Nhớ thuở thanh bình



Trong lòng những người đi xa, có ai chưa từng thấy những lúc tâm tư tràn ngập não nề, vì phải chia xa đất mẹ, qua hoàn cảnh lịch sử nổi trôi của quê hương, để buộc phải lăn lộn với cuộc mưu sinh mới…Thật vậy, mỗi lần có chút thời gian rảnh rỗi là chúng ta thường hay nghĩ về quê nhà, về đất nước thân yêu, nơi đã một lần đưa ta vào đời.

“Người ơi, một chiều nắng tơ vàng hiền hòa hồn có mơ xa

Người ơi, đường xa lắm con đường về làng dìu mấy thuyền đò

Còn đó tiếng tre êm ru

Còn đó bóng đa hẹn hò

Còn đó những đêm sao mờ, hồn ta mênh mông nghe sáo vi vu…”

(Hương Xưa, Cung Tiến)

Trên trần gian, ai cũng có một gia đình và một quê hương để mà thương mà nhớ. Chốn ấy là nơi ta cất tiếng khóc đầu đời, với biết bao nhiêu kỉ niệm tuổi thơ, và chất chứa những buồn vui cho đến lúc trưởng thành. Hai tiếng quê hương luôn là nỗi ám ảnh của những người viễn xứ, với hình ảnh cha mẹ già tựa cửa ngóng trông, cùng bạn bè thuở hàn vi chia sẻ những ngọt bùi.

Không ai lớn lên mà không muốn mình được gắn bó với quê hương, được cống hiến cho quê hương và sống giữa quê hương của chính mình. Nhưng vì một lý do nào đó, ta đã phải dứt áo ra đi đến một bến bờ xa lạ, nơi đất khách quê người, có thể buộc ta phải gắn bó suốt cả cuộc đời mình. Bóng dáng quê hương vẫn cứ mãi hiện hữu với những ký ức xưa xa, đó là hình ảnh lũy tre làng xanh mát, những bãi mía nương dâu, hay cây đa, mái đình đầy huyền hoặc. Vào những năm thán bình yên, đó đây vang lên các khúc hát, như ‘Gạo trắng trăng thanh’ của Hoàng thi Thơ, ‘Trăng thanh bình’ của Lam Phương…Một thuở vàng son của miền Nam thân yêu. Biết bao giờ mới mờ phai trong tiềm thức !

Rồi, nơi ấy có biết bao nhiêu hình dáng thân thương cũ, và ngay của cả mối tình xa lắc thuở đôi mươi nữa.Tất cả như chầm chậm được ghi lại, bằng một cuốn phim đời không hề phai nhạt…Xa quê rồi, chúng ta mới thấm thía nỗi nhớ quê, mới thấm thía cái lạnh khi thiếu vắng tình cảm gia đình, của anh em, bè bạn.

Nói về kỷ niệm tuổi học trò thì chả có nhạc sĩ nào qua mặt được nhân tài Thanh Sơn, với hàng chục bài hát làm rung động bao con tim:

“Xin trả lại những kỷ niệm buồn vui

Ngày xưa ấy theo thời gian qua mất rồi

Ngồi viết tâm sự nhớ ngược về quá khứ

Chợt lên nét suy tư

Bao năm thầm kín, trót thương tà áo tím

Những đêm sương lạnh nghe trái sầu rót vào tim…”

(Trả lại thời gian)

Nào là mái trường làng. Nào là hàng me rợp bóng ngoài hiên lớp học. Nào là thày cô thân yêu. Cả những buổi ‘cúp cua’ táo bạo nữa. Rồi những hàng quán ổi cóc khế soài ngoài cổng trường. Nào là những buổi liên hoan tất niên hay tạm biệt trước khi chia tay mùa hè…Tất cả còn như hằn sâu trong tâm tưởng chúng ta.

Nhớ nhất là những ngày quê hương chưa lâm cảnh chinh chiến điêu linh. Nó được thể hiện xúc tích nhất qua những dịp mừng Xuân đón Tết. Gia đình xum họp bên nồi bánh chưng. Từng tràng pháo tết làm tim ai nấy rộn rã mừng vui. Bóng dáng ông bà cha mẹ âu yếm lì xì cho lũ cháu đàn con.

