TIẾT H: BÍ DANH

1. Định Nghĩa Bí Danh: Khoảng đầu thế kỷ 20 khi các đảng phái chính trị hoạt động chống thực dân Pháp thì người ta thấy một loại tên mới xuất hiện. Đó là bí danh. Bí danh là tên thay cho tên chính được dùng vào mục đích chính trị. Một đảng viên, một người làm trong ngành an ninh, tình báo thường được đảng hay cơ quan đặt cho một bí danh với mục đích gây cho đối phương khó khăn khai thác lý lịch.

2. Mục Đích Của Bí Danh: Các người hoạt động chính trị được đặt bí danh để tránh sự bắt bớ của đối phương, đồng thời nói lên lý tưởng của mình. Ví dụ để tránh Nga Hoàng bắt bớ, các nhà lãnh đạo Cộng Sản Nga đã bỏ hẳn tên cũ, lấy bí danh làm tên thật của mình. Đó là các ông Lenin, Stalin,Trotsky. Lenin là bí danh, tên thật của ông là Vladimir Ilich Ulyanov. Stalin tên thật là Iosif Vissarionovich Dzhugashvili (1879-1953). Ông này có bí danh khác nữa là Koba, nghĩa là “Không Sợ Chi Cả”. Leon Trotsky là bí danh, tên thật của ông là Lev Davidovich Bronstein (1879-1940). Ở Đức, ông Herbert Ernst Karl Frahm (1913-1992) chống lại chính sách của Hitler, đổi thành Willy Brandt, và khi lên làm thủ tướng Tây Ðức, ông vẫn giữ bí danh này. Cũng như ở Trung Quốc, Lin Piao tức Lâm Bưu là bí danh của Lin Yu Yung.

Ở Việt Nam, một Nguyễn Sinh Côn thành Linov rồi Chủ Tịch Hồ Chí Minh(1890-1969). Một Trần Ngọc Nghiêm thành Lê Hồng, rồi thành Hoàng Minh Chính, từng là Tổng Thư Ký đảng Dân Chủ Việt Nam, là Viện Trưởng Viện Triết Học dưới chế độ Cộng Sản vào những năm của thập niên 1960. Cựu Trung Tướng Trần Độ có tên thật là Tạ Ngọc Phách, gia nhập đảng Cộng Sản nên nhận bí danh là Trần Độ. Con trai ông là Ðại Tá Thắng cũng mang họ Trần. Nhiều tướng lãnh quân đội Cộng Sản Việt Nam có bí danh như tướng Nguyễn Sơn bí danh là Võ Nguyên Thủy, Võ Nguyên Bác, tướng Nguyễn Bình có bí danh là Nguyễn Phương Thảo, tướng Văn Tiến Dũng có bí danh là Lê Hoài.

3. Nguyên Tắc Chọn Bí Danh: Nguyên tắc chọn bí danh là chọn cách đặt tên thông dụng nhất tại địa phương mà người đó hoạt động. Thực ra, giữa bí danh và tên thông thường không có gì khác nhau, cũng có tên họ, tên đệm, tên chính. Bí danh càng có ý nghĩa chung bao nhiêu, càng tốt bấy nhiêu để ai đọc lên tên ấy cũng tưởng là người này người nọ trong cùng địa phương. Lối đặt bí danh thông thường nhất mà đảng Cộng Sản Việt Nam đã áp dụng tại miền nam Việt Nam trong thời gian 1954-1975 là lấy con số thứ tự ghép với một từ ngữ. Ví dụ: Tổng Bí Thư đảng Cộng Sản Việt Nam, ông Nguyển Văn Linh có bí danh là Mười Cúc, cựu Thủ Tướng Võ Văn Kiệt có bí danh là Sáu Dân. Lối đặt tên này là một tập tục rất phổ thông tại nông thôn miền Nam.

Ngày mai: Thụy Hiệu