NHÂN NGÀY THẾ GIỚI CHỐNG BỆNH PHONG CÙI

TƯỞNG NIỆM VÀ VINH DANH CỐ THI SĨ HÀN MẶC TỬ


Khi nói về các bản thánh ca lừng danh thế giới, người ta thường nhắc tới các bài Ave Maria của Schubert, của Gounod hoặc bài bài Hallelujah của George Frederick Handel. Riêng bài Hallelujah được trích trong vở đại nhạc kịch Đấng Cứu Thế - The Messiah. Vở đại nhạc kích lừng danh này mô tả cuộc đời Chúa Cứu Thếtừ lúc sinh ra đến khi vinh hiển sống lại. Theo lời Handel kể, ông sáng tác nhạc kịch này để tạ ơn Chúa vì đã cứu ông khỏi bệnh bán thân bất toại. Ông say sưa ngồi trên phím đàn trong 21 ngày để sáng tác, và khi chấm dứt nốt nhạc cuối cùng, ông đã ngã lăn ra bất tỉnh.

Tại Việt Nam, đọc lịch sử văn học cận đại, người ta cũng gặp một trường hợp khá tương tự với hoàn cảnh của Handel. Một thi sĩ Công Giáo có bút hiệu là Hàn Mặc Tử, mới 24 tuổi, hầu như điên loạn khi biết mình mắc bệnh ghê tởm phong cùi. Chàng đã đi tìm nguồn an ủi ở gia đình, bạn bè, người thân, người tình. Nhưng tất cả đều không làm cho chàng khuây khoa được tâm trạng đau khổ, mà lúc nào cũng bị ám ảnh bởi sự chết. Từ đó, chàng đâm ra tuyệt vọng rồi sáng tác những vần thơ đau thương, mà chàng gọi là Thơ Điên. Sau cùng, nhờ ân sủng siêu nhiên, chàng đã tìm thấy nguồn an ủi nơi Chúa và Mẹ Maria. Chàng đã vui vẻ với số phận, và như nhạc sĩ Handel, chàng đã sáng tác thi phẩm Xuân Như Ý để ca tụng Thiên Chúa và Mẹ Maria.

Các nhà phê bình văn học sử Việt Nam đã đặt thi sĩ ngang hàng với nhà văn Công Giáo Pháp nổi tiếng thế giới là Paul Claudel. Nhà phê bình văn học, ông Trần Thanh Mại, trong tác phẩm Hàn Mặc Tử, xuất bản năm 1941 tại Saigon đã ước mong những bài thơ như Thánh Nữ Ðồng Trinh của Hàn Mặc Tử, phải được đệ trình lên Đức Khâm Sứ Toà Thánh ở Việt Nam và Đức Giáo Hoàng ở La Mã. Nay thì tên tuổi Hàn Mặc Tử đã được đưa vào lịch sử văn học Việt Nam, và linh mục sử gia Phan Phát Huồn đã dành cho chàng một chỗ xứng đáng trong tác phẩm Việt Nam Giáo Sử. Các tạp chí văn học nghệ thuật, như Tập San Văn, xuất bản tại Saigontrước 1975 đã viết nhiều bài khảo cứu về Hàn Mặc Tử. Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh đã cảm hứng từ mối tình Hàn Mặc Tử - Mộng Cầm, sáng tác bài Hàn Mặc Tử mà ngày nay không mấy ai là không biết đến nhạc phẩm này. Trước năm 1975 trên sân khấu cải lương, người ta thấy vở tuồng Hàn Mặc Tử được trình diễn nhiều lần tại Saigòn và các tỉnh. Nhạc sư Hải Linh, một thiên tài về âm nhạc hợp xướng, đã phổ nhạc cho một số bài thơ nổi tiếng của Hàn Mạc Tử. Nhạc sĩ Phạm Duy cũng đã xuất bản cuốn băng CD có tên Trường Ca Hàn Mặc Tử trong đó gồm nhiều bài thơ của Hàn Mặc Tử được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc, Duy Cường hoà âm, với các giọng hát của Duy Quang, Thái Hiền, Tuấn Ngọc và Thái Thảo. Gần đây nhất, năm 1998, nhà xuất bản Văn Học tại Việt Nam đã cho phát hành tác phẩm : Đi Tìm Chân Dung Hàn Mặc Tử mà tác giả là ông Phạm Xuân Tuyển đã bỏ ra 30 năm để sưu khảo về cuộc đời thi sĩ Hàn Mặc Tử. Qua báo chí, chúng tôi cũng được biết thêm là một cuộc hội thảo lớn về nhà thơ Hàn Mặc Tử đã được tổ chức tại Quy Nhơn vào tháng 11 năm 2000, nhân dịp lễ giỗ lần thứ 60 của nhà thơ tài hoa này. Ngày nay tên tuổi Hàn Mặc Tử không còn xa lạ với quần chúng Việt Nam nữa.

Giống như các thiên tài khác trên thế giới, đời sống của Hàn Mặc Tử có nhiều chuyện đặc biệt. Về phương diện thi ca, các nhà phê bình văn học coi thơ của chàng như là hình ảnh tiêu biểu cho một thời đại văn học thế hệ 1930-1945, chịu ảnh hưởng văn hoá tây phương. Về phương diện tôn giáo, nếu nghiên cứu đời sống tâm linh của thi sĩ, qua bút tích để lại, ta sẽ thấy chàng là một chiến sĩ Phúc Âm trong môi trường văn học và nghệ thuật.

Với các lý do trên đây, chúng tôi viết loạt bài này nhằm giới thiệu với đồng bào Công Giáo cũng như không Công Giáo về thân phận và các nguồn thi cảm của thi sĩ Hàn Mặc Tử. Nội dung các bài viết tập trung vào ba chủ đề:

I. Cuộc sống Hàn Mặc Tử trước khi vào trại cùi Quy Hòa.

II. Hàn Mặc Tử trong trại cùi Quy Hòa.

III.Những nguồn thi cảm của Hàn Mặc Tử.

Chúng tôi xin coi các bài viết này như những bó hoa để tưởng niệm và vinh danh một chiến sĩ Phúc Âm đã chiếm một ngôi vị rất cao trong nền văn học và nghệ thuật Việt Nam. Người chiến sĩ ấy đã một lần cao giọng ngâm:

Maria! Linh hồn tôi ớn lạnh!

Run như run thần tử thấy long nhan,

Run như run hơi thở chạm tơ vàng.

Nhưng lòng vẫn thấm nhuần ơn trìu mến.


Chúng tôi cũng xin dâng tặng các bài viết này đến các nữ tu và mọi người đang âm thầm phục vụ các bệnh nhân phong cùi, nhất là những người đang mắc bệnh trầm kha, vô phương cứu chữa. Ước mong những quý vị ấy, cũng sẽ như Hàn Mặc Tử, tìm được nguồn an vui và hy vọng nơi Chúa và Mẹ Maria.

Nội dung các bài viết dựa trên các tài liệu của nhiều tác giả như Trần Thanh Mại, Quách Tấn, Hoài Thanh, Hoài Chân, Võ Long Tê, Nguyễn Tấn Long, Nguyền Hữu Trọng, Trịnh Vân Thanh, Phạm Xuân Tuyển, Huy Phong, Yến Anh và linh mục Phan Phát Huồn.

Ngày Mai: Cuộc sống Hàn Mặc Tử trước khi vào trại Quy Hòa.