tức khắc. Bà con đau đầu dài dài. Ấy là chưa kể đến mục đụng xe kéo theo sứt trán u đầu, rồi vai lưng ê ẩm ngày đêm. Nằm bệnh viện phiền toái vô cùng. Tiền cứ mất mà tật cứ mang…Thành ra một số bà con nhà mình rủ nhau bye bye vùng tuyết lạnh phía Bắc, để chuyển bánh về phương Nam, Texas, Louisiana hay Florida, nhất là gồng gánh gia đình cùng ’tây tiến qua miền nắng ấm Cali. Cái mác ‘miệt Bolsa’ với Little Saigon ‘thủ đô tỵ nạn’ càng ngày càng hấp dẫn: về đây nắng ấm tình cũng nồng, cà ghém mắm tôm có đầy đủ, và chúng mình bảo nhau sinh đẻ nhiều, chả mấy chiếm đa số các sắc dân địa phương ! Nếu không tiện xuôi nam, thì ghé bến San Jose miệt Bắc, nơi đây là thủ đô điện tử Hoa Kỳ, tha hồ mà kiếm job thơm.

Cali có gì hấp dẫn ?



Ai ở Cali cũng trả lời giống nhau: Cali dễ ở khó về ! Dễ ở cả bốn mùa. Mùa đông lại càng vui vì nơi này mát như Đà Lạt của Việt Nam. Cali giàu (nếu là một quốc gia độc lập, Cali xếp hạng thứ 8 về sản lượng cả nước, so với toàn thế giới), cho nên chăm sóc dân cư khá kỹ, không để ai bị lạnh cóng khi mùa đông kéo qua !

Phải nói cho rõ: 40 % dân tỵ nạn Việt Nam hiện đang chọn sống tại tiểu bang ‘vàng’ này. Miền Nam thì đông hơn miền Bắc. Hỏi cũng là trả lời: Ban đầu chính phủ Mỹ muốn phân tán bà con ra khắp 50 tiểu bang, nhưng không ai bảo ai, họ lần mò về Cali, trước hết vì khí hậu tốt, ít tuyết rơi, hiếm bão táp hay quá nóng (với khí ẩm) như Florida, Louisiana hoặc Texas, rồi vì công ăn việc làm, sau cùng là vì bên ta có…đồng hương đông đảo, không sợ bị dân địa phương bắt nạt, mà chợ búa thì thứ gì muốn cũng có !

Đó đây thấy nhiều hình ảnh gợi nhớ về Chợ Bến Thành, Chùa Thiên Mụ, Tháp Rùa hồ Hoàn Kiếm. Tiệm ăn thì tràn ngập. Tiệm phở chỗ nào cũng có, tỏa mùi thơm ngào ngạt…Riêng về mặt tôn giáo thì thánh đường và chùa chiền nhan nhản khắp nơi. Tết Nguyên đán, Trung Thu…tha hồ các hội đoàn thay nhau đứng ra tổ chức. Già trẻ cùng vui thú, quên nỗi niềm xa quê nhớ nhà.

Riêng vùng San Jose thì sao ? Các vị ‘trưởng thượng’ khen và nhắc tên quận Cam khá nhiều rồi. Bây giờ mời bà con lên xe chạy xế lên hướng Bắc nhé. Ở miền bắc Cali, dọc theo vùng vịnh San Francisco, đâu đâu cũng có người Việt sinh sống. Nhưng người Việt tập trung đông nhất ở thành phố San Jose - phía nam vùng vịnh này. Đặc biệt tính riêng một thành phố, thì San Jose có hơn 100 ngàn dân cư gốc Việt, hơn bất cứ đô thị nào khác trên đất hải ngọai. Nơi đây đã từng được mệnh danh là ‘thủ phủ tình thương’, ‘thủ đô chính trị’ của bà con mình. San Jose có lợi điểm là khá gần Sacramento, thủ phủ của bang Cali.

Cuộc sống của người Việt ở San Jose khá nhộn nhịp. Và cộng đồng người Việt ở San Jose cũng được thành lập từ rất sớm, với những hoạt động sinh hoạt cộng đồng diễn ra thường xuyên quanh năm, để làm mối giao kết giữa những người Việt xa xứ tại miền Bắc California.

Trung tâm thành phố San Jose vào những ngày tháng 12 thường có chương trình ‘Christmas in the park’. Thành phố sẽ trưng bày những mô hình tiêu biểu cho không khí giáng sinh của châu Âu vào thế kỷ trước, và có máy tạo tuyết giả đang rơi cho trẻ em nô đùa. Người ta còn thích lái xe vòng quanh khu Willow Glen để xem dân giăng đèn giáng sinh trong những ngày này.

Khoảng vào cuối tháng 7 hằng năm, Gilroy thường tổ chức lễ hội Tỏi (Gilroy Garlic Festival). Tỏi vùng Gilroy vừa nhiều và vừa thơm. Mỗi khi mùa tỏi đến, hương tỏi theo gió bay, sáng thức dậy người dân San Jose có thể ngửi được. Dĩ nhiên còn nhiều thứ ‘festitival’ và hội chợ khác nữa được tổ chức quanh năm.

Người Mỹ gọi San Jose là Thung Lũng Điện Tử. vì nơi đây tập trung rất nhiều hãng điện tử nổi tiếng, như Apple, Google, Yahoo...,chưa kể tới trung tâm không gian Nasa, hãng chế vũ khí quốc phòng khét tiếng Lockheed Martin. Hầu như tất cả những sản phẩm điện tử mới nhất trên thế giới hiện nay đều ra đời từ đây. Còn người Việt thì gọi San Jose là Thung Lũng Hoa Vàng, vì đây vừa là nơi có rất nhiều hoa dại màu vàng vào mùa xuân, và cũng nhằm ngụ ý đất lành chim đậu. Sau bao năm rời quê hương và sinh sống ở San Jose, đã không có ít người Việt thành danh nơi đây. Có những người là luật sư, bác sĩ, kỹ sư điện toán, cảnh sát trưởng, và cả nghị viên của chính quyền thành phố. Người Việt ở San Jose thuộc nhiều thành phần, nhiều tầng lớp của xã hội Mỹ. Nhưng đa phần họ là kỹ sư trong các hãng điện tử ở vùng thung lũng Silicon đây.

Chúc mừng cư dân gốc Việt tại vùng San Jose.

Xem chứng ai nấy đều hãnh diện và sung sướng vì được sống trên mảnh đất ‘vàng’ trong lòng tiểu bang ‘vàng’ Cali.

Dĩ nhiên bà con đồng hương muốn trốn vùng tuyết lạnh đông bắc, luôn được ‘welcome’ về góc trời nắng ấm miền tây này. Ta cùng vui sống với nhau. Any time !

LM. Giuse Nguyễn Văn Thư