Ai chờ mong ai ?



Chờ mong hay là ngóng đợi. Căng thẳng và mệt mỏi lắm. Thời gian nó dài làm sao ! Dân gian Việt Nam hay ví những cuộc ngóng chờ đằng đẵng với hai giai thoại về ‘Hòn Vọng Phu’, qua hình ảnh người vợ bồng con lên núi mong chồng trở về. Tại Ninh Hòa thì nhắc truyện người chồng, khi bất ngờ nhận ra vợ là em gái, bèn xấu hổ bí mật trốn nhà ra đi biền biệt. Còn tại Lạng Sơn thì kể tên nàng Tô Thị, cũng bế con đứng chờ chồng đi chinh chiến lâu ngày biệt tăm. Cả hai sự tích cùng thê lương và lãng mạn. Mà vì chờ trông mỏi mòn, nên mẹ con cùng hóa đá với thời gian tưởng chừng vô tận ! Thế là vị nhạc sĩ tài ba Lê Thương đã sáng tác ra bản trường ca bất hủ ‘Hòn Vọng Phu’, dựa chính theo huyền sử người chồng đi chinh chiến không hẹn ngày về…

Khi học triết lý, bà con mình thường biết rằng ‘thời gian tâm lý’ khi phải chờ đợi nó dài gấp nhiều lần hơn thời gian thường, nhất là trong những trường hợp ta không nắm vững được rõ lúc nào mới thấy ‘kết quả’ mình mong chờ. ‘Người ấy’ sẽ về thật hay không ? Thời gian nào thì ‘chuyện ấy’ mới dứt khoát xảy ra…?

Thế giới văn minh bây giờ đã và đang quen thuộc với một biến cố lịch sử, xét về mặt tôn giáo : Đó là đại lễ Thiên Chúa Giáng sinh, tổ chức hàng năm vào cuối tháng 12 dương lịch. Dịp đại lễ này được dọn trước bằng một tháng dài, gọi là mùa VỌNG : Chuẩn bị tinh thần tín hữu bằng chính tâm tình ‘mong chờ’ tha thiết của thời Cựu Ước xưa, kèm theo những lời kinh nguyện, mong được đón nhận hồng ân ‘cứu chuộc’ từ trời cao.

Mở đọc Kinh Thánh Cựu Ước



Sách ‘Sáng thế’ kể rất rõ về câu truyện ông bà nguyên tổ A-Dong E-Và : sau khi phạm tội bất tuân lệnh Chúa, cả hai bỉ đuổi ra khỏi vườn ‘địa đàng’, mang theo bao nhiêu hệ lụy xấu cho mình và con cháu về sau, kể cả cái án phải chết. May thay, để an ủi, Chúa hứa sẽ sai Đấng Cứu Thế xuống trần gian chuộc tội loài người : nhờ vậy mà ai nấy còn thấy tia hy vọng sẽ được tha tội, cứu rỗi, để mai sau được hưởng phúc Thiên Đàng.

Thế là nhân loại bắt đầu chờ mong, ngóng đợi. Nhất là là các ‘kẻ lành’ thời xa xưa đó, luôn sống đời công chính như Chúa dạy. Kinh thánh hay nhắc tới các ‘tổ phụ’ và các ‘tiên tri’ (nay gọi là ngôn sứ của Chúa). Đặc biệt ta thấy tên của một Trinh Nữ và vị hôn phu sống đời vô cùng thánh thiện, ngày đêm nguyện cầu chóng thấy ngày Con Chúa đến. Maria và Giu-Se đó. Cả hai đã trờ thành ‘cỗ xe’ êm ái chở Đức Giê-Su tới với nhân loại.

Và ngày hồng phúc đó diễn ra với Maria, tại một làng nhỏ nghèo nàn tên là Na-gia-rét, thuộc miền Ga-li-lê của nước Do-Thái. Dân nước này là dân Chúa chọn riêng, mong sẽ cộng tác với Đấng Cứu Thế, ngõ hầu đem ân sủng cứu độ cho muôn người. Tổng lãnh thiên thần Gabriel đã truyền tin vui cho Maria :”Bà sẽ thụ thai và sinh ‘Con Chúa làm người’ do đặc phép của Thánh Thần Ngôi Ba. Tên trẻ sẽ là GIÊ-SU, nghĩa là vị cứu tinh”.

