TIẾT B. CÁCH ÐẶT BIỆT HIỆU CỦA NGƯỜI VIỆT NAM ĐỂ TỎ LÒNG NGƯỠNG MỘ

Theo dõi lịch sử, người Việt có bốn tiêu chuẩn để đặt biệt hiệu tỏ lòng ngưỡng mộ: (1) dùng học vị, (2) dùng địa danh, (3) dùng khả năng chuyên môn, (4) biệt hiệu do cha mẹ đặt cho con cái.

1. Dùng Học Vị Để Ðặt Biệt Hiệu: Ta phân hai trường hợp: (a) Học vị phối hợp với sinh quán, (b) Học vị phối hợp với tên chính.

a. Học vị phối hợp với sinh quán làm thành biệt hiệu tỏ lòng ngưỡng mộ: Ta có thể kể các ví dụ ông Nguyễn Giản Thanh đỗ Trạng Nguyên năm 1508, quê ở làng Ông Mặc, tục gọi làng Me nên dân chúng gọi ông là Trạng Me. Kế cận làng Me là làng Vọng Nguyệt, tục gọi làng Ngọt, có ông Hứa Tam Tĩnh cũng đỗ Trạng Nguyên nên dân chúng gọi ông là Trạng Ngọt. Vì hai làng ganh đua nên ngôn ngữ Việt mới có thành ngữ Trạng Me đè Trạng Ngọt. Cụ Nguyễn Khuyến (1835-1910) đỗ đầu ba kỳ thi Hương, Hội, Ðình và sinh quán ở làng Yên Đổ nên dân chúng gọi ông bằng biệt hiệu Tam Nguyên Yên Đổ. Ông Nguyễn Quý Tân (1814-1858) đỗ Tiến Sĩ, gốc ở làng Thường Lộc, được gọi là ông Nghè Thường Lộc. Cụ Dương Khuê (1839-1902) đỗ Tiến Sĩ triều Tự Đức, quê ở làng Vân Đình, được gọi là ông Nghè Vân Đình. Ông Phùng Khắc Khoan quê làng Phùng Xá, tục gọi làng Bùng nên gọi Trạng Bùng. Ông Đặng Công Chất ở làng Gióng nên gọi Trạng Gióng. Ông Lê Quát, đỗ Tiến Sĩ đời Trần, lúc bé làm nghề quét chợ nên gọi Trạng Quét. Nhân vật Tống Trân trong truyện Tống Trân Cúc Hoa, có quê ở làng An Cầu, huyện Phù Cừ, Hưng Yên, tên Nôm là làng Gầu nên gọi Trạng Gầu. Nhà cách mạng Nguyễn Hải Thần đỗ Tú Tài, quê ở làng Đại Từ nên được gọi là ông Tú Đại Từ.

b. Học vị phối hợp với tên chính làm thành biệt hiệu tỏ lòng ngưỡng mộ: Ta có thể đưa ra các bằng chứng: ông Nguyễn Hữu Chỉnh (?-1787) đỗ Hương Cống nên được dân chúng gọi là Cống Chỉnh. Ông Nguyễn Quỳnh, sống thời hậu Lê, đỗ Cống Sinh nên được gọi là Cống Quỳnh. Ông Nguyễn Hữu Huân (1841-1875), Nguyễn Hữu Nghĩa đỗ đầu kỳ thì Hương nên được gọi là Thủ Khoa Huân, Thủ Khoa Nghĩa. Thi sĩ Trần Tế Xương ( 1870-1907) đỗ Tú Tài nên được gọi là Tú Xương. Tại làng Phát Diệm, vào thập niên 1960, tôi vẫn nghe thân phụ nhắc tới các cụ Tú Chiểu, Tú Mẫn là các người đậu Tú Tài thời Pháp thuộc.

Ngày nay, người ta không dùng học vị để đặt biệt hiệu vì cấp bằng không còn họa hiếm như ngày xưa nữa. Nguyên nhân dùng tiêu chuẩn học vị để đặt biệt hiệu là vì ngày xưa họa hiếm mới có người đậu Tú Tài, Cử Nhân, Tiến Sĩ. Do đó, đạt được học vị cao không những là điều hãnh diện cho cá nhân, gia tộc, mà còn cho cả làng, cả tổng. Từ đó, sinh ra tâm lý trọng bằng cấp, và lấy học vị làm tiêu chuẩn đặt biệt hiệu.

