CHƯƠNG HAI : TÊN HỌ

Mục đích nghiên cứu của chương này là: (a) tìm hiểu nguồn gốc phát sinh tên họ tại Việt Nam, Trung Quốc và tây phương, (b) tìm hiểu những điểm tương đồng và dị biệt giữa tên họ tây phương và Việt Nam để từ đó biết được nguyên tắc chung của nhân loại trong vấn đề tên họ. Với 2 mục đích này, nội dung chương hai gồm 3 mục chính: mục một: tên họ của người Việt Nam, mục hai: tên họ của người tây phương, mục ba: so sánh tên họ tây phương với tên họ Việt Nam và Trung Quốc.

MỤC I : TÊN HỌ CỦA NGƯỜI VIỆT NAM

Tìm hiểu tên họ Việt Nam, ta cần hiểu các vấn đề: (a) định nghĩa tên họ, (b) số tên họ tại Việt Nam, (c) nguồn gốc tên họ tại Trung Quốc, (d) nguồn gốc tên họ tại Việt Nam, (e) các hình thức tên họ Việt Nam, (f) sự biến đổi tên họ.

TIẾT A: ĐỊNH NGHĨA TÊN HỌ

Việt ngữ có bốn từ chỉ tên họ: Tính, Thị, Tộc và Họ. Trong bốn từ trên, họ là từ Nôm, còn ba từ kia là Hán Việt. Những tiếng ấy ai cũng hiểu, nhưng cũng nên dựa vào sách vở để có một định nghĩa rõ ràng.

Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức định nghĩa Họ: Gia tộc do một ông tổ gây ra. Trong một họ thường chia ra làm nhiều chi, họ nội, họ ngoại. Người cùng gia tộc gọi là người cùng họ.

Về chữ Tính, Từ Điển Hán Việt của Đào Duy Anh định nghĩa như sau: Tính: họ. Nước ta mỗi người có mỗi họ như Lê, Nguyễn, Phạm…Còn chữ Tính, Thị nghĩa là: Họ. Nước Tàu, đời Tam Đại, đàn ông xưng là thị, đàn bà xưng là tính. Ở nước ta, đàn bà xưng là thị.

Cụ Thiều Chửu, trong Hán Việt Từ Điển, giải thích: Tính: họ. Con cháu gọi là tử tính, thứ dân gọi là bách tính. Thị là họ, ngành họ, tên đời, tên nước đều đệm chữ thị ở sau như Vô Hoài Thị, Cát Thiên Thị. Về chữ Tộc, cụ giải thích: loài giống, dòng dõi. Con cháu cùng liên thuộc với nhau gọi là tộc. Cùng một họ với nhau gọi là tộc. Loài, bụi, đám, 100 nhà là một tộc.

Riêng chữ tính còn cho ta biết thêm chi tiết về lịch sử tên họ thời cổ đại. Giáo sư Phan Văn Các ở Viện Hán Nôm tại Việt Nam, dựa vào Thuyết Văn Giải Tự của Trung Quốc, giải thích về chữ tính: “Nhân sinh dĩ vi tính tòng nữ sinh”. Mọi người đều biết thời cổ đại xa xưa, loài người đã trải qua chế độ thị tộc mẫu hệ, trong đó chế độ hôn nhân là ngoại tộc quần hôn. Cả một tốp những người nam giới cùng lứa tuổi của thị tộc A được đưa đến thị tộc B là chồng của cả một tốp người nữ cùng lứa. Con đẻ ra tất nhiên không biết bố mà chỉ sống với mẹ. Đó là nguyên nhân chính dẫn tới việc tạo ra chữ tính bằng cách ghép chữ nữ với chữ sinh.

Theo cách hiểu phổ thông của dân gian, tên họ là thành phần đứng đầu của tên, và nếu định nghĩa theo chức năng thì tên họ là tên để chỉ một gia tộc phụ hệ gồm những người cùng liên hệ huyết thống xa gần với nhau.

Về cách dùng các từ ngữ trên, dân gian thường dùng hai từ Tộc và Thị để viết gia phả: Nguyễn Phước Tộc Lược Biên,Trần Tộc, Lê Tộc, Lê Thị Gia Phả. Chữ Tính thường đi chung với tính danh, bách tính.

Như vậy, với Việt ngữ, Tính, Thị, Tộc có nghĩa là tên họ, giống như Anh ngữ dùng các từ: Surname, Last name, Family name để chỉ tên họ.

Ngày mai: Số tên họ tại Việt Nam