MỤC II: BIỆT HIỆU

Trong mục này, ta sẽ tìm hiểu ý nghĩa của biệt hiệu trong ngành tính danh học, sau đó, tìm hiểu những loại biệt hiệu mà dân gian thường dùng trong việc xưng hô. Tại nước nào biệt hiệu cũng rất phong phú nên biệt hiệu là đề tài nghiên cứu rất lý thú cho các sinh viên ngành ngữ học và dân tộc học.

TIẾT A. BIỆT HIỆU TRONG TÍNH DANH HỌC

1. Vấn Đề Danh Từ: Trong ngành tính danh học, ngoài những danh xưng như tên họ, tên đệm, tên chính, còn một loại tên để xưng hô mà các nhà tính danh học Anh Mỹ gọi là Nickname, Pháp gọi là Sobriquet, và tiếng Latin gọi là Agnomen. Ðối với Việt ngữ, Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy dùng từ Xước hiệu. Tra Hán Việt Từ Ðiển của ban Tu Thư Nghĩa Thục, thì Xước hiệu đồng nghĩa với biệt hiệu hay tên riêng. Đại Từ Ðiển Tiếng Việt định nghĩa: Biệt hiệu là tên gọi thêm, ngoài tên thường gọi dựa theo những đặc điểm về ngoại hình hay tính cách. Còn từ điển Anh Việt của Viện Ngôn Ngữ học Việt Nam giải thích Nickname là tên hiệu, tên riêng, tên nhạo, tên giễu. Ngoài dân gian, chúng tôi còn thấy có danh từ tên lóng.

Biệt hiệu hay tên lóng là một hiện tượng xã hội phổ quát ở bất cứ nơi đâu, dù còn sơ khai hay văn minh tiến bộ. Tên lóng rất phổ biến ở Hy Lạp và La Mã thời xưa. Một trong những đại đế La Mã là Gaius Caesar Augustus Germanicus (12-41) có biệt hiệu là Caligula, nghĩa là chiếc giầy nhỏ, do binh sĩ đặt vì vua có đôi chân bé. Triết gia Plato (428-348 TCN) của Hy Lạp mà giới trí thức đều biết, có tên thật là Aristocles. Tên Plato mà ta dùng ngày nay là biệt hiệu do huấn luyện viên đô vật đặt cho Aristocles vì ông này có đôi vai rộng. Chữ Plato trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là vai rộng.

Theo các nhà tính danh học, thời sơ khai, dân số còn ít, con người chưa có tên, chỉ có biệt hiệu để phân biệt. Sau giai đoạn biệt hiệu đến giai đoạn con người có tên riêng. Nhưng, khi dân số gia tăng, tên riêng không đáp ứng được nhu cầu phân biệt, thì con người sáng chế ra tên họ. Sau khi có tên họ, cũng vì nhu cầu phân biệt nên sinh ra tên đệm. Tuy đã có hệ thống tinh vi, nhưng biệt hiệu vẫn tồn tại. Vậy biệt hiệu được hiểu thế nào trong tính danh học?

2. Định Nghĩa Biệt Hiệu: Trong khi chờ đợi các nhà Ngữ học Việt Nam xác định từ ngữ chỉ loại tên này, chúng tôi tạm dùng danh từ biệt hiệu hay tên lóng với ý nghĩa được ngành tính danh học xác định dưới đây:

"Biệt hiệu là tên mà người khác đặt thêm vào tên chánh hoặc thay thế cho tên chánh của một người, một vật, hay một nơi chốn để bày tỏ tình cảm yêu thương kính trọng, hoặc chế diễu đùa cợt, hay để phân biệt những cá nhân trong cộng đồng".

Ví dụ biệt hiệu của chó: nai đồng quê, mộc tồn, cây còn. Biệt hiệu nơi chốn: Sàigòn: Hòn Ngọc Viễn Ðông, Paris: Kinh Ðô Ánh Sáng. Biệt hiệu của ông Phùng Khắc Khoan: Trạng Bùng, Ông Hoàng Hoa Thám: Hùm Xám Yên Thế.

Khi nghiên cứu biệt hiệu của mỗi xã hội, nhiệm vụ các nhà tính danh học không nhằm trình bày việc phải đặt biệt hiệu thế nào, mà chú ý xem dân gian trong xã hội đó đã căn cứ vào tiêu chuẩn nào để đặt biệt hiệu. Còn biệt hiệu có độc đáo, dí dỏm, châm biếm hay không là tùy đầu óc sáng tạo của người đặt tên. Và việc xác định thế nào là một biệt hiệu độc đáo, là công việc của các nhà Ngữ học.

3. Phân Loại Biệt Hiệu: Nếu dựa trên tiêu chuẩn mục đích, ta có hai loại biệt hiệu: (a) biệt hiệu để tỏ lòng ngưỡng mộ, (b) biệt hiệu để chế diễu đùa cợt. Phân loại trên chỉ có giá trị tương đối vì biệt hiệu loại nào cũng tiềm ẩn ý nghĩa hài hước.

(Còn tiếp)