TIẾT C: NHIỆM VỤ TÊN ĐỆM NGƯỜI VIỆT NAM

Đối với người Việt Nam, tên đệm rất quan trọng, nếu đã có, không thể bỏ đi, vì có phần vụ rõ ràng. Phân tích ý hướng dân gian, ta thấy tên đệm có sáu nhiệm vụ sau đây: (1) Tên đệm để phân biệt nam nữ, (2) Tên đệm để phân biệt gia tộc, (3) Tên đệm để phân biệt nội ngoại, (4)Tên đệm để phân biệt thứ cấp, (5) Tên đệm phối hợp với tên họ hay tên chính để có ý nghĩa rộng hơn, (6) Tên đệm thành tên chính.

1. Tên Đệm Để Phân Biệt Nam Hay Nữ: Tại tây phương, đọc tên một cá nhân, người ta thường biết được đó là đàn ông hay đàn bà vì tên chính đàn bà khác đàn ông. Ngược lại, tại Việt Nam, gặp tên Minh chẳng hạn, ta không thể quyết đoán đây là đàn ông hay đàn bà. Do vậy, dân gian đã có kiểu thức đặt tên đệm để phân biệt nam hay nữ.

a. Tên đệm trong tên nữ giới: Khi Hán tự còn phổ thông người ta thường chọn ba tiếng sau đây để làm tên đệm cho nữ giới. Đó là Thị, Diệu, Nữ. Xét về cấu trúc Hán tự, hai chữ Diệu và Nữ đều có chung một ngữ căn là chữ Nữ. Riêng chữ Diệu có nghĩa là đẹp, khéo léo, một đức tính vốn có của nữ giới. Trong ba chữ đó, chữ Thị được sử dụng rất sớm và có nghĩa là dòng họ. Sử liệu cho thấy bà Triệu có tên chính là Triệu Thị Trinh. Nghiên cứu về chữ Thị, ta thấy dân gian có hai khuynh hướng: Khuynh hướng chữ Hán và khuynh hướng chữ Nôm.

Khuynh hướng chữ Hán tức theo tinh thần Trung Quốc, chữ Thị đi với tên họ. Ví dụ Cù Thị, người đàn bà lịch sử thời Lữ Gia, không phải tên chính là Thị mà chỉ có nghĩa là người đàn bà họ Cù. Trong các cổ thư như Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, tên đàn bà được ghi là Trần Thị, Đặng Thị. Ngoài dân gian, trên các bia mộ, người ta thấy: Trần Thị Chi Mộ nghĩa là mộ phần người đàn bà họ Trần.

Khuynh hướng chữ Nôm, tức theo tinh thần Việt Nam, chữ Thị đi với tên chính. Nhân vật Thị Mầu, Thị Kính trong truyện Quan Âm Thị Kính là một bằng chứng cụ thể. Để chỉ người đàn bà nói chung, dân gian thường nói Thị Mẹt.

Tại Huế, các gia đình nho gia, học thức thường dùng chữ Diệu hay Nữ thay cho chữ Thị. Ngày nay, nhiều gia đình và chính bản thân người phụ nữ coi chữ Thị không được ra vẻ lắm, cho là quê mùa, nên càng ngày càng có khuynh hướng bỏ hẳn chữ Thị trong tên đàn bà. Điều này chẳng qua là vấn đề tâm lý xã hội, vì bản chất chữ Thị chẳng có gì xấu, chỉ vì tên người nào cũng đệm chữ Thị, thành ra chữ Thị bị mất giá. Một câu hỏi được đặt ra là tại sao tên đàn bà Trung Quốc không đệm chữ Thị, mà tên đàn bà Việt Nam lại luôn luôn đệm chữ Thị?

