TIẾT E : SỰ BIẾN ĐỔI TÊN CHÍNH

Dân tộc nào trên thế giới cũng có tục thay đổi tên chính. Hai vị Tổng Thống Hoa Kỳ là các ông Cleveland và Wilson đều thay đổi tên chính. Ông Cleveland bỏ tên Stephen lấy tên Grover thành Grover Cleveland. Ông Wilson bỏ tên John lấy tên Woodrow thành Woodrow Wilson. Với người Việt Nam, từ ngày chấm dứt chế độ quân chủ, nền hành chánh bắt đầu thi hành giấy tờ hộ tịch, thì tên chính không được dễ dàng thay đổi nữa. Tuy nhiên, trong lịch sử có 7 trường hợp biến đổi tên chính.

1. Biến Đổi Do Vua Ban Tên: Dưới thời phong kiến, nhà vua không những có quyền ban quốc tính, tức tên họ, mà còn ban tên chính cho các công thần. Dân gian coi đó là một ân thưởng trọng hậu. Xin nêu một số trường hợp:

Vua Lê Thánh Tông (1460-1497) đổi tên ông Đỗ Viễn, đậu Tiến Sĩ năm 1478, thành Đỗ Cận. Ông Vũ Nghĩa Chí, đậu Hoàng Giáp năm 1490, thành Vũ Duệ. Ông Dương Bản Bang, đậu Tiến Sĩ đời Hồng Đức thứ 15, được vua ban quốc tính và đổi tên là Tung. Vua Lê Nhân Tông (1442-1459) đổi tên Tiến Sĩ Dương Mỗi thành Dương Hải. Ông Nguyễn Hễ, người huyện Thanh Oai, phủ Ứng Thiên, trấn Sơn Nam, đậu đệ nhất giáp Tiến Sĩ khoa Giáp Tuất (1514), được vua Lê Tương Dực (1509-1516) đổi tên là Nguyễn Đức Lượng. Vua Tự Đức (1848-1883) đổi tên ông Trần Bích San (1839-1874) thành Trần Hy Tăng. Ông Dưỡng Độn, tự Thời Mẫn, hiệu Tốn Trai được đổi thành Trần Tiễn Thành.

2. Biến Đổi Vì Kỵ Húy: Ngoài dân gian, nếu tên con rể trùng với tên ông bà, cha mẹ vợ, thì tên con rể đổi sang tên khác. Tên mới chỉ để xưng hô hàng ngày, còn trong giấy tờ, tên vẫn giữ như cũ. Trong chốn triều đình, những chữ húy như tên vua, cha vua, hoàng hậu, tên lăng tẩm, khi xưa được viết bằng Hán tự, lúc đọc phải tránh âm, lúc viết phải đổi thành chữ khác. Đời vua nào cũng có sự kỵ húy. Đơn cử đời vua Gia Long, 6 tên sau đây phải đổi ra chữ khác

Kỵ Húy/ Nghĩa/ Đổi ra/ Nghĩa

Noãn/ Ấm/ Úc/ Ấm

Ánh/ Sáng/ Chiếu/ Sáng

Chủng/ Trong/ Thức/Trong

Cổn/ Tia nắng/ Diệu/ Ánh sáng

Hoàng/ Vòng tròn/ Viên/ Vòng tròn

Lan/ Hoa lan/ Hương/ Hương thơm.

Vấn đề kỵ húy là một định chế chính trị, tôn giáo có ảnh hưởng đến ngôn ngữ Việt Nam nên sẽ được trình bày thêm trong chương Năm.

3. Đổi Tên Vì Bị Bó Buộc: Đối với các quan có phẩm hàm cao, việc đổi tên được coi là điều hãnh diện vì đó là ân điển vua ban. Nhưng, đối với quan chức địa phương có phẩm hàm thấp, việc đổi tên, nếu có, là điều bó buộc.

Năm Minh Mạng thứ 13 (1832), triều đình ra chiếu chỉ như sau, được ghi trong Đại Nam Điển Lệ: Những chức quan của một tỉnh nếu có cùng tên giống nhau thì viên quan phẩm trật thấp hơn phải đổi tên hay bớt đi một chữ, hoặc đổi hẳn chữ khác, hoặc đổi thành chữ đồng âm nhưng khác mặt chữ để khỏi lầm lẫn và trùng tên.

