NHIỆM VỤ TÊN ĐỆM CỦA NGƯỜI VIỆT NAM (tiếp theo)

4. Tên Đệm Để Phân Biệt Vai Vế Trong Gia Tộc: Hậu quả tất nhiên của chế độ đa thê trong xã hội cổ truyền là gia đình với cảnh con đàn cháu đống. Thêm vào đó, đơn vị xã hội nước ta không phải là cá nhân, mà là gia đình. Những chuyện lũy đại đồng đường theo kiểu gia đình Trương Công Nghệ vẫn được truyền tụng trong dân gian như một khuôn mẫu lý tưởng. Từ đó, người ta thấy cần thiết phải phân biệt ngôi thứ trong họ hàng bằng cách đặt tên đệm cho mỗi người trong gia tộc. Tập tục này có từ thời đầu nhà Hán. và sáng kiến này quả thực là nét độc đáo, nó vừa đề cao sự thống nhất gia đình, vừa tách rời cá nhân ra khỏi tập thể, đồng thời giúp cho việc xác định thứ vị trong việc thờ cúng tổ tiên được dễ dàng. Mỗi giai cấp xã hội áp dụng cách thức khác nhau:

a. Cách thức của đa số dân gian: Khi xưa dân gian thường dùng 5 từ ngữ thân tộc là Bá, Mạnh, Trọng, Thúc, Quý làm tên đệm để phân biệt con bác, con chú. Con người anh cả đệm chữ Bá, con các em trai lần lượt đệm chữ Mạnh, Trọng, Thúc, Quý. Cũng có gia đình dùng chữ Bá cho toàn thể các con trai đời thứ nhất, chữ Mạnh cho đời thứ hai, đến đời thứ năm dùng tiếng Quý.

b. Cách thức của các gia đình danh giá, nho gia: Các cụ không dùng 5 từ ngữ trên mà tự đặt một bài thơ. Mỗi tiếng trong bài thơ là một tên đệm cho mỗi thế hệ. Thí dụ điển hình là gia đình cụ Dương Khuê (1839-1902) được vua Tự Đức ban cho bài thơ 16 chữ dùng làm tên đệm cho các con trai, cháu trai để phân biệt người trong mỗi thế hệ. Theo sách Dương Gia Phả Ký, bài thơ của vua Tự Ðức như sau:

Tự Thiệu Hồng Nghiệp

Vi Bang Gia Ky

Thế Tế Kỳ Mỹ

Chúc Khánh Dụ Chi

Theo bài thơ trên, ta biết nhạc sĩ Dương Thiệu Tước thuộc thế hệ thứ hai, tức hàng cháu của cụ Dương Khuê.

Gia đình cụ Dương Lâm (1845-1915), em cụ Dương Khuê, đã áp dụng tên đệm để phân biệt con gái, con dâu, cháu gái, chắt gái.

Con gái đệm chữ Hà

Cháu gái đệm chữ Nguyệt

Chắt gái đệm chữ Vân

Con dâu đệm chữ Nhật

c. Cách thức của hoàng tộc nhà Nguyễn: Vua Minh Mạng có nhiều quyết định liên quan đến vấn đề tên người Việt Nam. Ngài ban tên họ cho nhiều sắc dân thiểu số, kể cả cho người Lào, người Miên. Với hoàng tộc, ngài quyết định những người họ Nguyễn theo chúa Nguyễn Hoàng vào Nam thì gọi là họ Tông Thất Nguyễn Phúc, những người ở lại Bắc gọi là Công Tính Nguyễn Hựu. Đối với 11 con trai của vua Gia Long (1802-1819), vua Minh Mạng đặt ra Đế Hệ Thi, Ngự Chế Mạng Danh Thi, Phiên Hệ Thi để quy định cách đặt tên trong hoàng tộc. Đế Hệ Thi là bài thơ gồm 20 chữ, mỗi chữ sẽ được dùng làm tên đệm cho các thế hệ sẽ lên ngôi thiên tử.

Đế Hệ Thi

Miên Hồng Ưng Bửu Vĩnh

Bảo Quý Định Long Trường

Hiền Năng Kham Kế Thuật

Thế Thoại Quốc Gia Xương.

Theo bài thơ trên, con vua Minh Mạng đệm chữ Miên: Nguyễn Phúc Miên Tông, tức vua Thiệu Trị, Nguyễn Phúc Miên Thẩm: Tùng Thiện Vương, Nguyễn Phúc Miên Trinh: Tuy Lý Vương.

Hàng cháu vua Minh Mạng đệm chữ Hồng: Nguyễn Phúc Hồng Nhậm tức vua Tự Đức, Nguyễn Phúc Hồng Hưu, Nguyễn Phúc Hồng Y.

Hàng chắt vua Minh Mạng đệm chữ Ưng: Nguyễn Phúc Ưng Đăng: vua Kiến Phúc. Nguyễn Phúc Ưng Lịch,

Nguyễn Phúc Ưng Chân: vua Dục Đức.

