3. Hệ Thống Tên Họ Mới Tại Âu Châu:

Như chúng tôi đã nói ở trên, người La Mã đã có hệ thống tên họ từ rất xa xưa, nhưng con số tên họ có giới hạn, không đáp ứng được nhu cầu phân biệt. Sau đó đế quốc La mã lại suy tàn nên hệ thống tên họ của người Âu Châu không phát triển được và bị mai một đi. Trong khoảng gần 10 thế kỷ dân chúng Âu Châu không có tên họ. Hệ thống tên họ mới tại Âu Châu xuất hiện khoảng cuối thế kỷ thứ 10 và kết thúc vào thế kỷ 16. Vì mới xuất hiện, nên các nhà tính danh học biết khá rõ về nguồn gốc và tiến trình phát triển. Ông Elsdon C. Smith, trong tác phẩm The Story of Our Names, đưa ra lý thuyết cho rằng muốn hiểu nguồn gốc phát sinh tên họ tại xã hội nào, ta cần biết tổ chức xã hội và hình thái kinh tế vào thời điểm đó. Áp dụng lý thuyết trên, ông nghiên cứu nguồn gốc phát sinh tên họ tại Anh Quốc.

Năm 1066, dân số Anh vào khoảng 2 triệu người, trong đó hơn 90% cư ngụ trong các trang ấp của các lãnh chúa. Số còn lại sống trong 10 thành phố mà nơi lớn nhất là Luân Đôn có khoảng 35,000 người. Vào thời đó, dân Anh chia làm hai giai cấp: giai cấp tự do và giai cấp nông nô hay nô lệ. Giai cấp tự do gọi là Freeman, có quyền sở hữu đất đai, thú vật. Thành phần này chiếm tỷ lệ rất nhỏ và được gọi chung là địa chủ (Franklin). Còn hầu hết dân cư thuộc giai cấp nông nô, được gọi là Villeins và Servi.

Tại nông thôn, đứng đầu tầng lớp địa chủ là Lord mà ta gọi là lãnh chúa. Mỗi lãnh chúa sở hữu một hay nhiều trang ấp. Lãnh chúa có thể là một bá tước, quý tộc, một người tự do, một giám mục (Bishop), bề trên tu viện (Abbot), giới chức giáo hội. Dưới quyền lãnh chúa là một quản gia, gọi là Steward mà nhiệm vụ chính là đại diện lãnh chúa điều khiển công việc sản xuất và tòa án trong các trang ấp. Dưới quản gia là một đốc công, gọi là Bailiff mà nhiệm vụ chính là đốc thúc thợ thuyền làm việc. Trường hợp lãnh chúa có nhiều trang ấp thì mỗi nơi có một phụ tá quản gia gọi là Reeve. Ngày nay, chữ này được hiểu là quận trưởng, thị trưởng, chủ tịch xã.

Về các thợ thuyền trong trang ấp, có các thợ mộc (Carpenter), người đánh xe (Carter), thợ cày (Plowman), thợ làm bánh xe (Wheelwright), tiều phu (Woodwright), người trông coi rừng (Forester), (Woodward), người coi công viên (Parker), thợ nuôi ong (Beekeeper), người chăn chiên (Shepherd), chăn bò (Oxherd, sau biến thành tên Oxford), thợ rèn (Smith), thợ xay bột (Miller), thợ làm bánh (Baker) v.v…

Tại thành thị, cư dân chia làm phường hội. Có hai loại phường hội: phường hội nghề nghiệp và phường hội thương mại. Phường hội thương mại bao gồm tất cả những người buôn bán gọi là Merchant hay Tradesmen. Phường hội nghề nghiệp có các nghề như thợ vàng bạc (Goldsmith), thợ dệt (Weaver), thợ thuộc da (Skinner), thợ làm cung (Fletcher), thợ làm tên (Arrowmaker), thợ mộc (Carpenter) v.v… Các người thợ làm việc tại nhà mình. Vào năm 1340, ông Elsdon C. Smith cho biết tại Luân Đôn có khoảng 40 phường hội nghề thủ công. Đứng đầu mỗi phường hội là người có chức Alderman. Chữ này nay được hiểu là ủy viên thành phố. Dưới quyền ông là các viên chức có danh xưng giống như các viên chức ở trang ấp như Steward, Bailiff, Deans, Chaplain, Skevens (sau biến thành tên họ Stevens), Usher v.v…