Hiện nay chúng tôi chưa có sử liệu nào để trả lời câu hỏi này. Tuy nhiên, theo sự suy luận, có lẽ tên người đàn bà Trung Quốc không đệm chữ Thị vì trong tiếng Hán thời Tam Ðại, Thị để chỉ đàn ông và Tính để chỉ đàn bà. Và khi người con gái đi lấy chồng, theo phong tục Trung Quốc, bà sẽ lấy họ chồng rồi đệm chữ Thị, và được gọi là Trần Thị phu nhân, Vương Thị phu nhân, nghĩa là bà vợ ông họ Trần, bà vợ ông họ Vương. Chữ Thị trong trường hợp này có nghĩa là họ. Đối với Việt Nam, khi ý nghĩa chữ Thị đã bị biến đổi, trở thành tiếng chỉ đàn bà, thì các cụ dùng chữ này làm tên đệm cho nữ giới để phân biệt nam nữ.

b.Tên đệm trong tên đàn ông:Trong tên đàn ông Việt Nam, từ ngữ nào cũng có thể là tên đệm, nhưng nhất định không bao giờ là chữ Thị. Tiếng thông dụng nhất là tiếng Văn. Trong khi tiếng Văn là tiếng độc quyền của đàn ông Việt Nam thì tại Trung Quốc, tiếng Văn cũng được dùng trong tên đàn bà. Nàng Trác Văn Quân, vì nghe nhạc khúc Phụng Cầu Hoàng mà trở thành người tình của Tư Mã Tương Như, là một ví dụ điển hình. Tại sao từ ngữ Văn lại thông dụng như vậy? Muốn giải thích vấn đề này, ta phải trở về với quan niệm phân chia giai cấp trong xã hội cổ truyền Việt Nam.

Bốn giai cấp trong xã hội cổ truyền là sĩ, nông, công, thương. Giai cấp sĩ là giai cấp cao nhất, được kính trọng hơn cả. Ðiều kiện cần thiết để bước vào giai cấp này là văn, hiểu một cách rộng rãi là phải có văn chương chữ nghĩa. Do điều kiện này mà các bậc cha mẹ mong ước cho con có văn chương chữ nghĩa để bước vào giai cấp trên. Ước vọng này thể hiện qua việc đặt chữ văn trong thành phần tên của con. Chữ văn trở nên thông dụng đến độ làm ý nghĩa của nó trở nên mập mờ và lạm dụng. Ví dụ một ông Trần Văn Hóa, Nguyễn Văn Minh nào đó lại không biết đọc, biết viết. Đó là lời phê bình của nhiều nhà tính danh học Việt Nam. Phê bình như vậy là đứng trên quan điểm của người đã hiểu ý nghĩa chữ văn để lý luận. Thực ra, khi xưa, đa số dân gian bị thất học, không hiểu ý nghĩa chữ Văn, mà chỉ biết đại khái chữ Văn chỉ đàn ông, chữ Thị chỉ đàn bà. Sự hiểu biết này được thể hiện qua tập tục nói tên. Theo tập tục này, khi người Việt muốn nói tên kép của một người nào đó, mà không biết tên đệm, chỉ biết tên chính, họ áp dụng ngay nguyên tắc đặt chữ Văn vào trước tên chính như Văn Đức, Văn Hiệp. Người nghe mặc nhiên hiểu đó là ông Đức, ông Hiệp. Cũng như nói Thị Mẹt, người nghe mặc nhiên hiểu đó là đàn bà.

Điều đáng chú ý là ngày xưa đa số người ít học ở nông thôn hay giới quân nhân thường dùng chữ Văn làm tên đệm. Bằng chứng là dưới thời Nguyễn Phúc Ánh đánh Tây Sơn, trong danh sách 401 binh sĩ được thờ tại đền Tinh Trung ở phủ Diên Khánh, chúng tôi đếm được 384 người có tên đệm Văn, 17 người không đệm chữ văn. Như vậy tỷ lệ đàn ông thời xưa đệm chữ văn chiếm khoảng 96%.

Trái lại, đại đa số giới trí thức Việt Nam, xưa cũng như nay, đều không dùng chữ văn. Bằng chứng là đọc các cổ thư như Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, An Nam Chí Lược, Đại Nam Liệt Truyện, ta thấy hầu hết các nhân vật trong các sách trên là các văn quan, đều không dùng tiếng văn làm tên đệm. Năm 2002, chúng tôi phân tích một danh sách 415 linh mục trên mạng lưới điện toán ở địa chỉ www.Vietcatholic . net. Kết quả cho thấy có 22 trên tổng số 415 vị là dùng tiếng Văn làm tên đệm. Nếu định lượng hóa, tỷ lệ người dùng chữ văn trong giới trí thức hiện nay là 5%. (còn tiếp)