TIẾT D: TÊN HIỆU

1. Định Nghĩa Tên Hiệu: Theo định nghĩa của học giả Trung Quốc Sheau Yueh J. Chao, tên hiệu hay biệt hiệu là tên của nhà nho dùng để ghi dấu nơi chốn một người được giáo dục về mặt tri thức và đạo đức, đồng thời là nơi dùng để sáng tác hay biên soạn các tác phẩm văn chương, học thuật. Ngoài ra, các nhà nho cũng dùng tên hiệu để biểu lộ lý tưởng, đức tính, ý muốn, sở thích của mình.

2. Nguồn Gốc Tên Hiệu: Tên hiệu có tại Trung Quốc vào thời nhà Chu, nhưng tại Việt Nam, người ta chưa biết văn thi sĩ nào là người đầu tiên đặt tên hiệu cho mình. Lịch sử có nói đến các ông Trương Trọng, Lý Tiến, Lý Cầm là các du học sinh đi Trung Quốc dưới thời Hán, và Khương Công Phụ dưới thời Đường. Nhưng không thấy sử sách nào nói các ông này có tên hiệu là gì. Mãi đến thời nhà Trần, khi nền Hán học được khá phổ biến, đã có những văn thi sĩ, thì lúc ấy mới thấy một Nguyễn Trung Ngạn (1289-1370) có tên hiệu là Giới Hiên, một Trương Hán Siêu (?-1354) là Thăng Am.

3. Hình Thức Tên Hiệu: Phân tích tên hiệu của nho sĩ Việt Nam, ta có thể chia làm ba loại.

a. Tên hiệu chỉ nơi sinh hoạt trí thức. Tên loại này có hai chữ. Chữ đầu để diễn tả tinh thần hay khung cảnh làm việc. Chữ thứ hai chỉ nơi chốn làm việc. Để chỉ nơi chốn, các cụ thường dùng các chữ: Trai, Hiên, Am, Đường, Vân.

b. Tên hiệu chỉ nơi sinh quán. Tên loại này thường có tên làng xã hay tên sông núi nơi quê hương các cụ.

c. Tên hiệu để chỉ đức tính hay triết lý sống. Dù tên hiệu thuộc loại nào, các cụ bao giờ cũng cố gói ghém vào đó một lý tưởng đạo đức.

4. Phương Pháp Đặt Tên Hiệu Để Chỉ Nơi Đọc Sách: Nếu tên hiệu để chỉ nơi đọc sách hay sinh hoạt trí thức, các cụ áp dụng 5 cách sau đây.

a. Đặt tên hiệu với từ ngữ Trai: Trong Hán tự, chữ trai do tiếng trai phòng, thư trai, hay trai xá. Tất cả đều có nghĩa là nơi đọc sách hay thư viện. Nhiều bậc danh nho Việt Nam đã dùng từ trai để làm thành phần cho tên hiệu. Xin đan cử một số ví dụ:

Tên / Tên Hiệu / Ý Nghĩa

Phạm Sư Mạnh (thế kỷ 14) / Úy Trai / Phòng đóng kín

Lý Văn Phức (1785-1849) / Khắc Trai / Phòng nghiêm trang

Nguyễn Công Trứ (1778-1858) / Ngộ Trai / Phòng mở trí tuệ

Nguyễn Quý Tân (1811-1858) / Đĩnh Trai / Phòng tập tính ngay thẳng.

Nguyễn Trãi ( 1380-1442) / Ức Trai / Phòng suy tư

Phùng Khắc Khoan (1528-1613)/ Nghị Trai / Phòng bàn luận

Hoàng Diệu ( 1828-1882) / Tĩnh Trai /Phòng yên lặng

Phạm Quý Thích (1760-1825) / Lập Trai / Phòng lập thân

Nguyễn Hàm Ninh (1808-1867)/ Tĩnh Trai / Phòng yên lặng

b. Đặt tên hiệu với từ Hiên: Theo Từ Điển Hán Việt của ban Tu Thư Nghĩa Thục thì hiên là ngôi nhà nhỏ hoặc hành lang có cửa sổ dùng để làm thư phòng hay uống trà. Các danh nho xưa dùng từ hiên để làm thành phần tên hiệu của mình. Xin nêu các thí dụ sau:

Tên / Tên Hiệu / Ý Nghĩa

Nguyễn Trung Ngạn /Giới Hiên / Hiên nhà giới luật.