4. Đổi Tên Vì Tự Ý: Đời nào cũng có người đổi tên vì tự ý và thường bắt nguồn từ các nguyên nhân sau đây:

a. Muốn có tên đẹp hơn: Nhiều gia đình ít học đã đặt tên con bằng những tiếng đọc lên nghe không được ra vẻ cho lắm. Đến khi lên thị thành, hay khi đi học, bị bạn bè chọc ghẹo vì cái tên quê mùa, thì một chị Trần Thị Bông nào đó dễ dàng biến thành Trần Thị Bạch Yến và anh Lê Văn Đực biến thành anh Lê Thanh Tùng. Bản tin của VnExpress. net ra ngày 17 tháng 6 năm 2003 cho biết : Bà Hà Thị Tiên Bưởi, quận Tân Bình, TP. HCM đã ba lần xin các cấp chính quyền được đổi tên. Tuy nhiên sở Tư Pháp thành phố không đồng ý. Bà kiện Sở Tư Pháp ra toà. Bản tin nguyên văn như sau: “Tôi rất ngượng và khổ tâm vì cái tên của mình. Người ta lấy tên tôi ra để giỡn chơi, ghẹo là Bưởi to, Bưởi nhỏ, Bưởi chua, Bưởi ngọt…”Bà Hà Thị Tiên Bưởi nói trong nước mắt. Sống trên đời 45 năm, lúc nào bà cũng phải chịu cảnh bị người khác trêu ghẹo với đủ các loại từ ghép mà theo bà đó là những từ xấu, thậm chí là thô tục. Ở quê trêu vậy đã đành, lên đến thành phố, người ta cũng chẳng để bà yên. Bà nói ‘Tôi chịu như vậy là quá đủ rồi, giờ đây tôi muốn đổi tên để quãng đòi còn lại được thanh thản hơn”

b. Muốn tránh mạng lưới pháp luật: Tại nước nào cũng vậy, các người phạm pháp thường đổi sang tên khác để che dấu tung tích.

c. Muốn có sự may mắn. Người Trung Quốc cũng như người Việt tin tưởng thay đổi tên có thể thay đổi vận mạng. Một thí dụ được nhiều người nhắc nhở là trường hợp cụ Tú Xương. Cụ tên là Trần Kế Xương (1870-1907), con cụ Trần Kế Nhuận. Sau khi đậu Tú Tài, ông tiếp tục thi bằng Cử Nhân, nhưng cứ bị hỏng vì phạm trường quy. Do đó, ông đổi thành Cao Xương để hy vọng được may mắn. Chữ Cao trong Hán tự có nghĩa là vượt tới chỗ cao hơn. Cuối cùng ông vẫn không thành công và đổi về Trần Tế Xương.

Những gia đình thông thuộc triết lý đông phương, hiểu rõ vấn đề tương sinh tương khắc của ngũ hành, cũng sẽ đổi tên, nếu có sự xung khắc trong tên cũ. Ví dụ một người có tên là Trần Kim Lê. Xét theo ngũ hành, tên này không đưa đến sự may mắn, mà dẫn tới sự hủy diệt vì Lê viết ra Hán tự có bộ Mộc. Mộc là cây không thể tương sinh với kim, hiểu theo nghĩa rộng là dao, búa, cưa đều làm bằng kim khí. Cây mà gặp búa, dao, cưa có nghĩa là cây bị chặt. Người có tên Kim Lê không được may mắn.

Người Trung Quốc tin tưởng tên ảnh hưởng đến vận mạng, đưa đến sự may mắn hay xúi quảy. Ví dụ một người tên Lê Thị Minh Nguyệt, sinh năm Sửu tức năm con Trâu. Minh Nguyệt là trăng sáng, tuổi cô là tuổi Trâu. Trâu mà phải làm tới khi trăng sáng thì đời cô Nguyệt vất vả tối tăm lắm. Tác giả Evelyn Lip đã viết tác phẩm Choosing Auspicious Chinese Names để hướng dẫn cách đặt tên sao cho tương hợp ngũ hành, đưa đến sự may mắn.

5. Ðổi Tên Vì Lý Do Tôn Giáo: Tu sĩ của một số tôn giáo ở Việt Nam thường dùng tên có liên quan đến tôn giáo của mình thay cho tên chính. Nhờ tên này, ta có thể biết tịch đạo của người ấy.

- Với Phật Giáo, ta có những tên như pháp danh, pháp hiệu, pháp tự. Khi đã có những tên này, người ta dùng tên đó thay cho thế danh. Ví dụ người ta gọi Ðại Lão Hòa Thượng Thích Ðôn Hậu, chứ không dùng thế danh Diệp Trương Thuần.

-Với Công Giáo, một số dòng tu như các tu sĩ dòng La San, các nữ tu dòng thánh Phaolô có tập tục dùng tên thánh do nhà dòng đặt thay cho tên chính. Thầy dậy của tôi là các dì Isabelle, Madeleine, Monica và các sư huynh Boniface, Félicien, Léopold.

-Với những giới chức đạo Cao Ðài, ta có những tên đặc biệt đặt theo công thức Tên Phái + Thế Danh + Tịch Ðạo. Ví dụ Giáo Sư Thượng Hậu Thanh của hội Truyền Giáo Cao Ðài, Giáo Sư Ngọc Luyện Thanh ngụ tại Thánh Thất Từ Vân tại thành phố Sàigòn. Các tên này chúng tôi đã trình bày ở chương một, tiết C: Các Tên Tôn Giáo.

