TIẾT B: HÌNH THỨC TÊN ĐỆM NGƯỜI VIỆT NAM

Về hình thức, tên đệm người Việt Nam có thể là: Một từ ngữ: Nguyễn Đình Chiểu, Hồ Xuân Hương, Hoàng Kim Vui. Hai từ ngữ : Lê Thanh Minh Châu, Đỗ Văn Quang Minh. Rất họa hiếm người Việt Nam có ba từ ngữ. Tại nghĩa trang Oak Hill ở San Jose, California, trên mộ phần một em bé, chúng tôi đọc thấy Nguyễn Hoàng Gia Anh Quốc. Dù một, hai hay ba, tất cả đều gọi là tên đệm. Tuy nhiên, xét về mặt liên kết với các thành phần khác trong tên, tên đệm có thể là thành phần độc lập, cũng có thể liên kết với tên họ hoặc với tên chính:

1. Tên Đệm Đứng Độc Lập: Là loại tên đệm không phối hợp được với tên họ hay tên chính để làm thành từ ngữ kép. Ví dụ Nguyễn Đình Chiểu, Lê Văn Trương. Từ ngữ Đình hay Văn không thể phối hợp với tên họ, hoặc tên chính để làm thành từ ngữ kép có ý nghĩa rộng hơn.

2. Tên Đệm Phối Hợp Với Tên Chính: Hầu hết tên chính người Việt Nam xuất phát từ nguồn gốc Hán Việt, và trong văn chương, các từ ngữ này được coi là hay hơn các từ Nôm. Do đó, các bậc cha mẹ, khi đặt tên cho con, đã cố gắng lựa tên đệm nào có thể đi chung với tên chính để có ý nghĩa rộng hơn, tốt đẹp hơn như Nguyễn Văn Quang Minh, Trần Hùng Dũng, Lê Phú Quý, Nguyễn Văn Thông Minh, Lê An Bình, Trần Thị Xuân Hương, Phan Thanh Giản, Huỳnh Ngọc Diệp.

3. Tên Đệm Phối Hợp Với Tên Họ: Rất ít tên người Việt có tên đệm phối hợp được với tên họ để làm thành từ ngữ kép có ý nghĩa. Ngoại trừ một số họ như Hoàng, Võ. Ví dụ Hoàng Kim Vui. Võ Văn Trung. Tên đệm Kim phải đi chung với từ ngữ Hoàng, thành Hoàng Kim mới có ý nghĩa vì cả hai đều là từ ngữ Hán Việt. Nếu từ Kim đi chung với từ Vui thì không có nghĩa. Còn hai từ Võ Văn có thể hiểu là người văn võ kiêm toàn.

4. Tên Đệm Có Hai Chữ, Một Đứng Độc Lập, Một Phối Hợp Với Tên Chính: Ta lấy một ví dụ cụ thể như tên anh Đỗ Văn Quang Minh. Trường hợp này ta có tên đệm Văn đứng độc lập, têm đệm thứ hai là Quang đi với tên chính là Minh, làm thành Quang Minh, nghĩa là sáng sủa.