CUỘC ĐỜI LÀM BÁO CỦA HÀN MẶC TỬ

Khi làm việc ở Sở Đạc Điền Quy Nhơn, Nguyễn Trọng Trí vẫn sáng tác thơ để đăng các báo ở Saigon, Huế với bút hiệu thứ ba là Lệ Thanh. Rồi năm 1934 Nguyền Trọng Trí vào Nam, được ông bà Bút Trà Nguyễn Đức Nhuận trao cho trọng trách trông coi trang văn học của tờ báo có tên là Sàigòn. Sau đó, chàng đứng ra chủ trương tờ Công Luận Văn Chương và viết giúp cho một số báo khác như: Trong Khuê Phòng, Tân Thời. Chính vào thời gian này, Nguyễn Trọng Trí lấy bút hiệu thứ tư là Hàn Mạc Tử.

Khi sưu tầm về bút hiệu của Nguyễn Trọng Trí, ông Phạm Công Thiện, trong báo Lành Mạnh, số 38, ra ngày 1-11-1959, đã cho biết như sau:

“Trong đời thi sĩ của Nguyễn Trọng Trí (tên thật của Hàn Mặc Tử) thi nhân tuần tự lấy những biệt hiệu như sau: Minh Duệ Thị, Phong Trần, Lệ Thanh, Hàn Mạc Tử, và sau cùng là Hàn Mặc Tử”.

Mới chập chững bước vào làng thơ, thi nhân lấy hiệu Minh Duệ Thị, ít ai biết biệt hiệu này. Nguyễn Trọng Trí bắt đầu nổi danh với hiệu Phong Trần. Mộ hôm thi sĩ Quách Tấn vừa chê vừa đùa:

Tướng anh mảnh khảnh thế ni, chịu sao nổi cảnh phong trần mà ước?

Một bà cụ thâm nho ở Bình Định cũng cho hiệu Phong Trần quá trệ và không thích hợp với con người của Tử. Bà có khuyên Tử nên đổi bút hiệu khác. Thi nhân mới lấy chữ đầu của sinh quán (Lệ Mỹ) và chữ đầu của chính quán (Thanh Tân) ghép lại thành hiệu Lệ Thanh.

Ít lâu sau, Quách Tấn lại chê khéo: Bộ anh ngó dễ thương mà cái hiệu Lệ Thanh nghe cũng yểu điệu thục nữ quá! Âu là tôi gọi cô Lệ Thanh cho thêm duyên.

Nguyễn Trọng Trí làm thinh và ít lâu sau, người ta thấy ông đổi lại là Hàn Mạc Tử. Hàn Mạc là bức rèm lạnh. Nhưng Quách Tấn lại có ý kháy nữa:

Kể cũng ngộ thật! tránh kiếp phong trần, lại đòi làm khách hồng nhan. Sợ khách hồng nhan đa truân, lại đòi làm kiếp rèm lạnh. Tránh lờ, chun vào lưới. Sao mà lẩn thẩn quá thế?

Nguyễn Trọng Trí nổi xung hầm hừ:

Anh này thật đa sự, không biết đặt cái đếch gì cho vừa lòng anh?

Quách tấn cười và nói rất ý vị, dí dỏm:

Đã có rèm thì thêm bóng nguyệt vào. Hỏi còn cảnh nào nên thơ bằng.

Tinh ý, Nguyễn Trọng Trí khoái trá, giằng bút vạch thêm vành trăng non trên đầu chữ A thành hiệu Hàn Mặc Tử. Chỉ thêm vào một dấu (Á) mà ý nghĩa đã biến hẳn: Chữ Hàn trước kia có nghĩa là lạnh, nhưng ghép với chữ Mặc (mực) thì trở thành nghĩa là bút. Hàn Mặc Tử có nghĩa là anh chàng bút mực.

Nguyễn Trọng Trí sửa xong, rồi nói một câu bất tử:

Đã có bóng trăng rọi vào, thi từ nay danh tôi cũng như văn chương của tôi sẽ mỗi ngày mỗi rạng ngời như bóng trăng”.


Ấy câu chuyện về bút hiệu Hàn Mặc Tử đại khái là thế. Năm 1936 Tân Dân có xuất bản thi phẩm đầu tiên của Hàn, ta thấy biệt hiệu tác giả in rõ ràng là Hàn Mặc Tử. Nội bấy nhiêu chúng ta cũng có một chứng cớ hùng hồn rồi.