Thời chiến chinh khói lửa



Nhớ quê lúc thanh bình, và càng nhớ quê thời chiến tranh hơn, vì nó mang theo quá nhiều kỷ niệm ‘bi hùng’ trong tâm khảm từ già tới trẻ, qua suốt nhiều thập kỷ. Chúng ta cứ tạm bỏ qua thời người Pháp còn hiện diện trên quê nhà, để chỉ bàn về cuộc đấu tranh 21 năm tại Việt Nam Cộng Hòa. Sống trong bầu khí chinh chiến điêu linh đó, ai ai cũng ghi dấu bao kỷ niệm buồn vui.

Dễ khơi lại những kỷ niệm đó nhất là khi bà con mình mở những băng nhạc về ‘lính’: Lính gian khổ, nhưng tình nhà cũng không tan biến trước nợ nước. Anh đi chiến dịch xa vời, nhưng hình bóng ‘em’ không bao giờ mờ nhạt trong tâm trí. Nó cao cả và đẹp vô cùng. Nó xót xa nhưng cũng thật ý nghĩa trong đời. Hết nhạc bản ‘Một chuyến bay đêm’ cho chàng phi công, tới bài ‘Hoa biển’ tặng anh lính hải quân, qua ‘Cánh hoa dù’ viết về các anh hùng mũ đỏ, nhất là chồng chất những đĩa nhạc tả về người lính bộ binh như ‘Rừng lá thấp’, ‘Hái hoa rừng cho em’, ‘Tình anh lính chiến’, ‘nhứng đóm mắt hỏa châu’, ‘Các anh đi’, ‘Chuyện tình Mộng Thường’, ‘Giờ này anh ở đâu?’…

Mỗi nhạc bản đều gợi lên hình ảnh những người con yêu của đất nước cầm súng lên đường ‘đi viết sử sanh’, giã từ thân nhân, xóm làng, người yêu, mong ngày thanh bình sẽ về đoàn tụ, dựng lại giấc mơ cũ. Mỗi lời hát đều ghi sâu vào tâm khảm mọi người thật lâu dài những nỗi niềm khó phai. Chỉ với cái hình ảnh người em gái bé bỏng ra sân ga tiễn người yêu ra mặt trận cũng đủ làm bao giọt nước mắt rơi.

Gia đình nào cũng có người thân góp phần vào chuyện cầm súng cho quê hương. Nếp gia nào cũng từng sống những ngày tháng chờ mong và hy vọng. Ai nấy đề chia sẻ những tháng ngày hồi hộp lo âu. Người người đã từng vang chung bài ca cầu xin Thượng Đế sớm giúp chấm dứt những ngày lửa đạn oan khiên cho trăm họ, rồi thầm hỏi “nhà Việt Nam yêu dấu ơi, bao giờ thanh bình?”. Thành ra khi di tản ra hải ngoại, người ta nhất định phải ghi lại những tâm tình của hòan cảnh loạn ly ngày cũ. Bởi không bao giờ họ quên được dĩ vãng đã hằn in vết nơi trí lòng, mãi mãi cho đến cuối đời. Thương mãi hình bóng bao người con yêu của tổ quốc phải ra tiền tuyến, nằm gai nếm mật, đối diện thường xuyên với nguy hiểm tử thần, kèm theo nỗi nhớ nhà, nhớ người thân yêu khôn nguôi.

Nơi xứ người, nghe âm vang một nỗi nhớ khôn nguôi trong tâm khảm những người dân Miền Nam, chỉ biết nghĩ rằng người lính lên đường là để bảo vệ Thủ đô Sài Gòn, cùng các thành phố, tỉnh lỵ và miền quê, từ Bến Hải đến Cà Mau sở dĩ có được cuộc sống yên bình trong chiến tranh như thế đó, chính là nhờ sự bảo bọc, chở che của người lính Cộng Hòa nơi chiến tuyến, những chàng trai thế hệ đã xếp bút nghiên, chẳng chút ngại ngần giã từ cuộc sống ấm êm nơi hậu phương, mà băng mình ra tiền tuyến, hầu như không một tiếng thở than.

Buồn vui đời tỵ nạn

Bây giờ thì đa số chúng ta đã ‘an cư lạc nghiệp’ nơi xứ người. Tuy nỗi nhớ quê đã phần nào nguôi ngoai, nhưng nó vẫn lảng vảng trong từng sinh hoạt hàng ngày. Có những cây bút ‘tài tử’ đã can đảm đăng lên nỗi lòng của mình trên mấy tạp chí ‘tỵ nạn’ thế này:

Bao năm xa cách quê nhà

Ước mong trở lại nơi ta ra đời

Xa quê thương nhớ đầy vơi

Đọng sâu tâm khảm ấy lời hát ru.

