TIẾT C: CÁCH ÐẶT BIỆT HIỆU CỦA NGƯỜI VIỆT NAM ĐỂ CHẾ DIỄU ĐÙA CỢT

Đặt biệt hiệu để chế diễu đùa cợt là một hiện tượng xã hội phổ quát trên thế giới. Khi đặt loại tên này, người ta thường chọn những từ ngữ hài hước, châm biếm, mang ý nghĩa tiêu cực. Dân gian thường căn cứ vào ba tiêu chuẩn sau đây để đặt biệt hiệu diễu cợt: (a) về hình dạng thân xác, (b) về đức tính, (c) sửa đổi tên để châm biếm. Nơi xuất phát loại tên này là gia đình, bạn bè, băng đảng, và các cơ quan truyền thông xã hội.

1. Biệt Hiệu Châm Biếm Liên Quan Đến Hình Dạng Thân Xác : Biệt hiệu loại này thường khai thác khía cạnh khiếm khuyết nơi cơ thể. Các ví dụ sau đây là tên các nhân vật trong chuyện Dzũng Dakao của Duyên Anh: Tiến Gầy, Chương Còm, Tấn Mập, Hoa Rỗ, Ba Sứt Môi, Tư Trọc. Trong vụ án Năm Cam năm 2002 tại Việt Nam, người ta thấy tên các bị can: Lũng Ðầu Bò, Dũng Què. Ông Dương Văn Minh, vị Tổng Thống cuối cùng của miền Nam Việt Nam, bị báo chí Mỹ đặt là Big Minh, nghĩa là ông Minh Cồ để phân biệt với các tướng lãnh khác cùng tên như tướng Trần Văn Minh hay Hồ Chí Minh. Ông cũng bị báo chí Việt một thời gọi là Minh Sứt vì ông hơi bị sứt môi.

Trong gia đình, con em nào cũng bị anh chị em đặt cho một biệt hiệu. Xin liệt kê một số biệt hiệu thu thập được nơi đại gia đình chúng tôi và các gia đình thân quen:

- Người gầy, nhỏ, xanh xao: bị đặt tên là Lép, Còi, Bủng, Ròn, Còm, Xì Ke.

-Béo mập có các tên: Sề, Ù, Cồ, Bộp, Địa.

-Thân hình rắn chắc: Vọi.

-Dáng đi khập khiễng: Xi Cà Oe.

-Đầu to: Cồ.

-Trán : Vồ (giồ).

-Mắt có các tên Hí, Ốc, Lồi, Toét.

-Mũi: Toe, Tẹt, Phổng.

-Tai: Gị, Bẹp, Cối.

-Răng miệng: có các tên Móm, Hô, Khểnh.

-Cổ : Nọng.

-Tóc: Cọ, Hói.

Các từ ngữ trên đây có khi đứng một mình, thay thế cho tên chính, như gọi thằng Lép, con Còi, thằng Vọi, hoặc được ghép sau tên chính như: Dũng Lép, Bi Còi, An Cồ, Yến Ù, Long Sề, Trân Vọi, Vỹ Toe, Hải Móm, Tí Xấu.

2. Biệt Hiệu Châm Biếm Liên Quan Đến Đức Tính: Khi đặt biệt hiệu dựa trên tính tình để châm biếm, dân gian rất ít chọn tính tốt mà chỉ nhắm vào các tính xấu. Cổ sử ghi những trường hợp sau: ông Nguyễn Nghiêu Tư đỗ Trạng Nguyên đời vua Lê Nhân Tông (tr.v.1443-1459) được dân chúng gọi là Trạng Trư hay Trạng Lợn. Sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư ghi lại nguyên nhân như sau:

Nghiêu Tư từng thông dâm với mẹ vợ, bấy giờ có người ghi vào chuồng lợn là “Phường Trạng Nguyên” có người hát ở đường cái rằng: “Trạng Nguyên Trư-Nguyễn Nghiêu Tư” là chế diễu hành vi xấu xa đó.

