CHƯƠNG BA: TÊN ĐỆM

Trong thành phần tên người Việt Nam, giữa tên họ và tên chính, có thể có một hay hai từ ngữ mà cho đến nay các nhà ngôn ngữ học cũng như tính danh học chưa thống nhất gọi là gì. Nhà ngữ học Nguyễn Bạt Tụy và Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy gọi là tiếng lót, Giáo sư Hà Mai Phương gọi là tên đệm hay tên lót. Chúng tôi gọi từ này là tên đệm, vì nó là thành phần ở giữa của tên. Từ ngữ tiếng lót không gợi ý niệm tên, trong khi tên đệm thực sự là thành phần của tên.

Mục đích nghiên cứu của chương này là tìm hiểu nguồn gốc, hình thức, và công dụng tên đệm của người tây phương và Việt Nam. Do đó, nội dung chương ba sẽ gồm ba mục: mục một: tên đệm của người Việt Nam, mục hai: tên đệm người tây phương, mục ba: so sánh tên đệm người tây phương và Việt Nam.

MỤC I : TÊN ĐỆM CỦA NGƯỜI VIỆT NAM

Ðể tìm hiểu tên đệm của người Việt Nam, nội dung mục một sẽ tìm hiểu: (a) Lịch sử tên đệm, (b) hình thức tên đệm, (c) nhiệm vụ tên đệm của người Việt Nam.

TIẾT A: LỊCH SỬ TÊN ĐỆM NGƯỜI VIỆT NAM

Dân Việt bắt đầu dùng tên đệm từ bao giờ? Đó là câu hỏi rất khó trả lời vì không có sử liệu nào nói về vấn đề này. Tuy nhiên, nếu xét tên các nhân vật lịch sử thì thấy hầu hết tên người trong giai đoạn dựng nước, chỉ có tên họ và tên chính, không có tên đệm. Cứ theo sử cũ, các vua Hùng đều không có tên đệm: Hùng Dương (Lộc Tục), Hùng Hiến, Hùng Lân, Hùng Việp. Đến nhà Thục ta có Thục Phán. Sang nhà Triệu ta có Triệu Đà. Đến hai bà Trưng ta có Trưng Trắc, Trưng Nhị. Về các nhân vật lịch sử khác ta có Lữ Gia, Lý Tiến, Lý Cầm. Sang thời Sĩ Nhiếp có Sĩ Khuông, Sĩ Hâm, Sĩ Huy.

Trước thời Lý Bôn, ta thấy rất ít người có tên đệm. Một vài nhân vật như Triệu Thị Trinh tức bà Triệu, Lý Ông Trọng là có tên đệm. Sau thời Lý Bôn (544-602) thấy rải rác một số nhân vật lịch sử có tên đệm. Điều đó chứng tỏ khi xưa việc đặt tên đệm chưa phổ thông lắm. Chúng ta có hai dữ kiện lịch sử để hỗ trợ cho nhận xét này. Thứ nhất là vấn đề tên đệm tại Trung Quốc. Thứ hai là việc phổ biến Hán tự tại Việt nam.

Tại Trung Quốc, vào triều đại tiền Hán, Vương Mãng ra lệnh dân chúng không ai được đặt tên đệm. Gia đình nào bị đặt tên đệm thì đó là điều nhục nhã cho gia đình ấy. Cháu của Vương Mãng là Vương Hội Tông, khi nhận được lệnh này, đã đổi lại là Vương Tông. Đến khi Vương Tông phạm tội, phải tự sát thì Vương Mãng bắt người ta gọi Vương Tông là Vương Hội Tông để hạ nhục.

Sự kiện người Trung Quốc thời Hán không có tên đệm có thể kiểm chứng qua các nhân vật trong Tam Quốc Chí. Hầu như hoàn toàn các nhân vật trong chuyện này đều không có tên đệm, như các ông Viên Thiệu, Viên Thuật, Tào Tháo, Lưu Bị, Tôn Quyền, Tôn Càn, Bàng Thống, Từ Thứ, Triệu Vân, Trương Phi, Quan Công, Hàn Hạo, Lỗ Túc, Lã Bố, Điêu Thuyền, Hoàng Trung v.v…Nếu có gặp các tên như Lã Phụng Tiên thì đó là tên tự của Lã Bố, hay Trương Dực Đức là tên tự của Trương Phi, hay Tôn Trọng Mưu là tên tự của Tôn Quyền. Các tên khác như Tư Mã Ý, Công Tôn Toản, Hạ Hầu Đôn, Gia Cát Lượng, Thái Sử Từ cũng là tên đơn vì Tư Mã, Công Tôn, Hạ Hầu, Gia Cát, Thái Sử là các tên họ kép tại Trung Quốc mà chúng tôi đã nói trong chương hai.

Sự kiện thứ hai chứng minh cho việc Việt Nam không có tên đệm trong những thế kỷ đầu sau Công Nguyên là việc truyền bá chữ Hán tại Việt Nam. Cứ theo sử cũ, Việt Nam bắt đầu dùng chữ Hán trong giấy tờ hành chánh vào thời nhà Triệu. Nhưng việc dậy chữ Hán bắt đầu mạnh vào thời Sĩ Nhiếp, tức vào khoảng thế kỷ thứ ba trở đi.

Trong khi đó tên đệm người Việt Nam hầu hết là các từ Hán Việt, tức thứ chữ nho đọc theo giọng Việt Nam. Muốn được vậy, chắc chắn dân ta phải nhuần nhuyễn chữ Hán lắm. Điều đó có nghĩa là phải mất thời gian khá dài. Vậy cứ theo hai dữ kiện trên, ta có thể tạm thời kết luận là tên đệm của người Việt Nam chỉ được thông dụng vào khoảng từ thế kỷ thứ 6 trở đi.