Đó là hình ảnh khái quát thành phần xã hội tại các nước tây phương vào thời Trung Cổ. Tuy thế, cũng đủ để ta thấy tiến trình phát sinh tên họ. Tất cả những danh xưng chỉ người và chức vụ trên đây đã biến thành tên họ của những người nói tiếng Anh trên thế giới. Và tiến trình phát sinh tên họ tại Âu Châu cũng giống tiến trình của Anh Quốc.

Theo lý thuyết của Elsdon C. Smith, tại bất cứ xã hội nào, khi dân cư còn thưa thớt, phương tiện giao thông còn giới hạn, quyền sở hữu đất đai còn nằm trong tay một thiểu số, thì người ta chỉ cần tên riêng mà không cần tên họ, vì nhu cầu phân biệt các cá nhân chưa cần thiết. Hơn nữa, vấn đề kế thừa tài sản chưa cần đặt ra vì đại đa số dân chúng thuộc tầng lớp vô sản. Tại Anh Quốc, trước thế kỷ thứ 10, đàn ông thường chỉ mang những tên chính như William, John, Robert v.v… Đàn bà mang những tên như Lucy, Alice, Agnes v.v… Nhưng khi phương tiện giao thông phát triển, dân số gia tăng, nhiều người có quyền tư hữu, thì nhu cầu tên họ bắt đầu xuất hiện.

Trước hết, các lãnh chúa và hiệp sĩ Anh có dịp đi ngoại quốc, họ nhận thấy tại Pháp và một số các quốc gia khác, người ta có tên họ để phân biệt. Do đó giới quý tộc Anh đã bắt chước tục lệ nhận tên họ để tiện việc kế thừa tài sản. Ban đầu, các lãnh chúa thường lấy tên tài sản đất đai của mình làm tên họ như các tên Greenfield (cánh đồng xanh), Meadow (đồng cỏ), Westfield (đồng phía tây), Hill (đồi), Wood (rừng), Hall (lâu đài), Franklin (địa chủ) v.v…Do đó mà ngày nay, ta thấy người Anh Mỹ có những tên họ như Greenfield, Hill, Hall, Franklin v.v…Sau lãnh chúa và địa chủ, giai cấp nông nô, thợ thuyền, và giới thương mại cũng bắt đầu có tên họ, nhưng theo một tiến trình khác.

Như trên đã nói, mỗi trang ấp thời Trung Cổ có một giáo đường Kitô Giáo và một toà án mà nhiệm vụ chính là xét xử các vụ tranh tụng và cấp phát giấy tờ hành chính. Lúc trang ấp còn ít người, công việc trên rất đơn giản. Vị linh mục khi làm phép rửa tội, chỉ ghi tên người đó vào sổ để lưu trữ. Thơ ký toà án cũng chỉ cần ghi tên riêng như John, Davis, Anthony là đủ vì mọi người đều biết đó là ai. Nhưng khi dân số gia tăng, vị linh mục chính xứ cũng như toà án thấy cần có thêm chi tiết để phân biệt người này với người nọ, nên đã thêm những chi tiết vào đàng sau tên chính, như bố mẹ là ai, làm nghề nghiệp gì, hình dạng ra sao, hiện đang ở đâu. Tất cả những chi tiết đó của giáo đường và toà án dẫn đến việc hình thành tên họ của người tây phương ngày nay. Điều này cũng giải thích được tại sao tên họ người tây phương được viết sau tên chính, trái với tục lệ Trung Quốc, Việt Nam, Đại Hàn là tên họ đặt trước tên chính.

Ngài mai: Nguồn gốc tên họ tại Tây Phương.