Nhiệm vụ tên đệm của người Việt Nam (tiếp theo)

2. Tên Đệm Để Phân Biệt Gia Tộc Hay Chi Họ: Như đã trình bày trong chương trước, Việt Nam có khoảng 10 họ là phổ thông nhất. Do đó, không phải bất cứ ai cùng họ cũng đều từ một ông tổ hay một gia tộc mà ra. Để tránh ngộ nhận, nhiều gia tộc dùng tên đệm để phân biệt gia tộc hoặc chi họ. Theo tác giả Cuisinier, người Mường tích cực áp dụng tập tục này. Thí dụ người Mường có các họ Cao Viết, Đinh Công, Đinh Thế, Đinh Văn, Quách Ngay, Quách Đình ở Hòa Bình, họ Phạm Bá, Phạm Văn ở Thanh Hóa.

Theo bản tin :”Làng Không Mang Họ” trong báo Gia Ðình và Xã Hội”đăng trên www.vnn.vn, xã Liên Khê huyện Khoái Châu tỉnh Hưng Yên có 13 dòng họ trong đó 9 dòng mang họ Ðỗ. Ðể phân biệt, họ dùng tên đệm: Ðỗ Trảng, Ðỗ Bá, Ðỗ Trọng, Ðỗ Thúc, Ðỗ Quang v.v..Các vị trưởng tộc cho rằng Ðỗ không phải là tên họ mà các tên đệm : Trảng, Trọng, Bá, Thúc, Quang v.v… mới là tên họ. Từ đó các cụ xin đổi tên họ mới là Trảng, Trọng, Bá. Thúc.

Theo thiển ý, đây là chuyện hiểu lầm vì như chúng tôi đã nói ở phần tên họ ghép, khi thành lập làng, thường chỉ có một hai dòng họ. Ðến khi gia tộc phát triển, các cụ dùng tên đệm để phân biệt chi phái. Bằng chứng là các tên đệm: Bá, Trọng, Thúc là các từ chỉ thứ cấp trong thân tộc. Các cụ cũng nại ra lý do con gái làng này có tục lệ lấy tên đệm làm họ, như Trảng Thị Hoa, Trọng Thị Nhung v.v…Từ đó các cụ cho rằng từ Trảng mới là tên họ. Ðây lại là chuyện hiểu lầm vì xưa có quan niệm nữ nhân ngoại tộc. Tổ tiên làng Liên Khê xưa không để nữ nhân mang dòng họ Ðỗ mà lấy tên đệm làm tên họ “tạm” với ý nghĩa người đàn bà này thuộc chi phái Trảng, Trọng, Thúc, Bá của dòng họ Ðỗ.

Đối với khối người kinh, nhiều gia đình cũng áp dụng nguyên tắc này. Bằng chứng là nhiều gia tộc khi viết gia phả, đều ghi cả tên họ và tên đệm như gia phả họ Trần Đình, gia phả họ Bùi Thái, Hoàng Ngọc. Vấn đề này đã được chúng tôi đã trình bày kỹ ở chương hai, Tiết mục E: Tên Họ Ghép Ðể Biểu Lộ Ý Niệm Huyết Thống.

3. Tên Ðệm Ðể Phân Biệt Liên Hệ Nội Ngoại: Trong xã hội cổ truyền Việt Nam, người phụ nữ bị coi là “nữ nhân ngoại tộc”, nghĩa là “con gái là con người ta” nên không được đặt tên đệm giống tên của các anh em trai ruột thịt. Ví dụ điển hình là gia đình của ban hợp ca Thăng Long, nổi tiếng vào những thập niên 60, 70. Chỉ tên con trai được đệm chữ Ðình, tên con gái đệm chữ Thị. Thân phụ ca sĩ Mai Hương là cụ Phạm Ðình Sỹ, sau đó, đến cụ Phạm Ðình Chương, tức Hoài Bắc, rồi cụ Phạm Ðình Viêm, tức Hoài Trung. Còn hai chị em gia đình này là các cụ bà Phạm Thị Thái Hằng, vợ của nhạc sĩ Phạm Duy, cụ bà Phạm Thị Thái Thanh, tức ca sĩ Thái Thanh không được đệm chữ Đình.