MỤC II : TÊN HỌ CỦA NGƯỜI TÂY PHƯƠNG

Để hiểu nguồn gốc tên họ Việt Nam, ta cần hiểu nguồn gốc tên họ tại tây phương vì tên họ tại Âu Châu mới xuất hiện gần đây nên các học giả biết rõ tiến trình phát sinh tên họ. Đồng thời nhờ sự hiểu biết này, ta có tài liệu để so sánh và thấy việc phát sinh tên họ tại Việt Nam cũng như Trung Quốc, không ra ngoài nguyên tắc chung của nhân loại.

Trong mục này, ta sẽ nghiên cứu: (a) Lịch sử tên họ tại Âu Châu và Do Thái. Sở dĩ ta cần biết tên họ tại Do Thái vì nhiều tên họ tây phương bắt nguồn từ tiếng Do Thái, (b) Các nguồn phát sinh tên họ tại tây phương, (c) Số tên họ và sự phân phối tên họ tại một số nước tây phương, (d) Sự biến đổi tên họ tại tây phương, tiêu biểu là Hoa Kỳ.

TIẾT A: LỊCH SỬ TÊN HỌ TẠI ÂU CHÂU - DO THÁI

1. Hệ Thống Tên Họ Của Người La Mã : Tên họ tại Âu Châu xuất hiện rất sớm. Thời tiền sử, dân La Mã có một tên như Romulus, Remus, Manius. Đến khi người La Mã bắt đầu chia thành bộ lạc, thị tộc, gia tộc thì hệ thống tên người La Mã dần dần có 3 thành phần mà tiếng Latin gọi là Praenomen - Nomen - Cognomen. Theo tác phẩm Latin Dictionay and Grammar Aid của viện đại học Notre Dame ở Hoa Kỳ thì Praenomen là tên chính; Nomen là tên họ; Cognomen: cũng là tên họ nhưng được đặt theo đặc tính để thêm sự phân biệt. Ví dụ tên Gaius Valerius Catullus thì Gaius: Praenomen; Valerius: Nomen; Catullus: Cognomen. Ban đầu, chỉ tên những người thuộc gia đình quý tộc mới có hai thành phần : Praenomen và Nomen. Còn tên của giới hạ lưu chỉ có một thành phần : Praenomen.

Theo tác giả Varro (116-27 B.C.), số tên chính của người La Mã rất giới hạn, chỉ có 32 tên nhưng 18 tên là thông dụng: Appius, Aulus, Decimus, Gaius, Gnaeus, Kaeso, Lucius, Mamercus, Marcus, Marius, Numerius, Publius, Quintus, Servius, Sextus, Spurius, Tiberius, Titus. Mỗi gia đình qúy tộc chỉ được chọn một vài tên trên đây. Ví dụ gia tộc Claudii chỉ được chọn tên chính Appius; còn gia đình Cornelli được chọn các tên như Gnaeus, Lucius, Pubius, và Servius. Vì sự giới hạn, nên nhiều người có tên chính giống nhau, thành ra tên Praenomen mất ý nghĩa và người ta thường viết tắt tên này.

Tiếp theo Praenomen là Nomen. Từ Nomen trong hệ thống tên người La Mã được Bách Khoa Từ Ðiển Britannica định nghĩa là tên gia tộc phụ hệ, tức tên họ. Như vậy, ban đầu Nomen là tên họ. Cũng như tên chính, Nomen cũng chỉ có một số tên như Antonius, Aurelius, Claudius, Cornelius, Fabius, Tullius. Tên Nomen dành riêng cho các gia đình quý tộc nên dù số tên họ Nomen có giới hạn, cũng đáp ứng đủ nhu cầu. Ðến khi xã hội La Mã có nhiều gia đình qúy tộc hơn, thì người ta sáng chế thêm thành phần thứ ba mà họ gọi là Cognomen.

Cognomen cũng là tên họ như Nomen, nhưng là các từ chỉ đặc tính, giống với đặc tính tên họ mà ta thấy ngày nay tại các nước trên thế giới, như tên họ xuất phát từ tên nghề nghiệp, từ nét đặc thù trên cơ thể, từ địa danh. Ví dụ tên họ Cicero có nghĩa là hạt đậu, Pictor: họa sĩ, Tacitus: yên lặng. Vậy trải qua thời gian, cuối cùng tên người La Mã gồm ba thành phần: Praenomen + Nomen + Cognomen, tức Tên Chính + Tên Gia Tộc + Tên Họ. Ví dụ tên của văn hào Cicero là Marcus Tullius Cicero (106-43 TCN), và tên của danh tướng Caesar là Gaius Julius Caesar (100-44 TCN).

Ðiều đáng chú ý là hệ thống tên gồm ba thành phần trên vẫn chỉ dành cho giới qúy tộc và nó tồn tại suốt thời đại đế quốc La Mã và các nước thuộc địa. Về sau, vào khoảng thế kỷ thứ 2 trước Công Nguyên, hệ thống tên của người La Mã bị tàn dần lụi vì hai lý do:

a. Dân nô lệ được giải phóng: Mỗi khi người nô lệ được giải phóng, họ lấy tên chủ nhân làm tên của mình. Nhưng khi hàng triệu người trong các thuộc địa được giải phóng, trở thành công dân La Mã cả, thì ai cũng có danh xưng gần giống nhau, thành ra hệ thống tên người La Mã mất ý nghĩa, không đáp ứng được nhu cầu phân biệt. Ví dụ văn hào Marcus Tullius Cicero giải phóng ba người nô lệ Syria, cả ba người đó sẽ mang tên Marcus Tullius Syria.

b. Sự xuất hiện đạo Thiên Chúa: Đang khi hệ thống tên của người La Mã mất dần ý nghĩa thì đạo Thiên Chúa xuất hiện. Tín đồ tôn giáo này không thiết tha với các tên La Mã cũ vì họ là nạn nhân của giai cấp quý tộc trong các cuộc cấm đạo. Thay vào đó, họ lấy tên những người mà giáo hội Kitô Giáo nhận là thánh để đặt cho mình. Ví dụ Petrus, Joannes, Maria, Thimotheus, Laurentius. Trong lúc Kitô Giáo ngày càng phát triển và lan tràn khắp Âu Châu thì đế quốc La Mã bước vào giai đoạn suy tàn. Hệ thống tên của La Mã bị mất đi, phải chờ đến thế kỷ thứ 10, Âu Châu mới có hệ thống tên họ mới.

Ngày mai: Tên họ người Do Thái