Lương Thế Vinh ( ? ) / Thụy Hiên / Hiên nhà quý giá

Nguyễn Nghiễm (1708-1775)/ Nghị Hiên / Hiên nhà bàn luận

Nguyễn Du (1765-1820) / Thanh Hiên / Hiên nhà thanh cao

Vũ Cán ( 1475- ?) / Tùng Hiên / Hiên nhà cây thông (tượng trưng người quân tử)

Phan Huy Uông ( ? ) / Nhã Hiên / Hiên nhà thanh cao

c. Đặt tên hiệu với từ Am: Am là lều tranh hay chùa nhỏ. Các nhà nho dùng từ này làm thành phần tên hiệu cho mình với ngụ ý nơi sinh hoạt trí thức đơn sơ, nghèo nàn.

Tên / Tên Hiệu / Ý Nghĩa

Nguyễn Cư Trinh (1716-1767) / Đạm Am / Nơi đạm bạc

Nguyễn Thông (1827-1894) / Độn Am / Nơi suy nghĩ

Lý Tử Tấn (1378-1457) / Chuyết Am / Nơi dừng chân

Phan Huy Ôn (1755-1786) / Chỉ Am / Nơi đạt lý tưởng

Trần Danh Án ( ?) / Liễu Am / Nơi hiểu rõ

Bùi Huy Bích (1741-1818) / Tồn Am / Nơi giữ thiên tính

Nguyễn Thiếp (?) / Hạnh Am / Nơi giữ đức tính

Trương Hán Siêu ( ? -1345) / Thăng Am / Nơi tiến cao hơn

Nguyễn Công Hãn (1680-1732) / Tĩnh Am / Nơi yên lặng

d. Đặt tên hiệu với từ Ðường: Đường có nghĩa là nhà chính trong cung thất. Các nhà nho chọn loại tên hiệu này để biểu lộ đức tính:

Tên / Tên Hiệu / Ý Nghĩa

Lê Quý Đôn (1726-1784) / Quế Ðường / Nhà hương thơm

Phạm Quý Thích (1760-1825) / Thảo Đường Cư Sĩ / Nhà lợp cỏ của cư sĩ

Phạm Phú Thứ / Trúc Đường / Nhà người quân tử (trúc tượng trưng người quân tử)

e. Đặt tên hiệu với từ Vân: Ngày xưa, người Trung Quốc dùng một thứ cỏ gọi là vân để kẹp trong sách, cho sách khỏi bị con nhậy cắn phá. Do đó, sách còn được người Trung Quốc gọi là vân biên, thư viện là vân đài hay vân thự, cửa sổ thư viện gọi là vân song. Các nhà nho dùng từ vân trong tên hiệu để chỉ nơi đọc sách như các từ am, hiên, trai, đường. Tất cả đều biểu lộ tâm tính thích đọc hay viết sách của các cụ. Cụ Chu Mạnh Trinh (1862-1905) có hiệu là Trúc Vân. Trúc Vân nghĩa là nơi đọc sách của bậc hiền nhân vì trúc trong nghệ thuật Trung Quốc tượng trưng cho người quân tử.

5. Đặt Tên Hiệu Để Chỉ Nơi Sinh Quán: Lấy địa danh làm tên hiệu có hai cách. Cách thứ nhất là lấy tên quê quán hay tên làng. Cách thứ hai lấy tên núi non, sông hồ nơi sinh quán để làm tên hiệu:

a. Lấy tên quê quán làm tên hiệu: Người Trung Quốc cũng như Việt Nam đều có tâm tình rất gắn bó với quê cha đất tổ, được biểu lộ trong phong tục lấy tên quê quán làm tên hiệu: Xin đan cử một vài ví dụ: Tại Trung Quốc, chính trị gia Tôn Văn là người ở huyện Trung Sơn nên ông lấy tên hiệu là Trung Sơn. Nhà chủ trương dân chủ Khang Hữu Vi lấy hiệu là Nam Hải vì quê quán ông ở Nam Hải.

