CHƯƠNG BỐN TÊN CHÍNH

Tên người Việt Nam, Trung Quốc, Đại Hàn, Hung Gia Lợi có công thức: Tên Họ + Tên Đệm + Tên Chính. Ngược lại thứ tự trên, hầu hết tên người tây phương có công thức: Tên Chính + Tên Đệm + Tên Họ. Về danh từ chỉ tên này, các nhà ngữ học và tính danh học, cả Âu lẫn Á, chưa có danh từ thống nhất. Ở Việt Nam học giả Nguyễn Bạt Tụy gọi là tên đẻ, giáo sư Hà Mai Phương gọi là tên tục, học giả Trịnh Huy Tiến gọi là tên riêng, nhà nghiên cứu Trần Ngọc Thêm gọi là tên riêng, giáo sư Nguyễn Ngọc Huy gọi là tên chính. Tiến sĩ Lê Trung Hoa gọi là tên chính. Chúng tôi gọi là tên chính vì hai lý do: một là vì loại tên này ai cũng phải có và được sử dụng nhiều nhất, hai là để phân biệt với các tên như tên đệm, tên hiệu, tên tục, tên cúng cơm, tên hèm, tên thụy v.v…là các tên phụ thuộc, không phải ai cũng có.

Với Anh ngữ, ta có ba từ chỉ tên chính: Baptismal Name: tên rửa tội, Christian Name: tên Kitô Giáo, Forename: tên đứng trước. Tại Bắc Mỹ, người ta dùng First Name: tên thứ nhất, Given Name: tên đặt. Đôi khi người ta dùng từ Personal Name: tên cá nhân, Proper Names: tên riêng. Tất cả các từ ấy chỉ có nghĩa là tên chính.

Thời sơ khai con người đặt tên thế nào?

Trước khi tìm hiểu tên chính người Việt Nam, ta cần biết khi mới xuất hiện trên trái đất con người đã đặt tên thế nào để chỉ cá nhân? Câu hỏi này chưa có câu trả lời chính xác vì không có chứng tích khảo cổ. Nhưng, theo sự suy đoán của giáo sư Elsdon Smith, khi loài người chưa biết đến hệ thống tên, thì để gọi một cá nhân, người ta bắt chước giọng nói cao thấp của người ấy. Ðó là hình thức tên đầu tiên của nhân loại. Thế rồi, khi bắt đầu biết cách đặt tên, người ta áp dụng nguyên tắc dựa vào những đặc điểm tính tình, thân xác, nghề nghiệp, ước vọng của cha mẹ, hoặc môi trường chung quanh để đặt tên cho cá nhân. Ðó là lý thuyết được các nhà tính danh học chấp nhận. Lý thuyết này có thể kiểm chứng qua các tên trong kinh thánh của Do Thái Giáo. Cuốn sách cổ nhất của Do Thái Giáo là Sáng Thế Ký được viết vào thế kỷ thứ 13 trước công nguyên. Hãy nêu ra một số tên trong quyển kinh này để chứng nghiệm cho lý thuyết trên:

Tên dựa trên đặc điểm thân xác: Amri: Lưu loát, Asar: vui vẻ, Geddel: to cao, Laban: trắng, Edom: đỏ, Azbai: lùn. Noemi: đẹp. Ozni: tai to.

Dựa trên đặc điểm tính tình: Doeg: lo âu, Dalila: thương cảm, Ruth: thân thiết, Noe: di động, Eve: mẹ của sự sống, Nahum: người an ủi, Job: bị hất hủi.

Dựa trên ước vọng của cha mẹ: Abraham: cha các dân tộc, Joshua: Chúa là ơn cứu độ, Moses: người cứu thoát.

Dựa trên môi trường: Adam: đất sét, Oren: cây thông, Susan: bông huệ, Jonas: bồ câu, Elas: cây sồi, Sephora: chim nhỏ, Debora: con ong, Samson: mặt trời

Dựa trên nghề nghiệp: Obed: nô tỳ, Amon: người xây cất, Berzellai: thợ khóa, Somer: người trông coi.

Áp dụng lý thuyết trên, ta tìm hiểu tên chính người Việt Nam. Chương này gồm ba mục: Mục một, nghiên cứu tên chính người Việt Nam. Mục hai, nghiên cứu tên chính người tây phương. Mục ba, so sánh tên chính người tây phương và Việt Nam.