Hàng chút vua Minh Mạng đệm chữ Bửu: Nguyễn Phúc Bửu Lân: vua Thành Thái. Bác sĩ Nguyễn Phúc Bửu Hội, Linh mục Nguyễn Phúc Bửu Dưỡng, Giáo sư Nguyễn Phúc Bửu Cầm, Nguyễn Phúc Bửu Lịch.

Hàng dưới nữa đệm chữ Vĩnh, Bảo v.v… Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy tức vua Bảo Đại. Nguyễn Phúc Bảo Long tức con vua Bảo Đại.

Ngự Chế Mạng Danh Thi là bài thơ liên quan đến quy tắc đặt tên chính nên sẽ nói trong chương bốn: Tên Chính Của Người Việt Nam.

Phiên Hệ Thi gồm 10 bài. Mỗi bài dành cho một người anh em của vua Minh Mạng và thế hệ con cháu của các người đó sẽ dùng một chữ trong bài thơ làm tên đệm.

Bài 1: ngài Tăng Duệ, Hoàng Thái Tử của vua Gia Long

Mỹ Duệ Tăng Cường Tráng

Liên Huy Phát Bội Hương

Linh Nghi Hàm Tốn Thuận

Vỹ Vọng Biểu Không Quang.

Bài 2: ngài Kiến An Vương, hoàng tử thứ 5

Lương Kiến Ninh Hòa Thuật

Du Hành Suất Nghĩa Phương

Dưỡng Di Tương Thực Hảo

Cao Túc Thể Vi Tường.

Bài 3: ngài Định Viễn Quận Vương, hoàng tử thứ 6

Tịnh Hoài Chiêm Viễn Ái

Cảnh Ngưỡng Mậu Thanh Kha

Nghiễm Khác Do Trung Đạt

Liên Trung Tập Cát Đa.

Bài4: ngài Diên Khánh Vương, hoàng tử thứ 7

Diên Hội Phong Hanh Hiệp

Trùng Phùng Tuấn Lãng Nghi

Hậu Lưu Thành Tú Diệu

Diễn Khánh Thích Phương Huy.

Bài 5: ngài Điện Bàn Công, hoàng tử thứ 8

Tín Diện Tư Duy Chánh

Thành Tồn Lợi Thỏa Trinh

Túc Cung Thừa Hữu Nghị

Vinh Hiển Tập Khanh Danh.

Bài 6: ngài Thiệu Hóa Quận Vương, hoàng tử thứ 9

Thiện Thiệu Kỳ Tuần Lý

Văn Tri Tại Mẫn Du

Ngưng Lân Tài Chí Lạc

Địch Đạo Doãn Phu Hưu.

Bài 7: ngài Quảng Oai Công, hoàng tử thứ 10

Phụng Phủ Trưng Khải Quảng

Kim Ngọc Trác Tiêu Kỳ

Điển Học Kỳ Gia Chí

Đôn Di Khắc Tự Trì.

Bài 8: ngài Thường Tín Quận Vương, hoàng tử thứ 11

Thường Cát Tuân Gia Huấn

Lâm Trang Túy Thạnh Cung

Thận Tu Di Tấn Đức

Thọ Ích Mậu Tân Công.

Bài 9: ngài An Khánh Vương, hoàng tử thứ 12

Khâm Tùng Xưng Ý Phạm

Nhã Chánh Thủy Hoằng Quy

Khải Dễ Đang Cần Dự

Quyến Ninh Công Tráp Hy.

Bài 10: ngài Từ Sơn Công, hoàng tử thứ 13

Từ Thể Dương Quỳnh Cẩm

Phu Văn Ái Diệu Dương

Bách Chi Quân Phụ Dực

Vạn Diệp Hiệu Khuông Tương.

Theo các bài thơ trên, những người thế hệ thứ nhất, sẽ lấy những chữ đầu của 11 bài thơ làm tên đệm là Miên, Mỹ, Lương, Tịnh, Diên, Tín, Thiện, Phụng, Thường, Khâm, Từ. Ví dụ:

Dòng Đế :Vua Thiệu Trị: Miên Tông.

Dòng Tăng Duệ Hoàng Thái Tử: Công tử Mỹ Đường.

Dòng Kiến An Vương: Công tử Lương Kỳ.

Dòng Định Viễn Quận Vương: Công tử Tịnh Cơ.

Dòng Diên Khánh Vương: Công tử Diên Vực.

Dòng Điện Bàn Công: Công tử Tín Kiên.

Dòng Thiệu Hóa Quận Vương: Công tử Thiện Khuê.

Dòng Quảng Oai Công: Công tử Phụng Tại.

Dòng Thường Tín Quận Vương: Công tử Thường Nhậm.

Dòng An Khánh Vương: Công tử Khâm Thịnh.

Dòng Từ Sơn Công: Công tử Từ Đàn.

Những người trên đây là con bác, con chú, ngang hàng với hoàng tử Miên Tông, tức vua Thiệu Trị. Cũng nhờ các bài phiên hệ thi mà ta biết được Hoàng Thân Nguyễn Phúc Cường Để là dòng dõi đời thứ 4 của Hoàng Tử Cảnh, và con ông Cường Để là Nguyễn Phúc Tráng Liệt. Chữ Cường và chữ Tráng có trong bài thơ thứ nhất dành cho Tăng Duệ Hoàng Thái Tử.