Tại Việt Nam, thân phụ chiến lược gia Nguyễn Trãi là Nguyễn Phi Khanh (thế kỷ14) có tên hiệu là Nhị Khê vì ông cư ngụ tại làng Nhị Khê, phủ Thường Tín, Hà Đông. Tác giả bộ Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca là cụ Phạm Đình Toái có tên hiệu là Song Quỳnh vì cụ người xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Học giả Phạm Quỳnh (1892-1945), ngoài tên hiệu Thượng Chi, còn có tên Hồng Nhân vì chánh quán ở làng Thượng Hồng, Hải Dương.

b. Lấy tên sông núi làm tên hiệu: Theo quan niệm triết lý Lão Trang, người xưa tin rằng: Nhân giả nhạo sơn, trí giả nhạo thủy, nghĩa là người có lòng nhân thích núi, người có tri thức thích nước. Do vậy, giới nho sĩ rất thích dùng tên núi non, sông nước để biểu lộ nhân cách, tư tưởng của mình. Tên hiệu loại này, nếu chỉ sông, có từ Giang hay Xuyên. Nếu chỉ núi có từ Sơn. Các cụ tin rằng chính sông núi đã hun đúc nên con người và tài năng các cụ. Thi sĩ Nguyễn Khắc Hiếu (1889-1939) dùng bốn câu thơ sau đây giải thích lý do tại sao ông chọn tên hiệu Tản Đà:

Vùng đất Sơn Tây nẩy một ông

Tuổi chửa bao nhiêu văn rất hùng

Sông Đà núi Tản ai hun đúc

Bút thánh câu thần sớm vãi vung.

Cụ Nguyễn Du lấy tên hiệu là Hồng Sơn Liệp Hộ vì quê ông ở Tiên Điền, Hà Tĩnh có dẫy núi Hồng Lĩnh. Xin đan cử các nho sĩ lấy tên hiệu với từ Sơn:

Tên / Tên Hiệu

Nguyễn Khuyến (1835-1909) / Quế Sơn

Nguyễn Thượng Hiền (1868-1926) / Mai Sơn

Tùng Thiện Vương (1819-1870) / Thương Sơn

Đỗ Cận (thế kỷ 15) / Phổ Sơn

Đặng Nguyên Cẩn (1876-1922) / Thái Sơn

Các nho sĩ lấy tên hiệu với từ: Xuyên, Giang, có nghĩa là sông như nhà thơ trào phúng Trần Tế Xương lấy hiệu là Vị Xuyên vì quê ông ở gần sông Vị. Còn từ Xuyên có nghĩa là sông. Thi sĩ Lâm Tấn Phác (1906- 1969) lấy hiệu là Đông Hồ vì quê ông ở Hà Tiên có hồ nước tên là Đông Hồ. Ngoài ra ta có thể kể thêm một số ví dụ:



Tên / Tên Hiệu

Hoàng Cao Khải ( 1850-1933) / Thái Xuyên

Phan Thanh Giản ( 1796-1867) / Mai Xuyên

Nguyễn Thống (1827-1894) / Kỳ Xuyên

Nguyễn Tri Phương (? -1873) / Đường Xuyên

Ngô Đức Kế (1878-1929) / Tập Xuyên

Nguyễn Văn Lạc (1842-1915) / Sầm Giang

Nguyễn Thiên Tùng (?) / Ðức Giang

Trần Quý Cáp (1871-1908) / Thái Xuyên

6. Phương Pháp Đặt Tên Hiệu Để Diễn Tả Đức Tính Hay Triết Lý Sống: Tư tưởng Lão Trang ảnh hưởng rất rõ tới tầng lớp sĩ phu Việt Nam qua việc lấy tên hiệu. Để biểu lộ tư tưởng triết học này, các cụ xa tránh công danh, tìm vui thú nơi điền viên thôn dã. Tiêu biểu là: cụ Chu Văn An ( ?-1370) lấy hiệu là Tiều Ẩn, nghĩa là người kiếm củi ở ẩn. Ông Nguyễn Quý Tân (1814-1858) đỗ Tiến Sĩ đời Thiệu Trị, lấy tên hiệu là Túy Tiên, tức ông tiên say. Cụ Phạm Đình Hổ (1768-1839), tác giả Vũ Trung Tùy Bút, lấy hiệu là Đông Dã Tiều, nghĩa là người kiếm củi ở cánh đồng phía đông. Nhà danh y Việt Nam ở cuối thế kỷ 18 là Lê Hữu Huân (Quân) hay Lê Hữu Trác có tên hiệu Hải Thượng Lãn Ông, nghĩa là ông già lười biếng ở trên biển. Chữ Hải Thượng có nghĩa là trên biển, nhưng đồng thời là tên quê quán. Nguyên quán của ông ở trấn Hải Dương, làng Thượng Hồng. Còn chữ Lãn có trong câu thơ của ông: “Thiện diệc lãn vi hà huông ác; Qúi do bất nguyện khởi ưu bần”Nghĩa là Lành cũng biếng làm huống chi kẻ dữ; Sang còn không thích há lo nghèo. Cụ Nguyễn Đôn Phục (1878- ?) bỉnh bút của Nam Phong Tạp Chí lấy tên hiệu là Tùng Vân Đạo Nhân, nghĩa là người tu tiên để tâm hồn bay theo mây gió.