-Với những người Việt theo Hồi Giáo, họ cũng đặt tên theo tôn giáo của họ. Ví dụ Dịch giả kinh Qur’an (Coran) ra tiếng Việt là ông Từ Công Thu, vì theo đạo Hồi nên ông có tên chính thức là Hassan Abdul Karim

6. Đổi Tên Vì Lý Do Chính Trị: Dưới thời quân chủ, một triều đại dù đã sụp đổ, nhưng vẫn có người nuôi hoài bão khôi phục. Để chính danh, người ấy phải đổi tên để chứng minh với nhân dân họ là thế gia triều đại trước. Ví dụ Trần Thiêm Bình tự xưng là con vua Trần Nghệ Tông, sang Yên Kinh kể rõ sự tình với Thánh Tổ nhà Minh về việc Hồ Quý Ly tiếm nghịch.Tạ Sương Phụng chống lại nhà Nguyễn, muốn chiếm tỉnh Quảng Nam đã mạo danh dòng dõ nhà Lê đổi tên là Lê Duy Minh.

Trong lịch sử cận đại, những người hoạt động chính trị đảng phái thường đổi tên, để dễ bề hoạt động. Việt Nam Quốc Dân Đảng có các ông Nguyễn Ngọc Nhân đổi thành Vũ Tam Anh. Nguyễn Văn Giảng thành Vũ Hồng Khanh. Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội có ông Nguyễn Hải Thần đổi thành Vũ Hải Thu, Nguyễn Cẩm Giang.

Về phía Đảng Cộng Sản rất nhiều đảng viên đổi tên, nhưng có lẽ người đổi tên nhiều nhất thế giới là ông Hồ Chí Minh. Ở đây, chỉ xin trích một số tên được nhiều người biết. Tên chính thức khi còn bé là Nguyễn Sinh Cung, đi học lấy tên là Nguyễn Tất Thành, trong khi hoạt động chính trị, để tránh con mắt mật thám Pháp, ông lấy các tên như Lý Thụy, Victor, Song Man Tcho, Vương Sơn Nhi, Trần Lực, Nguyễn Ái Quốc và sau cùng là Hồ Chí Minh.

Một điều mỉa mai cho lịch sử Việt Nam là sơ ước ký ngày 6 tháng 3 năm 1946, giữa đại diện Pháp là Sainteny và 2 đại diện Việt Nam là các ông Vũ Hồng Khanh và Hồ Chí Minh, cả ba đều không dùng tên thật, mà dùng tên giả.

Vào năm 1954, khi đất nước Việt Nam bị chia đôi, một số người miền Nam tập kết ra Bắc, gia đình ở lại miền Nam thường đổi tên để tránh phiền lụy về an ninh chính trị đối với chính phủ miền Nam. Đến năm 1975, khi đảng Cộng Sản chiếm miền Nam, các gia đình này lại điều chỉnh giấy tờ hộ tịch cho hợp với tên họ của người thân đã tập kết ra Bắc, để chứng minh với chính quyền Cộng Sản rằng đây là gia đình cách mạng, có quyền được hưởng quyền lợi vật chất mà nhà nước dành cho các gia đình cách mạng.

7. Bị Bỏ Tên Chính Vì Là Phái Nữ: Khi xã hội Việt Nam còn chịu ảnh hưởng văn hóa cổ truyền Trung Quốc, vai trò phụ nữ không được đề cao. Tên chính người đàn bà không được nhắc nhở trong sử sách. Sử gia triều đại nhà Nguyễn là Trương Đăng Quế và Hà Duy Phiên nói rõ điều này trong phần thể lệ viết Đại Nam Liệt Truyện. Hai ông viết: Khi chép về các hậu phi, chỉ chép tên thụy, họ vì tên thực của các bà không được để lọt ra khỏi cửa. Đó là theo thể lệ chép truyện trong Minh sử.

Ngày nay, đọc các cổ thư như Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, An Nam Chí Lược, Đại Nam Liệt Truyện, ta thấy các sử gia khi chép về người đàn bà chỉ nhắc đến tên họ và chữ thị như Cù thị, Lê thị. Đến các nhà viết văn học sử Việt Nam hiện nay, khi viết về truyện ký Hạnh Thục Ca, thường nhắc tên tác giả là bà Nguyễn Nhược thị thay vì tên chính của bà là Nguyễn Thị Bích (1830-1909). Trên các bia mộ xưa, ta thấy những tên như Lê thị chi mộ, Trần thị chi mộ, tức mộ phần người đàn bà họ Lê, họ Trần. Tục lệ ta không ghi tên người đàn bà là do bắt chước Tàu. Người phụ nữ Trung Quốc khi lấy chồng, bỏ hết tung tích nhà cô, nhận tên họ chồng. Ví dụ Vương thị phu nhân, tức người vợ ông họ Vương.

Trái lại, theo tinh thần Việt, vai trò phụ nữ không bị coi thường, tên phụ nữ vẫn được nhắc nhở. Ta vẫn thường nghe thị Kính, thị Mầu là hai nhân vật trong truyện Quan Âm Thị Kính.