DẪN NHẬP TÍNH DANH HỌC VIỆT NAM

Danh Xưng Học

Theo định nghĩa của bách khoa từ điển Britannica, tập 24, ấn bản lần thứ 15, danh xưng học, Anh ngữ gọi là onomastics hay onomatology, là một khoa học nhân văn, nghiên cứu tên nơi chốn, tên con người. Theo Đại Từ Điển Tiếng Việt, danh xưng học là ngành ngôn ngữ học nghiên cứu tên riêng của người, động vật, sự vật. Phạm vi nghiên cứu khoa học này rất rộng lớn, bao gồm mọi khu vực địa lý, văn hóa, ngôn ngữ, và mọi thời đại lịch sử. Danh học được chia làm hai ngành: địa danh học (toponymy) và tính danh học (anthroponymy hay anthroponomastics). Địa danh học nghiên cứu về tên nơi chốn, trực thuộc môn địa lý học. Tính danh học nghiên cứu về tên con người, trực thuộc khoa nhân chủng học. Mỗi ngành trên lại chia làm nhiều ngành phụ như địa danh học Trung Quốc, địa danh học Việt Nam, tính danh học Hoa Kỳ, tính danh học Pháp, tính danh học Việt Nam.

Tính Danh Học

Tại Hoa Kỳ, tính danh học được giảng dậy tại phân khoa nhân chủng học, địa danh học được giảng dậy tại phân khoa địa lý học. Danh học nói chung được dậy tại phân khoa ngôn ngữ học. Cũng tại Hoa Kỳ, tính danh học được dậy cho các học sinh trung học trong môn khoa học xã hội. Trên thế giới, quốc gia xuất bản nhiều sách nhất và thiết lập nhiều mạng lưới nhất về tính danh học là Do Thái. Các mạng lưới này nghiên cứu tính danh người Do Thái trên khắp thế giới. Môn tính danh học được giảng dậy tại phân khoa lịch sử Do Thái của viện đại học Bar-Ilan. Đại học Leipzig ở Đức cấp bằng Cao Học cho ngành danh xưng học và nội dung giảng khóa gồm 4 lãnh vực chính: (a) lý thuyết danh xưng học, (b) danh xưng học áp dụng, (c) sự phát triển ngành danh xưng học, (d) xã hội danh xưng học. Tại đại học Louvain ở Bỉ, môn danh học cũng được giảng dậy và tại đây có trụ sở của Ủy Ban Quốc Tế Về Khoa Danh Xưng Học (International Committee of Onomastic Science). Tại Đài Loan, danh xưng học được nghiên cứu trong hai phân khoa xã hội học và luật học của Viện Ðại Học Quốc Gia Đài Loan.

Lịch Sử Tính Danh Học.

Về các tài liệu tính danh học, Trung Quốc là nước đầu tiên trên thế giới có những tác phẩm về tên họ. Ðời Tấn (265-420), Giang Vi viết Trần Lưu Phong Tục Truyện. Ðời Đường (618-907), tác giả Lâm Bảo viết Nguyên Hà Tính Toản, ghi lại nguồn gốc các tên họ trong triều đại này. Đến đời Tống (960-1279), Trương Định viết Danh Hiền Thị Tộc Ngôn Hành Loại Cảo. Hiện nay, Trung Quốc là một trong những nước có thư mục phong phú nhất về tính danh học. Tác giả Sheau Yueh J. Chao, trong tác phẩm In Search of Your Asian Roots, đã liệt kê thư mục với 210 tác phẩm nói về tên họ tại Trung Quốc. Có những tác phẩm rất chuyên biệt như hai ông Trần Minh Nguyên và Vương Tống Hổ viết Trung Quốc Tính Thị Đại Toàn, xuất bản tại Bắc Kinh năm 1987, liệt kê và trình bày nguồn gốc 5600 tên họ của Trung Quốc. Tác giả Trần Nãi Hất viết sách nói về bút hiệu, biệt hiệu của các học giả, chính trị gia Trung Quốc. Ngày nay, các từ điển tiếng Hán thường có phần phụ lục liệt kê danh sách tên họ của người Trung Quốc.

Tại Âu Châu, các sách về môn tính danh học được xuất bản khá sớm. Tác phẩm đầu tiên về vấn đề này là The Calendar of Scripture của William Patton, xuất bản năm 1575. Công trình này là tổng hợp hai tác phẩm Bible, tức Kinh Thánh, của Hồng Y Francisco Ximenez de Cisneros, xuất bản năm 1514, và Dictionarium Theologicum, tức từ điển thần học của John Arquerius, xuất bản năm 1567. Nội dung tác phẩm Calendar of Scripture nói về ý nghĩa các tên trong Kinh Thánh của Kitô Giáo.