Ôi quá khứ, quê nghèo đám bạn

Những trò chơi chẳng chán bao giờ

Qua rồi như một giấc mơ

Cho tôi một vé tuổi thơ trở về.

Nhưng ước mơ về thăm lại quê cũ đặc biệt nay cũng bị nhiều nghệ sĩ gần xa góp tiếng, làm giảm đi phần nào mối nhiệt tình, chỉ vì dĩ vãng thực sự nay đã đổi hình biến dạng. Thời gian đã xóa mờ và đổi thay bao hình ảnh đẹp của không gian xưa. Có tìm lại cũng chỉ gieo thêm buồn thương. Nhạc sĩ Phạm Duy chuyển lời từ nhạc phẩm ngoại quốc ‘Trờ về mái nhà xưa’ có mấy giòng như sau:

“Về đây đã cắm xong chiếc thuyền hồn

Ôi thoáng nghe dây lòng tiếc đờn…

…Thôi nhé, đừng hoài âm xưa

Giọt mưa đã gieo trên thềm nhà

Người ngồi im bóng

Lắng nghe tháng ngày qua.”

Rồi lại có người xin chuyển lời ca thế này:

“Chiều nay lê chân bước về quê xưa

Tìm lại mái nhà xưa đầy dấu ái

Ta e gió mưa phai mái lạnh lùng

Chân bước đi nhưng lòng ngập ngừng”

Mà ngập ngừng là phải lắm. Riêng với quê hương bây giờ, mái nhà xưa biết đâu đã ra khác lạ. Tất cả xem chừng đã biến thái tột độ.

“Niềm thương dù cho xa cách muôn trùng không phai mờ

Ngày tháng vấn vương theo áng mây trôi đi bơ vơ

Tìm lúc chiều về những phút say mơ

Tìm về lối cũ nên thơ”

(khuyết danh)

Khi vì thời cuộc mà phải xa xứ, bà con mình canh cánh bên lòng nỗi đau khôn nguôi. Nhạc sĩ Duy Khánh viết bài ‘Lối về đất mẹ’ có câu “ Mong một ngày mai (về lại) chan hòa đất mẹ niềm vui… Chiều nay lối về đất mẹ là đây, đường xưa còn ấp ủ bóng trăng gầy”. Lối về còn đó, nhưng nay đang như mờ mịt khói sương, trắc trở nghĩa tình. Dẫu rằng đứa con tha hương nào cũng mong có ngày về. Ngày đó gần hay xa ? Ai cũng muốn hỏi nhau, mà chưa có câu trả lời.

Hơn nữa, kế thừa tinh thần truyền thống dân tộc và ý chí quật cường, với tính kiên trì và thông minh sẵn có, khởi đầu từ khi mới định cư nơi xứ lạ, chỉ với 2 bàn tay trắng, từng chịu biết bao đắng cay tủi nhục, đã mạnh dạn vươn lên trong cuộc sống mỗi ngày một phát triển mạnh cho đến ngày nay, và đã đạt thành công tốt đẹp vẻ vang vượt bực về mọi phương diện, khiến cả thế giới không khỏi nể nang, vinh danh và kính phục.

Ai nấy nhủ bảo nhau xây dựng cộng đồng, thăng tiến đời sống, giáo dục con em, tạm thời chờ cơ hội. Họ thường xuyên tổ chức ngày kỷ niệm các vị anh hùng dân tộc, như Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng, Lê Lợi, Quang Trung để duy trì tinh thần ái quốc. Khi ngày hồi hương thuận tiện, bà con tỵ nạn sẽ đem ‘chất xám’ về dựng lại xứ sở cũ.

Tạm thời, họ xác quyết với nhau rằng “hãy cứ nhận nơi này làm quê hương”. Từ chỗ cố hội nhập tới chuyện sánh bước cùng dân địa phương, kể cả việc ra tranh cử vào khá nhiều chức vụ chính quyền các cấp. Đồng thời giới trẻ cũng tìm cách phát triển tài năng để đạt được nhiều thành tích về khoa học, kỹ thuật, văn hóa, nhất là tiến thân phục vụ ‘quê hương mới’ trong những chức vụ cao trong quân lực, kể cả hàng tướng lãnh. Tiềm lực vốn nằm đó. Đàn con sẽ dành để về phục vụ đất mẹ ngày mai.

Trong nỗi buồn, vẫn tiềm tàng niềm vui và hy vọng bao la….

Linh Mục Giuse Nguyễn Văn Thư