2. Dùng Địa Danh Để Đặt Biệt Hiệu: Ta có thể kể các ví dụ ông Vũ Đức Huyên, một danh sư về phong thủy, sống đời vua Lê, Chúa Trịnh, được gọi là Thánh Địa Lý Tả Ao vì ông sinh ở làng Tả Ao, Nghệ An. Ông Nguyễn Thiếp (1723-1804) danh sĩ triều Tây Sơn được gọi là La Sơn Phu Tử vì quê ông ở huyện La Sơn, còn Phu Tử là tiếng xưng hô giữa thầy trò ngày xưa. Lý Ông Trọng, người Việt Nam làm tướng ở Trung Quốc đời nhà Tần, được dân chúng lập miếu thờ, và được gọi là Đức Thánh Chèm vì tương truyền quê ông ở làng Chèm, huyện Từ Liêm, Hà Nội.

Tại sao người Việt lại dùng địa danh để làm biệt hiệu? Có lẽ vì tâm lý muốn làng nổi tiếng nên thêm địa danh vào tên một nhân vật có tiếng tăm để mọi người biết tên làng.

3. Dùng Đặc Điểm Tính Tình, Tài Năng Ðể Ðặt Biệt Hiệu: Với những nhân vật lịch sử, ta có thể kể các thí dụ:

a. Về tính tình: Ông Nguyễn Hữu Cảnh (1650-1700), danh tướng đời Nguyễn Phúc Chu, được người đương thời gọi là Hắc Hổ vì tinh thần dũng cảm của ông. Ông Đề Thám, tức Hoàng Hoa Thám, hùng cứ vùng rừng núi Yên Thế, chống Pháp rất dữ dội nên dân chúng đặt cho ông là Hùm Xám Yên Thế. Ông Đoàn Minh Huyên (1807-1850), vị sáng lập tông phái Phật Giáo Bửu Sơn Kỳ Hương, chữa bệnh cho nhiều người nên dân chúng tôn xưng biệt hiệu là Đức Phật Thầy Tây An. Gần đây nhất, ông Ngô Đình Cẩn, bào đệ của Tổng Thống Ngô Đình Diệm, thích ăn trầu nên dân gian vùng Huế gọi ông là Cố Trầu.

b. Về tài năng: Dân gian cũng dùng tài năng một người để đặt biệt hiệu. Xin trưng ra các ví dụ: ông Vũ Huyên giỏi cờ nên dân chúng đặt cho là Trạng Cờ. Ông Vũ Phong giỏi vật được đặt là Trạng Vật. Nhà cách mạng Đoàn Trần Nghiệp (1910-1930) được gọi là Ký Con vì làm thư ký cho một hãng buôn lúc còn trẻ. Nhà cách mạng Nguyễn Văn Cầm (1877 ?) được gọi là Kỳ Đồng vì lúc nhỏ học rất thông minh, được Pháp cho đi du học, nhưng khi về nước đã giúp Đề Thám chống lại Pháp ở Yên Thế.

4. Biệt Hiệu Do Cha Mẹ Đặt Cho Con Cái: Các gia đình Việt Nam cũng như Âu Mỹ, ngoài tên chính thức, cha mẹ còn đặt thêm các tên để tỏ lòng yêu thương, vui mừng. Loại tên này được đặt cho đứa bé trong khoảng từ sơ sinh đến 3, 4 tuổi. Nếu các cha mẹ Việt hay gọi con là Cục Cưng, Cu Tí, Gái cưng, Thằng Chó, Chó Con v.v… thì cha mẹ ở Anh, Mỹ cũng gọi con bằng các tên như Junior: Bé Tí, Sonny: Cu Tí, Sweetheart: Cục cưng.

Ngày mai: Cách đặt biệt hiệu để chế diễu đùa cợt.