Tác phẩm quan trọng nhất đề cập đến tên riêng, tên họ của người Anh có tựa đề rất dài: “Remaines of a Greater Worke Concerning Britaine, The Inhabitants thereof, Their Languages, Names, Surnames, Empreses, Wise Speeches, Poesies, and Epitaphes” của William Camden, xuất bản năm 1605. Ngày nay, các học giả gọi vắn tắt tác phẩm này là Remaines. Từ thế kỷ 17, các tác phẩm về tính danh học được xuất bản ở nhiều nơi, nhưng các tác phẩm có giá trị đều xuất hiện vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Ngày nay, nhiều quốc gia có những tác phẩm danh xưng học.

Tại Âu Châu, nhiều nước có các tổ chức chuyên nghiên cứu danh xưng học. Tại Hoa Kỳ, tổ chức American Name Society xuất bản tập san Names từ năm 1951 đến nay và đã thiết lập mạng lưới điện toán để phổ biến những tin tức, tài liệu danh xưng học trên toàn thế giới. Nhà tính danh học thế giá nhất Hoa Kỳ là cố Giáo sư Elsdon C. Smith. Thư viện của ông có hơn 1200 quyển sách về danh xưng học và quan trọng nhất, ông đã viết tác phẩm Personal Names – A Bibliography trong đó liệt kê 3415 tài liệu về tính danh học được xuất bản ở Hoa Kỳ và Anh Quốc.

Tính Danh Học Việt Nam

Tại Việt Nam, tài liệu về tính danh học nằm rải rác trong các bộ cổ sử như Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư, Quốc Triều Hình Luật, Khâm Ðịnh Ðại Nam Hội Ðiển Sự Lệ, Ðại Nam Thực Lục v.v…Tài liệu tiếng Việt đầu tiên có tính cách chuyên biệt về tính danh học là bài: Chiếc Gạch Nối Giữa Họ Và Tên Người của Tảo Trang, đăng trong báo Thanh Nghị số 19, phát hành ngày 16 tháng Tám năm 1942. Nội dung bài này chú ý tới khía cạnh văn phạm hơn là tính danh học. Đến năm 1949, học giả Nguyễn Bạt Tụy khai phá môn học này trong bài viết: Tên Người Việt Nam được công bố trong tập san của hội Khuyến Học Nam Việt. Nội dung bài này đề cập một cách tổng quát đến các vấn đề tên họ, tên đệm (tác giả gọi là chữ lót), tên chính (tác giả gọi là tên đẻ). Năm 1961, tác giả Trịnh Huy Tiến viết bài: Các Loại Nhân Danh Việt Nam được công bố trong 2 số báo 61 và 62 của tờ Văn Hóa Nguyệt San. Năm 1966, ông Tạ Quang Phát của Viện Khảo Cổ Sàigòn viết bài: Quốc Húy Triều Nguyễn được đăng trong Khảo Cổ Tập San số 6. Năm 1973, Vũ Bằng viết Tìm Hiểu Tên, Bút Hiệu Của Văn Nghệ Sĩ Tiền Chiến, Hiện Ðại. Năm 1975, tại Sàigòn Nhật Thịnh và Nguyễn Thị Khuê Giung cho in ronéo tập Sơ Thảo Tự Ðiển Biệt Hiệu Việt Nam. Cũng trong năm này, Nguyễn Kim Thản viết Vài Nét Về Tên Người Việt được đăng trong tập san Dân Tộc Học, số 4, 1975. Năm 1976, trong tập san Dân Tộc Học số 3, Giáo Sư Trần Ngọc Thêm đăng bài Về Lịch Sử Hiện Tại Và Tương Lai Của Tên Riêng Trong Người Việt Nam. Năm 1988, trong tập sách Tiếng Việt Và Các Ngôn Ngữ Ðông Nam Á, ông Phạm Tất Thắng viết bài Vài Nhận Xét Về Yếu Tố Ðệm Trong Tên Gọi Người Việt. Năm 1992, nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội in tác phẩm Họ Và Tên Người Việt Nam của Tiến sĩ Lê Trung Hoa. Năm 1996, Giáo sư Hà Mai Phương và Bảng Phong viết bài Tên, Họ Người Việt Nam được in trong phụ lục Di Cảo 7 của Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy. Năm 1998, cơ sở MêKông Tỵ Nạn xuất bản di cảo 7 của Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy với tựa đề: Tên Người Việt Nam. Năm 2000, trong bản tin Hiệp Thông, số 9, xuất bản tại Việt Nam, linh mục Nguyễn Ngọc Sơn viết bài: Vấn Ðề Cách Viết Tên Riêng Tiếng Nước Ngoài Trong Sách Báo Công Giáo. Tại hải ngoại, tập san Thế Kỷ 21 đăng ba bài. Số 111, tháng 7 năm 1998 đăng bài: Những Cuộc Đổi Họ Lớn Trong Lịch Sử của Trần Gia Phụng. Số 122, tháng 6 năm 1999 đăng bài: Người Việt Tên Mỹ-Vấn Đề Cần Suy Nghĩ của ông Nguyễn Đức Mai. Đến số 148, phát hành tháng Tám năm 2001, Giáo sư Vũ Hiệp viết bài: Tìm Hiểu Nguồn Gốc và Sự Phát Triển Của Một Số Dòng Họ Tiêu Biểu Của Người Việt Nam. Năm 2002, Trung tâm văn hóa Nguyễn Trường Tộ tại Pháp cho in hai bài thuyết trình. Bài thứ nhất của tác giả Nguyễn Ðăng Trúc có tựa đề Xưng Hô Trong Gia Ðình Việt Nam. Bài thứ hai của tác giả Hoàng Ðức Phương có tựa đề Cách Xưng Hô Trong Xã Hội Việt. Cả hai bài được in chung trong tác phẩm Tình Yêu, Gia Ðình và Hội Nhập. Ngoài các tài liệu quan trọng trên đây, tạp chí Phổ Thông xuất bản tại Sàigòn trước năm 1975 có in nhiều bài nói về tên người Việt Nam.

