MỤC I : TÊN CHÍNH CỦA NGƯỜI VIỆT NAM

Trong mục này, tên chính người Việt được lần lượt nghiên cứu qua 5 tiết: (a) phân loại tên chính, (b) những hình thức tên chính, (c) các tục lệ khi đặt tên chính, (d) nguyên tắc chọn tên chính, (e) sự biến đổi tên chính.

TIẾT A. PHÂN LOẠI TÊN CHÍNH

Nếu tên họ của người Việt Nam có khoảng trên dưới 1000, thì tên chính, theo nguyên tắc, lại có rất nhiều, và việc thực hiện một quyển từ điển để giải thích ý nghĩa các tên chính như các nước tây phương đã làm, là điều không cần thiết, vì tên người Việt Nam cũng như Trung Quốc thuộc ngôn ngữ thông thường. Tuy nhiên, nếu căn cứ vào nguồn gốc ngôn ngữ, tên chính của người Việt Nam có thể chia làm 3 loại: gốc Hán Việt, gốc Nôm, gốc tây phương.

1. Tên Từ Gốc Hán Việt: Đại đa số tên chính của người Việt Nam đều lấy từ gốc Hán Việt. Xét về phương diện phát âm, tên loại này nghe ‘‘kêu’’hơn các từ Nôm. Tên Nguyễn Trung Trực nghe hay hơn tên Nguyễn Văn Rồi. Nếu xét về phương diện ý nghĩa, tên Hán Việt thường được cấu tạo bằng hai từ: một để làm tên đệm, một để làm tên chính. Hai từ đó hợp lại có ý nghĩa rộng hơn, hoa mỹ hơn. Do vậy, tên chính lấy từ nguồn gốc Hán Việt rất phù hợp cho việc đặt tên người Việt Nam. Ví dụ Lê Vĩnh Phú (giàu có muôn đời), Nguyễn Thị Bạch Tuyết (trong trắng như tuyết), Vũ Hoài An (mong được an bình).

2. Tên Từ Gốc Nôm: Nếu tên chính lấy từ gốc Hán Việt có vẻ văn chương, hoa mỹ bao nhiêu, thì tên từ gốc Nôm có vẻ mộc mạc bấy nhiêu. Tên gốc Nôm thường được các gia đình ở nông thôn, ít học, đặt cho con cái. Các tên như Bông, Rồi, Vui, Cười, Lây, Há, Đực, Tí, Cò v.v…đã làm nhiều cô cậu băn khoăn, khó chịu về cái tên của mình, nhất là khi cô cậu lại lên thành thị sinh sống.

3. Tên Từ Gốc Tây Phương: Từ khi Pháp đặt xong nền đô hộ tại Việt Nam vào cuối thế kỷ 19, một số gia đình có liên hệ mật thiết với Pháp đã đặt tên con bằng những tên Pháp. Hiện tượng này thấy xuất hiện tại Sàigòn nhiều hơn các nơi khác, vì theo thỏa ước với triều đình Nguyễn, miền Nam theo quy chế thuộc địa, còn Trung và Bắc theo quy chế bảo hộ. Trong danh sách thí sinh Tú Tài tại thành phố Sàigòn trước 1975, người ta thấy những tên như Trần Văn Pierre, Lê Văn Paul, Trần Thị Paulette, Nguyễn Thị Suzanne. Sau 30 tháng Tư năm 1975, gần hai triệu người bỏ nước ra đi. Họ sống tản mát khắp nơi, hầu hết ở Hoa Kỳ và các nước Âu Châu. Những người này khi nhập quốc tịch, thường lấy tên mới phù hợp với ngôn ngữ và phong tục của quốc gia họ cư trú. Việc lấy tên mới thiết tưởng là cần thiết vì người bản xứ không gặp trở ngại khi xưng hô, giúp cho công việc làm ăn giao dịch dễ dàng, và đôi khi tránh bớt được cảnh bị kỳ thị chủng tộc.

Việc đổi sang tên Mỹ không bó buộc, nhưng đôi khi cần thiết vì một vài tên Việt đồng âm hay đồng dạng với từ Anh ngữ có ý nghĩa xấu. Ví dụ rất nhiều người Việt có tên Dung, Dũng, Dụng. Các tên này hay đối với người Việt, nhưng khi viết trên giấy tờ ở nước ngoài, Dũng, Dụng đều phải bỏ dấu ngã hay nặng đi, thành Dung hết. Tiếng Dung của Việt ngữ có tự dạng giống hệt từ Dung của Anh ngữ và có nghĩa là phân trâu hay phân bò. Từ ngữ Đinh hay Định trong tiếng Việt đồng âm với từ Ding của Anh ngữ có nghĩa là được rải phân. Các tên như Phúc, Phục, Phát, Pháp cũng giống trường hợp tên Dũng hay Dung vì tên Phúc đồng âm với một từ Anh ngữ có ý nghĩa rất tục tĩu và khiếm nhã. Một thí dụ điển hình khác là tên Bích. Ðối với Việt Nam, tên này thường đặt cho phụ nữ vì ý nghĩa hay và đẹp, như Bích Vân, Bích Ngọc, Bích Mai, Xuân Bích, Ngọc Bích. Nhưng đối với những người nói tiếng Anh, tên Bích phát âm gần giống chữ Bitch. Chữ này có toàn nghĩa xấu và áp dụng cho nữ giới. Bitch nghĩa là chó cái, chồn cái, con mụ nanh ác, con mụ lẳng lơ dâm đãng, con mụ phản trắc. Người Hoa Kỳ chửi ai là “đồ chó đẻ”, họ nói “Son of a bitch”. Người bạn chúng tôi có cô con gái tên Bích nằm trong bệnh viện, giới chức hành chánh đã cẩn thận treo bảng với hàng chữ đỏ: Name Alert nghĩa là hãy cẩn thận để nhắc nhở y tá, bác sĩ phải rất cẩn thận khi gọi tên, tránh sự xúc phạm. Thay vì phát âm đúng tên Bích, họ đã gọi cô Bích là cô Bai hay cô Bi.

Người Việt đổi sang tên Mỹ đôi khi cũng gặp chuyên rắc rối. Ví dụ người họ Vũ nào đó lấy tên là Robert Vũ. Với người Hoa Kỳ, tên này bình thường và đọc là Bob Vu vì Robert được gọi tắt là Bob. Đối với người Việt tên Bob Vũ nghe không được lịch sự cho lắm vì từ Bob được phát âm là Bóp. Người có tên Bob Vu chắc chắn phải ngượng ngùng lắm khi có người gọi tên mình.

Ngoài ra, các tên Việt Nam ở nước ngoài phải viết đảo ngược thứ tự cho hợp phong tục, nên cũng sinh lắm chuyện rắc rối. Ví dụ ông Trần Từ Thiện viết đảo ngược thành ông Thiện Từ Trần, cô Tô Mộng Lan viết đảo ngược và bỏ dấu thành Lan Mong To, anh Phạm Vi thành Vi Pham, anh Phạm Tùng thành Tung Pham.