Thực ra, chỉ các tên đệm đặt cho dòng đế trong bài Đế Hệ Thi là thấy con cháu tích cực lưu truyền, nên trong thực tế, ta gặp nhiều tên như: Miên Thẩm, Miên Trinh, Hồng Hưu, Hồng Dân, Hồng Nhậm, Ưng Đăng, Ưng Lịch, Bửu Lộc, Bửu Dưỡng, Bửu Cầm, Bửu Lịch, Vĩnh Thụy, Vĩnh San. Còn các tên đệm khác trong 10 bài phiên hệ thi, ta không thấy con cháu vua Minh Mạng triệt để áp dụng, nên không gặp các tên khởi đầu với các chữ như Mỹ, Lương, Tịnh, Diên v.v… giống kiểu thức Miên Trinh, Ưng Ðăng, Bửu Lộc, Vĩnh Thụy của dòng đế hệ. Con cháu thuộc dòng đế chỉ viết tên đệm và tên chính để dân chúng biết họ thuộc hoàng phái nên người Việt thường bị lầm tưởng các từ Miên, Hồng, Ưng, Bửu, Vĩnh là tên họ. Thực ra, đó là tên đệm và tên đầy đủ của họ là Nguyễn Phúc Ưng Đăng hay Nguyễn Phúc Bửu Lộc..

5. Tên Đệm Phối Hợp Với Tên Chính Hay Tên Họ Để Có Nghĩa Rộng Hơn: Tuyệt đại đa số tên đệm của người Việt Nam được đặt để phối hợp với tên chính hoặc tên họ để có ý nghĩa rộng hơn, và khi đọc lên có âm thanh hài hòa, phản ảnh đúng nguyện vọng của cha mẹ mong muốn cho con cái. Ví dụ để diễn tả ước vọng cho con có dung nhan đẹp đẽ, tên đọc lên có âm thành hài hòa, cha mẹ đặt tên cho con là Ngọc Diệp. Ngọc Diệp nghĩa là chiếc lá bằng ngọc. Hoàng Điệp: con bướm màu vàng. Thanh Lan: hoa lan màu xanh. Kim Liên: hoa sen bằng vàng. Để diễn tả ước vọng con có đức hạnh tốt, cha mẹ đặt tên cho con là Nhân Nghĩa, Trung Tín, Tấn Đức v.v…

Tên đệm sẽ còn biến chuyển ra sao nữa, chúng tôi chưa dám có dự đoán, nhưng cuối thế kỷ 20, đã thấy mộ phần một em bé Việt Nam tại San Jose có tên 5 chữ: Nguyễn Hoàng Gia Anh Quốc.

6. Dùng Tên Đệm Làm Tên Chính: Một hiện tượng thấy xuất hiện trong các gia đình quý phái là các người trong gia đình đều có tên chính giống nhau, nhưng tên đệm khác nhau. Tên đệm lúc đó trở thành tên chính. Ví dụ các công chúa của vua Minh Mạng có tên là Trọng Khanh, Trúc Khanh và Quý Khanh. Gia đình học giả Nguyễn Đổng Chi, tác giả của nhiều sách văn chương, lịch sử, đã đặt tên cho con là Nguyễn Việt Chi. Gia đình người bạn chúng tôi là ông bà Nguyễn Việt Anh đã đặt tên cho các cô con gái là Nguyễn Trâm Anh, Nguyễn Lan Anh, Nguyễn Tố Anh, và cậu con trai là Nguyễn Quốc Anh.

Hiện tượng trên đây đã thấy xuất hiện tại Trung Quốc từ lâu. Gia đình họ Tống nổi tiếng ở Trung Quốc có bốn chị em đều tên là Linh. Tống Khánh Linh tức bà Tôn Văn, Tống Mỹ Linh tức bà Tưởng Giới Thạch, Tống Ái Linh, Tống Diệu Linh. Con ông Tưởng Giới Thạch là Tưởng Kinh Quốc và Tưởng Vĩ Quốc.

Qua sáu nhiệm vụ nói trên, ta thấy đa số tên đệm được đặt ra để phối hợp với tên chính làm thành tên kép. Nhưng, thật là điều khó khăn khi ta phải phân biệt trường hợp nào là tên đệm, trường hợp nào để phối hợp với tên chính làm thành tên kép. Lý do là vì chúng ta không hiểu được ý hướng của gia đình khi đặt tên ấy. Ví dụ chữ Văn trong tên ông Trần Văn Minh hoặc Trần Văn Hóa nào đó, vừa có nghĩa chỉ đàn ông như đã nói trên, vừa có thể đi chung với tên chính để diễn tả ý nghĩa văn minh, văn hóa. Tên em Nguyễn Hoàng Gia Anh Quốc phải chăng có tên họ kép Nguyễn Hoàng, hay tên chính của em là Hoàng Gia Anh Quốc. Và như thế, giả sử phải xưng hô với em, ta gọi em là Quốc hay cả bốn tên Hoàng Gia Anh Quốc?