Vua Lê Trung Tông (tr.v.1548-1556) húy là Lê Duy Huyên được dân chúng ngoài Bắc đặt biệt hiệu là Chúa Chổm vì trước khi được rước về làm vua, ông mắc nợ nhiều nên người miền Bắc có thành ngữ: Nợ Như Chúa Chổm. Ông Nguyễn Văn Tâm, chủ quận Cai Lậy miệt Hậu Giang, đàn áp những chiến sĩ chống Pháp một cách hung dữ nên dân chúng vùng này đặt cho là Cọp Cai Lậy.

Phương pháp đặt biệt hiệu loại này là thêm từ ngữ châm biếm vào tên chính. Ví dụ Tư Dê Xồm, Trung Thầy Chạy, Lan Ngựa. Một nhân vật trong tác phẩm Dzũng Đakao của Duyên Anh được đặt là Bồn Lừa vì chú bé có tật thích lừa khi đá bóng. Còn tên Châu Kool được Duyên Anh đặt là vì nhân vật này chỉ hút thuốc lá hiệu Kool. Sau đây, xin trưng ra một số tên châm biếm mà ta thường gặp trong các biệt hiệu:

a. Trong gia đình:

-Thích nghe truyện người khác: Hóng.

-Tham ăn tham uống: Chổi, Vét.

-Hay khóc cười: Ti,Toe, Nhè.

-Tính tình lằng nhằng: Lèng Èng.

-Tính không chú ý: Ngáo, Ngơ, Khờ. Dại.

-Tính tình cong cớn: Cong, Le Te.

-Tính tình chanh chua: Giấm.

-Hay nói nhiều: Lẻo.

- Hay đi lang thang: Ngựa.

b. Ngoài xã hội:

-Người hay chòng ghẹo gái : 35, Dê Xồm, Dê Cụ.

-Tính hay khoe khoang, Nổ, Pháo Cối.

-Xử sự không biết điều : Thầy Chạy.

-Tính du đãng: Đại Ca như Đại Ca Thay.

-Hay nói dối : Ba Xạo.

- Nam giới có tính hung dữ: Cọp.

-Nữ giới dữ tợn : Bà Chằng, Sư Tử Hà Đông, Cọp Cái.

-Tính keo kiệt : Trùm Sò.

-Nghiện thuốc phiện: Tiên Ông, Bẹp, Xì Ke.

-Chích bạch phiến : Choác.

-Lý sự gàn dở : Lý Toét, Phó Cối.

-Tính không cương quyết: Ba Phải.

-Tính lừa đảo : Ba Que Xỏ Lá.

-Tính nợ nần nhiều: Chúa Chổm.

-Ăn cắp: Chôm, Chỉa, Chà Đồ Nhôm (chôm đồ nhà).

3. Sửa Đổi Tên Ðể Làm Biệt Hiệu Châm Biếm: Một loại biệt hiệu thường thấy trên báo chí là tên người được sửa đổi để châm biếm. Với người Trung Quốc, phương pháp này rất giản dị và thích hợp vì Hán tự có nhiều chữ đồng âm nhưng dị nghĩa. Ví dụ để châm chọc ông Minh, người ta có thể dùng chữ Minh, nghĩa là tối như chữ u minh, thay cho chữ Minh, nghĩa là sáng. Người Tàu đã dùng cách này để hạ nhục ba vị nữ anh hùng Việt Nam.