Biệt hiệu sau cùng Hàn Mặc Tử đã đưa tên tuổi Nguyền Trọng Trí đi vào lịch sử văn học Việt Nam, đồng thời được Linh Mục sử gia Phan Phát Huồn ghi lại tiểu sử và sự nghiệp văn chương trong mục các Nhà Văn Công Giáo của tác phẩm Việt Nam Giáo Sử.

Ở Saigon, Hàn Mặc Tử cùng với ba người bạn là các nhà văn Hoàng Trọng Miên, Thúc Tề và họa sĩ Việt Hồ, thuê căn gác của căn nhà số 107, đường Espagne, tức đường Lê Thánh Tôn bây giờ. Căn gác không đèn, không đóm nên mỗi lần muốn viết lách, họ phải mở cửa để điện đường rọi vào, rồi nằm bò trên sàn nhà mà viết. Họ nghèo đến độ không đủ tiền mua ghế bố, đêm đến, cứ quét sạch sàn nhà, rồi lăn ra đó mà ngủ. Tuy mang tiếng là nhóm làm báo, nhưng lúc ấy, mới chỉ có Hàn Mặc Tử có chỗ làm, còn ba anh kia, là những người đang chờ việc, mang thân phận ăn bám. Tính tình của Tử rất dễ dãi, ai cũng thân thiện được, và ai cũng lợi dụng được. Một người bạn ở chung với Tử đã thú nhận rằng:

Đời của Trí có thể tóm tắt lại trong hai đặc điểm: Một là ở bẩn vô thiên số; Hai là không bao giờ mất lòng anh em.

Lời phê bình ấy thật xác đáng. Trần Thanh Mại, trong tác phẩm Hàn Mặc Tử, xác nhận như sau:

Hàn Mặc Tử có một quan niệm cổ quái về phép giữ vệ sinh cá nhân. Quần áo mặc trót tháng mà không thay đổi, thân hình thì suốt năm không hề tắm gội. Cứ thế mà chàng đi lang thang khắp phố Saigòn, không trông ai, không ngó ai, chỉ ngâm và đọc thơ của mình.

Theo lời kể của ông Nguyễn Bá Tín, em ruột thi sĩ, trong tác phẩm Hàn Mặc Tử Anh Tôi, thì một lần hai anh em tắm biển, Hàn Mặc Tử suýt bị chết đuối, nên từ đó về sau, Hàn rất sợ nước, sợ luôn cả việc tắm giặt.

Vì tính tình, Hàn Mặc Tử rất phóng khoáng, bao nhiêu chi phí ăn ở đều do một mình Hàn Mặc Tử gánh chịu nên không bao lâu, Tử bắt đầu mắc nợ. Các món nợ cứ mỗi ngày thêm chồng chất. Rồi, một ngày kia, các bạn của Tử âm thầm mỗi người một ngả, chỉ còn lại mình Tử nên ông thợ giặt bó buộc phải bắt giữ hai cái quần, và ông chủ nhà cho thuê phải cầm giữ cái va li để thế nợ. Gia đình Hàn Mặc Tử đã kể với Trần Thanh Mại về trường hợp này:

Ra đi làm ăn lúc quá nửa năm, với chiếc va li đầy quần áo, thế mà khi tiếng pháo giao thừa nổ, Hàn Mạc Tử lững thững trở về gõ cửa với hai bàn tay trắng.

Đời sống vật chất có vẻ bất cần như vậy, nhưng đời sống tinh thần của Hàn Mặc Tử tỏ ra rất lành mạnh. Nhà văn Hoàng Trọng Miên, một trong ba người ở chung với Tử, đã viết về đời sống gương mẫu của chàng như sau:

Ngoài chuyện thơ văn ra, Hàn Mặc Tử không biết gì khác nữa. Sống chung với các bạn đang độ trai trẻ, hăng say, lại ở trong không khí phóng túng của văn nghệ, nhưng Tử theo một nếp sống thật hiền lành, yên dịu, ngoan ngoãn như một thư sinh chăm chỉ đèn sách.

Ở một đoạn khác, Hoàng Trọng Miên viết thêm:

Đời sống xa hoa, ăn chơi đặc biệt của xã hội Saigòn trước chiến tranh thứ hai cũng như những thú đam mê về nhan sắc phù dung, rượu.. . phổ biến trong giới cầm bút thời đó, không hề ảnh hưởng gì đến Hàn Mặc Tử. Tử sống nhút nhát, e thẹn đến độ mỗi khi các bạn trai nói chuyện dính líu tới đàn bà, con gái là Tử đỏ mặt lên và lặng lẽ tránh đi chỗ khác.