Về Pháp ngữ, năm 1932, Giáo sư Pierre Gourou viết bài Les Noms De Famille Ou Họ Chez Les Annamites Du Delta Tonkinois đăng trong tập san Bulletin de L’École Francaise D’Extrême Orient. Tome XXXII, xuất bản tại Hà Nội. Năm 1938, học giả Nguyễn Văn Tố viết bài: La Pratique Du Changement De Nom Chez Les Annamites đăng trong tập san B.I.I.E.H.

Về Anh ngữ, năm 1960, Giáo sư Nguyễn Đình Hòa viết bài Vietnamese Names and Titles đăng trong Asian Culture, Vol. II, số 2. Tài liệu này, năm 1990, hội sinh viên Việt Nam tại đại học San Jose City College cho in lại trong A Selection of Readings on Socio-Cultural Values and Problems of The Vietnamese in The United Sates. Năm 1961, cơ quan Trung Ương Tình Báo Hoa Kỳ, gọi tắt là C.I.A. viết tài liệu Vietnamese Personal Names, dài 36 trang, hiện đang lưu trữ tại thư viện Quốc Hội Hoa Kỳ tại Washington. Năm 1973, Giáo sư Nguyễn Khắc Kham viết bài Vietnamese Names And Their Peculiarities, đăng trong tập san Area and Culture Studies, số 23 của trường đại học Tokyo. Mạng lưới www.dictionary.reference.com, phần Encyclopedia, mục Name, cũng đề cập đến tên người Việt Nam. Ngày nay, từ điển Wikipedia tiếng Việt cũng có mục Tên Người Việt Nam mà trong đó tác giả đã trích dẫn nguyên văn nhiều câu, nhiều tài liệu trong sách của chúng tôi đã xuất bản năm 2003.

Tái bản lần này, chúng tôi thêm tài liệu về tên của một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Nam Dương, Do Thái, La Mã, Ấn Độ và tên của người trong thế giới Hồi Giáo để độc giả có thêm tài liệu so sánh với tên người Việt Nam.

Tính Danh Học Việt Nam là một khoa học nên khi nghiên cứu, chúng tôi đã áp dụng phương pháp khoa học gọi là 5W (Who, What, When, Where, Why). Nghiã là trước mỗi sự kiện, như tên tự chẳng hạn, chúng tôi cố gắng trả lời 5 câu hỏi: Ai đặt ra tên tự? Chuyện gì xảy ra khi có tên tự? Tên tự áp dụng ở đâu, cho giai cấp nào? Tên tự có từ khi nào? Tại sao lại đặt ra tên tự?

Do vậy nội dung sách nhằm hai mục đích: Thứ nhất, tìm hiểu lịch sử, ý nghĩa và nguyên tắc mà dân gian đã dùng để đặt các loại tên như tên họ, tên đệm, tên chính, tên húy, đế hiệu, niên hiệu, tôn hiệu, thụy hiệu, tên tự, bút hiệu, thương hiệu, nghệ danh, v.v…Thứ hai, tìm hiểu nét dị biệt và tương đồng giữa hai hệ thống tên: Hệ thống đông phương mà tiêu biểu là Việt Nam và hệ thống tây phương, tiêu biểu là các nước Tây Âu và Hoa Kỳ.