Theo giáo sư nguyễn Ngọc Huy và tác giả Lãng Nhân, hai vị nữ anh hùng họ Trưng của chúng ta không phải tên là Trắc và Nhị như sách vở thường ghi, mà là Chắc và Nhì. Hai bà sống trong vùng trồng dâu nuôi tằm nên vùng đó gọi loại kén tốt là Chắc, kén nhỏ gọi là Nhì. Quan quân Tàu ghét hai bà nên sửa tên thành Trắc và Nhị để châm biếm. Trong tiếng Hán, Trắc và Nhị hàm ý xấu. Trắc là nghiêng lệch, không thẳng thắn như trắc nết, phản trắc. Còn Nhị là hai, hàm ý không trung thành, ăn ở hai lòng. Người ta cũng nói đến trường hợp bà Triệu. Tên bà không phải là Triệu Ẩu như sử sách ghi mà là Triệu Thị Trinh. Cũng giống trường hợp hai bà Trưng, quân Tàu đã đặt tên Ẩu để châm biếm vì từ Ẩu trong Hán tự có toàn nghĩa xấu như: nôn mửa, bà già goá, thượng thổ hạ tả, đánh lộn. Luận cứ này có thể đúng vì theo phong tục Trung Quốc, vua Tàu ghét ai có quyền đặt cho người đó một tên họ xấu như Mãng : con trăn, họ Phục: con rắn, họ Ác: ác độc. Vấn đề này đã được trình bày trong chương hai.

Ông Hồ Chí Minh giữ chức Chủ Tịch Nhà Nước, dân chúng miền Bắc gọi là Hồ Chủ Tịch. Trái lại, người miền Nam gọi là Hồ Chủ Tịt. Ông Mao Trạch Ðông bị báo chí Việt Nam châm biếm gọi là Mao Xếng Xáng. Còn ông Nguyễn Văn Thiệu bị báo chí thời đó gọi là Tông Tông Độc Diễn, vì cuộc bầu cử chức vụ Tổng Thống, chỉ có mình ông là ứng viên. Tại San Jose, có ông Công Thiện, ông Văn, ông Cao. Giới văn nghệ sĩ ở đây thường châm chọc các ông này bằng cách gọi Cụ Văn, Cụ Cao, Cụ Công Thiện. Các tên này, nếu nói lái, thì Công Thiện thành Thiên Cộng, và Cụ Văn thành“Vặn C”, Cụ Cao thành “Cạo C”.

Tại tây phương, người ta cũng thấy có tục lệ này. Bác sĩ y khoa Robert Atkins, người Hoa Kỳ, đưa ra lý thuyết gây nhiều tranh cãi. Ông cho rằng dùng nhiều chất béo không nguy hại cho bệnh tim mạch. Ðến khi ông chết vì bệnh tim mạch, tuần báo Time số ra ngày 23 tháng 2 năm 2004 đã viết bài châm biếm với tựa đề Paging Dr. Fatkins?. Tên ông là Atkins nhưng ký giả Joel Stein sửa là Fatkins với ý nghĩa bác sĩ có da béo (Fat: béo; skin: da)

4. Biệt Hiệu Châm Biếm Dựa Trên Nghề Nghiệp: Người Việt Nam cũng dùng các từ châm biếm về nghề nghiệp để đặt biệt hiệu. Ví dụ anh Trung và Cường là hai học sinh ở xóm tôi bị bạn bè đặt là Trung Lái Lợn và Cường Phó Cạo vì nhà một em làm nghề nuôi heo, còn em kia bố làm nghề hớt tóc. Sau đây xin trưng một số từ châm biếm mà dân gian đã đặt cho một số nghề nghiệp:

-Bác sĩ, thầy lang : Lang Băm, Lang Tây, Lang Ta

-Luật sư : Thầy Cãi.

-Linh mục : Cố Đạo.

-Thượng tọa: Thầy Chùa.

-Ni cô : Bà Vãi.

-Nữ tu Công Giáo : Bà Mụ.

-Ký giả: Ký Giổm.

-Thợ chụp hình : Phó Nhòm.

-Ca sĩ : Ca Sỡi.

-Người Trung Quốc : Chệt.

-Người Ấn Độ: Bảy Chà.

-Người Mỹ : Mẽo.

Qua cách xưng hô của người Việt Nam, một câu hỏi đặt ra là cách xưng hô của ta so với các nước khác thế nào? Để trả lời câu hỏi này, ta hãy nghiên cứu cách xưng hô của người Hoa Kỳ.