TIẾT B: CÁCH XƯNG HÔ TÊN PHỤ NỮ CÓ CHỒNG, CHỨC VỤ, NGHỀ NGHIỆP.

1. Cách Xưng Hô Tên Phụ Nữ Có Chồng: Luật pháp và tục lệ Việt Nam cho phép người phụ nữ khi lấy chồng được giữ nguyên vẹn tên của mình. Tuy nhiên, khi xưng hô, lại dùng tên chồng hay chức vị của chồng. Ví dụ bà Ngô Đình Nhu, bà Huyện Thanh Quan. Ngày nay, nhiều người phụ nữ có chồng hay chưa chồng đều được người khác gọi bằng chính tên của người đó. Ví dụ bà Phan Thúy Thanh, Bác sĩ Nguyễn Thị Ánh Ngọc. Nhưng, đối với các văn nghệ sĩ, dân chúng sẽ không dùng tên chồng mà dùng nghệ danh hay bút hiệu để gọi người ấy. Ví dụ bà Thái Thanh, Khánh Ly, Lệ Thu, Minh Đức Hoài Trinh, Dương Thu Hương.

2. Cách Xưng Hô Tên Chức Vụ: Mục đích của đoạn này không nhằm trình bày cách xưng hô chức vụ mà tìm hiểu xem người Việt phối hợp thế nào giữa tên và chức vụ. Người Việt áp dụng ba kiểu cách sau đây: (a) tên chức vụ đặt trước tên họ, (b) tên chức vụ đặt sau tên họ, (c) tên chức vụ đặt trước tên chính.

a. Tên chức vụ đặt trước tên họ: Định luật tổng quát của mọi quốc gia là tên chức vụ đặt trước tên họ. Ví dụ Vua Trần Thái Tông, Tổng Thống Ngô Đình Diệm, Chủ Tịch Hồ Chí Minh, Đại Lão Hòa Thượng Thích Tịnh Khiết, Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn. Trong việc giao tế, nếu không để chức vụ đi kèm tên, sẽ bị phê phán là chưa biết nghi thức ngoại giao, có ý khinh miệt, và dân gian gọi là xưng hô xách mé. Chính quyền Cộng Sản Miền Bắc Việt Nam, khi nói đến các viên chức chính quyền miền Nam, luôn dùng một kiểu xưng hô không hề nhắc tên chức vụ. Ví dụ“thằng Nguyễn Văn Thiệu, thằng Ngô Đình Diệm.”

Tuy nhiên, có những trường hợp tên chức vụ đặt sau tên họ. Ví dụ Ngô Tổng Thống, Hồ Chủ Tịch, Đức Huỳnh Giáo Chủ. Vấn đề tại sao người ta không nói Nguyễn Tổng Thống cho ông Nguyễn Văn Thiệu hay Trần Chủ Tịch cho ông Trần Đức Lương, hay Nông Chủ Tịch cho ông Nông Ðức Mạnh? Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy cho là vì dân chúng ít tôn trọng các ông này hơn.

b. Tên chức vụ đặt sau tên họ: Trong các giấy tờ hành chánh, nguyên tắc phổ quát là để tên chức vụ sau tên chính. Ví dụ Giáo sư Nguyễn Khắc Hoạch, Khoa Trưởng Đại Học Văn Khoa.

c. Tên chức vụ đặt trước tên chính: Dưới thời quân chủ, người dân hay gọi tắt một người bằng tên và chức vụ. Ví dụ ông Nguyễn Văn Cấn và Nguyễn Văn Cung là đội trưởng lính khố xanh nên gọi là ông Đội Cấn, Đội Cung. Cụ Nguyễn Thượng Hiền (1868-1926) giữ chức đốc học Nam Định nên được gọi ông Đốc Nam. Dân làng Phát Diệm vẫn thường gọi các ông Cai Mạnh, ông Trùm Thảo, bà Quản Tài.

3. Cách Xưng Hô Tên Nghề Nghiệp: Trong việc giao tiếp, người Việt có thói quen thêm tên nghề nghiệp trước tên chính. Ta cần phân biệt hai trường hợp:

a. Với nghề nghiệp cần học vấn cao: Những nghề cần học vấn cao như bác sĩ, luật sư, kỹ sư, giáo sư, linh mục, khi giao tế, thường được người Việt gọi cả tên nghề nghiệp lẫn tên chính. Ví dụ Bác sĩ Trần Ngọc Ninh, Luật sư Nguyễn Văn Huyền, Giáo sư Nguyễn Thanh Giang.

b. Với nghề nghiệp không cần học vấn cao nhưng cần khả năng chuyên môn như thợ mộc, thợ rèn, thợ may, thợ nề, dân gian dùng từ Phó để thêm vào tên chính. Ví dụ ông Phó Trinh, Phó Đức, bà Phó Vượng. Với những người y tá hay thơ ký văn phòng, dân gian dùng từ Ký hay Thơ. Ví dụ ông Thơ Thuyết, ông Ký Thạnh, bà Thơ Hoan.

Vấn đề được đặt ra là tại sao khi giao tế, người Việt luôn dùng tước vị, bằng cấp, nghề nghiệp kèm theo tên chính. Có thể là vì tâm lý người Việt trọng tước vị như đã trình bày trong chương một, đoạn nói về tên tước.

Ngày mai: Biệt Hiệu