Khi so sánh hai hệ thống đó, chủ đích là cung cấp dữ kiện để độc giả có dịp so sánh và thấy được nét thâm trầm của hệ thống tên người Việt Nam và Trung Quốc. Ngoài ra, khi trình bày hệ thống tên người tây phương, chúng tôi muốn giúp đồng bào Việt Nam ở hải ngoại biết được hệ thống tên của người trong quốc gia mình đang cư ngụ. Mục đích đề ra như vậy nên nội dung sách gồm 6 chương và một phụ lục:

Chương 1: Danh xưng đặc biệt của người Việt Nam.

Chương 2: Tên họ.

Chương 3: Tên đệm.

Chương 4: Tên chính.

Chương 5: Phép kỵ húy.

Chương 6: Sự xưng hô tên người Việt Nam.

Phụ Lục: Hệ thống tên của một số nước trên thế giới

Nội dung chương 1 có hai phần. Phần đầu nói về các danh xưng đặc biệt của vua chúa. Phần hai nói về các tên đặc biệt của thường dân Việt Nam. Nội dung các chương 2, 3, 4, 6 đều có ba phần, phần một nói về Việt Nam. Phần hai nói về tây phương. Phần ba so sánh tên người Việt Nam và tây phương để tìm ra nét tương đồng và dị biệt. Nội dung chương 5 gồm 2 phần. Phần một nói về phép húy tại Trung Quốc, phần hai nói về phép húy tại Việt Nam. Sở dĩ phải nói về phép húy tại Trung Quốc vì phép húy của Việt Nam bắt nguồn từ phép húy của Trung Quốc. Chương này không đề cập đến phép húy tại các nước tây phương vì tại tây phương không có tục lệ kỵ húy. Phần phụ lục nói về hệ thống tên của một số nước trên thế giới để độc giả có tài liệu so sánh giữa hệ thống tên người Việt Nam và Trung Quốc với hệ thống tên người trên thế giới. Phần phụ lục gồm 3 phần. Phần một nói về tên người trong các nước chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc trong đó có Nhật và Đại Hàn. Phần hai nói về tên người La Mã và Do Thái là hai nước có hệ thống tên ảnh hưởng tới tên người tây phương. Phần ba nói về các tên người trong thế giới Ả Rập hay Hồi Giáo trong đó có Nam Dương và Ấn Độ.

Tính danh học Việt Nam là vấn đề rộng lớn, giống như ca dao tục ngữ, cần có sự đóng góp của nhiều người, nhiều địa phương, nhiều chủng tộc khác nhau. Do vậy, những gì được công bố hôm nay xin được coi là những nét sơ thảo về tính danh học của khối người kinh. Gọi là sơ thảo vì còn nhiều vấn đề chúng ta chưa biết tường tận. Ví dụ: chúng ta chưa biết lịch sử, ý nghĩa của hàng mấy trăm tên họ Việt Nam, chúng ta cũng có rất ít tài liệu về tính danh học của hơn 50 sắc dân thiểu số khác. Do vậy, chúng tôi không dám vội vã đưa ra kết luận cho môn tính danh học Việt Nam vì sợ nhận định còn phiến diện. Xin để công việc này cho các nhà nghiên cứu mai sau, một khi có đầy đủ tài liệu.

Chúng tôi ước mong có nhiều người chú ý đến lãnh vực này vì một khi vấn đề được nghiên cứu đầy đủ, môn tính danh học Việt Nam sẽ dọi thêm ánh sáng vào nhiều vấn đề văn hóa Việt Nam như tín ngưỡng dân gian, triết lý dân tộc, tâm lý và lịch sử xã hội. Sở dĩ tính danh học có thể làm được việc trên vì tên người Việt Nam được quan niệm là một báu vật linh thiêng, được dân gian gói ghém vào đó những gì gọi là ước vọng, tư tưởng tinh túy của dân tộc.

Chúng tôi lấy làm tiếc vì phương tiện eo hẹp, không được đọc hết những tài liệu tính danh học nằm rải rác trong các sách báo xuất bản sau 1975 tại quốc nội, cũng như không có cơ hội được đi đến từng địa phương ở Việt Nam để khảo sát tại chỗ. Do vậy, tác phẩm còn thiếu sót, chúng tôi thành khẩn kính mong quý thức giả bổ túc.

Tác giả chân thành cám ơn sự chỉ giáo và khuyến khích của nhiều bậc thức giả trưởng thượng. Tuy nhiên, phần trách nhiệm nội dung vẫn thuộc cá nhân chúng tôi.

Tái bản làn thứ nhất, San Jose, California tháng 7 năm 2016.