Đón mùa Giáng Sinh



Dân chúng ở các xứ Tây phương đã quen với lễ Giáng Sinh qua bao thế kỷ rồi. Biến cố này đã ăn sâu vào tâm khảm của triệu triệu người theo Ky Tô giáo. Và ta có thể nói đại lễ này được đón mừng long trọng nhất, cũng như tạo nên mùa nghỉ lớn nhất trong năm, át cả dịp tết dương lịch . Ngày 25 tháng 12 đấy. Người người cùng vui, cùng hân hoan trong cảnh gia đình đoàn tụ, cùng mua sắm, cùng du lịch, cùng thăm bạn bè thân hữu…

Với những ai đang sống trong khung khổ niềm tin đạo Chúa, ngày kỷ niệm Chúa Giáng trần hằng năm này phải là những dịp đánh dấu một điều gì có ý nghĩa cho đời mình. Mùa Vọng phải tạo cho mình những tâm tư sâu kín. Phải giúp mình làm một cái gì đó, như một món quà dành tặng cho Chúa Hài Nhi. Thánh Gio-An Tiền Hô đã lớn tiếng nhắc bảo chúng ta nên tìm cách dọn sẵn một lối đi thênh thang bằng phẳng cho Chúa đến với mình thật dễ dàng và thoải mái.

Với người tín hữu, đối tượng mong chờ của chúng ta đã cụ thể: chúng ta mong chờ Chúa đến. Lẽ tất nhiên lúc này ai cũng mong chờ mừng lễ Chúa Giáng Sinh, kỷ niệm việc Ngài đến lần thứ nhất từ hơn hai ngàn năm trước, nhưng chính là chuyện mong Chúa đến trong vinh quang, Chúa đến khi Nước Trời được hoàn tất. Chắc chắn Chúa sẽ đến, nhưng ngày nào, giờ nào, thì chúng ta không biết được vì vậy, “phải tỉnh thức, vì không biết giờ nào Chúa các con sẽ đến… Phải sẵn sàng, vì lúc các con không ngờ, Con Người sẽ đến”. Phải sẵn sàng luôn, đừng để bị bất chợt như dân chúng trong thời ông Noê đóng tàu, đã không ngờ nên bị Lụt Đại Hồng Thủy cuốn trôi đi; hay như chủ nhà đã không tỉnh thức để bị trộm vào nhà vét sạch tiền của.

Đó là những chia sẻ chúng ta nhận được khi tới thánh đường trong mùa này. Chờ Chúa đến bằng cuộc sống tốt đẹp sẵn sang ngay cả khi Chúa gọi chúng ta về với Ngài, khi đề cập chuyện Chúa sẽ đến ‘lần thứ hai’.

Tuy nhiên, chờ đợi Chúa đến, không làm cho chúng ta xa rời cuộc sống; trái lại, đòi hỏi chúng ta sống triệt để hơn, hoàn thành nhiệm vụ chu đáo hơn, bởi vì Thiên Chúa phán xét là tùy ở chỗ chúng ta sống trung thành với Ngài và yêu như Ngài yêu chúng ta, thì chúng ta có thể chờ đợi Chúa như đứa con chờ đợi mẹ, như người yêu đợi chờ người yêu.

Từ đấy, chúng ta thấy một nghịch lý : ngày hôm nay, khi nhấn mạnh biến cố Giáng Sinh, dường như con người vẫn sống trong ‘tâm trạng’ của người Do Thái xưa, tức là chờ đón Chúa đến lần thứ nhất. Khác ở chỗ, người Do Thái xưa chờ mong Chúa đến, còn con người hôm nay dừng lại ở việc kỷ niệm biến cố Giáng Sinh đã một lần xảy ra. Thật thế, nếu để cho đại lễ Giáng Sinh lấn át hết cả ý nghĩa của Mùa Vọng cũng đồng nghĩa với việc chúng ta chỉ chuyên chăm sống đặc tính thứ nhất của Mùa Vọng! Và, như một điều tất yếu, đặc tính thứ hai của Mùa Vọng : hướng lòng trông đợi Chúa Kitô đến lần thứ hai trong ngày tận thế, sẽ bị lãng quên!

LM. Giuse Nguyễn Văn Thư