7. Áp Dụng Phương Pháp Đặt Tên Tự Để Đặt Tên Hiệu: Như đã nói trong phần tên tự, giới nho sĩ ngày xưa áp dụng nguyên tắc dùng tiếng đồng nghĩa, điển tích hay từ ngữ trong cổ thư để đặt tên tự. Trong việc đặt tên hiệu, các cụ cũng áp dụng nguyên tắc này để đặt tên hiệu. Xin liệt kê ba nguyên tắc sau:

a. Dùng tiếng đồng nghĩa với tên chánh để đặt tên hiệu: Ta có thể nêu ra các thí dụ điển hình sau đây: Nữ sĩ Đoàn Thị Điểm có tên hiệu là Ban Tang. Hai chữ Điểm và Ban đồng nghĩa. Điểm nghĩa là chấm nhỏ, Ban có nghĩa là lốm đốm, còn Tang là dấu vết. Cụ Trương Hán Siêu có tên tự là Thăng Phủ, tên hiệu là Thăng Am. Từ ngữ Siêu và Thăng đều có nghĩa là vượt lên trên chỗ cao hơn. Còn từ ngữ Phủ chỉ sự tôn kính, chữ Am chỉ nơi sinh hoạt trí thức của cụ.

b. Dùng câu văn trong cổ thư để đặt tên hiệu: Ta có thể nêu các thí dụ sau: Cụ Nguyễn Cư Trinh (1716-1767), tác giả chuyện Sãi Vãi, lấy tên hiệu là Đạm Am. Chữ Đạm có trong câu của Khổng Minh dậy con: Đạm Bạc Dĩ Minh Chí, nghĩa là dùng cách sống đạm bạc để tỏ chí khí mình. Học giả Phạm Quỳnh (1892-1945) lấy tên hiệu là Thượng Chi. Cụ lấy tên này từ một câu trong Kinh Thi có tên chính của cụ: Thượng Chi Dĩ Quỳnh Hoa Hồ Nhi, nghĩa là để thêm vào đồ trang sức thì lấy hoa quỳnh mà thêm vào. Giáo sư Nghiêm Toản, trưởng ban Hán Văn của Đại Học Văn Khoa Sàigòn, có tên hiệu là Hạo Nhiên. Hai từ này được trích trong câu của Mạnh Tử: Ngã Thiện Dưỡng Ngô Hạo Nhiên Chi Khí, nghĩa là ta phải nuôi cái chí khí chính đại.

c. Dùng điển tích để đặt tên hiệu: Ta có thể nêu các thí dụ sau: nhà cách mạng Phan Bội Châu (1867-1940) lấy tên hiệu là Sào Nam. Hai từ này rút ra trong điển tích Việt Điểu Sào Nam Chi, nghĩa là con chim Việt làm tổ ở cành phía nam. Cụ lấy tên này để biểu lộ lý tưởng lúc nào cũng hoài niệm tới tổ quốc. Học giả Nguyễn Văn Toán, tác giả nhiều bộ sách về phong tục, có tên hiệu là Toan Ánh. Toan là nghèo khổ, Ánh là ánh sáng. Tên Toan Ánh lấy từ điển tích Ánh Tuyết Độc Thư. Theo tích này, Tôn Khang, đời Tấn, nhà nghèo, không có đèn, phải nhờ ánh sáng phản chiếu của tuyết mà đọc sách. Chuyện trên ngụ ý nói có khắc khổ chăm học mới thành tài. Học giả Nguyễn Văn Toán đã ký thác hoàn cảnh mình qua tên hiệu Toan Ánh.

Khi nho học tàn lụi dần, nhường chỗ cho nền văn hóa tây phương thì tên hiệu của tầng lớp sĩ phu cũng biến mất. Thay vào đó, xuất hiện một loại tên mới trong giới trí thức Việt Nam, đó là bút hiệu.

Ngày mai: Bút Hiệu